Trung Quốc sẽ sắm 5.000 tên lửa không đối không của Nga
Trung Quốc có khả năng sẽ mua 5.000 tên lửa không đối không R-73 và R-77 của Nga, theo nhận định của ông Toshiyuki Roku, cựu chỉ huy thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản, trên tạp chí Japan Military Review (Tokyo).
Những tên lửa không đối không nội địa của Trung Quốc như PL-12, SD-10A và PL-9C được thiết kế dựa trên công nghệ từ Ukraine, và vẫn không thể cạnh tranh với các loại tên lửa không đối không của Mỹ, trang tin Đài Loan Want China Times ngày 29.10 dẫn lại bài viết của ông Roku trên tạp chí quân sự Japan Military Review.
Chính vì lẽ đó, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nhận ra cần phải có thêm những tên lửa tối tân của Nga để đối đầu với Mỹ và Nhật Bản nếu có xung đột, ông Roku nhận định.
Ông Roku cho hay Trung Quốc đã mua 1.500 tên lửa R-77 và 3.300 tên lửa R-73 của Nga, và có khả năng mua thêm 5.000 tên lửa R-77 và R-73.
Theo ông Roku, tên lửa tầm ngắn R-73 được phát triển vào năm 1985 và được xem là tên lửa không đối không mạnh nhất thời Chiến tranh lạnh, hơn hẳn tên lửa không đối không AIM-9M mà các lực lượng NATO sử dụng kể từ năm 1982.
Còn tên lửa không đối không tầm trung R-77, được thiết kế vào năm 1992, có nhiều tính năng tương tự như tên lửa không đối không tầm trung tân tiến AIM-120 của Mỹ, ông Roku nhận định.
Ông Roku cho rằng, trước khi nhận được các chiến đấu cơ tân tiến F-35A từ Mỹ, Nhật Bản cần phát triển hoặc sắm thêm các tên lửa mới để đối phó với Trung Quốc.
Các tên lửa không đối không chính của Nhật Bản hiện là tên lửa tầm trung AAM-4 và tên lửa tầm trung AAM-5, theo ông Roku.
-------------------------
Ấn Độ phá âm mưu đảo chính ở Bangladesh
Cơ quan chống khủng bố của Ấn Độ vừa phát hiện âm mưu ám sát Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nhằm gây bất ổn ở nước này.
Reuters hôm qua dẫn lời giới chức Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ chuyển cho phía Bangladesh hồ sơ chi tiết về âm mưu của tổ chức cực đoan Jamaat-ul-Mujahideen (JMB). Đây là tổ chức từng tiến hành hàng loạt vụ tấn công gây nhiều thương vong ở nước láng giềng phía đông của Ấn Độ.
Âm mưu của JMB được phát hiện sau khi 2 thành viên của tổ chức này thiệt mạng trong một vụ nổ lúc đang chế tạo bom tại một ngôi nhà ở bang Tây Bengal, thuộc miền đông Ấn Độ, đầu tháng 10. Cảnh sát Ấn Độ cho biết các tay súng trên là người Bangladesh và đang sử dụng Ấn Độ làm nơi trú ẩn để lên kế hoạch các vụ tấn công. “Kế sách của chúng là tấn công các lãnh đạo chính trị và phá hủy cơ sở hạ tầng dân chủ của Bangladesh”, một quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ Ấn Độ nói với Reuters.
Về phần mình, chính phủ Bangladesh xác nhận đã nhận được thông tin “không chính thức” từ Ấn Độ về âm mưu của các chiến binh JMB. “Chúng tôi luôn nghiêm túc trong việc kìm hãm hoạt động của các chiến binh. Sau khi có tin từ Ấn Độ, chúng tôi đã tăng cường an ninh lên nhiều lần”, Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan tuyên bố.
Trước đó, vào ngày 27.10, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đến ngôi nhà nơi xảy ra vụ nổ và gặp Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee để thảo luận tình hình. Theo Cơ quan điều tra Ấn Độ (NIA), nước này đã bắt giữ ít nhất 6 người liên quan đến âm mưu đảo chính. Cảnh sát đã phát hiện hơn 50 quả bom tự tạo, đồng thời bắt giữ 2 phụ nữ đang cố gắng tiêu hủy các tài liệu chế tạo bom sau khi xảy ra vụ nổ nói trên.
