Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngưng xây đảo ở Trường Sa
Người phát ngôn quân đội Mỹ trung tá Jeffrey Pool hôm 21-11 (giờ Mỹ) cho biết Trung Quốc đang xây một đảo lớn ở biển Đông và có thể xây sân bay ở đó.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Pool nói dự án lấp biển xây đảo nhân tạo này diễn ra tại khu vực Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây là một trong nhiều dự án mà Trung Quốc đang tiến hành phi pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Có vẻ như họ vẫn đang tiến hành việc đó” - ông Pool nói.
Ngoài ra, một khu cảng cũng đang được đào ở phần phía tây của Đá Chữ Thập. Phần này được cho là đủ lớn để phục vụ tàu chiến hải quân và tàu chở dầu.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngưng ngay chương trình xây đảo nhân tạo và thực hiện các sáng kiến ngoại giao nhằm khuyến khích tất cả các bên kiềm chế đối với những hành động tương tự” - ông Pool phát biểu.
Trong 3 tháng qua, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Trung Quốc đã dùng máy nạo vét để xây một hòn đảo rộng 200-300m, dài khoảng 3.000m trên khu vực đảo đá này. Hành động của Trung Quốc đã bị vệ tinh ghi lại từ 8-8 đến 14-11.
Thông tin của IHS Jane’s cho biết việc xây đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập là dự án thứ 4 do Trung Quốc thực hiện tại Trường Sa trong vòng 12-18 tháng qua, đến nay là dự án quy mô lớn nhất ở đây.
IHS Jane’s đánh giá động thái này của Bắc Kinh là để các nước xung quanh từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền hoặc tạo cho Trung Quốc một vị thế thương lượng mạnh mẽ hơn trong trường hợp đàm phán về khu vực tranh chấp.
Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc cùng các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua các giải pháp hòa bình, không ép buộc nhau, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử đa phương trên biển để xoa dịu căng thẳng.
-------------------------
Trung Quốc xoa dịu quan ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tìm cách xoa dịu mối quan ngại về sự phát triển của lực lượng vũ trang, cho rằng việc hiện đại hóa quân sự bắt nguồn từ sự sỉ nhục trong quá khứ lẫn nhu cầu chống những mối đe dọa hiện tại như khủng bố.
"Sự phát triển đáng kể của sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc và tiến trình tiếp diễn trong việc hiện đại hóa quốc phòng đã trở thành trọng tâm chú ý trên thế giới trong những năm gần đây", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng Tướng Thường Vạn Toàn hôm qua phát biểu tại Bắc Kinh.
Ông Thường nói lý do cho sự phát triển này là "lịch sử hiện đại tồi tệ" của Trung Quốc khi là nạn nhân xâm lược, và "nhu cầu thực tế nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình", theo kịp với các nền quân sự khác và hợp tác quốc tế nhằm chống "khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai".
Quân đội Trung Quốc "bị tụt hậu rất xa so với những lực lượng quân sự tiên tiến đó ở nhiều nơi trên thế giới", ông Thường nói tại Diễn đàn An ninh Xiangshan lần thứ 5, do Hiệp hội về Khoa học Quân sự Trung Quốc tài trợ.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cảnh báo những cuộc đối đầu quân sự tiềm ẩn giữa hai nước có nguy cơ leo thang thành "một cuộc khủng hoảng chính trị lớn". Bắc Kinh đang có tranh chấp hàng hải với Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh của Mỹ.
Việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường năng lực hàng hải là hai trong số những động thái "tạo điều kiện cho Trung Quốc thách thức ưu thế trên biển và trên không của Mỹ nhiều thập kỷ qua ở Tây Thái Bình Dương", ông Dennis Shea, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, hôm 20/11 nói.
Ngoài ông Thường, các bộ trưởng Quốc phòng từ Malaysia, Kyrgyzstan, Serbia, Singapore, Tajikistan cũng tham gia diễn đàn an ninh này. Hàn Quốc gửi thứ trưởng quốc phòng về chính sách, trong khi Triều Tiên, đồng minh của Trung Quốc, dường như không cử ai đến, theo danh sách đại biểu được phát cho người tham dự.
-------------------------
Mỹ mua thêm 43 chiến đấu cơ F-35 giá 4,7 tỉ USD
Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng mua 43 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin với giá 4,7 tỉ USD, theo Reuters ngày 22.11.
Hợp đồng lần này có giá bình quân mỗi chiếc thấp hơn 3,5% so với hợp đồng lần trước. Đây là hợp đồng mua F-35 thứ tám của Mỹ với Lockheed Martin, thấp hơn mức giá đợt đầu tiên đến 57%.
Văn phòng dự án F-35 của Lầu Năm Góc cho biết hợp đồng có giá 4,7 tỉ USD gồm 29 chiếc F-35 cho Mỹ và 14 chiếc cho 5 nước Israel, Nhật, Na Uy, Anh và Ý.
Khi công việc sản xuất hoàn thành, sẽ có hơn 200 chiếc F-35 được sử dụng tại 8 quốc gia, Reuters dẫn lời văn phòng dự án F-35.
