Việt - Mỹ đối thoại chính sách quốc phòng 2014
Việt Nam và Mỹ đã trao đổi tình hình thế giới, khu vực cùng quan tâm và kiểm điểm lại kết quả đạt được trên các lĩnh vực. Hai bên cũng thống nhất thời gian tới tăng cường hợp tác về đào tạo nhân lực, cứu trợ thiên tai.
Ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Mỹ năm 2014. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn. Đoàn Mỹ do bà Amy Searight, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á làm trưởng đoàn.
Tại Đối thoại, hai bên đã trao đổi tình hình thế giới, khu vực cùng quan tâm và kiểm điểm lại kết quả đạt được trên 5 lĩnh vực được nêu trong Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương và thống nhất. Trong đó một số lĩnh vực có bước phát triển mới, nhất là các hoạt động hợp tác mang tính chất nhân đạo như tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA); rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin.
Hai bên cho rằng, sắp tới cần tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực mới như đào tạo nguồn nhân lực, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, hợp tác trong lĩnh vực quân y, cứu trợ thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Chiều cùng ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã tiếp bà Amy Searight tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định kết quả đạt được thông qua Đối thoại giữa hai bên sẽ góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ ngày càng phát triển.
Bà Amy Searight hy vọng quan hệ quốc phòng giữa hai nước ngày càng đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.
-------------------------
Bác đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư không trình Quốc hội kiến nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh về Báo cáo tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng trình Quốc hội.
Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu không đưa kiến nghị về việc xem xét dành một phần chi ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước như dự thảo báo cáo.
Theo một báo cáo đánh giá về tái cơ cấu nền kinh tế gửi tới Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thừa nhận tái cơ cấu còn chậm nên đề xuất Quốc hội xem xét dành một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước.
Liên quan đến các vấn đề khác, đại diện Chính phủ đồng ý về cơ bản với nội dung của báo cáo đánh giá tái cơ cấu kinh tế, song yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục rà soát, cập nhật lại các số liệu trong báo cáo đến thời điểm gần nhất, chú ý cập nhật số liệu 9 tháng đầu năm 2014 khớp với báo cáo về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về nội dung này.
Trước đó, trong báo với tiêu đề "Thách thức còn ở phía trước" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố tháng 11/2013, tổng nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước ước tính vào khoảng 73.000 tỷ đồng (đã bao gồm các khoản nợ cơ cấu lại và nợ của Vinashin). Tuy nhiên, nhóm tác giả báo cáo cũng nhận định trong bối cảnh tỷ lệ nợ công ở mức cao và thâm hụt ngân sách tăng trở lại thì khả năng hỗ trợ của ngân sách để giảm nợ cho khu vực Nhà nước sẽ vô cùng khó khăn. "Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ thực sự là một bài toán nan giải đối với Việt Nam", tác giả báo cáo cho biết.
----------------------
Việt Nam-Hoa Kỳ quyết tâm đàm phán thành công TPP
Tại trụ sở Quốc hội chiều 21-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp thân mật ông Michael Froman, đại diện thương mại Hoa Kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Quốc hội Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc đàm phán thương mại ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm đáp ứng nguyện vọng cũng như lợi ích của nhân dân hai nước.
Đánh giá cao các phiên đàm phán tích cực giữa hai nước thời gian qua, đại diện thương mại Hoa Kỳ khẳng định Hiệp định TPP là cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị giữa hai nước. Đồng thời khẳng định cá nhân ông và chính phủ Hoa Kỳ luôn ủng hộ và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Chiều cùng ngày, trong buổi tiếp đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định TPP có nhiều vấn đề khó khăn nhưng Việt Nam quyết tâm đàm phán thành công với Hoa Kỳ… Ông Michael Froman cũng nhấn mạnh quyết tâm tương tự từ phía Hoa Kỳ.
------------------------
Đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương sẽ khởi công năm 2015
Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh -Long Thành- Dầu Giây nằm trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Dự án có tổng chiều dài 200,3km, điểm đầu nối với tại đường cao tốc TP. HCM- Long Thành - Dầu Giây tại xã Xâun Thạnh, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) và điểm cuối tại Km208+250 trên đường cao tốc Liên Khương-Prenn (Đà Lạt, Lâm Đồng).
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc trên sẽ có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 65.350 tỷ đồng, theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh -chuyển giao). Giai đoạn đầu, dự án sẽ có mức đầu tư là 34.000 tỷ với 2 làn xe.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu, góp phần tạo ra mối liên kết thuận tiện giữa các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, TPHCM, Vũng Tàu, giữa khu vực phía Nam với Tây Nguyên. Nếu được phê duyệt, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.
Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, QL20 là tuyến giao thông huyết mạch, duy nhất nối Lâm Đồng với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hiện đã quá tải. Hiện có khoảng 15 nghìn xe lưu thông ngày/đêm, dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng lên 20 nghìn xe và đến năm 2020 là 30 nghìn xe, vượt quá khả năng của QL20
----------------------
‘Chống ngập kiểu này, biết ăn nói sao!’
Với cách chống ngập như hiện nay thì 80 năm nữa TP.HCM mới hết ngập.
Cuộc họp chống ngập cho TP.HCM vào chiều 21-10 diễn ra khá căng thẳng. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín liên tiếp đặt nhiều câu hỏi khó khiến những đơn vị có trách nhiệm không thể trả lời.
Lẽ nào đào cống lên làm lại!
“Tình hình ngập của TP cả thế giới biết hết rồi, giờ không phải thanh minh nữa. Người dân bức xúc không phải ông trời mưa nhiều, không phải triều tăng cao mà vấn đề cốt lõi là lỗi chủ quan nào của chúng ta trong thời gian qua khiến tình trạng ngập trầm trọng thêm? Đừng đổ tại trời, tại đất nữa!” - ông Tín “chặn” ngay từ đầu khi các đơn vị liên quan chưa kịp báo cáo.
Theo số liệu tổng hợp của Sở GTVT TP, hiện toàn TP có đến 280 điểm ngập (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-10 đã thông tin). Dù đã thực hiện nhiều dự án nhưng vùng trung tâm TP vẫn còn 32 tuyến đường lớn bị ngập, trong đó riêng quận 1 có tới 23 tuyến đường. Sở GTVT TP và Trung tâm Chống ngập cùng cho rằng một trong những nguyên nhân gây ngập nặng trong thời gian gần đây là do hệ thống thoát nước của TP có tiết diện quá nhỏ, không thể chịu đựng được những cơn mưa lớn đang diễn ra ngày càng nhiều. Mặt khác, công trình chống ngập lại thiết kế theo đỉnh triều +1,32 m, trong khi đó từ năm 2008 đến nay đỉnh triều luôn ở mức từ 1,5 m đến 1,68 m, mới đây đạt mức kỷ lục 1,7 m...
Nghe xong, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín thốt lên: “Muốn chống ngập mà cứ đổ thừa cho mưa vượt tần suất là coi như vô phương. Các đồng chí làm việc như thế này là tắc trách lắm, là có lỗi với dân. Tiền của Nhà nước bỏ ra mà báo cáo kết quả thế này thì biết ăn nói sao”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, nếu đặt vấn đề hệ thống cống thoát nước mà TP đã đầu tư nay không còn phù hợp nữa là cực kỳ nguy hiểm. “Hàng trăm kilomet cống đã xây dựng xong, lẽ nào đào lên hết để làm lại? Vậy cống thoát nước quá tải thì khắc phục sao? Quy hoạch lạc hậu thì giải quyết sao?” - ông Tín chất vấn.
Lấy đâu ra hàng tỉ USD?
Sau cuộc họp, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở GTVT TP nhìn nhận: Lãnh đạo TP đã đặt ra những câu hỏi khó nhưng đúng vào chỗ mà công tác chống ngập đang bí. “Thật ra trong những năm qua chuyện chống ngập cho TP chủ yếu do Trung tâm Chống ngập thực hiện, giờ TP đặt trách nhiệm thì Sở GTVT cũng phải nhập cuộc” - vị này phân trần.
Trong khi đó ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng là cố vấn cho Trung tâm Chống ngập, lại cho rằng vấn đề không phải ở khâu kỹ thuật mà nằm ở cơ chế, cách thức thực hiện. Theo ông Phi, các giải pháp kỹ thuật chống ngập đều đã được nghiên cứu, vấn đề còn lại là tìm đâu ra tiền để thực hiện.
“Theo tính toán của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA), để chống ngập triệt để cho TP cần phải có 10 tỉ USD. Trong thời gian qua, các dự án chống ngập mà TP đã hiện được ước tính khoảng 2 tỉ USD. Vậy 8 tỉ USD còn lại lấy đâu ra? Thử làm một phép tính đơn giản: Với số tiền chi cho chống ngập khoảng 100 triệu USD/năm như hiện nay thì 80 năm nữa TP mới hết ngập nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách hợp lý” - ông Phi phân tích.
------------------------