Ở một ngôi nhà kế cận, giới hữu trách cũng đã tìm thấy 35 quả bom chưa phát nổ. Giới chức an ninh Ấn Độ cho biết ngoài Thủ tướng Hasinia, JMB cũng dự tính ám sát bà Khaleda Zia, thủ lĩnh đối lập chính ở Bangladesh. Hai “kỳ phùng địch thủ” này đã thống lĩnh vũ đài chính trị Bangladesh trong hơn một thập niên qua. Kể từ khi tách khỏi Pakistan sau cuộc chiến tranh đẫm máu vào năm 1971, Bangladesh từng trải qua 3 cuộc đảo chính quân sự cùng hơn 20 cuộc dấy loạn.
JMB được thành lập vào năm 1998 với mục tiêu thay thế chính phủ Bangladesh bằng một nhà nước Hồi giáo dựa trên luật Sharia hà khắc. Vào tháng 8.2005, JMB đã kích nổ 500 quả bom trong cùng một ngày trên khắp nước, bao gồm thủ đô Dhaka.
Tờ International Business Times dẫn lời chuyên gia Ajay Sahini thuộc Viện Nghiên cứu xử lý xung đột ở New Delhi, chuyên theo dõi các nhóm chiến binh ở Nam Á, nhận định JMB từng là mối đe dọa đáng kể trong thời gian từ năm 2005 - 2008. Tuy nhiên, lực lượng và vai trò của JMB hiện đã suy giảm nhiều nên khả năng tổ chức và thực hiện các vụ tấn công sẽ rất hạn chế.
-------------------------
Tình báo Hàn Quốc: 50 quan chức Triều Tiên bị xử tử
Kể từ đầu năm, khoảng 50 quan chức và cựu quan chức chính phủ, quân đội CHDCND Triều Tiên, trong đó có 10 người thuộc đảng cầm quyền, đã bị xử bắn vì tội hối lộ, quan hệ bất chính, có hoạt động liên quan Hàn Quốc như xem phim Hàn Quốc…, Yonhap đưa tin hôm qua.
Chi tiết về những vụ hành hình công khai này được cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa ra trước Quốc hội nước này hôm 28/10. Trong số bị hành hình, nhiều người có mối quan hệ mật thiết với ông Jang Song-thaek.
Ông Jang là chú họ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã bị hành quyết cuối năm ngoái với hàng loạt tội danh chống nhà nước. Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, khoảng 200 quân nhân thuộc lực lượng pháo binh của quân đội Triều Tiên mới đây bị giáng chức, sau khi kết quả huấn luyện về độ chính xác không đạt yêu cầu.
Báo Anh hôm qua The Telegraph dẫn lời một số người đào tẩu Triều Tiên nói rằng, nhiều đĩa phim, chương trình Hàn Quốc và Trung Quốc được bán ở chợ đen tại Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng nỗ lực ngăn chặn người dân tìm hiểu thế giới bên ngoài.
Một số người dân Triều Tiên đã tiếp cận thông tin bên ngoài thông qua các thiết bị điện tử dễ vận chuyển, dễ che giấu. Theo báo cáo của tình báo Hàn Quốc, tin tặc Triều Tiên mỗi năm tìm cách đột nhập hàng ngàn điện thoại di động ở Hàn Quốc thông qua phần mềm gián điệp giả danh ứng dụng trò chơi.
-------------------------
Máy bay quân sự Nga tăng cường áp sát không phận châu Âu'
NATO hôm 29.10 đưa ra thông báo cho biết đã phát hiện máy bay quân sự Nga gia tăng hoạt động một cách “bất thường” tại Đại Tây Dương, Hắc Hải và biển Baltic trong 2 ngày qua.
Trong thông báo công bố hôm 29.10, NATO cho biết chiến đấu cơ của khối này đã chặn 4 nhóm máy bay Nga, gồm máy bay ném bom Tu-95 Bear và chiến đấu cơ MiG-31, tại các vùng biển nói trên trong khoảng 24 giờ qua kể từ ngày 28.10, theo Reuters.
Một số chiếc của Nga vẫn tiếp tục xuất hiện tại những khu vực này vào hôm 29.10, khiến Na Uy, Anh, Bồ Đào Nha, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ phải điều chiến đấu cơ lên ngăn chặn, BBC cho biết.
