Việt Nam ưu tiên phát triển quan hệ với Singapore
Ngày 23-9, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật ông Goh Chok Tong, nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng danh dự cấp cao Singapore, đang ở thăm Việt Nam.
Tại buổi nói chuyện, ông Goh Chok Tong bày tỏ vui mừng trước những thành tựu của Việt Nam và sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ giữa hai nước. Ông cho rằng sự phát triển của Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển và vững mạnh của ASEAN cũng như của Singapore. Ông khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án phát triển của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo cao nhất của Singapore qua các thời kỳ đều luôn dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt cho Việt Nam cũng như có nhiều đóng góp to lớn trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Về quan hệ Việt Nam-Singapore, Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc phát triển quan hệ với Singapore. Tổng bí thư đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp, mở rộng hợp tác trên tất cả lĩnh vực, qua đó đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
-----------------------
Trên 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên Việt Nam
Ngày 23-9, tại TP Đà Nẵng, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo xây dựng Bộ chỉ số phát triển thanh niên và Cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên (TN) Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh (Trưởng Ban chỉ đạo chiến lược phát triển TN Việt Nam), việc xây dựng bộ chỉ số và cơ sở dữ liệu về TN Việt Nam là cần thiết để từ đó hoạch định chính sách về TN một cách tổng thể như: phát triển nhân lực, việc làm, giáo dục đào tạo… và các vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Theo đó, việc xây dựng Bộ chỉ số phát triển TN Việt Nam gồm 11 lĩnh vực với 129 chỉ tiêu.
Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN sẽ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2020, tổng kinh phí đề án là trên 100 tỉ đồng được phân kỳ theo từng năm. Đối tượng của đề án là TN đủ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi.
Theo Bộ Nội vụ, TN là lực lượng to lớn chiếm 29,8% dân số và 34% lực lượng lao động, là lực lượng nòng cốt quyết định tương lai dân tộc.
-----------------------
Đảo ngọc Phú Quốc “vươn mình” thành đô thị loại II
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là đô thị loại II. Như vậy, hiện nay Kiên Giang có 2 đô thị loại II là TP Rạch Giá, Phú Quốc; đô thị loại III là thị xã Hà Tiên.
Phú Quốc là đảo có diện tích lớn nhất nước, rộng gần 600 km2, dân số gần 97.000 người với 10 đơn vị hành chính gồm: thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Hàm Ninh và Thổ Châu.
Theo đề án phát triển, huyện đảo Phú Quốc là khu kinh tế - hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực. Phú Quốc cũng là đầu mối giao thông quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển. Huyện đảo còn có vị trí đặc biệt về an ninh - quốc phòng
Như vậy, hiện nay tỉnh Kiên Giang có 2 đô thị loại II là thành phố Rạch Giá, Phú Quốc và 1 đô thị loại III là Hà Tiên. Theo kế hoạch, cuối năm 2014, Kiên Giang xin ý kiến Chính phủ thành lập thêm 2 huyện mới, nâng lên tổng số 17 huyện - thị - thành trực thuộc tỉnh.
-----------------------
Lập đoàn kiểm tra ô nhiễm tại bôxit Tân Rai
Ngày 23-9, thông tin từ Sở Tài nguyên & môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng cho biết Bộ TN&MT đã có quyết định phối hợp với sở tiến hành kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh nhà máy sản xuất alumin (tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Trước đó người dân xung quanh phải sống khốn khổ bởi tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí do tác động từ các hoạt động của nhà máy alumin này.
Tình trạng ô nhiễm kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân quanh nhà máy alumin.
Cũng theo thông tin được biết, Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) sẽ cùng tham gia với tư cách đơn vị giám sát độc lập.
Đoàn kiểm tra sẽ đánh giá các yếu tố liên quan đến an toàn hồ bùn đỏ; độ ô nhiễm nước ngầm, nước mặt; sự xuất hiện bất thường của bụi alumin và mùi lạ nghi do hóa chất quanh khu vực nhà máy alumin. Hoạt động kiểm tra sẽ kéo dài đến cuối tháng 11-2014.
-----------------------
Nghệ An và Hà Tĩnh: Mưa lớn, lũ quét làm sập hai ngôi nhà và cầu tạm
Ngày 21 và 22-9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa giông trên diện rộng, xảy ra lũ quét ở huyện miền núi Tương Dương làm sập hai ngôi nhà, hàng chục hộ dân phải di dời.
