Đầu tháng 12, tàu ngầm Kilo thứ ba từ Nga về nước
Đầu tháng 12, tàu ngầm lớp Kilo 636.1 thứ ba HQ-184 Hải Phòng sẽ từ Nga về nước, cuối tháng sẽ hạ thủy tàu ngầm thứ 5 (Đà Nẵng).
Đại diện nhà máy đóng tàu Admiralty tại St. Petersburg (Nga) cho hãng tin Interfax biết ngày 18/11.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax (Nga), tổng giám đốc nhà máy Admiralty, ông Alexander Buzakov nói: "Đầu tháng 12 sẽ đưa tàu ngầm thứ ba của Việt Nam về nước, và cuối năm nay sẽ hạ thủy chiếc tàu ngầm thứ 5".
Hai chiếc tàu ngầm điện - diesel đầu tiên trong số 6 chiếc thuộc lớp Varshavyanka 636.1 (NATO gọi là Kilo) Nga đóng cho Việt Nam đã về nước trước đó là HQ-182 Hà Nội (cuối năm 2013) và HQ-183 TP.Hồ Chí Minh (đầu năm 2014). Hai tàu này đều được hãng tàu Rolldock của Hà Lan chở về nước. Rất có thể lần này tàu ngầm Hải Phòng cũng về nước bằng tàu chuyên dụng của Rolldock.
Theo hợp đồng ký cuối năm 2009, Nga đóng 6 tàu ngầm và đảm nhận việc đào tạo, huấn luyện thủy thủ cũng như cung ứng các trang thiết bị, khí tài khác cho tàu ngầm. Để huấn luyện thủy thủ Việt Nam tại Cam Ranh, một trung tâm huấn luyện đã được xây dựng tại đây với sự giúp đỡ của Công ty Aurora (St. Petersburg, Nga). Công ty này thiết kế và phát triển các hệ thống mô phỏng, quản lý thông tin Lama, hệ thống điều khiển tàu ngầm Palladium, Pyrite.
Tàu ngầm Kilo 636.1 thuộc thế hệ thứ ba, tích hợp nhiều loại vũ khí như tên lửa chống hạm Club, chạy rất êm dưới lòng biển nên còn được gọi là "hố đen" trong lòng đại dương.
Việc Việt Nam mua tàu ngầm Kilo của Nga đã thu hút sự quan tâm của hải quân nhiều nước trong khu vực, và nhờ vậy nhà máy Admiralty đã đón các đoàn hải quân các nước này đến thăm, tìm hiểu để đặt đóng tàu ngầm, theo Interfax.
-------------------------
Thuế thu nhập từ nông nghiệp dự kiến giảm còn 15%
Theo đề xuất mới của Bộ Tài chính, lĩnh vực điện tử, tin học cũng được bổ sung vào nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng về việc tiếp thu ý kiến Quốc hội cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, cơ quan này đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gồm nghiên cứu phát triển giống, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Trước đó, trong dự thảo Luật được trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra mức đề xuất thuế đối với lĩnh vực này là 20%. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến tại Quốc hội đã đề nghị mức ưu đãi cao hơn với lĩnh vực này.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển. Trước đây, quy định chỉ có 5 ngành là dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Để được hưởng ưu đãi, Bộ Tài chính đề xuất trong Luật phải thể hiện rõ tiêu chí là trong nước chưa sản xuất được, hoặc trong nước sản xuất được những chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu.
Về xử lý đối với việc chậm nộp thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng thống nhất một mức tính. Cụ thể, cơ quan này đề xuất bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% một ngày đối với nợ quá hạn trên 90 ngày. Người nộp thuế chậm nộp thuế sẽ bị phạt 0,05% một ngày tính trên số tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ không bị phạt chậm nộp tiền thuế chậm nộp nếu chưa được nhà nước chi trả. Tuy nhiên, số tiền nợ thuế không bị phạt chậm nộp không vượt quá số tiền ngân sách chưa thanh toán.
----------------------------------------
Sự cố sân bay Tân Sơn Nhất lên báo quốc tế
Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20/11 được báo nước ngoài quan tâm, sau khi một cựu quan chức sân bay cho rằng đây là trường hợp chưa từng xảy ra trên thế giới.
Trưa 20/11, nhiều chuyến bay quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, đều không thể hạ cánh vì hệ thống radar mất tín hiệu do sự cố mất điện tại đài kiểm soát không lưu. Ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất, đánh giá đây là sự cố mà "trên thế giới chưa từng xảy ra trường hợp nào như thế".
Trong bài viết với tiêu đề "Mất điện ở sân bay Việt Nam, máy bay phải quay đầu", hãng thông tấn AFP đưa thông tin vụ việc và trích dẫn các báo trong nước. "Sự cố mất điện hôm 20/11 tại đài kiểm soát không lưu của sân bay lớn nhất Việt Nam khiến các radar không thu phát được tín hiệu trong hơn một giờ, buộc hàng loạt chuyến bay phải thay đổi hành trình", bài báo viết.