“Những đợt bay quy mô lớn này của Nga cho thấy một mức độ hoạt động trên không bất thường trong không phận châu Âu”, NATO thông báo. Một phát ngôn viên của NATO nói với Reuters rằng đã không xảy ra xâm phạm nào vào không phận NATO của máy bay Nga, nhưng số chuyến bay trong một ngày nhiều như thế này là chuyện hiếm khi diễn ra.
Bốn máy bay ném bom Tupolev Tu-95, cùng 4 máy bay tiếp nhiên liệu, của Nga đã bay ngang biển Na Uy vào rạng sáng ngày 29.10 (giờ địa phương), NATO cho biết. Na Uy đã phải điều động chiến đấu F-16 lên để ngăn chặn phi đội này. Sau đó, 6 trong 8 chiếc máy bay Nga kể trên đã quay đầu bay hướng về Nga, còn 2 chiếc Tu-95 rẽ sang phía nam, hướng về biển Bắc.
Hai máy bay ném bom Nga sau cùng bị chặn bởi chiến đấu cơ Typhoon của Anh và F-16 của Bồ Đào Nha tại Đại Tây Dương và đã bay về Nga.
“Máy bay Nga bay gần không phận của chúng tôi là chuyện bình thường, nhưng điều bất thường là lần này có một số lượng lớn máy bay và họ bay xa về phía nam hơn bình thường”, một phát ngôn viên của quân đội Na Uy cho biết.
Trong một vụ việc khác, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải điều động máy bay sau khi phát hiện 2 chiếc Tu-95 của Nga, với sự hộ tống của 2 chiến đấu cơ MiG-31, bay ngang Hắc Hải vào trưa ngày 29.10 (giờ địa phương), theo NATO.
Trước đó, vào hôm 28.10, cũng đã có 7 chiến đấu cơ Nga xuất hiện ở biển Baltic, khiến Đức, Đan Mạch và cả 2 quốc gia không phải là thành viên của NATO là Thụy Điển và Phần Lan phải cho máy bay lên theo dõi. NATO cho biết đã tiến hành hơn 100 chuyến bay ngăn chặn máy bay Nga tính từ đầu năm đến nay, cao khoảng gấp 3 lần so với năm 2013, trong bối cảnh khối này và Nga đang có bất đồng về khủng hoảng Ukraine.
-------------------------
Quân đội Thái cân nhắc yêu cầu của phiến quân Hồi giáo
Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Thái Lan, Tướng Udomdej Sitabutr cho biết sẽ xem lại những yêu cầu của Tổ chức phiến quân Hồi giáo Mặt trận Cách mạng Dân tộc (BRN), theo Bangkok Post ngày 29.10.
Những yêu cầu này được BRN đặt ra từ tháng 4 năm ngoái (hai tháng sau khi Thái Lan ký thoả thuận đàm phán hoà bình đầu tiên với BRN).
Những yêu cầu đó là: Chính phủ Thái phải công nhận BRN là Tổ chức giải phóng, chứ không phải là Phong trào li khai; công nhận quyền tự trị của người Hồi giáo tại tỉnh Pattani (miền nam Thái Lan); trả tự do cho những người có liên quan đến BRN “bị tình nghi là ảnh hưởng đến an ninh” và trong đàm phán hoà bình giữ BRN và Thái Lan, Malaysia phải là người đứng giữa với sự chứng kiến của đại diện các nước Châu Á thành viên cũng như Tổ chức Liên minh các nước Hồi giáo và các tổ chức NGOs.
Trước mắt, theo Tướng Udomdej một số yêu cầu của BRN, đặc biệt yêu cầu công nhận BRN là Tổ giải phóng là ngược với vị trí hiện nay của Chính quyền Thái Lan. Tuy nhiên, ông cho biết, Thủ tướng Prayut vừa đề nghị Hội đồng bảo an quốc gia lên kế hoạch cụ thể để thúc đẩy tiến trình hoà bình giữa BRN và chính quyền.
BRN là nhóm phiến quân hoạt động mạnh nhất tại miền nam Thái Lan. Chín năm gần đây, những cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và tôn giáo khác đã làm khoảng 500 người thiệt mạng tại Thái. Gần nhất, tối 27.10, hai văn phòng tại quận Nong Chik và Pattani bị phóng hoả.
-------------------------