“Hoa quả loại to, bóng, mịn màng... thì đều có hóa chất. Bán thì bán nhưng đừng có dại mà ăn vào phát bệnh”, chị Nguyễn Thị M, một người bán hoa quả lâu năm ở chợ đầu mối Long Biên tiết lộ.
Càng đẹp mã thì... càng độc
Trước thực tế của dư luận đang hoang mang về việc nhiều loại hoa quả như lê, táo, đào… để từ 6 đến 9 tháng mà không hỏng thậm chí vỏ vẫn láng bóng, mịn và có màu đẹp mắt. PV VietNamNet đã đến thực tế tại một số điểm chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại hoa quả ở Hà Nội để tìm hiểu sự thực.
Sáng sớm có mặt ở chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội), tại đây có rất nhiều loại hoa quả được bày bán. Theo quan sát, các loại quả được bày bán nhiều nhất vẫn là: cam, táo, lê, đu đủ, xoài, thanh long, chuối… vì đang vào vụ. Tuy nhiên trong mỗi loại hoa quả thì lại có các loại giá khác nhau tuỳ vào độ to nhỏ, tươi hay héo…
Theo chị Trần Thị T, một người bán hoa quả tại đây thì các loại hoa quả ở chợ từ nhiều nguồn đổ về. Chúng lại được phân thành nhiều loại khác nhau. Thường thì người bán sẽ chia thành loại đẹp và loại xấu. Loại đẹp thì giá đắt, các chủ cửa hàng lớn lấy về bán trong các cửa hàng hoa quả sạch, hoa quả Sài Gòn với giá cắt cổ, hàng kém hơn thì bán cho các của hàng nhỏ lẻ, hàng rong, các quán cà phê…
Tiết lộ về độ an toàn, chị này e dè: "Trước khi đổ hàng cho tôi họ đã cho cái gì vào quả cho đẹp thì tôi chịu. Mình bán hàng, hoa quả càng to, bóng, đẹp mã thì người mua càng thích".
Qua mối quan hệ thân thiết từ bạn bè, tôi gặp được chị M, một người chuyên cung cấp hoa quả cho một số chợ đầu mối của Hà Nội. Chị M tiết lộ: “Hoa quả loại to, bóng, mịn màng... thì đều nhúng qua hoá chất”.
Tôi thắc mắc thì được chị giải thích thêm: “Sở dĩ quả đep, ngon, sáng mịn và chín vàng vì được sử dụng hoá chất để bảo quản. Loại hoá chất này được gọi là 2,4D được dùng để làm cho một số loại hoa quả như cam, lê, táo... trơn bóng, giữ được lâu tận 3 đến 4 tháng. Còn chuối, đu đủ từ xanh chỉ cần ủ qua đất đèn một đêm là chín vàng ruộm, láng bóng và đều màu. Tất cả hàng ở đây họ có ngâm hay không thì chị cũng không biết vì chị chỉ biết bán”.
Tiết lộ về việc chọn hoa quả ngon, an toàn, chị M cho hay: “Hoa quả loại to, bóng, mịn màng... thì đều có hóa chất. Chị bán thì bán thế nhưng chị không dại ăn nhiều phát bệnh đấy. Nếu để ăn thì nhà chị thường chọn những loại quả loại chín không đều, quả vừa, nhiều khi chọn quả càng xù xì, mã ngoài càng xấu thì càng an toàn”.
Mùa nào ăn quả nấy
Theo chị H, một người bán hoa quả khác chia sẻ: Để tránh mua phải hoa quả ngâm hoá chất hay sử dụng chất bảo quản thì tốt nhất là không bao giờ mua hoa quả trái vụ. Cứ mùa nào thức nấy cho lành, lại rẻ.
Chọn mua hoa quả thì phải chú ý đặc tính của từng loại: loại quả có lông như đào thì phải dày, phải mượt; loại quả có tinh dầu như cam quýt thì khi bấm nhẹ phải có tinh dầu thơm phức bắn ra; loại quả có vỏ mềm (như táo hay lê) mà vỏ lại cứ cứng, giòn bất thường thì chớ dại mà mua về. Tốt nhất là mua quả còn cả lá cho yên tâm mà đảm bảo hàng Việt Nam.
"Để chọn đu đủ thì phải chọn quả chín không đều, thậm chí có phần xanh thì mới không sợ bị dấm đất đèn, chị M chia sẻ.
Mấy tháng nay các cửa hàng cứ quảng cáo cam Hà Giang rồi bán ầm ầm. Thực tế thì cam Hà Giang năm nào tôi cũng nhập về bán. Cam Hà Giang phải hơn tháng nữa mới có, bây giờ là toàn hàng Tàu cả đấy, ăn vào vị khác là biết ngay. Đối với xoài cũng vậy, nên hạn chế mua những quả xoài vỏ bên ngoài màu xanh hoặc xanh vàng nhạt, nhưng bên trong ruột lại chín vàng. Không chỉ không có vị xoài, nhạt nhẽo, thường loại xoài này sử dụng rất nhiều chất bảo quản.
