Đó là chia sẻ của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp do Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 26-11 ở Hà Nội.
“Chúng ta không thể đứng ngoài xu thế của thế giới. Nếu không tự vươn lên, Việt Nam sẽ tụt lại” - ông Đam nhấn mạnh. Theo ông Đam, đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực của cả quốc gia, đặc biệt trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để từ đó lan tỏa ra cộng đồng.
Bởi lẽ dự án Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp có vốn đầu tư từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới lên đến hơn 55 triệu USD, nhưng cũng chỉ có thể hỗ trợ trực tiếp một số doanh nghiệp trong một vài lĩnh vực nhất định.
Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất - phó cục trưởng phụ trách Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) - cho rằng Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm tham gia sâu hơn nữa, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng như thúc đẩy quá trình biến ý tưởng của người dân thành sản phẩm sinh lời.
“Nhiều cán bộ - ngay cả một số cán bộ cấp bộ đang dự diễn đàn ở đây - có lẽ cũng chưa thật sự lo lắng và ủng hộ một cách thực chất đối với người dân” - ông Quất nói.
Theo đó, có khi thủ tục cấp bằng sáng chế 2-3 năm không giải quyết, người có nhu cầu cấp bằng đi lại cả chục lần rồi đành về mà mất hết động lực sáng tạo và cống hiến.
Mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Phát biểu tại Hội thảo "Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập", về các chính sách tiền lương ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, trong bối cảnh Việt Nam ngày cần hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách, thực tiễn điều chỉnh tiền lương cần được cải thiện.
Bên cạnh đó, xác lập tiền lương cần dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, phản ánh nhu cầu của người lao động, gia đình họ, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.
"Chính sách tiền lương đã có nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường. Nhưng việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương của người lao động hạn chế dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép", Thứ trưởng nói.
Lương Việt Nam thấp nhất ASEAN
Tại Hội thảo, ông Malte Luebke - Chuyên gia cao cấp về tiền lương của ILO khu vực Châu Á -Thái Bình Dương cho biết, chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm là được hưởng lương - nguồn thu nhập chính.
Tỷ lệ trên khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%). Tuy nhiên, theo ông Malte Luebke, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới.
Về mức lương tối thiểu thấp, đại diện ILO cho biết, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Ông Malte Luebke cho rằng, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động cũng là những quốc gia tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp và chuyển đổi sang các lĩnh vực có giá trị tăng cao hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Không có doanh nghiệp chủ trương trả lương thấp cho lao động chỉ trừ khi tổ chức quản lý sản xuất không tạo ra năng lực cạnh tranh. Chúng tôi hiểu rằng nhu cầu lao động tăng, lương sẽ tăng nhưng chủ doanh nghiệp không xử lý được năng suất lao động. Khi lương tăng mà năng suất lao động không tăng thì năng lực cạnh tranh sẽ thấp đi. Do đó, xét ở vi mô, cần phải cải thiện năng suất lao động thì mới có tăng trưởng".
Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) nhìn nhận, 65% người lao động Việt Nam rơi vào bẫy kỹ năng (thiếu kỹ năng thực tế), nên năng suất lao động thấp. Do đó, Việt Nam cần nâng cao chương trình giáo dục, đưa việc rèn kỹ năng thực tế, sử dụng máy móc vào nhà trường…
Lương sẽ tăng theo năng suất
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, để cải thiện tiền lương thì nhất thiết phải cải thiện năng suất lao động bởi đây là hai yếu tố luôn tỷ lệ thuận với nhau. "Năng suất lao động không thể tăng đột biến, vì vậy, tôi cho rằng, lương cũng sẽ chỉ có thể tăng từ từ", ông nói.
Để giải quyết bài toán tăng năng suất lao động, Thứ trưởng Huân cho rằng, cần có những chính sách áp dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được như cầu thị trường.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong quá trình hội nhập xu thế cạnh tranh sẽ làm tăng thêm chất lượng năng suất lao đông, do đó, sẽ tác động đến tiền lương.
"Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì đều tăng lưu chuyển hàng hóa dịch vụ đầu tư, nó sẽ kích thích đầu tư các nước thành viên phát triển. Tăng lượng xuất khẩu sẽ tăng việc làm. Nó sẽ tác động cung cầu lao động, từ đó tác tác động đến tiền lương", ông Cường nói.
Trong khi đó, bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc ILO thì cho rằng, lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động. Nghiên cứu mới nhất cho thấy tăng tiền lương khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư kỹ thuật, quá trình làm việc hiệu quả hơn...
"Để tăng năng suất lao động không chỉ đơn giản là yêu cầu người lao động làm việc chăm chỉ. Lương cần tăng cùng tăng năng suất, song song với đó, công nghệ - là công cụ để giúp lương tối thiểu được tăng lên đều đặn", chuyên gia từ ILO đề xuất.
-------------------------
Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan dự án trên núi Hải Vân
Ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành liên quan đến dự án triệu đô ở mũi Cửa Khẻm núi Hải Vân; đồng thời đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.
