Hàng loạt tướng Trung Quốc tự sát vì bị điều tra tham nhũng?
Trong vòng ba tháng gần đây, 3 tướng quân đội Trung Quốc đã tự sát vì bị điều tra tham nhũng. Các nhà quan sát chính trị xem những vụ tự tử này là hậu quả từ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vụ mới đây nhất là ông Mã Phát Tường, Phó đô đốc, Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc tự sát sau khi nhảy từ tầng 13 của tòa nhà 15 tầng là trụ sở Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại thủ đô Bắc Kinh. Tờ The Washington Times (Mỹ) thì cho rằng ông Mã nhảy từ cửa sổ tầng 15 vào ngày 13.11.
Ban đầu vụ tự sát của ông Mã được giữ bí mật, nhưng tin đồn về vụ việc đã được lan truyền trên các trang mạng ở Trung Quốc. Thông tin đồn đoán từ các mạng xã hội Trung Quốc cho rằng Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập ông Mã để tiến hành điều tra tham nhũng, khiến ông trầm cảm, dẫn đến tự sát.
Ông Mã lần cuối cùng được nhìn thấy tại thành phố cảng Chu San (Trung Quốc) vào ngày 22.10, sau khi ông hoàn tất sứ mạng phối hợp tìm kiếm máy bay mất tích (chuyến bay MH370) của hãng hàng không Malaysia Airlines (mất tích từ ngày 8.3).
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc và truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận ông Mã đã tự sát. Nhưng tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 16.11 xác nhận ông Mã nhảy lầu tự vẫn thông qua cuộc phỏng vấn với một cựu quan chức hải quân PLA.
Nhà quan sát chính trị Tang Jingyuan ở Trung Quốc nhận định việc ông Mã tự tử không được chính quyền Trung Quốc công bố thông tin chính thức là nhằm che đậy những vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao hơn ông Mã trong quân đội, theo trang tin chuyên về Trung Quốc China Topix của Mỹ ngày 22.11.
Vài ngày trước đó, thiếu tướng Song Yuwen, Phó chính ủy Quân khu Cát Lâm (Trung Quốc), được cho đã treo cổ tự sát, theo tờ The Washington Post (Mỹ). Ông Song là một trong số 8 quan chức Trung Quốc bị bắt gần đây với cáo buộc tham nhũng.
Vào ngày 2.9, thiếu tướng Hải quân Jiang Zhonghua cũng nhảy lầu tự sát từ một tòa nhà cao tầng thuộc căn cứ hải quân ở tỉnh Chiết Giang.
Đến nay, trên 200 quan chức cấp cao PLA bị điều tra với cáo buộc tham nhũng, theo China Topix, nổi cộm nhất là tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Các điều tra viên chống tham nhũng của Trung Quốc mới đây đã tìm thấy khoảng 1 tấn tiền mặt (bao gồm USD, euro, nhân dân tệ) cùng nhiều tài sản quý giá khác trong tầng hầm ngôi nhà xa xỉ của ông ở Bắc Kinh, và phải điều động hơn 10 xe tải mới chở hết số tài sản này, Reuters dẫn thông tin của tạp chí Phoenix Weekly (Hồng Kông) ngày 20.11 cho biết.
Theo tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản), chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đến nay đã khiến cho 56 quan chức cấp cao rớt chức, nhưng trong số này chỉ có 3 quan chức của PLA, bao gồm ông Từ.
China Topix cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có thể sẽ khiến cho thêm nhiều vị tướng, quan chức cấp cao Trung Quốc phải tự sát.
-------------------------
Hàn Quốc ‘chơi hai mặt’ với Triều Tiên?
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc "muốn thắt chặt quan hệ 3 bên Hàn – Trung – Triều", nhưng đồng thời, thủ tướng nước này khẳng định “sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ động thái khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng”, theo Yonhap ngày 23.11.
Seoul vừa ngỏ lời về mối hợp tác 3 bên Hàn – Trung – Triều, trong nỗ lực củng cố chính sách ngoại giao tiểu đa phương của nước này, Yonhap dẫn lời nguồn cấp cao từ bộ ngoại giao nước này cho hay.
Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se từng đưa ra đề nghị này với người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị trong cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh hôm 7.11, trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC.
