Xử lý nhiều nhà thầu vi phạm trong dự án đường Hồ Chí Minh
Ngày 29.10, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây nguyên và Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức hội nghị giao ban báo chí về thi công dự án đường Hồ Chí Minh (QL14) tuyến qua địa bàn Tây nguyên và Bình Phước.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, cho biết mới đây Ban QLDA đã xử lý trường hợp vi phạm chất lượng tại dự án BOT Cầu 38 - Đồng Xoài (Bình Phước) do nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Đức Đạt Gia Lai thi công.
Trước đó, ngày 17.10, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã phát hiện khi chuẩn bị thảm bê tông nhựa, nhà thầu này tiến hành tưới nhựa thấm bám trên bề mặt lớp cấp phối đá dăm loại 1 không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (có nhiều ổ gà, ổ voi).
Theo yêu cầu của Ban QLDA, nhà đầu tư đã cho tạm dừng thi công đối với nhà thầu Công ty TNHH xây dựng Đức Đạt Gia Lai. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Xây dựng Bình Phước xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH XD Đức Đạt Gia Lai và đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH tư vấn xây dựng NMS.
Cũng trong hội nghị giao ban báo chí, ông Huấn cho biết vừa qua Ban QLDA đã có biện pháp xử lý mạnh đối với các nhà thầu vi phạm về tiến độ thi công.
Cụ thể, đối với dự án vốn trái phiếu Chính phủ ở tỉnh Đắk Lắk, đã điều chuyển 3,8/11km của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (gói thầu số 2) thi công chậm tiến độ cho 2 nhà thầu là Công ty Toàn Phát và Công ty CP Xây dựng Hoàng Thiên; thay thế nhà thầu Tổng công ty xây dựng Sông Hồng (thi công gói thầu số 9) do có hiện tượng sử dụng nhà thầu phụ khi chưa được sự cho phép của Bộ GTVT bằng Công ty Xây dựng và thương mại Sài Gòn và Công ty CP LICOGI 9.2.
Đối với dự án Cây Chanh - Cầu 38, điều chuyển toàn bộ phần khối lượng 4 km của Công ty Đức Phú chậm tiến độ thi công gói thầu số 9 cho Công ty 185 - Tổng công ty Trường Sơn thi công.
Theo Ban QLDA, dự án đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên và Bình Phước dài 553 km, được đầu tư xây dựng từ năm 2008, đến nay đã hoàn thành được 231 km. Dự kiến đến cuối năm 2014, tuyến đường này sẽ cơ bản hoàn thành 322 km, còn 231 km sẽ hoàn thành trong năm 2015.
-------------------------
Xuất thiết bị khử mặn sang Ả Rập Xê Út
Ngày 29.10, Công ty Doosan Vina (trụ sở tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi) đã hoàn tất việc đưa thiết bị khử mặn hóa hơi đa giai đoạn nặng 4.500 tấn từ khu sản xuất lên tàu để xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út (ảnh).
Đây là thiết bị khử mặn cuối cùng trong hợp đồng cung ứng 4 thiết bị khử mặn mà Doosan Vina cung cấp cho dự án Yanbu Phase 3 (Ả Rập Xê Út).
Mỗi thiết bị khử mặn rộng 34,4 m, dài 143 m, có khả năng sản xuất 95 triệu lít nước sạch/ngày từ nguồn nước biển.
Từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2009 đến nay, Nhà máy Water (Doosan Vina) đã chế tạo hoàn tất 8 thiết bị khử mặn xuất khẩu ra nước ngoài.
-------------------------
6 tháng, hơn 1,2 triệu xe máy được bán tại Việt Nam
Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) ghi nhận, các thành viên hiệp hội đã tiêu thụ được 1.250.795 chiếc trong vòng 6 tháng từ tháng 4 cho đến hết tháng 9.2014.
