Trung Quốc cách chức 5 uỷ viên trung ương đảng
Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 18) diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 20 đến 23.10 để thảo luận hai nội dung quan trọng là thông qua nghị quyết “Quyết định quan trọng về việc thúc đẩy toàn diện pháp trị trong cả nước” và thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao do trung ương quản lý.
Đặc biệt, việc thay đổi nhân sự cấp cao đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, theo thời báo Hoàn Cầu.
Theo tờ Đại Công báo, tại Hội nghị trung ương lần thứ 4 này có ít nhất 5 ủy viên, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị cách chức, khai trừ đảng tịch, đồng thời hội nghị sẽ thảo luận nhân sự thay thế cho 5 vị trí nêu trên.
5 nhân vật sẽ bị cách chức nói trên gồm: Tưởng Khiết Mẫn (chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra và Quản lý Tài sản Nhà nước), Lý Đông Sinh (Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc), Lý Xuân Thành (Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên), Vương Vĩnh Xuân (Phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) và Vạn Khánh Lương (Bí thư Thành ủy Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông).
Việc nghe báo cáo thẩm tra và cách chức 5 ủy viên trung ương trong một Hội nghị trung ương đảng là việc cực kỳ hiếm thấy của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước đến nay, theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc.
Theo điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc cách chức ủy viên hoặc ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW phải được sự đồng ý của 2/3 số ủy viên ban chấp hành trung ương. Trong trường hợp đặc biệt, sẽ do Bộ chính trị quyết định nhưng phải được thông qua tại phiên họp toàn thể.
Do đó, căn cứ điều lệ đảng, các ủy viên dự khuyết sẽ được xem xét để bổ nhiệm trở thành ủy viên chính thức. Hiện danh sách ủy viên dự khuyết có hai ứng viên có khả năng trở thành ủy viên chính thức là Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Mã Kiến Đường và Tổng cục trưởng Tổng cục Tôn giáo Vương Tác An.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 11 năm 2012, có 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự khuyết được các đại biểu bầu ra. Mã Kiến Đường và Vương Tác An sau khi trở thành ủy viên chính thức, cộng với 3 ủy viên dự khuyết bị cách chức, danh sách ủy viên dự khuyết của Ban chấp hành trung ương còn lại 166 người.
Ngoài 2 nhân sự bổ sung cho ban chấp hành trung ương lần này, hội nghị sẽ phải quyết định xử lý hai nhân sự thuộc diện trung ương quản lý là Bí thư Thành ủy Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) Trần Xuyên Bình và Phó chủ tịch khu vực tự trị Nội Mông Phan Dật Dương.
Ngoài ra, vấn đề thay đổi nhân sự trong Quân uỷ trung ương Trung Quốc sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị ban chấp hành trung ương lần 4 này. Việc thay đổi nhân sự trong hội nghị lần này được đánh giá là thành quả chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
-------------------------
Máy bay Singapore gặp thời tiết xấu, 22 người bị thương
Ngày 19-10, hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) cho biết chuyến bay từ Singapore tới Mumbai (Ấn Độ) của hãng vào ngày 18-10 gặp thời tiết xấu khiến 22 hành khách và nhân viên phi hành đoàn bị thương.
Theo AFP, SIA cho biết chuyến bay SQ 424 chở 408 hành khách và 25 nhân viên phi hành đoàn bất ngờ gặp thời tiết xấu và bị rung lắc dữ dội khi bắt đầu giảm độ cao để hạ cánh xuống sân bay Mumbai hôm qua 18-10.
Tổng cộng tám hành khách và 14 nhân viên phi hành đoàn bị thương. Họ đã được đội ngũ nhân viên y tế ở sân bay Mumbai sơ cứu. Sau đó cả tám hành khách và 10 nhân viên phi hành đoàn phải nhập viện điều trị. Dù vậy đến nay chỉ còn hai hành khách vẫn đang phải nằm viện.
“Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe của các hành khách và nhân viên phi hành đoàn. SIA sẽ hỗ trợ tối đa nhà chức trách để điều tra vụ việc” - một người phát ngôn SIA cho biết.