“Vì nhiều lí do, khó có thể tổ chức một cuộc tiếp xúc 3 bên ngay vào lúc này. Tuy nhiên, nếu nó diễn ra, các nước sẽ rất có lợi trong việc triển khai các kế hoạch hợp tác lâu dài”, Seoul cho biết.
Mặt khác, cũng trong ngày hôm nay, 23.11, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won mạnh mẽ tuyên bố “sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ sự khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng”, đi ngược lại lời kêu gọi tăng cường hợp tác Hàn – Trung – Triều của Bộ trưởng ngoại giao nước này.
Đây là cam kết của ông trong lễ tưởng niệm 4 năm vụ tấn công của Triều Tiên nhằm vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc ở Hoàng Hải, làm 4 người chết, 16 người bị thương.
“Chính phủ và quân đội Hàn Quốc sẵn sàng phủ đầu bất cứ nỗ lực phá hoại nào của Bình Nhưỡng. Nếu họ khiêu khích, chúng tôi sẽ đáp trả nghiêm khắc”, Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo phát biểu thay mặt Thủ tướng Chung, người đang có chuyến công du Ai Cập.
“Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay rất căng thẳng. Chúng ta cần cứng rắn hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa, để đối đầu với sự khiêu khích ngày càng gia tăng từ phía Bình Nhưỡng”, ông nhấn mạnh.
Những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Hàn Quốc có thể làm những nỗ lực của Seoul nhằm tổ chức cuộc gặp gỡ 3 bên vào cuối năm nay gặp nhiều khó khăn.
Thời gian gần đây, quan hệ Trung – Triều gặp nhiều vướng mắc sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân vào năm ngoái, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trung – Hàn cũng đã có cam kết tăng cường nỗ lực hợp tác nhằm kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong một cuộc họp bên lề hội nghị APEC vừa qua.
-------------------------
ASEAN trên con đường “cao tốc” tăng trưởng
ASEAN lâu nay luôn là khu vực tăng trưởng cao và ổn định hơn các khu vực khác. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của ASEAN vẫn đạt 4,9%
Đó là nhận định lạc quan của ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered, dựa trên báo cáo “ASEAN - trên con đường cao tốc tăng trưởng” của Bộ phận Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Standard Chartered, được xuất bản nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN FT tổ chức tại Singapore vừa qua. Chúng tôi xin lược ghi một số vấn đề đáng quan tâm.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Dù ASEAN có mức tăng trưởng cao trong vài thập kỷ qua, chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong khu vực. Tỉ lệ nông nghiệp của khu vực vẫn còn khá cao - tính đến năm 2013, chỉ có 46% dân số sống ở thành thị. Trong khi đó, trên thế giới, tỉ lệ đô thị hóa đã vượt mốc 50% từ năm 2007. Trong ASEAN, chỉ có Singapore, Brunei và Malaysia được xem như là đã đô thị hóa. Nền kinh tế Singapore và Brunei có thể sẽ tăng trưởng chậm trong những năm tới nhưng tốc độ tăng trưởng của toàn khu vực ASEAN vẫn có thể đạt khoảng 5% hoặc cao hơn trong trung hạn. Với giả thiết xu hướng đô thị hóa của các nước ASEAN sẽ tiếp tục được thúc đẩy, chúng tôi ước tính GDP bình quân đầu người của ASEAN sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 3.900 USD năm 2013 lên 8.500 USD năm 2030. Đến lúc đó, tỉ lệ đô thị hóa của ASEAN có thể đạt tới 60%.
Nhờ quá trình đô thị hóa, thị trường tiêu dùng của ASEAN đang mở rộng. Dân số ASEAN dự kiến sẽ tăng thêm hơn 10% lên 690 triệu người vào năm 2020. Nhu cầu nhà ở sẽ gia tăng… Chúng tôi tin rằng người tiêu dùng ASEAN sẽ là một nguồn cầu mạnh mẽ cho thị trường bất động sản nhà ở và thương mại, đồ gia dụng, các loại phương tiện cơ giới, sản phẩm thông tin và viễn thông, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính.