5 thành viên VAMM hiện đang phân phối khoảng 40 dòng xe máy các loại - Ảnh minh họa Thành lập từ tháng 9.2013, VAMM hiện có 5 thành viên gồm Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Suzuki Việt Nam, SYM Việt Nam và Yamaha Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi ra mắt, VAMM công bố kết quả bán hàng chung của các thành viên thuộc hiệp hội. Theo VAMM, báo cáo doanh số sẽ được công bố hai lần một năm và được tính dựa theo năm tài khóa (từ tháng 4 năm nay đến hết tháng 3 năm sau).
Báo cáo kỳ đầu sẽ được công bố vào tháng 10 và báo cáo kỳ 2 sẽ được công bố vào tháng 4 năm sau. Doanh số bán hàng cộng dồn chính là tổng lượng bán ra của cả 5 thành viên VAMM tại thị trường Việt Nam, không phải là số lượng sản xuất và không bao gồm số lượng xuất khẩu. Hiện tại, 5 thành viên VAMM đang cung cấp cho thị trường Việt các dòng sản phẩm đa dạng gồm các dòng xe số, xe tay ga và xe tay côn.
-------------------------
Quan hệ Việt - Trung: Nền móng yếu thì chưa thể bền vững
Sau khi Trung Quốc (TQ) rút giàn khoan 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam (VN), hai nước đã có một số chuyến thăm, hoạt động tiếp xúc song phương. Quan hệ Việt - Trung hiện khởi động theo hướng dần bình thường trở lại như trước thời điểm 2.5.2014. Tuy nhiên, mối quan hệ này muốn ổn định phải dựa trên một nền móng vững chắc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) Trần Việt Thái (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.
´ Thưa ông, quan hệ Việt - Trung thời điểm trước 2.5.2014, khi Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường sang VN có đưa ra vấn đề hợp tác giữa hai bên thông qua 3 nhóm công tác... Thế nhưng bất ngờ TQ cho giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền biển VN, khiến mọi thứ đảo lộn. Chuyến đi VN của Uỷ viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì tới Hà Nội ngày 27.10, hai bên tìm lại được sự thống nhất về những gì? Quan điểm của VN về vấn đề khai thác chung trên biển là gì, thưa ông?
- Trước ngày 2.5.2014, trong chuyến thăm VN của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường, hai nước Việt - Trung đã thống nhất thành lập 3 nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác, bao gồm: Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng, nhóm công tác về hợp tác tài chính và nhóm công tác về hợp tác trên biển. Trong lúc mọi việc còn chưa bắt đầu, thì TQ bất ngờ đưa giàn khoan 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN, điều này cho thấy TQ có tính toán riêng trên biển. Tại cuộc họp của Uỷ ban Hợp tác song phương VN - TQ ngày 27.10 vừa qua, hai bên đã thống nhất sớm đưa quan hệ song phương trở lại mức trước 2.5.2014 và nhất trí về một số biện pháp để đạt được mục tiêu này, trong đó có việc sớm thành lập và thúc đẩy sự hợp tác đồng thời ở cả 3 nhóm như đã thỏa thuận.
Riêng về vấn đề khai thác chung trên biển, VN từng có hợp tác khai thác chung trên biển với Malaysia và đã có kết quả tốt. Do vậy, đây không phải là vấn đề mới. Từ thực tiễn với Malaysia, có thể nhận thấy sở dĩ chúng ta làm khai thác chung thành công với Malaysia là vì thiện chí của cả hai nước và quan điểm của VN rất rõ ràng. VN không phản đối việc khai thác chung, nhưng khai thác chung phải có nguyên tắc. Đó là: Chỉ khai thác chung ở khu vực thực sự có tranh chấp, thực sự có chồng lấn. Thứ hai, phải đảm bảo tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, lợi ích chính đáng của mỗi bên và bình đẳng cùng có lợi. Thứ ba, không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải và không làm ảnh hưởng đến bên thứ 3.
