Thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam
Ngày 19-10, Đại hội thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các đại biểu nhân ngày 20-10
Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) có mục đích tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ, phát huy năng lực, vai trò của nữ doanh nhân vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiệp hội cầu nối cộng đồng nữ doanh nhân với Chính phủ, các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội; liên kết các thành viên trong hiệp hội trong sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động của cộng đồng, đại diện cho phụ nữ tham gia kinh tế; khẳng định vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 thành viên; bầu bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương là Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam nhiệm kỳ 2014- 2019 và 5 Phó Chủ tịch Hiệp hội.
-------------------------
Quốc lộ 18 bắt đầu được thu phí
Để hoàn vốn đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn TP Uông Bí – TP Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép chủ đầu tư được tổ chức thu phí từ 0h ngày 19/10.
Theo quyết định của Bộ GTVT, mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Đại Yên km97+050 quốc lộ 18 được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Tổng cục Đường bộ sẽ hướng dẫn, kiểm tra và giám sát nhà đầu tư triển khai thu phí tại các trạm để hoàn vốn đầu tư dự án BOT. Cơ quan này cũng có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra tình hình thực hiện quản lý thu phí, an toàn giao thông tại các trạm thu...
Trước đó ngày 9/10, Đoàn công tác của Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi tổng nghiệm thu dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 Uông Bí - Hạ Long. Sau khi đi thị sát toàn tuyến, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường và các thành viên đánh giá hiện tuyến đường này đã đủ điều kiện an toàn đưa vào khai thác sử dụng, nhà đầu tư có thể tiến hành thu phí ngay trong tháng 10 này.
Dự án mở rộng quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Uông Bí dài 30 km được đầu tư mở rộng từ 2 lên 4 làn xe cơ giới, thiết kế có dải phân cách cứng ở giữa, tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ tối đa 80 km/h. Tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng theo hình thức BOT.
Sau 2 năm triển khai, ngày 18/5 vừa qua, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Bộ Giao thông đã đồng ý cho chủ đầu tư thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, ngay sau đó, đoạn đường gần 9 km xuất hiện nhiều rãnh lún dài theo vết xe. Chủ đầu tư đã phải xử lý các vệt hằn lún và theo dõi nền đường ổn định sau nhiều tháng.
Mức thu phí trên quốc lộ 18
Vé lượt của xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn lần lượt là 30.000 đồng. Vé lượt xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn lần lượt là 40.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn thu phí 50.000 đồng. Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet là 80.000 đồng. Xe tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet thì mức phí áp dụng là 160.000 đồng.
-------------------------
Hơn 800 tỷ đồng xây nút giao cầu Thanh Trì - quốc lộ 5
Sáng nay, dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao cầu Thanh Trì với quốc lộ 5 (Hà Nội) chính thức được khởi công, dự kiến hoàn thành sau 15 tháng thi công.
Gói thầu có tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng, gồm xây dựng 4 nhánh cầu với mặt cắt ngang mỗi nhánh 7-9m, mở rộng cầu vượt quốc lộ 5 ghép nối với các nhánh cầu, mở rộng quốc lộ 5, xây dựng hệ thống tường chắn tại vị trí lên xuống của các nhánh trên quốc lộ...
Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc Cienco 4 (đơn vị thi công dự án) khẳng định đây là dự án phức tạp, vừa giao với đường bộ, đường sắt, nhưng với ý nghĩa là cửa ngõ của Thủ đô nên sẽ tập trung tối đa nguồn lực, để dự án được sớm đưa vào hoạt động. Dự kiến trong vòng 14-15 tháng, dự án sẽ hoàn thành, vượt tiến độ 4 tháng.
Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, việc chắp nối các đường nhánh mới lên cầu vượt không gặp khó khăn về kỹ thuật, không phải đập bỏ hay mở rộng mặt cầu, chỉ cần làm đường dẫn rồi tháo lan can cầu là xe có thể lưu thông.
Nút giao, cầu Thanh Trì nối quốc lộ 5, được đưa vào sử dụng năm 2007, tuy nhiên do một số bất cập trong thiết kế khiến tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên. Hướng ùn tắc nặng nhất là từ nội thành Hà Nội rẽ về Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn (quốc lộ 1B) và hướng từ cầu Thanh Trì, quốc lộ 1B xuống đường 5 để đi Hải Phòng.
-------------------------
Xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông
Sau khi điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, rà soát các hạng mục, đơn vị thi công đèo Cả giảm được hơn 3.600 tỷ đồng đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải quyết định giành khoản tiền này tiếp tục xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Châu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa đồng ý xây hầm đường bộ quốc lộ 1A nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên xuyên đèo Cù Mông.
"Kinh phí đề xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông được trích từ nguốn vốn còn dư trong quá trình thi công hầm đường bộ Đèo Cả (nối hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên)", ông Châu nói.
Hiện Sở Giao thông Vận tải Bình Định, Tổng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (đơn vị thi công hầm Đèo Cả) và công ty tư vấn nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
Theo ông Châu, việc xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông không chỉ rút ngắn quãng đường, giảm khoảng 45 phút đi lại trên đèo như hiện nay mà còn góp phần giảm tai nạn giao thông trên cung đường nguy hiểm này.
Lãnh đạo Công ty CP đầu tư đèo Cả cho biết thêm, theo quyết định phê duyệt dự án hầm đường bộ qua đèo Cả của Bộ Giao thông Vận tải năm 2012, tổng mức đầu tư của dự án hơn 15.600 tỷ đồng. Dự án dài hơn 13,4 km, trong đó phần hầm đèo Cả dài hơn 4 km và hầm Cổ Mã dài hơn 500 m (nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) theo hình thức BOT và BT.
Sau khi tính toán, rà soát lại các hạng mục đầu tư, điều chỉnh lại đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy, thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả giảm xuống còn 11.978 tỷ đồng ( tiết kiệm 3.626 tỷ đồng) so với mức phê duyệt ban đầu. Chi phí tiết kiệm từ hầm đèo Cả, nhà đầu tư đề xuất Bộ sử dụng để đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông dài gần 6,5km, trong đó chiều dài hầm gần 2,5km, đường dẫn hơn 4km. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 4.900 tỷ đồng, không lập thêm trạm thu phí mới.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô hai làn xe, xây dựng một ống hầm và đoạn đường dẫn với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2, cân đối vốn tiếp tục đầu tư ống hầm song song với giai đoạn 1 và hoàn thiện đường dẫn với quy mô bốn làn xe.
-------------------------
Khởi công cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng
Chiều 17/10, cây cầu nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã được khởi công.
Dự án cầu Thái Hà có chiều dài tuyến chính 2,8 km (trong đó phần cầu dài hơn 2,1 km; phần đường dẫn dài 687 m), tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng do doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án dự kiến được hoàn thành năm 2016, chủ đầu tư sẽ thu phí với thời gian là 19 năm 2 tháng.
Dự án cầu Thái Hà hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông tỉnh Thái Bình, Hà Nam, mạng lưới hạ tầng khu vực đồng bằng sông Hồng, vành đai 5 - vùng thủ đô Hà Nội và góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, những năm qua, nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ nên kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam, Thái Bình đã có nhiều bước phát triển. Sự đóng góp từ các nhà đầu tư đã giúp hạ tầng giao thông phát triển kết nối đồng bộ với toàn vùng đồng bằng sông Hồng.
Phó thủ tướng cũng đánh giá cao các nhà đầu tư, đồng thời tin tưởng người dân địa phương ủng hộ về giải phóng mặt bằng để dự án về đích đúng tiến độ, đạt chất lượng.
-------------------------