Hấp dẫn đầu tư quốc tế
ASEAN là khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Khu vực này thu hút 9% dòng vốn FDI toàn cầu năm 2013, vượt qua cả Trung Quốc. Hầu hết vốn FDI được đổ vào lĩnh vực sản xuất và điều này cho thấy điểm tích cực của ASEAN: Hấp dẫn vốn đầu tư vào cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, ASEAN không chỉ hấp dẫn đầu tư nhờ năng lực sản xuất mà nhà đầu tư còn thấy ASEAN như một thị trường nội địa rất lớn. Nếu xem ASEAN là một quốc gia duy nhất, đó sẽ là thị trường lớn thứ ba trên thế giới về dân số sau Trung Quốc và Ấn Độ.
ASEAN có thể được lợi từ sự suy giảm sức cạnh tranh về chi phí của Trung Quốc. Lực lượng lao động của ASEAN dự kiến sẽ tăng thêm 70 triệu vào năm 2030 (so với năm 2010). Trong khi đó, lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm gần 70 triệu. Cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi của ASEAN giúp khu vực này thu hút các nhà đầu tư đang tìm kiếm khu vực đặt cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN sẽ cần phải nâng cao năng suất lao động để thu hút đầu tư. Năng suất lao động tại hầu hết các nước ASEAN chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/2 so với năng suất lao động tại Mỹ, trừ Singapore (nước có năng suất lao động cao nhất châu Á). ASEAN có thể phần nào thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế có năng lực sản xuất cao hơn bằng cách gia tăng số lượng và chất lượng vốn cổ phần của mỗi công nhân (capital stock per worker). Trong khu vực ASEAN, trừ Singapore, chỉ số này chỉ khoảng 10%-40% so với Mỹ.
Đẩy mạnh vai trò trong thương mại toàn cầu
ASEAN đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu và chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong năm 2013. Với việc dòng vốn FDI đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN, khu vực này sẽ có thể bắt kịp với Trung Quốc - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong dài hạn, ASEAN sẽ có lợi từ các hiệp định thương mại tự do hiện đang được đàm phán, đặc biệt trong số đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông qua những hiệp định này, các nền kinh tế ASEAN có thể tiếp cận những thị trường có quy mô lớn hơn nhiều lần. Ngoài ra, thương mại nội khối ASEAN cũng có thể phát triển hơn nữa nhờ tăng cường hợp tác kinh tế ngày càng mạnh mẽ với sự hỗ trợ của các sáng kiến, trong đó có việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sự hỗ trợ của dòng vốn FDI cùng với sự thịnh vượng đang gia tăng trong khu vực. Năm 2013, thương mại nội khối chiếm khoảng 26% tổng khối lượng thương mại của ASEAN.
Trong một vài tháng trở lại đây, niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu nằm ở mức thấp và ASEAN cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu có thể tăng trưởng “chậm” ở mức 5% trong ngắn hạn, ASEAN vẫn là một khu vực rất khả quan.
-------------------------
40 người chết trong vụ đánh bom tự sát ở Afghanistan
40 người thiệt mạng khi một kẻ cực đoan thực hiện vụ đánh bom tự sát ngay trong nhà thi đấu đang diễn ra trận chung kết bóng chuyền ở Yahyakhail, miền đông Afghanistan, BBC dẫn lời quan chức nước này cho biết hôm nay 23.11.
Kẻ tấn công đã kích hoạt quả bom trong đám đông khi họ tập trung xem trân chung kết giải đấu bóng chuyền cấp quận. Quả bom phát nổ khi trận đấu vừa kết thúc và mọi người chuẩn bị rời đi, Mukhles Afghan, phát ngôn viên văn phòng thống đốc tỉnh Paktika trả lời BBC.
Ngoài 40 người thiệt mạng, còn có khoảng 50 người bị thương, hầu hết là dân thường, ông cho biết thêm.
Taliban đã tăng cường các hoạt động tấn công trước kế hoạch rút quân của quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan sau 13 năm chiến tranh.
Dự kiến, khoảng 12.000 binh sĩ quốc tế vẫn duy trì ở Afghanistan để huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng an ninh của nước này.
Vụ đánh bom liều chết diễn ra sau khi Hạ viện Afghanistan đưa ra thỏa thuận cho phép quân Mỹ và NATO ở lại. Tuy nhiên, thỏa thuận trên còn phải được thông qua Thượng viện Afghanistan
-------------------------