Do nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, đã xảy ra lũ quét ở xã Yên Na (huyện Tương Dương) chiều 21-9, làm nhà của gia đình anh Phan Trọng Hoàn và chị Phan Thị Tâm bị sập hoàn toàn. Có 8 ngôi nhà dân bị sập, hư hỏng và hàng chục hộ dân bị nước lũ dâng ngập sâu 50cm đến 1,5 m. Rất may mọi người trong gia đình kịp chạy trước khi bị lũ ập tới. Nhiều héc-ta hoa màu và công trình nước sạch ở huyện Tương Dương bị hư hỏng nặng. Quốc lộ 7A và nhiều đoạn đường liên xã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Nhiều xã như Yên Tĩnh, Tam Quang, Mai Sơn (huyện Tương Dương) cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ.
Ban Chỉ huy phòng chống bão, lụt huyện Tương Dương đã phải di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ra khỏi vùng đang có nguy cơ lũ quét.
Tại TP Vinh, mưa lớn cũng làm ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường ngập chìm trong nước.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn trên địa bàn huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ nhiều đoạn đường bị ngập, chia cắt. Do cầu Trẩy trên tỉnh lộ 5 đang thi công, phải dựng cầu tạm (thuộc địa phận xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Tuy nhiên mưa lớn nước dâng cao đã cuốn sập cầu tạm, khiến tỉnh lộ 5 đang bị ách tắc giao thông.
Đến tối 22-9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An bắt đầu mưa nhỏ dần và nhiều huyện đã ngừng mưa.
-----------------------
Dịch đau mắt đỏ tăng mạnh tại Hà Nội
Chỉ trong một tuần (15-21/9), số ca đau mắt đỏ tại Hà Nội đã là hơn 4.100, trong khi từ đầu vụ dịch đến ngày 14/9 mới là 1.870 ca bệnh. Số bệnh nhân rải rác tại các quận, huyện, thị xã.
Cuối giờ chiều 22/9, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo về tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, dịch đang có xu hướng gia tăng mạnh. Nguyên nhân là thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng tạo điều kiện cho virus adenovirus gây bệnh phát triển.
Đoàn kiểm tra của Sở sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị, tăng cường công tác phòng, chống bệnh; tập trung hướng dẫn vệ sinh, phòng chống bệnh trong trường học và tại cộng đồng. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện rà soát, thống kê chính xác số bệnh nhân; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch, phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch...
Tại Bệnh viện Mắt trung ương, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng mạnh, chiếm 25-40% tổng số bệnh nhân. Theo bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt trung ương, đau mắt đỏ gây dịch quy mô nhỏ, dễ lây lan, gần như đã thành thường niên. Năm nay dịch có những khác biệt nhất định. Năm 2013, dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, bệnh gần như xuất hiện mạnh trên toàn quốc. Năm nay bệnh xuất hiện muộn hơn, ít rầm rộ hơn. Bệnh sẽ giảm dần và gần như không xuất hiện nào mùa đông, bác sĩ Cương cho biết.
Bệnh lây qua hơi thở và nước bọt. Mới đầu, người bệnh sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. Các biểu hiện như đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng sẽ diễn ra sau đó. Bệnh lành tính thường khỏi sau 5-7 ngày, nhưng cũng có thể để lại biến chứng như: viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu...
Bác sĩ Cương khuyến cáo, trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày. Trong mùa dịch, trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng chung như: tay nắm cửa, nút bấm thang máy... Trong gia đình, người bệnh cần được cách ly tối đa với người xung quanh. Việc lây nhiễm từ mẹ sang con đang bú là gần như không thể tránh khỏi dù virus không qua sữa mẹ.
-----------------------
Việt Nam trong top 10 quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Việt Nam trong top 10 quốc gia ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD vào các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá từ Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện nằm trong top 10 nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chịu ro cao từ biến đổi khí hậu, nhất lừ lũ lụt và bão tố. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt dễ tổn thương trước hiện tượng nước biển tăng. Chính phủ dự báo nếu mực nước biển tăng 1 m, thì hơn 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị lụt, 10-12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và cả nước sẽ thiệt hại 10% GDP.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố, đến năm 2100 nếu nước biển dâng 1m thì vùng ĐBSCL và TP HCM sẽ mất 7,6 triệu tấn lúa tương đương ¼ tổng sản lượng cả vùng.Ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD vào các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.
Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đang được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Ngoài các mô hình thứch ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu thì thông, trong đó chương trình Khoa học công nghệ Quốc gia về Biến đổi khí hậu đang hướng tới mục tiêu giúp người nông dân vùng ven biển chuyển đổi cây, con giống có khả thích ứng với nước mặn cao ở ven biển. Cụ thể hệ sinh thái rừng trồng ngập mặn ven đang được triển khai động bộ ở 29 tỉnh/ thành ven biển.
