10 tỷ USD để tăng tốc độ đường sắt Bắc Nam
Cục Đường sắt vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt hồ sơ quy hoạch hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam với vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD.
Quy hoạch làm cơ sở cho việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam với điểm đầu từ ga Hà Nội đến ga Hòa Hưng (TP HCM) đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I đến cấp II, nâng vận tốc chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h với tàu khách và 50 - 60 km/h với tàu hàng.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, Cục Đường sắt đề xuất đầu tư vào một số dự án hạ tầng và mua sắm thiết bị để nâng cấp tốc độ và năng lực vận tải hành khách đạt 15 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu khoảng 25 đôi tàu/ngày đêm.
Trong giai đoạn này, ngành đường sắt sẽ cải tạo, nâng cấp tại các khu gian, xây dựng hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố; cải tạo lại bán kính đường cong nhỏ tại 91 điểm; nâng cấp đường cũ trên cơ sở giữ nguyên bình diện; cải tạo cầu yếu...
Sau năm 2020, ngành sẽ tiếp tục đầu tư để đạt mục tiêu tốc độ bình quân đoàn tàu khách đạt 90 km/h, tàu hàng đạt 60 km/h với năng lực vận tải hành khách đạt 16 triệu khách/năm và 6 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu 25 đôi tàu/ngày đêm.
Ngành đường sắt dự kiến xây dựng một loạt tuyến nhánh kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch như: cảng Vũng Áng, Chân Mây, Nhơn Hội, Vân Phong và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Lộc Ninh... Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn từ 8,919 tỷ USD đến 10,232 tỷ USD.
Để đảm bảo tính khả thi, Cục Đường sắt đề xuất phân kỳ thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn I (từ nay đến năm 2015), thực hiện các dự án hiện có với số vốn 580 triệu USD. Giai đoạn II, dồn vốn ưu tiên cho một số dự án xóa nút cổ chai để đảm bảo an toàn chạy tàu và đầu tư các dự án cho 2 khu đoạn có khối lượng vận tải lớn: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn với tổng kinh phí ước khoảng 5,7 tỷ USD.
Giai đoạn III, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị tiếp tục đầu tư các dự án bổ sung để đạt các mục tiêu quy hoạch.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, dự kiến các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu, ODA , BOT hoặc BT từ các tổ chức doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án nói trên.
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 18/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện tái cơ cấu ngành đường sắt để nâng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa, giảm tải cho đường bộ và giảm chi phí vận tải.
Mục tiêu tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ sẽ được cải tạo nâng công suất lên 80 - 90 km/h và song song xây dựng một tuyến đường sắt khổ đôi tốc độ xấp xỉ 200 km/h, để "hành khách có thể sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP HCM". Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang để nghiên cứu đầu tư trước.
-------------------------
Hà Nội có trên 1.100 xe công vụ
Theo báo cáo công tác quản lý công sản (trụ sở làm việc, ôtô và các tài sản khác) của thành phố Hà Nội năm 2014 được công bố ngày 19/11, Hà Nội đang quản lý sử dụng 1.166 ôtô các loại để phục vụ công tác. Tổng giá trị số ôtô nói trên nguyên giá 661 tỷ đồng, giá trị còn lại 226 tỷ đồng.
Về trụ sở làm việc, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể và các đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội đang được giao quản lý sử dụng hơn 8.700 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích trên 29.500.000 m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất theo dõi hạch toán trên sổ sách kế toán là 130.150 tỷ đồng.
Liên quan ôtô công vụ, khi Hà Nội điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm (từ 1/4), hai quận này đã đề xuất mua 5 ôtô (4 xe phục vụ lãnh đạo, một xe phục vụ phòng chống lụt bão).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố (10/4), Chủ tịch quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Tứ cho biết, sau khi tách thành 2 quận, Nam Từ Liêm tiếp nhận và quản lý 13 ôtô (trong đó Quận ủy, HĐND, UBND quận 5 xe; Khối hành chính sự nghiệp 7 xe; Khối phường 3 xe).
Ông Tứ đề xuất, trong lúc chờ các cơ quan có thẩm quyền cho phép mua xe mới đề nghị thành phố cho thuê xe để đảm bảo yêu cầu công việc. Lãnh đạo thành phố đã đồng tình với đề xuất trên và yêu cầu phải thuê xe đúng tiêu chuẩn, không được thuê xe sang.
-------------------------
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nói gì về dự án xây khu nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân?
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế - khẳng định, về địa giới hành chính thì khu vực mũi Khẻm (đèo Hải Vân) mà tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Thế Diệu thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế thuộc sự quản lý của TT-Huế, không có tranh chấp với TP.Đà Nẵng.