Mới đây hãng tin Channel News Asia của Singapore đã đăng tải hình ảnh chụp trong khoang máy bay. Một bức ảnh chụp cảnh vệt máu lớn dính trong cabin. Một bức ảnh khác là cảnh một nam hành khách phải băng kín đầu vì chấn thương.
--------------------------
Bắc Kinh sẽ không mạnh tay với Hong Kong
Trung Quốc sẽ không tìm cách vội kết thúc tình trạng leo thang chính trị ở Hong Kong, nhằm tránh những rắc rối có thể xảy ra trước một số sự kiện quan trọng ở Bắc Kinh sắp tới.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn các nguồn tin thân cận với chính quyền trung ương Bắc Kinh cho biết có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang quan ngại những “nhóm cực đoan” ở Hong Kong kích động “nền độc lập chính trị trên thực tế của Hong Kong dưới vỏ bọc dân chủ và có sự phối hợp tích cực với các lực lượng nước ngoài”.
Trung Quốc sẽ không cứng rắn
Hôm qua, lần đầu tiên Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc đề cập đến việc phong trào “chiếm đóng trung tâm” ở Hong kong đang nỗ lực tìm kiếm “nền độc lập chính trị ở Hong Kong”. Tờ báo cho rằng các nhà tổ chức biểu tình muốn “Hong Kong tự quyết và thậm chí còn muốn có độc lập”.
Ông Đổng Lập Khôn, cựu quan chức thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không muốn xảy sự cố ngoài ý muốn nếu các cuộc biểu tình tiếp tục trong thời gian hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 tới.
“Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét nhiều chính sách liên quan đến Hong Kong. Chúng tôi đã nhấn mạnh quá nhiều về vấn đề hai chế độ nhưng bàn chưa đủ về vấn đề một đất nước” - ông Đổng nhận định.
Đồng tình với ý kiến này, một nhà nghiên cứu chính sách nội địa giấu tên của chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng một số tổ chức và cá nhân ở Hong Kong có thể đang nghĩ rằng nếu hiện nay họ khiến cho cuộc biểu tình trở nên lớn hơn thì chính quyền trung ương sẽ bị ảnh hưởng từ áp lực quốc tế.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp vì yêu cầu của những người biểu tình là trái luật nhưng giới lãnh đạo cũng sẽ tránh để đổ máu. Miễn là chúng tôi điều hành theo nguyên tắc “một đất nước hai chế độ” thì không quốc gia nào khác có thể trách cứ Trung Quốc về chuyện này” - nhà nghiên cứu trên khẳng định.
Biểu tình leo thang
Biểu tình ở quận Mong Kok đang leo thang khi các quan chức cấp cao của Hong Kong đang tham dự kỳ họp thường niên lần thứ 4 của Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18, diễn ra trong 4 ngày ở Bắc Kinh.
Hàng chục người, cả thường dân và cảnh sát Hồng Kong, đã bị thương trong các cuộc đụng độ trong những ngày qua. Nhiều quan chức Hồng Kong, trong đó có cả đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đều cho rằng “biểu tình ở Hồng Kong đang vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Cảnh sát Hồng Kong cho biết đã bắt một thanh niên 23 tuổi ở khu Thiên Thủy Vi vì người này đã phát tán tin nhắn trên mạng kêu gọi người biểu tình buộc tội cảnh sát đã bao vây và làm tê liệt hệ thống xe lửa ở đặc khu này.
Cuộc đối thoại giữa chính quyền Hồng Kong và sinh viên dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng 18g đến 20g ngày 21-10 (theo giờ địa phương). Ông Alex Chu Vĩnh Khang, tổng bí thư Liên đoàn sinh viên Hồng Kong, cho biết chương trình sẽ truyền hình trực tiếp và các nhà sáng lập “phong trào chiến đóng Trung tâm” cũng như nhiều học giả Hong Kong đã nhận được thư mời đến xem cuộc đối thoại từ một căn phòng ở sát phòng diễn ra đối thoại.
