Vàng 'nhảy múa', USD lại tăng mạnh
Sáng nay (24/11), giá vàng trong nước "nhảy múa" khi miền Bắc tăng còn miền Nam giảm. Trong khi đó, tỷ giá USD lại tăng mạnh sau tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Thời điểm 8h30 tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 35,39 - 35,43 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 10.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.
Cùng thời điểm tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 35,24 – 35,36 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 90.000 đồng mỗi lượng so với giá cuối tuần trước.
Trên thế giới, giá vàng bán ra ngày đầu tuần tiếp tục ổn định, hiện ở mức 1.201 USD/oz, bằng giá cuối tuần trước.
Như vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới 4,3 triệu đồng mỗi lượng (quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng).
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng. Ngân hàng Vietcombank hiện niêm yết ở mức 21.350 – 21.400 đồng/USD (mua – bán), tăng 15 đồng mỗi USD so với tỷ giá cuối tuần trước.
Trong 23 chuyên gia và nhà đầu tư tham gia khảo sát trên trang tin Kitco, 14 người cho rằng giá vàng tuần này sẽ tăng, 6 nhận định thị trường đi xuống và 3 dự đoán giá đi ngang hoặc quyết định đứng ngoài quan sát.
Những người nghiêng về xu hướng tăng cho rằng, triển vọng tích cực từ đà tăng cuối tuần trước, bất chấp đồng USD mạnh lên, và số hợp đồng tương lai chưa thực hiện còn nhiều sẽ hỗ trợ thị trường.
Những người dự đoán giá xuống cho rằng các thông tin tích cực về kinh tế Mỹ sẽ "nhắc nhở" Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục gỡ bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ, trái ngược với ECB. Hiện ECB đã bắt đầu mua lại trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Việc này sẽ khiến euro đi xuống và USD tăng giá.
-------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam
Hôm nay (24.11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 tại Vientiane, Lào, từ ngày 24-25.11 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần này nhằm củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào. Đồng thời củng cố quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia cũng như tăng cường phối hợp giữa 3 nước trong triển khai chương trình hợp tác quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội trong Khu vực Tam giác phát triển.
Hợp tác Khu vực Tam giác Phát triển Camphuchia-Lào-Việt Nam là cơ chế hợp tác quan trọng duy trì ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội tại khu vực biên giới ba nước.
Thời gian qua, hợp tác giữa 13 tỉnh Khu vực Tam giác Phát triển đã thu được những kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Hoạt động trao đổi thương mại khu vực biên giới được đẩy mạnh, các quy định về thủ tục thương mại từng bước được đơn giản hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của cả 3 nước trong Khu vực Tam giác Phát triển đạt khoảng 10%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.340 USD năm 2013.
Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần này sẽ kiểm điểm, rà soát việc thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Khu vực Tam giác phát triển đến năm 2020 và Biên bản ghi nhớ về Cơ chế ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác Phát triển; đánh giá những khó khăn, tồn tại trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực này cũng như đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác Phát triển này bao gồm 13 tỉnh, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia; Attapeu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam.
Sáng kiến thành lập Tam giác Phát triển do Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất tại Vientiane năm 1999.
-------------------------
Quảng Nam: 823 tỷ đồng xây dựng cầu Giao Thủy
UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Giao Thủy.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 823 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (80% giá trị xây lắp và không quá 500 tỷ đồng) và ngân sách địa phương. Dự án sẽ được triển khai từ 2015-2020 và được chia làm 2 giai đoạn.
-------------------------
Nhập khẩu sắt thép các loại tăng mạnh
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 10, Việt Nam đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 833,3 triệu USD, tăng 22,3% về lượng so với tháng liền kề trước đó.
Tính chung từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi 6,2 tỷ USD để nhập khẩu tổng cộng 9,4 triệu tấn sắt thép các loại. Lượng sắt thép các loại nhập khẩu tăng 18,16% so với cùng kỳ năm 2013.
Bộ Công Thương cũng cho biết, nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 50% tổng lượng thép nhập khẩu, đạt 4,7 triệu tấn với tổng giá trị 2,9 tỷ USD. Lượng sắt thép nhập khẩu từ nước này trong 10 tháng qua đã tăng 57,88% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
-------------------------
TKV dự kiến nộp ngân sách 13 nghìn tỷ đồng
Tập đoàn công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, từ nay đến cuối năm 2014, nhu cầu than trong nước sẽ tăng cao do các doanh nghiệp đối tác có nhu cầu chuẩn bị than cho các dự án điện và một số dự án xi măng mới. Dự kiến tổng sản lượng than nguyên khai khai thác của tập đoàn năm 2014 đạt 37,7 triệu tấn, tiêu thụ 35,5 triệu tấn; nộp ngân sách khoảng 13 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013.
Đại diện tập đoàn cũng cho biết, mặc dù hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn do các khoản thuế phí tiếp tục tăng cao, nhưng cũng phấn đấu tổng doanh thu đạt 105.520 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất than 53.036 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của cán bộ, nhân viên phấn đấu 8 triệu đồng/người/tháng.
-------------------------