Mỹ - Trung Quốc bàn về biển Ðông
Tân Hoa xã ngày 21-10 khẳng định Mỹ và Trung Quốc đã tái xác nhận cam kết thúc đẩy mối quan hệ kiểu mới của nước lớn.
Trong cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tại Mỹ, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói ông mong Mỹ và Trung Quốc sẽ đi cùng hướng để hợp tác sâu hơn nữa trong các lĩnh vực khác nhau của cả hai nước và của khu vực lẫn quốc tế.
Trong khi đó, truyền thông cũng bắt đầu đưa về cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18-10 ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ).
Theo đó, họ đã bàn về một số vấn đề toàn cầu nhưng vẫn còn khoảng cách lớn trong nhiều vấn đề song phương.
Tờ Diplomat hôm 21-10 cho biết chuyến thăm Mỹ lần này của ông Dương nhằm mục đích cùng với phía Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm và dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới của Tổng thống Barack Obama.
Một quan chức giấu tên ở Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc ông Kerry mời ông Dương đến Boston, cũng chính là quê nhà của ông Kerry, là một động thái khác thường.
“Tại nơi này đã diễn ra những cuộc đối thoại quan trọng và chưa hề có tiền lệ giữa hai nhân vật này liên quan đến các vấn đề mang tầm quốc tế" - quan chức trên nói.
Ông Kerry và ông Dương đã thảo luận hàng loạt vấn đề về nhân quyền, an ninh mạng, dịch Ebola, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và vấn đề biển Ðông. Quan chức này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng các cuộc thảo luận đơn giản chỉ là sự lặp lại những quan điểm cũ của cả đôi bên.
"Cả ngoại trưởng và ông Dương đều đã lắng nghe nhau trong các cuộc đối thoại mang tính xây dựng bàn về các vấn đề này" - quan chức ngoại giao trên nói.
Liên quan đến vấn đề giảm nhiệt ở biển Ðông, tờ Diplomat cho rằng Washington và Bắc Kinh có những ưu tiên và lợi ích khác nhau ở khu vực này nên không thể đưa ra đề nghị hợp tác với nhau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc vẫn làm theo quan điểm riêng của mình.
-------------------------
Trung Quốc sắp đóng tàu sân bay tự thiết kế thứ hai
Theo tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Asian Defence, khi hoàn thành, tàu này và một chiếc khác đang được đóng tại Đại Liên sẽ trở thành hai tàu sân bay đầy đủ chức năng và sẵn sàng chiến đấu của hải quân Trung Quốc.
Trái với nhiều dự đoán, tàu sân bay sắp được đóng tại nhà máy Giang Nam sẽ sử dụng năng lượng thông thường chứ không phải là hạt nhân.
Các chuyên gia quân sự cho biết Trung Quốc sẽ không xây dựng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cho đến khi Bắc Kinh giải quyết một loạt các nhược điểm trong động cơ năng lượng hạt nhân, huấn luyện thủy thủ và xây dựng cảng để bảo trì tàu.
Năm ngoái, China Shipbuilding Industry Corp, công ty đóng tàu nhà nước lớn nhất Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã phê duyệt kinh phí để phát triển công nghệ lõi cho các tàu hạt nhân. Nhiều nhà quan sát nhận xét kế hoạch này nhằm xây dựng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng năng lực hạt nhân cho mục đích hàng hải, nhưng cho đến nay, công nghệ này chỉ được sử dụng giới hạn trong hạm đội tàu ngầm ngày càng được tăng cường của quân đội Trung Quốc.
"Tàu sân bay lớn hơn tàu ngầm nhiều rất nhiều. Các kỹ sư hạt nhân của chúng tôi sẽ phải mất nhiều thời gian để phát triển động cơ an toàn và mạnh mẽ, có khả năng vận hành con tàu nặng hơn 100.000 tấn", ông Li nói.
Theo báo cáo của Kanwa, nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết việc thiết kế tàu sân bay thứ hai của nước này vẫn chưa được hoàn thành.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag của Liên Xô cũ được tân trang lại. Từ khi Liêu Ninh đi vào hoạt động vào tháng 9/2012, hải quân Trung Quốc phân loại đây là tàu dùng cho mục đích huấn luyện, chứ không phải chiến đấu.
Tàu sân bay đầu tiên tự thiết kế của Trung Quốc đang được đóng tại cảng Đại Liên. Nhà máy đóng tàu Đại Liên đã tổ chức lễ cắt thép đóng tàu mới vào cuối năm ngoái. Theo SCMP, con tàu này sẽ được hoàn thành vào năm 2018.
-------------------------
Trung Quốc ráo riết tuyển phi công trên tàu sân bay
Theo CCTV, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) mới khởi động chương trình tuyển mộ phi công cho năm 2015, dự kiến tỷ lệ 5% và tập trung vào chọn các phi công chuyên hoạt động trên tàu sân bay.
"Chúng tôi mở rộng quy mô tuyển dụng, chú ý tới khả năng lái máy bay trên tàu, đưa ra hệ thống tuyển chọn tâm lý dành cho các học viên và kết hợp kiểm tra trình độ văn hóa trong đợt sơ tuyển", Zhu Jianfeng, Phó giám đốc Văn phòng tuyển dụng phi công của PLAN cho biết những thay đổi mới trong chương trình của họ năm nay.