´ Thưa ông, như ông chia sẻ, VN - TQ đang từng bước đưa quan hệ trở lại bình thường như trước thời điểm 2.5.2014, vậy theo đánh giá của ông thì phía TQ có tích cực trong bước đi của mình để bình thường trở lại không?
- Hiện nay cả hai phía đều đã có bước đi: Chuyến đi của Đặc phái viên Tổng Bí thư - ông Lê Hồng Anh - hồi tháng 8, bây giờ là chuyến làm việc của ông Dương Khiết Trì. Tất cả đang từng bước đưa quan hệ trở lại bình thường như trước thời điểm 2.5, đây còn là một quá trình chứ chưa bình thường ngay được. Ví dụ: Sau vụ 2.5.2014, TQ khuyến cáo người dân không nên đi du lịch VN. Cho đến bây giờ, về mặt quan hệ giữa hai nhà nước mà nói, phía TQ vẫn chưa có tuyên bố chính thức dỡ bỏ khuyến cáo này.
Cái quan trọng là bây giờ hai bên đã thỏa thuận được là việc phải kiểm soát tình hình trên biển. TQ có thừa khả năng để thực hiện thỏa thuận này, cái chính là ý chí họ muốn làm đến đâu? Qua theo dõi báo chí về chuyến thăm TQ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng VN Phùng Quang Thanh, thấy rõ phía TQ đã nhất trí như vậy, nhưng họ lại tránh bị cam kết, ràng buộc vì thực tế, như tôi đã nói, TQ có những tính toán lâu dài trên biển. Điều này cũng cho thấy quan hệ Việt - Trung mới tạm thời trở lại bình thường chứ chưa thực sự ổn định lâu dài như chúng ta mong muốn.
´ Theo ông, sau những bước đi nhằm khôi phục tình hình như hiện nay giữa hai bên, thì quan hệ hai nước sẽ tiếp tục tiến triển đến mức nào?
- Trong bối cảnh hiện nay, nói về triển vọng quan hệ Việt - Trung là vấn đề rất khó. Có được mối quan hệ Việt - Trung hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển như hiện nay là nỗ lực, sự đóng góp công sức rất lớn của nhiều thế hệ, thậm chí cả sự hy sinh xương máu. Chúng ta sẽ cố gắng làm hết sức mình để giữ gìn điều đó, nhưng không nên vì thế mà nhìn nhận chúng ta yếu kém.
Nếu hình dung quan hệ Việt - Trung giống như một căn nhà, thì cái móng nhà chính là sự tin cậy lẫn nhau. Khi mà cái nền móng yếu thì mối quan hệ đó sẽ không thể bền vững. Quan hệ Việt - Trung hiện nay đang được xây dựng trên một nền móng chưa thể nói là vững chắc. Chúng ta chân thành mong muốn những điều tốt đẹp, nhưng quan hệ quốc tế không thể chỉ là sự hợp tác của một phía.
-------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama
Chiều 29.10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh và đánh giá cao ngài Yukio Hatoyama sang Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin Việt Nam - ASOCIO 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược với Nhật Bản, mong muốn và làm hết sức mình cùng với Nhật Bản tiếp tục đưa quan hệ 2 nước phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững, lâu dài, vì lợi ích của nhân dân 2 nước và đóng góp cho hòa bình, phồn vinh ở khu vực châu Á và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của ngài Yukio Hatoyama trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước và mong muốn ngài Yukio Hatoyama tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển, Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng phát triển công nghệ thông tin, coi đây là một trong những khâu đột phá nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong đó, Việt Nam cũng hết sức quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngài Yukio Hatoyama quan tâm hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nhất là áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất lúa gạo và thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngài Hatoyama chia sẻ một số kinh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ thôn tin vào sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản, ngài Yukio Hatoyama cho biết, năm 2015 sẽ tổ chức các đoàn của Nhật Bản sang tìm hiểu thúc đẩy hợp tác đưa công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp tại các địa phương của Việt Nam.
-------------------------