Theo ông Cao thì điều này được khẳng định qua các tài liệu, bản đồ lịch sử, cũng như hiện trạng về quản lý đất đai, việc bảo vệ và trồng rừng, an ninh trật tự… tại khu vực này cũng do tỉnh TT-Huế quản lý. Đến nay Quốc hội chưa có văn bản nào về việc điều chỉnh địa giới hành chính tại đây. Vấn đề này tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ. Mặt khác, theo ông Cao, thì Quyết định 1771 ngày 5.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh TT-Huế đến năm 2025, thì khu vực này hoàn toàn thuộc sự quản lý của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Về trình tự thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Thế Diệu, ông Cao nói rằng căn cứ theo Nghị định 29/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế thì BQL Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô làm đúng. Dự án này có ý tưởng từ tháng 6.2012 và cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10.2013. Trong thời gian đó, đã khảo sát thực địa, hỏi ý kiến của cơ quan quân sự, công an và biên phòng tỉnh. “Thời điểm này chưa xảy ra sự kiện trên biển Đông, cũng chẳng có văn bản nào của cấp trên về việc phân biệt nhà đầu tư. Chúng tôi đã thẩm tra, xác minh và biết được chủ đầu tư này đã đầu tư một số dự án về khách sạn, sân golf lớn ở Đà Nẵng, Quảng Ninh rồi. Phía Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế cũng có văn bản đồng ý cấp phép, họ chỉ yêu cầu khi thực hiện quy hoạch chi tiết cần phải hỏi ý kiến họ để khỏi chồng lấn lên các công trình quân sự. Vấn đề này UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu và BQL Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang thực hiện” - ông Cao nói.
Cũng theo ông Cao, sau khi có một số ý kiến trên báo chí về dự án này, UBND tỉnh TT-Huế đã tiến hành rà soát lại quy trình cấp phép. Đồng thời yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát để báo cáo, xin ý kiến của Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng. “Dự án cũng mới tiến hành đo vẽ bản đồ địa chính, rà phá bom mìn, nhưng chưa được cấp đất, chưa phê duyệt quy hoạch và hiện không đầu tư gì thêm. Chúng tôi đã làm đúng quy trình và đợi chỉ đạo của Thủ tướng để thực hiện. Việc thu hồi dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tổn thất cho các bên, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nếu Thủ tướng chỉ đạo” - ông Cao khẳng định.
-------------------------
Hai thành phố ở Little Sài Gòn có thị trưởng gốc Việt
Ông Bảo Nguyễn, một người quản lý trường học, đã thắng cử trong vòng bỏ phiếu chót rất sít sao để trở thành thị trưởng gốc Việt đầu tiên ở Garden Grove, một thành phố có đông người Việt ở quận Cam, bang California, Mỹ.
“Khi tôi tham gia cuộc đua, tôi biết đó sẽ là trận chiến để đánh bật một thị trưởng đã có 22 năm kinh nghiệm, nhưng tôi tin rằng Garden Grove đã sẵn sàng cho điều mới mẻ,” ông Bảo Nguyễn cho biết.
Mãi đến ngày 17.11, tức 2 tuần sau bầu cử giữa kỳ, thắng lợi của ông Bảo Nguyễn mới được chắc chắn. Sau khi kiểm phiếu, ông hơn đối thủ người Mỹ có 15 phiếu để giành ghế thị trưởng.
Khu Little Saigon gồm 4 thành phố ở trung tâm Quận Cam, nhưng đa số người gốc Việt tập trung ở Westminster và Gargen Grove.
Ở tuổi 34, Bảo Nguyễn là thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử thành phố, và là thị trưởng gốc Việt thứ hai ở Mỹ.
Tại thành phố Westminster cạnh đó, cử tri bầu lại ông Trí Tạ làm thị trưởng. Họ sẽ trở thành tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở nước Mỹ.
“Tôi rất háo hức được bắt đầu công việc thiết lập những cải cách có ý nghĩa chung và thay đổi nền văn hóa ở hội đồng thành phố sao cho minh bạch, hiệu quả và tham gia nhiều hơn”, ông Nguyễn nói.
“Ông ta sẽ làm những gì cần làm theo cách có đạo lý,” bà Shirley Kellogg 86 tuổi, người đã sống ở Gardon Grove từ 1956 và gặp Bảo Nguyễn 8 năm trước khi ông tới nhà thờ nơi bà cũng tham dự để giúp tổ chức các lớp học cho thiếu niên.
Bảo Nguyễn sinh ra tại một tị nạn ỏ Thái Lan và đến Mỹ khi mới 3 tháng tuổi. Ông đã học đại học ở trường UC Irvine, trở thành giáo viên và giờ là một quản lý trường học.
Bảo Nguyễn đã nổi danh trên báo chí từ năm 2000 khi ông phản đối thượng nghị sĩ John McCain dùng từ “gooks” (dân da vàng – mang tính miệt thị) để nhắc tới những người đã bắt giữ ông trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông McCain dùng từ trên trong một phát biểu tranh cử tổng thống ở Little Saigon.
“Khi anh dùng từ đó, nó nuôi dưỡng sự hận thù, cho dù ông ta có ý gì đi nữa,” Bảo Nguyễn phát biểu với báo chí khi đó. “Từ này không nhạy cảm với mọi người Mỹ. Với người Mỹ, kẻ da vàng ông ta nói đến là tôi, chúng tôi đều trông giống nhau”.
Phát biểu sau thắng cử lần này, Bảo Nguyễn nói: “Tôi muốn làm tất cả những gì có thể để đem lại hy vọng cho người trẻ, những người bị chính trị phớt lờ và họ cảm thấy lá phiếu của họ không có giá trị gì. Tôi muốn cho họ thấy rằng chính trị có thể là cảm hứng cho sự thay đổi – đặc biệt ở cấp địa phương”.
-------------------------