Nói qua kênh truyền hình ATV World tối hôm qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh khẳng định rằng Bắc Kinh hoàn toàn tin tưởng vào khả năng xử lý các cuộc biểu tình của ông và chỉ trích thế lực bên ngoài đang nhúng tay vào tình hình biểu tình ở Hồng Kong. “Có những thế lực bên ngoài nhúng tay vào. Đây hoàn toàn không còn là phong trào trong nội địa Hong Kong nữa và nó đang vượt ngoài tầm kiểm soát” - ông Lương Chấn Anh nói qua truyền hình.
Đáp lại, Alex Chu Vĩnh Khang gọi những cáo buộc trên là hoàn toàn bịa đặt và tuyên bố biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi chính quyền Hồng Kong xem xét gói cải cách khả thi cho tình hình ở đặc khu này.
-------------------------
Đụng độ tại Hong Kong, hàng chục người bị thương
Ngày 19-10, chính quyền Hong Kong cho biết hơn 20 người đã bị thương khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình sáng nay.
Theo AFP, sáng nay hàng chục cảnh sát với lá chắn và dùi cui đã xông vào trấn áp đám đông người biểu tình ở khu mua sắm Mongkok.
“Ít nhất một người bị cảnh sát đánh dùi cui vào đầu ba lần, bị chảy máu nghiêm trọng” - AFP dẫn lời người biểu tình Carla Chau, 20 tuổi. Có 10 người đang phải điều trị trong bệnh viện Kwong Wah với những vết thương ở đầu, chân và tay. Một số phải được khiêng bằng cáng đến bệnh viện.
Sở Cảnh sát Hong Kong khẳng định lực lượng an ninh chỉ “sử dụng vũ lực tối thiểu” bởi người biểu tình muốn “xông vào hàng rào cảnh sát”. Tuy nhiên các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố không hề có bất cứ hành động nào khiêu khích cảnh sát.
“Chúng tôi không hề làm gì. Cảnh sát đánh chúng tôi không có lý do. Chúng tôi không hề khiêu khích” - người biểu tình Jackie, 30 tuổi, bức xúc. Anh bị đánh chảy máu và phải băng đầu.
Trước đó, chính quyền Hong Kong xác nhận sẽ đàm phán với các thủ lĩnh sinh viên vào ngày 21-10, tập trung vào việc cải tổ chính trị.
Tuy nhiên, báo chí địa phương dự báo ,cuộc đám phán sẽ không đem lại kết quả. Bởi chính quyền Trung Quốc không chấp nhận việc Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức và Hong Kong tổ chức bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017 theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.
-------------------------
Nga - Trung giữ bí mật vấn đề khí đốt
Trong chuyến thăm chính thức Nga mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước ký gần 40 thoả thuận trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là kinh tế - tài chính. Đáng chú ý, thoả thuận về khí đốt mới được ký kết đề cập cụ thể việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo “đường dẫn Phía Đông” (mạn đông Siberia).
Thực ra, đây chính là việc cụ thể hóa thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD mà doanh nghiệp hai nước ký hồi tháng 5. Tuy nhiên, tới nay vẫn không rõ giá khí đốt mà Nga bán cho Trung Quốc là bao nhiêu, rất có thể vì hai bên muốn giữ bí mật, hoặc chưa thống nhất được với nhau về giá.
Nhiều người đoán rằng, Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng khó khăn của Nga (do các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của phương Tây gây nên) để đòi hỏi những điều kiện có lợi nhất cho mình.
Theo nhiều chuyên gia, Nga hy vọng Trung Quốc sẽ đầu tư lớn vào việc xây dựng đường dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” trực tiếp phục vụ việc đưa khí đốt sang Trung Quốc. Vài tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả trước tiền mua khí đốt cho Nga 25 tỷ USD, coi đó là phần đóng góp của mình vào việc xây dựng tuyến đường “Sức mạnh Siberia”.
Ngoài “đường dẫn Phía Đông”, Nga và Trung Quốc còn thương thảo về “đường dẫn Phía Tây” (mạn tây Siberia) cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, nhưng đàm phán có vẻ đang lâm vào bế tắc. Trước đây, hai bên hy vọng sẽ giải quyết được mọi trở ngại về vấn đề này ngay vào tháng 11. Nhưng giờ đây, Thủ tướng Nga bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thoả thuận với Trung Quốc về “đường dẫn Phía Tây” vào sang năm.
-----------------------