Tuyển dụng của PLAN gồm ba giai đoạn, tuyển chọn sơ bộ, kiểm tra toàn diện và tuyển chọn cuối cùng. Giai đoạn đầu diễn ra trong tháng 10 và 11 năm nay, đợt hai trong các tháng 2-5/2015 và giai đoạn cuối thực hiện sau khi có kết quả thi vào các trường đại học quốc gia.
CCTV đánh giá với sự phát triển liên tục của tàu sân bay, Trung Quốc cần có một lực lượng phi công xuất sắc để xác lập khả năng chiến đấu của các tàu sân bay.
Hiện Trung Quốc có một tàu sân bay Liêu Ninh. Bắc Kinh mất một thập kỷ để tái tạo tàu sân bay này từ thời Xô viết mua của Ukraine, bắt đầu hoạt động thử nghiệm chiến đấu cơ trên tàu sân bay vào cuối năm 2012. Giới chức Trung Quốc không cho biết khi nào con tàu sẽ hoàn tất giai đoạn thử nghiệm.
Hồi đầu năm, Trung Quốc khởi động việc đóng tàu sân bay thứ hai trong số 4 chiếc theo kế hoạch. Chiếc tàu này dự kiến mất 6 năm để hoàn thành và hai chiếc khác đang xếp hàng.
-------------------------
NATO liên tục chặn máy bay Nga trên biển Baltic
NATO hai lần triển khai chiến đấu cơ trong hai ngày liền để chặn máy bay quân sự Nga trên biển Baltic, trong bối cảnh các báo cáo cho rằng hoạt động quân sự của nước này trong khu vực đang gia tăng.
Hai chiến đấu cơ F-18 Hornet của Canada hôm 20/10 được triển khai từ căn cứ không quân ở Litva để chặn một máy bay trinh sát Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua cho biết. Các máy bay chiến đấu theo dõi chiếc Ilyushin-20 trong khoảng 15 phút. "Ngay sau khi nhận dạng thành công, nhiệm vụ chặn máy bay hoàn tất và hai chiếc Hornet trở về căn cứ", AFP dẫn thông cáo của NATO cho hay.
Trung tá Robert Gericke, thuộc NATO, cho biết máy bay Nga đã bay ở không phận quốc tế và không xâm phạm lãnh thổ của các nước thành viên liên minh.
Quân đội Latvia cũng cho biết những chiếc F-16 của NATO hôm qua được triển khai để chặn máy bay trinh sát Ilyushin-20 của Nga trên biển Baltic. Ông Gericke xác nhận các máy bay NATO cũng chặn một máy bay Nga hôm qua, nhưng không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Những vụ việc tương tự xảy ra trong khu vực vào ngày 7/10 và 11/9, nhưng máy bay Nga không lần nào trở thành mối đe dọa với lực lượng NATO.
NATO có 16 chiến đấu cơ trong khu vực chịu trách nhiệm giám sát không phận ở biển Baltic. Tổ chức này thường triển khai máy bay để nhận dạng "những máy bay không xác định hoặc có thể là kẻ thù" tại vùng lân cận không quận quốc gia.
Hải quân Thụy Điển 5 ngày qua lùng sục vùng biển ngoài khơi quần đảo Stockholm, biển Baltic để tìm dấu hiệu về một "vật thể đáng ngờ", có thể là một tàu ngầm nước ngoài bị nghi vào lãnh hải trái phép. Cả Nga và Hà Lan đều bác thông tin vật thể là tàu ngầm của họ.
-------------------------
Tay súng IS thiếu niên đe dọa Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Úc
Trong đoạn video tung lên mạng ngày 21-10, một thiếu niên người Úc 17 tuổi mới gia nhập (IS) đã đe dọa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Tony Abbott.
Theo báo International Business Times, đoạn video chiếu cảnh Abdullah Elmir, thiếu niên Úc bỏ trốn khỏi nhà để tới Syria gia nhập IS, cầm một khẩu súng trường, bên cạnh là nhiều tay súng IS khác. Cậu ta khẳng định liên minh chống IS do Mỹ phát động sẽ không thể ngăn chặn nhóm này “cắm cờ trên nóc điện Buckingham hay Nhà Trắng”.
“Với các nhà lãnh đạo phương Tây như Obama hay Abbott, tôi nói rằng với các vũ khí và binh lực mà chúng tôi có được, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi sẽ không hạ vũ khí cho đến khi vươn tới lãnh thổ của các người, cho tới khi cắt đầu bất kể tên bạo chúa nào, cho tới khi lá cờ đen của IS tung bay trên mọi vùng đất” - Abdullah Elmir đe dọa.
Abdullah Elmir biến mất khỏi nhà ở Sydney hồi tháng 6 cùng một thiếu niên Úc khác sau khi nói với mẹ rằng cậu ta đi câu cá. Gia đình cậu ta khẳng định cậu đã bị “tẩy não” và đang cố tìm hiểu cậu ta đi tới Thổ Nhĩ Kỳ để vào Syria như thế nào. Phản ứng với đoạn video trên, Thủ tướng Abbott khẳng định nó “một lần nữa cho thấy mối đe dọa từ IS”.
Gia đình Elmir đã kêu gọi chính phủ Úc tìm cách đưa cậu ta trở về nhà. Mới đây Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố Úc sẽ đưa đặc nhiệm tới Iraq để hỗ trợ cuộc chiến chống IS. Tháng trước, IS kêu gọi tay chân sát hại người dân các nước thuộc liên minh chống IS, trong đó có Úc. Có khoảng 100 người Úc đã gia nhập IS ở Syria và Iraq.
-------------------------