Trưởng thôn lãnh án vì… phản đối dự án
Ngày 23-9, TAND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã tuyên phạt Trương Văn Trường 30 tháng tù, Nguyễn Thị Thuần 28 tháng tù, Trần Hậu Thuận 26 tháng tù, Nguyễn Văn Tú 18 tháng tù và Bùi Đình Xuân 15 tháng tù, cùng về tội gây rối trật tự công cộng.
Trước đây, do phản đối chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh về dự án xây công viên vĩnh hằng tại xã Bắc Sơn, từ ngày 13-3 đến ngày 1-4, các bị cáo đã cùng ông Trương Công Giáp thực hiện nhiều vụ gây rối. Các bị cáo tập trung đám đông hò hét, ném đá vào nhà lãnh đạo xã Bắc Sơn để phản đối dự án. Chiều 10-4, khi Công an huyện Thạch Hà thực hiện lệnh bắt Trường (nguyên trưởng thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn), các bị cáo đã kích động, bao vây, ngăn cản công an. (Trong vụ này, do bị can Giáp đã tử vong trong trại tạm giam nên cơ quan tố tụng đã đình chỉ).
-------------------------
Mua bán người trốn hơn 17 năm vẫn không thoát tội
Ngày 23-9, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trương Thị Lệ Thủy (54 tuổi) năm năm tù về tội mua bán người.
16 năm trước, đồng phạm của bị cáo Thủy là Nguyễn Thị Măng cũng đã bị TAND tỉnh này tuyên phạt 10 năm tù về hai tội mua bán phụ nữ và mua bán trẻ em.
Theo hồ sơ, từ năm 1992 đến năm 1995, Thủy sang TP Phnom Penh (Campuchia) thuê nhà chứa mại dâm rồi về Việt Nam tìm người đưa sang Campuchia bán dâm. Ngày 28-7-1996, Thủy về Việt Nam gặp Măng mua hai người con ruột của Măng (sinh năm 1977 và 1980) với giá 1 triệu đồng để đưa sang Campuchia bán dâm (cả hai cô gái này hiện đã bệnh chết).
Năm 1997, Thủy tiếp tục về Việt Nam nhờ Măng tìm người đưa sang bán dâm. Trưa 13-3-1997, Măng dụ dỗ Nguyễn HT (sinh năm 1981) rồi đưa đến gặp Thủy. Thủy trả công cho Măng 200.000 đồng và cho HT mượn 300.000 đồng để đem về cho gia đình. Nhận tiền xong, trên đường Măng về nhà thì bị cậu ruột của HT phát hiện và báo công an bắt giữ. Thủy bỏ trốn, đến ngày 27-3-2014 thì bị bắt theo lệnh truy nã.
-------------------------
Công ty tín dụng có lỗi nên không tính lãi quá hạn
Ngày 23-9, Tòa Kinh tế TAND TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của vợ chồng bà Đinh Thị Dung, sửa án sơ thẩm, buộc vợ chồng bà Dung phải trả cho Công ty Tài chính cổ phần Handico hơn 4 tỉ đồng nợ gốc lẫn lãi (án sơ thẩm buộc vợ chồng bà Dung trả hơn 7 tỉ đồng).
Theo hồ sơ, tháng 6-2010, vợ chồng bà Dung ký hợp đồng tín dụng với Handico để vay 7,5 tỉ đồng trong thời hạn 12 tháng. Để đảm bảo khoản vay, bà Dung thế chấp năm giấy đỏ. Sau đó, cho rằng bà Dung không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ như cam kết trong hợp đồng, Handico khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà Dung trả gần 4 tỉ đồng tiền nợ gốc còn lại và gần 3,5 tỉ đồng tiền lãi quá hạn tính đến thời điểm phiên tòa sơ thẩm được mở (tháng 4-2014).
Bà Dung đồng ý trả nợ gốc cho Handico nhưng không đồng ý trả lãi quá hạn. Theo bà Dung, ngày 27-10-2011, giữa vợ chồng bà, người liên quan (có tài sản đảm bảo) và nhân viên Handico có lập biên bản thỏa thuận phương án xử lý nợ, nêu rõ ngày 26-10, bà Dung sẽ trả cho Handico 3,5 tỉ đồng và phía Handico sẽ giải chấp một phần tài sản bảo đảm. Chậm nhất đến 27-11-2011, bà Dung sẽ thanh toán đầy đủ cho Handico. Nếu đến thời điểm này bà không có khả năng trả nợ thì sẽ tự nguyện giao tài sản bảo đảm còn lại để Handico bán đấu giá thu hồi nợ.