Lầu Năm Góc đã ký riêng với hãng sản xuất Pratt & Whitney hợp đồng có giá trị 1,05 tỉ USD để mua động cơ cho những chiếc F-35 lần này nhằm tăng cường sức mạnh. Hãng Pratt & Whitney tháng trước cho biết có thể hạ mức giá động cơ xuống khoảng 3,5 đến 4,5%.
Văn phòng dự án F-35 còn cho biết bản hợp đồng mới này đã giảm mức giá khung máy bay F-35 mẫu A, không có động cơ, xuống 94,8 triệu USD. Mức giá F-35 mẫu B không động cơ có thể là 102 triệu USD.
F-35 mẫu B có thể cất cánh từ những đường băng ngắn hoặc từ những khoảng đất như một chiếc trực thăng. Hai mẫu này sẽ được trang bị cho không quân. Trong khi đó, mẫu thiết kế cho hải quân hoặc biến thể khác có thể có giá 115,7 triệu USD.
Lầu Năm Góc không cung cấp chi tiết hợp đồng mua động cơ F135 của hãng Pratt & Whitney, nhưng các quan chức Mỹ cho biết mức giá của những máy bay với một động cơ giảm khoảng 80 đến 85 triệu USD vào năm 2019.
Quản lý dự án F-35 của hãng Lockheed, Lorraine Martin cho biết bản hợp đồng này cho thấy công ty đã tiến những bước vững chắc trong việc giảm chi phí cho hầu hết những máy bay chiến đấu cao cấp của Mỹ.
Hãng Lockheed hy vọng hoàn thành đơn đặt hàng của Israel cho khoảng 20 chiếc F-35 nữa vào năm nay hoặc đầu năm tới. Tuy nhiên phía Israel cho biết có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 10 đến 15 chiếc, Reuters dẫn lời một thành viên nội các cho biết.
F-35 có khả năng tấn công cực kỳ mạnh mẽ trong tham chiến, cả trên biển và trên đất liền, có thể chở 8 tấn vũ khí.
-------------------------
Biểu tình bạo lực chống cảnh sát ở Pháp
Ít nhất 16 người biểu tình bị bắt ở Toulouse, miền nam Pháp trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở một loạt các cuộc biểu tình bạo động gần đây sau cái chết của nhà hoạt động trẻ nước này, theo Reuters ngày 23.11.
Khoảng 600 đến 1.000 người xuống đường biểu tình tại Toulouse và 1.200 người tại phía tây thành phố Nantes 22.11. Ít nhất 16 người bị bắt sau khi nhóm biểu tình cố đốt các thùng rác và đập phá trạm xe buýt trên một con đường.
Nhóm biểu tình nổi loạn với khẩu hiệu “Chấm dứt giết người” sau cái chết của nhà hoạt động trẻ Remi Fraisse, 21 tuổi hồi tháng trước. Remi Fraisse bị thiệt mạng do một quả lựu đạn trong cuộc đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối dự án xây đập nước gần Toulouse hôm 26.10.
“Quả lựu đạn tấn công” của cảnh sát chỉ được dùng cho những trường hợp trấn áp các cuộc biểu tình đặc biệt nghiêm trọng. Sau cái chết của người biểu tình, nhà chức trách nước này ra lệnh cấm sử dụng loại lựu đạn này.
Cái chết của người biểu tình đã đánh dấu sự căng thẳng mối quan hệ giữa Tổng thống Francois Hollande và Đảng Xanh. Đảng Xanh đã lên tiếng chỉ trích Francois Hollande vì cho rằng vị lãnh đạo này đã không có ứng xử phù hợp, cũng như cáo buộc Bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve che giấu sự thật.
Trước đó, cuộc biểu tình bạo loạn ở các thành phố Nantes, Toulouse, Lille, Bordeaux và Avignon, Paris hồi 1.11 đã làm 100 người bị bắt và 9 người bị thương.
-------------------------
Mỹ tăng viện trợ người tị nạn Syria lên 3 tỷ USD
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố tăng tiền viện trợ nhân đạo thêm 135 triệu USD, nâng tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho người tị nạn do khủng hoảng Syria lên đến 3 tỷ USD, theo The Guardian sáng nay 23.11.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul hôm 22.11, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố khoản viện trợ bổ sung 135 triệu USD để cứu đói cho hơn 1,6 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyến thăm của ông Joe Biden vấp phải phản đối của 300 người biểu tình thuộc tổ chức Hiệp hội Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, với khẩu hiệu: “Joe Biden cút khỏi đây. Đất nước này là của chúng tôi”.
Mỹ lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ quan trọng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ‘miễn cưỡng’ với việc cho phép người tị nạn Syria lánh nạn ở các khu vực dọc biên giới.
Nhóm nhà hoạt động người Syria cho biết các cuộc không kích của quân đội Mỹ nhằm vào IS kể từ tháng 9 đã giết chết hơn 900 người nhưng đa số là thường dân Syria.
Trong khi đó Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu đã giết chết 785 chiến binh IS, 72 chiến binh al- Nusra Front và 52 thường dân, trong đó có 8 phụ nữ và 5 trẻ em.
Hơn 190.000 người Syria từ Kobani hay các thị trấn giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chạy tị nạn qua nước này kể từ khi khủng hoảng xảy ra. Đến nay đã có hơn 1,6 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức cho biết cuộc nội chiến ở Syria đã giết hơn 200.000 người.
-------------------------