"Dù hồ sơ an toàn bay của Việt Nam là tương đối tốt, nhưng một chuỗi các sự cố xảy ra trong thời gian gần đây khiến du khách không khỏi lo lắng", AFP bình luận.
Trong khi đó, Channel News Asia còn liệt kê lại một số sự cố mà hàng không Việt Nam gặp phải trong năm qua.
Tháng trước, chiếc máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines chuẩn bị cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất thì bị một trực thăng quân sự bay cắt mặt khiến hai phi cơ suýt xảy ra va chạm.
Hồi tháng 6, máy bay của VietJet Air chở theo 200 hành khách, dự kiến đáp xuống sân bay ở Đà Lạt nhưng cuối cùng hạ cánh tại một sân bay khác, cách đó hơn 100 km.
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc dẫn nhận xét của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng, việc sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện là "sự cố kỹ thuật cực kỳ nghiêm trọng, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử hàng không Việt Nam", trong bài viết được đăng tải hôm qua.
Nhật báo Strait Times của Singapore hay trang báo điện tử Global Post của Mỹ cũng đưa thông tin vụ việc trong mục những câu chuyện nổi bật.
-------------------------
Truyền thông Đức ca ngợi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam
Khoảng 750 đại diện doanh nghiệp Đức đã tham dự một hội nghị tại TP.HCM vào giữa tuần này và các chuyên gia phân tích tại hội nghị đều cho rằng Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, đài Deusche Welle (Đức) cho biết.
Trong bài xã luận có tựa đề “Việt Nam: Quốc gia trên đà phát triển” đăng tải trên trang web của mình, Deusche Welle cho biết doanh số bán xe hơi tại Việt Nam đã tăng mạnh 40% hồi năm 2013.
Đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng nếu so với bất kỳ tỷ lệ tăng trưởng tiêu chuẩn nào, nhưng thương hiệu xe sang Mercedes thậm chí còn làm tốt hơn thế, với doanh số bán xe tăng vọt đến 60%, đài phát thanh Đức bình luận.
Tuy nhiên, Deusche Welle cũng chỉ ra rằng thị trường Việt Nam đang tăng trưởng từ một nền tảng còn thấp. Chỉ có 150.000 xe hơi được bán hồi năm 2013 tại Việt Nam, theo thống kê của đài Đức.
Phương tiện di chuyển phổ biến nhất vẫn là xe 2 bánh và chính phủ Việt Nam ước tính riêng TP.HCM đã có hơn 6 triệu xe 2 bánh, Deusche Welle cho biết.
‘Người Việt Nam rất cần cù và kỷ luật’
Đài truyền thanh Đức cho hay doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy háo hức với sự năng động và tràn trề năng lượng của thanh niên Việt Nam.
Tobias Gruemmer hiện là giám đốc điều hành của Rhenus Logistics, một công ty cung cấp dịch vụ hậu cần Đức có khoảng 24.000 nhân viên trên toàn thế giới. Ông đã sống tại Việt Nam 9 năm.
“Người Việt Nam rất cần cù và kỷ luật. Cái họ thiếu là kinh nghiệm quốc tế. Nhưng thanh niên Việt Nam đang dần bắt kịp”, Deusche Welle dẫn lời ông Gruemmer nói.
Doanh nhân Đức này cũng rất lạc quan với sự phát triển của Việt Nam. “Nhiều người đã vào được tầng lớp trung lưu. Sự năng động tại Việt Nam rất tuyệt, giống như tại toàn bộ vùng Đông Nam Á vậy”, ông bình luận.
Tuy nhiên, ông Gruemmer cũng cảnh báo rằng có những yếu tố có thể cản trở đà tăng trưởng của Việt Nam và yếu tố khiến ông đặc biệt quan ngại chính là sự phát triển của cơ sở hạ tầng ở Việt Nam “có lẽ đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”.
Chính phủ Việt Nam nên có nhiều biện pháp hơn để khắc phục vấn đề này, nhưng nhìn chung chính phủ rất thân thiện với doanh nghiệp, theo ông Gruemmer.
‘Việt Nam là trung tâm của sự năng động trong khu vực’
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã công bố báo cáo cập nhật về “Triển vọng kinh tế tại Đông Nam Á”, Deusche Welle cho hay. OECD dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ là 5,7% vào năm 2015.
Phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp Đức ở TP.HCM hôm 20.11, ông Stefan Kapferer, phó tổng thư ký OECD, đã đánh giá: “Đông Nam Á đang trở thành thế lực kinh tế của nền kinh tế thế giới”,
Ông đưa ra số liệu về sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và các báo cáo kinh tế khả quan để chứng minh cho nhận xét của mình. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của nhiều nước Đông Nam Á là vào khoảng hơn 6% và Việt Nam là trung tâm của sự năng động trong khu vực, theo ông Kapferer.
-------------------------