Cấm lưu hành 7 loại thuốc của VN Pharma
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ra quyết định rút số đăng ký đối với 7 loại thuốc do Công ty cổ phần VN Pharma ra khỏi Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, với lý do cung cấp hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế sản phẩm.
Cụ thể, 7 loại thuốc bao gồm: H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml); H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400mg/200ml); H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250mg/100ml); H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500mg/100ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750mg/100ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200mg/100ml) và H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500mg/100ml).
Các loại thuốc này đều ở dạng bào chế dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, có số đăng ký lần lượt là VN-17877-14 đến VN-17883-14, do Công ty dược phẩm Helix Pharmaceuticals (Canada) sản xuất và được công ty Cổ phần VN Pharma đăng ký nhập khẩu.
Ngoài việc rút số đăng ký 7 loại thuốc trên, Cục Quản lý Dược cũng quyết định ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký lần đầu, hồ sơ đăng ký lại và không cung cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp do Công ty Cổ phần VN Pharma đăng ký và do công ty Helix Pharmaceuticals tại Canada sản xuất.
Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã rút 7 mặt hàng thuốc đã trúng thầu tại Sở vào tháng 5/2014 do các loại thuốc này chỉ có giấy phép nhập chuyến, không được phép tham gia đấu thầu.
Trong số 7 mặt hàng này thì Công ty cổ phần VN Pharma có loại thuốc BIPANDO (hoạt chất Pantoprazol 40mg + Domperidon 10mg) trúng thầu gần 1,5 triệu viên với giá trúng thầu gần 10 tỷ đồng và thuốc PEPTAN 40mg (hoạt chất Omeprazol) dạng tiêm truyền do Liên doanh công ty TNHH MTV Dược Nam Anh- Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 trúng thầu gần 182 ngàn lọ với giá gần 6 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh là một đơn vị thành viên của Công ty cổ phần VN Pharma.
-----------------------
Việt Nam dự hội nghị thứ trưởng quốc phòng ASEAN - Nhật
Ngày 7-10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị thứ trưởng quốc phòng ASEAN-Nhật lần thứ sáu tại Yokohama (Nhật).
Hội nghị tập trung thảo luận hai chủ đề chính: “Hiện trạng liên quan đến an ninh biển ở châu Á-Thái Bình Dương” và “Những cách thức để duy trì/cải thiện tình hình an ninh biển trong khu vực”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, ASEAN và Nhật cùng chung lo ngại về diễn biến mới đây ở biển Hoa Đông và biển Đông. Các nước đều nhận thức cần tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nhật trong các lĩnh vực an ninh cũng như với các quốc gia khác để các vùng biển trở nên ổn định hơn. Bên cạnh đó, các bên cần đề ra biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra xung đột quân sự. Đánh giá về bước tiến trong quan hệ Nhật và ASEAN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định bước tiến đầu tiên là các bên đều đạt được nhận thức chung là cần phải hợp tác về an ninh…
-----------------------
TP.HCM đầu tư 11.000 tỉ đồng cho dự án vệ sinh môi trường
Ngày 7.10, UBND TP.HCM phê duyệt dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng.
Mục tiêu dài hạn của dự án nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân thành phố; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang đô thị và nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, sản xuất, kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Mục tiêu ngắn hạn là sau khi xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường thành phố.
Dự án sẽ xây dựng tuyến cống bao từ giếng Bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại quận 2; tuyến cống bao có đường kính 3.200 mm, với tổng chiều dài khoảng 8 km.
Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 với công suất xử lý đến năm 2020 là 480.000 m3/ngày.
Trong số 11.000 tỉ đồng vốn đầu tư, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 9.500 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của ngân sách thành phố.
Thời gian thực hiện dự án từ 2015 - 2020.
-----------------------
Khiếu nại, tố cáo đông người tiếp tục tăng
Chiều nay (7.10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo (KNTC) giảm 1,8% so với 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%.
Báo cáo cũng cho biết số đơn thư KNTC giảm 3,39%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Có 39/63 địa phương có số lượng các đơn KNTC giảm.
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, nhìn chung, tình hình KNTC năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt.
Cá biệt có một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan T.Ư, trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết.
“Đáng chú ý, có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, ông Huỳnh Phong Tranh nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, phần lớn các vụ việc đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài.
Phân tích về nguyên nhân chủ yếu của tình hình KNTC hiện nay, báo cáo của Chính phủ cho rằng vẫn còn những bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật; công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Một nguyên nhân khác, theo ông Huỳnh Phong Tranh, là do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Về kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, báo cáo Chính phủ cho biết tính đến ngày 15.8.2014, đã xem xét, giải quyết 494/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,56%.
Theo báo cáo, ngành thanh tra đã tiến hành 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về KNTC tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện 492 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 435 tổ chức, 462 cá nhân; xử lý hành chính 23 tổ chức 6 cá nhân; tiến hành kiểm tra việc thực hiện 547 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra trách nhiệm. Kết quả cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm điểm trách nhiệm của 199 tổ chức, 171 cá nhân; đã xử lý kỷ luật hành chính đối với 42 cá nhân.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận hiệu quả thanh tra trách nhiệm chưa cao; việc thực thi pháp luật, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực KNTC chưa nghiêm, thiếu tính răn đe.
-----------------------
Dừng tổ chức giải thưởng ‘Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác’
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan dừng việc tổ chức Chương trình xét, tôn vinh và trao giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ nhận được phản ánh Trung tâm Hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức Chương trình xét, tôn vinh và trao giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác”) đã tổ chức in tờ gấp quảng cáo và dự kiến chương trình bình xét tôn vinh và trao giải thưởng. Trong đó có những thông tin sai lệch về việc tổ chức giải thưởng, việc thu kinh phí của các doanh nghiệp tham gia cũng trái với quy định.
Từ phản ánh trên, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ các vi phạm pháp luật trong việc tổ chức chương trình của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, áp dụng các biện pháp chấn chỉnh kịp thời việc tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng của cá nhân, tổ chức; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15-10 tới.