“Sau 27-11-2011, thấy mình không có khả năng trả hết nợ, tôi đã yêu cầu Công ty Handico thanh lý tài sản theo thỏa thuận nhưng công ty chậm trễ thanh lý. Đó là lỗi của công ty nên không thể tính lãi quá hạn trong việc chậm trễ trả nợ đối với tôi” - bà Dung nói tại phiên tòa phúc thẩm.
Phía Handico cho rằng biên bản thỏa thuận xử lý khoản nợ giữa bị đơn, người liên quan và nhân viên thu hồi nợ của công ty không có giá trị pháp lý vì không đóng dấu của công ty, không được lập từ người đại diện được công ty ủy quyền. Chủ tọa phiên phúc thẩm hỏi: “Vậy công ty có biết và phản đối biên bản thỏa thuận trên hay không?”. Đại diện Handico cho biết: “Có được nhân viên báo miệng nhưng không nắm rõ như thế nào nên không có văn bản phản đối”.
Luật sư của vợ chồng bà Dung tranh luận: Theo Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về hợp đồng kinh tế), trong trường hợp người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền nhưng có các căn cứ cho rằng người có thẩm quyền biết mà không phản đối thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.
Theo tòa, dù đại diện Handico cho rằng biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý vì không có con dấu và không được lập từ người đại diện theo ủy quyền của công ty, song theo hồ sơ thì có một số văn bản do phía Handico ban hành dù không có con dấu nhưng công ty vẫn thừa nhận. Hơn nữa, khi biết có biên bản thỏa thuận, công ty không phản đối, vẫn để nhân viên và một số trưởng, phó phòng làm việc với bị đơn để tiến hành thực hiện nghĩa vụ của các bên theo biên bản thỏa thuận. Từ đó, tòa phúc thẩm công nhận biên bản thỏa thuận xử lý nợ giữa các bên có giá trị pháp lý. Handico không xử lý tài sản kịp thời để thu hồi nợ theo thỏa thuận là lỗi của công ty nên việc công ty yêu cầu bị đơn trả gần 3,5 tỉ đồng tiền lãi quá hạn là không có cơ sở.
-------------------------
Sơ thẩm tuyên tịch thu 80.000 USD, phúc thẩm tuyên trả
Ngày 23-9, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Minh (chủ tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) kinh doanh trái phép.
Bị cáo rút kháng cáo tại tòa nên HĐXX tuyên bố án sơ thẩm của TAND TP.HCM xử phạt bị cáo Minh 30 triệu đồng (hình phạt chính) có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, tòa chấp nhận kháng cáo của người liên quan, tuyên trả lại 80.000 USD cho người này, trong khi án sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ. Theo hồ sơ, tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh không có giấy phép kinh doanh thu mua ngoại tệ nhưng từ tháng 9-2013, bà Minh mua ngoại tệ của khách hàng và bán lại cho ngân hàng để hưởng số tiền chênh lệch. Ngày 19-11-2013, công an kiểm tra, phát hiện bà Minh thu mua trái phép 80.000 USD của nhân viên tiệm vàng Kim Hà và 3.300 USD cùng 255 AUD của nhân viên tiệm vàng Kim Phát Bảo. Khi bị phát hiện, bà Minh còn tự nguyện giao nộp một số ngoại tệ khác.
-------------------------
Khen thưởng chuyên án phá trộm cắp liên tỉnh, cho vay nặng lãi
Ngày 23-9 tại tỉnh Tây Ninh, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã tặng giấy khen cho tập thể Công an huyện Gò Dầu và Đội CSĐT tội phạm về TTXH và ma túy Công an huyện Trảng Bàng về thành tích xuất sắc trong công tác điều tra, khám phá thành công chuyên án trộm trâu bò liên tỉnh và đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, Công an huyện Gò Dầu đã bắt giữ Lê Văn Tường (ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cùng đồng bọn thực hiện 31 vụ trộm cắp với tổng cộng 67 con trâu, bò trên địa bàn nhiều tỉnh. Tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng trên 1 tỉ đồng.
Riêng Công an huyện Trảng Bàng phát hiện, bắt giữ 10 nghi can trong đường dây cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, hủy hoại tài sản do Hồ Bảo Quốc (tự Tý “lùn”, ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) cầm đầu.