Hôm nay (24/9), tại Thái Nguyên sẽ diễn ra Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn. Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia.
Việt Nam đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994. Đến nay, Chiến dịch đã được các Bộ ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thông qua nhiều hoạt động hiệu quả.
Tại Chiến dịch Làm cho thế giới sạch diễn ra hôm nay hàng trăm đại biểu và người dân của thành phố Thái Nguyên sẽ ra quân trồng cây xanh và làm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường trên địa bàn; ra quân vệ sinh môi trường cấp quận/huyện để hưởng ứng thu gom rác, vớt rác trên kênh, mương thoát nước, nạo vét cống rãnh…
Nhân dịp này, Bộ TN&MT tiếp tục gửi thông điệp mong muốn các tổ chức, cá nhân, các tỉnh/thành phố trên cả nước hãy có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên…
-----------------------
Hơn 100 hộ dân tập trung phản đối chính quyền lấp đường đi
Đây là lần thứ 3 người dân tổ chức phản đối chính quyền quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) lấp con đường dân sinh từ khu dân cư ra đường Trường Sa, lấy đất phân lô bán cho tư nhân.
Sáng 23/9, hơn 100 hộ dân thuộc tổ 27, 28 và 29 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tập trung tại khu vực cuối con hẻm 357 đường Lê Văn Hiến để phản đối chính quyền mang xe múc và chở đất đến san lấp con đường dân sinh đã có từ trước năm 1975 để san nền, phân lô bán đất.
Theo đơn kiến nghị tập thể của hơn 100 hộ dân, trước năm 1975, đây là con đường đi thẳng từ khu dân cư ra biển (người dân gọi con đường này là Úc vì trước đây có nhiều trại nuôi tôm của Úc đầu tư) nên chính quyền không thể san lấp để lấy đất bán được.
Những hộ dân ở đây cho biết, sau năm 2003, TP Đà Nẵng mở đường Sơn Trà – Điện Ngọc (nay là đường Trường Sa) thì tại cuối hẻm 357 này hình thành một ngã 3, là nơi thuận tiện của hơn 100 hộ dân lưu thông ra biển làm nghề làm chài lưới, nuôi trồng thủy sản.
Cách đây vài năm, khi khu dân cư ở được phê duyệt để xây dựng, con hẻm 357 đã bị đơn vị thi công san lấp luôn, đồng thời bít lối đi của người dân ra biển. Từ khi con đường dân sinh bị bít, người dân các tổ 27, 28 và 29 đã gửi đơn thư rất nhiều lần đến các cấp chính quyền từ phường đến TP Đà Nẵng và cả trung ương, yêu cầu trả lại con đường cho người dân đi.
Bà Phạm Thị Dồn, một trong những người dân ở đây cho biết: “Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lần thứ 8 lên các cấp chính quyền nhưng chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tiến hành thi công khu dân cư làm bít con đường dân sinh này nên chúng tôi kiên quyết phản đối”.
Sáng 23/9, rất nhiều người dân tập trung phản đối phương tiện cơ giới đến thi công khu dân cư gây nên tình trạng lộn xộn, người dân yêu cầu lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đưa ra quyết định lấp con đường dân sinh để xây dựng khu dân cư thì họ sẽ cho phép thi công.
Người dân cho biết, dự án khu dân cư ở đây được lãnh đạo TP Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng và kinh doanh nhà làm chủ đầu tư; đến nay đất đã được bán hết cho tư nhân, trong đó có phần đất thuộc con đường dân sinh này.
Theo người dân, nếu lấp con đường dân sinh này để làm công viên hay làm nơi công cộng, họ sẽ chấp nhận. Nhưng lấp con đường dân sinh để lấy đất bán thì họ không thể chấp nhận. Người dân yêu cầu được xem quyết định phê duyệt dự án khi dân cư nằm trên phần đất của con đường dân sinh.
Sau khi gửi đơn đến các cơ quan chức năng, ngày 19/9, các hộ dân đã nhận được thư mời của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Đà Nẵng hẹn đến ngày 10/10 sẽ trả lời ý kiến kiến nghị của các hộ dân ở đây. Sự việc chưa được giải quyết thì đơn vị thi công mang xe cơ giới đến để tiếp tục thi công.
Đến khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 23/9, thấy người dân phản ứng quyết liệt, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đã chỉ đạo xe cơ giới rút khỏi hiện trường.
Phóng viên đã liên lạc với ông Huỳnh Cự - Phó Chủ tịch quận Ngũ Hành Sơn - để có thông tin 2 chiều về vụ việc; tuy nhiên ông Cự cho biết ông đang họp để xử lý vấn đề này và hẹn PV vào ngày 24/9 sẽ trả lời.