Đến năm 2020, lập 77 khu công nghiệp tại đồng bằng sông Hồng
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển thương mại Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo tính toán của Bộ này về mục tiêu phát triển các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN – KCX), từ nay đến năm 2020 dự kiến sẽ thành lập mới 77 khu công nghiệp, thu hút khoảng 3 tỷ USD vào hạ tầng và 40 tỷ USD vào sản xuất kinh doanh của các KCN trên địa bàn.
Cụ thể, từ nay đến 2015 sẽ xem xét thành lập mới có chọn lọc 34 khu công nghiệp với tổng diện tích 11.000 – 12.000 ha, đưa tổng diện tích các KCN dự kiến lên khoảng 25.000 ha, thu hút đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD vào hạ tầng các KCN; cùng đó sẽ thu hút khoảng 18 – 20 tỷ USD vào sản xuất kinh doanh tại các KCN trên địa bàn. Dự tính từ nay đến năm 2020 sẽ thành lập mới 77 KCN.
-------------------------
Quảng Trị có Chủ tịch UBND tỉnh mới
Trong kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Quảng Trị (QT) lần thứ 13 khóa 6 ngày 17.11, ông Nguyễn Đức Chính - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Chính đạt 100% số phiếu tán thành của đại biểu HĐND tỉnh, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh QT nhiệm kỳ 2011-2016 thay cho ông Nguyễn Đức Cường – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh QT nghỉ hưu theo chế độ từ đầu tháng 11.2014.
-------------------------
Nâng tỷ lệ muối chế biến lên 100% vào năm 2020
Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiều chính sách hỗ trợ đi kèm.
Theo quy hoạch trên, cả nước sẽ giữ ổn định 11 cơ sở chế biến muối lớn, với tổng công suất khoảng 385 nghìn tấn/năm. Giai đoạn 2014-2020, sẽ đầu tư 2 cơ sở chế biến muối tinh tại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), công suất 50 nghìn tấn/năm, đồng thời nâng cấp 55 cơ chế biến quy mô nhỏ.
Đến năm 2015, tổng diện tích muối cả nước là 14.660 ha, sản lượng đạt 1,1 triệu tấn (muối công nghiệp chiếm gần 50%); diện tích làm muối sạch có trải bạt nền ô kết tinh chiếm 20-30%.
-------------------------
Hà Nội triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 tại 42 cửa hàng
Ngày 17/11, tại hội nghị quản lý Nhà nước về xăng dầu và tổ chức kinh doanh xăng sinh học E5, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định trong thời gian tới sẽ triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 tại 42 cửa hàng xăng dầu trên toàn địa bàn thành phố.
Cụ thể, trong tháng 12 dự kiến sẽ triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 tại 28 cửa hàng trên toàn thành phố, bao gồm công ty xăng dầu dầu khí Hà Nội (PVOil Hà Nội) 8/8 cửa hàng, Công ty xăng dầu khu vực I 12/72 cửa hàng, Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình 5/39 cửa hàng, Tổng công ty xăng dầu Quân đội 1/15 cửa hàng, Công ty hóa dầu quân đội 2/8 cửa hàng.
Đến tháng 2/2015 sẽ tiếp tục triển khai kinh doanh xăng E5 tại 14 cửa hàng xăng dầu của Tổng công ty xăng dầu quân đội, nâng tổng số cửa hàng kinh doanh xăng dầu kinh doanh xăng E5 lên 42 cửa hàng.
Một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang triển khai việc kinh doanh xăng sinh học E5 đối với các doanh nghiệp đầu mối, các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có Công ty cổ phần xăng dầu khí Hà Nội đã kinh doanh xăng sinh học E5 từ năm 2008.
Đến nay toàn hệ thống công ty có 5/8 cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5. Lượng xăng E5 bán ra chiếm khoảng 36,7% trên tổng lượng xăng tiêu thụ tại 5 cửa hàng.
Theo báo cáo của công ty, công ty hiện có trạm phối trộn ở Hải Phòng với công suất khoảng 80 m3/giờ.
Ngoài ra, công ty xăng dầu khu vực 1 hiện cũng đã xây dựng xong và nghiệm thu trạm phối trộn tại Đức Giang với công suất khoảng 80-100 m3/giờ. Theo đó, công ty sẽ nâng công suất của trộn theo nhu cầu thực tế của thị trường qua từng thời điểm nhất định.
Nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn về những khó khăn khi triển khai kinh doanh xăng sinh học E5.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Công ty xăng dầu khu vực I cho biết công ty xăng dầu khu vực I là doanh nghiệp lớn, sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc.
Hiện công ty đã xây dựng xong trạm phối trộn tại tổng kho Đức Giang và sau ngày 20/11 sẽ đi vào hoạt động, theo đúng lộ trình đề ra.
Tuy nhiên, đơn vị cũng mong muốn Nhà nước có hỗ trợ doanh nghiệp khi kinh doanh xăng sinh học E5 và đặc biệt nên có chính sách giảm giá khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xăng này.
Thực tế, trong quá trình triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 tại Hà Nội sẽ gặp những khó khăn nhất định do nguồn cung cấp xăng E5 trên địa bàn chưa nhiều, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi mặt hàng kinh doanh.
Người dân cũng còn e ngại khi chuyển sang dùng sản phẩm mới nên một số địa điểm, lượng tiêu thụ không cao.
Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng bán xăng E5 ít, chưa tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm đối với khách hàng, các phương tiện chứa, trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu còn nhiều hạn chế.
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Sẽ phải làm tốt công tác tuyên truyền trên địa bàn thành phố để người dân hiểu được tác dụng của việc sử dụng xăng E5.
Tới đây, Sở Công Thương sẽ trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành lộ trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.
Trước hết, sau cuộc họp này sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố ra văn bản chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện bán xăng E5.
Tiếp đó, sẽ rà soát kinh doanh xăng dầu xem doanh nghiệp nào đủ khả năng đáp ứng bán xăng E5 ngay sẽ vận động thực hiện ngay.
Với kế hoạch đề ra của Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian gần, đông đảo người dân sẽ được sử dụng xăng sinh học E5 góp phần bảo vệ môi trường, mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội khác.
-------------------------
Nhiều ngân hàng báo lợi nhuận giảm
Thời hạn cuối cùng công bố báo cáo tài chính quý 3/2014 vừa kết thúc (15/11), hầu hết các ngân hàng đều báo lãi dù lợi nhuận giảm, thậm chí có ngân hàng nợ xấu tăng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2014 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, lũy kế 9 tháng lợi nhuận sau thuế đạt 3.272 tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013; nợ xấu ở mức 2,54% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,72% hồi đầu năm. Ngân hàng Xuất nhập khẩu có lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 734 tỷ, giảm 16,5%; nợ xấu tăng hơn 60% và chiếm 3,35% trên tổng dư nợ. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam lợi nhuận lũy kế trước thuế 9 tháng đạt 1.163 tỷ đồng, bằng 98,5% mục tiêu năm 2014.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của các ngân hàng khác như: TMCP Á Châu đạt 837 tỷ đồng; Sài Gòn Thương Tín đạt 2.402 tỷ; Quốc tế Việt Nam đạt 798 tỷ đồng (chưa trích lập dự phòng); TMCP Tiên Phong đạt 447 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng); TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đạt hơn 1.070 tỷ đồng; TMCP An Bình đạt 222 tỷ đồng (dự phòng rủi ro tăng gấp 12 lần)…
Cá biệt, hết quý 3/2014, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) bất ngờ báo lỗ hơn 76 tỷ đồng, với lý do đến từ đột biến tăng chi phí.
-------------------------