Sau khi nghe Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô báo cáo việc rà soát quá trình xem xét, cấp chứng nhận đầu tư đối với dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine - Huế và ý kiến của các thành viên dự họp, ông Nguyễn Văn Cao kết luận: Quá trình nghiên cứu, xem xét, thống nhất và cấp chứng nhận đầu tư cho dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine - Huế tại khu vực Cửa Khẻm, thuộc địa bàn Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô là cơ bản phù hợp với trình tự, quy trình và quy hoạch phát triển Khu Kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, công tác phối hợp, thẩm tra văn bản vẫn còn một số vấn đề chưa chặt chẽ.
Cụ thể: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chưa chủ động đề xuất xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu IV về vấn đề an ninh quốc phòng đối với khu vực nghiên cứu dự án; không kịp thời xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Bộ Quốc phòng khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh (theo nội dung cuộc họp ngày 19/9/2014 thể hiện tại Thông báo số 271/TB-UBND ngày 01/10/2014 của UBND tỉnh).
Trong quá trình thẩm tra dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phối hợp chưa thường xuyên với các cơ quan quản lý chuyên ngành, Giấy chứng nhận đầu tư có một số nội dung chưa chặt chẽ.
Các cơ quan chức năng chưa kịp thời giải thích, cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan thông tin truyền thông, các lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, các địa phương và nhân dân biết về quá trình thực hiện, vị trí thực hiện dự án; dẫn đến việc có nhiều thông tin sai lệch, chưa đúng thực tế, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Qua đó, ông Cao đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan kiểm tra lại toàn bộ quy trình, trình tự thủ tục triển khai dự án, rà soát kỹ những vướng mắc, sai sót trong quá trình phối hợp thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt, nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình trong việc tham mưu, đề xuất về dự án.
Về dự án, tỉnh thống nhất chủ trương dừng thực hiện dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine - Huế. Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô làm việc với Chủ đầu tư để thống nhất về việc dừng thực hiện dự án và xử lý các tồn tại liên quan.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên phòng tỉnh làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để rà soát các quy hoạch và phạm vi các công trình, khu vực quân sự, quốc phòng tại khu vực này theo Quyết định 2412/QĐ-TTg ngày 19/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND tỉnh.
Cũng trong ngày hôm qua (26/11) vào 18h30, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã ký văn bản về việc dừng thực hiện dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine kể từ ngày 26/11.
Như báo Dân trí đưa tin, trong thời gian qua, Huế đã vấp phải dư luận rất lớn về dự án trên vì cho rằng dự án nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng về an ninh quốc phòng cả nước.
-------------------------
Nhập tàu biển về để… bán sắt vụn – cần vốn tối thiểu 50 tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Theo đó, việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được phép hoạt động theo quy định.
Bên cạnh đó, tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải thuộc các trường hợp quy định; người nhập khẩu tàu phải có bản kê khai danh mục vật liệu trên tàu theo mẫu quy định; tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.
Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày đưa tàu vào cơ sở phá dỡ.
Tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải.
Theo Nghị định, doanh nghiệp phá dỡ tàu biển có đủ 3 điều kiện sau đây được Bộ GTVT cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ. Cụ thể, doanh nghiệp phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường và có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam.
Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực thực hiện trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Nghị định cũng quy định các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ gồm: Tàu chở hàng khô (hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép); tàu công-ten-nơ; tàu chở quặng; tàu chở hàng lỏng (dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật); tàu chở gas, khí hóa lỏng; tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển; giàn khoan nổi; giàn khoan tự nâng; tàu chứa nổi; phương tiện chứa nổi và chuyển tải sản phẩm và các loại tàu biển khác do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng GTVT.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/1/2015.
--------------------------
Phó Thủ tướng: Cần đổi mới mạnh mẽ nếu không muốn… tự thua
“Đổi mới sáng tạo mạnh mẽ sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Ngày 26/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp 2014 cùng hàng trăm học giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đại diện doanh nghiệp.
“Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cho từng dân tộc, từng nền kinh tế muốn bứt thì phải giải quyết những vấn đề khác nhau nhưng có một điểm giống nhau là dân tộc nào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, có hệ thống đổi mới quốc gia tốt thì không chỉ đi nhanh mà còn bền vững, đem lại lợi ích cho mình, và cả những đối tác, hợp tác”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Tại Việt Nam, Chính phủ, các tổ chức, DN đã có nhiều nỗ lực nhằm khơi dậy, cổ vũ, đưa các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến trở thành sản phẩm đo được, đếm được, bán được. Nhưng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của chúng ta còn rất nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu nhất là trước xu thế toàn cầu hóa đang buộc mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phải vươn lên mạnh mẽ nếu không muốn tự thua, bị tụt lại thay vì cùng chiến thắng.
Để cải thiện điều này, ngoài sự hỗ trợ của quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải khơi nguồn sáng tạo ở mọi lĩnh vực đời sống với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội. Trong đó sự hỗ trợ của nhà nước hay của dự án đối với DN phải luôn luôn được kết hợp với mục tiêu cuối cùng là đưa ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm cụ thể, sinh lời.
“Mỗi người hãy tự tin trình bày những ý tưởng mới, cho dù khác thường, và xã hội hãy cổ vũ cho những ý tưởng đó” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo và tăng cường kết nối các nguồn lực, mạng lưới hợp tác tiềm năng để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các viện nghiên cứu, trường đại học và các cá nhân trong việc nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phát triển công nghệ, mở rộng quy mô ứng dụng và thương mại hóa công nghệ.
-------------------------