Quan trọng hơn, khi mua hoa quả thì phải biết quả chín thì có mùi thơm đặc trưng của nó. Thường thì không có loại quả chín nào lại thoang thoảng mùi và kèm theo mùi hóa chất. Những loại hoa quả không có ở Việt Nam thì tốt nhất là phải cẩn trọng. Ví dụ quả bơ có vị ngậy đặc trưng, quả mít, quả ổi, quả na cũng thơm mùi đặc trưng mà ở loại quả dấm hóa chất thường nhạt nhòa, thậm chí là không có.
Rồi chị H nhanh nhảu nói: “Người ta cứ bài trừ hàng chợ chứ nhiều khi hàng ngoại như nho Mỹ, táo New Zealand, mận Úc… rất có thể đều là hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy khi chọn những loại quả này nhất thiết phải có tem, nhãn mác đảm bảo đầy đủ thì mới mua, tránh tiền mất, tật mang”.
-----------------------
Năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương.
Theo ông Dũng, việc cân đối ngân sách rất căng thẳng.
Ông Đinh Tiến Dũng cho hay: “Năm 2013 do kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, nhu cầu chi thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương tăng cao nên để bố trí chi đầu tư phát triển cao hơn bội chi ngân sách nhà nước thì đã phải bố trí chi trả nợ thấp hơn mức yêu cầu đồng thời phải kết hợp với phát hành đảo nợ khoảng 40.000 tỷ đồng”.
“Năm 2014, nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỷ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển vẫn phải bố trí thấp hơn bội chi ngân sách nhà nước. Năm 2015 và vài năm tới ngân sách còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh nên vẫn chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Đảng và nghị quyết của Quốc hội” - ông Dũng nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải hạn chế ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đi chi hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...
Do cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 như nêu trên nên chưa bố trí được ngân sách cải cách tiền lương, không có điều kiện điều chỉnh tiền lương cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích: “Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước, không đảm bảo như nghị quyết Quốc hội đề ra. Cải cách tiền lương không được thực hiện được như lộ trình, mục tiêu đã đề ra. Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước”.
“Đây là dấu hiệu không lành mạnh, đòi hỏi phải kiểm soát rất thận trọng, chặt chẽ các khoản vay và trả nợ để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia” - ông Hiển nêu quan điểm của Ủy ban Tài chính - ngân sách.
Sốt ruột hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo lắng: “72% ngân sách dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành đầu tư phát triển vừa trả nợ vừa làm những việc khác. Đấy là một cái ngân sách có cơ cấu rất xấu”.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tính toán lại bài toán thu - chi.
“Cân bằng thu - chi, thu lấy mà chi, không phát hành (thêm tiền) để chi, không vay quá nhiều để chi... Làm sao để có tích lũy mà tiêu dùng, làm ra có của ăn phải có của để chứ. Bây giờ mình ăn hết rồi thì lấy đâu mà đầu tư. Ăn hết rồi mà lại không có lương thì tôi chẳng hiểu thế nào. Cái bài toán đó các đồng chí phải tính chứ” - ông nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Không tăng lương với mấy ông đang đi làm này thì tôi các đồng chí cũng kêu gọi tinh thần cán bộ công nhân viên chức thì còn được, nhưng các cụ về hưu, những người có công với cách mạng mà các đồng chí nói không giải quyết gì cả thì sao được. Các đồng chí phải tính lại cơ cấu chi, tôi lấy ví dụ chi thường xuyên cho Văn phòng Quốc hội là 100, thì ông phải dành một khoản để giải quyết lương, ông không giải quyết lương cao cho Chủ tịch Quốc hội thì ông phải giải quyết lương thấp cho cái người thu nhập có hai, ba triệu đồng/tháng”.
-----------------------
Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, đã khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9-10 liên quan việc Trung Quốc xây đường băng ở đảo Phú Lâm.
Trước đó vào ngày 7-10, mạng Tin tức Hải Nam (Trung Quốc) đưa tin Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000m cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phản ứng lại, trong buổi họp báo vào chiều 9-10, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10-2011.
Đồng thời, hành động này của Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước".
Ông Bình cũng nhấn mạnh hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.
-----------------------
Buộc thôi việc 22 nhân viên y tế xài bằng giả
Chiều 9-10, ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết huyện đã thống nhất chủ trương, giao hiệu trưởng các trường ra quyết định buộc thôi việc 19 nhân viên y tế học đường của 19 trường tiểu học, THCS đóng trên địa bàn huyện.
Những người này đã sử dụng bằng trung cấp điều dưỡng giả để được tuyển dụng.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước cũng đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ba nhân viên y tế thuộc trung tâm này do sử dụng bằng trung cấp điều dưỡng giả.
Trước đó, TAND tỉnh Bình Định đã phạt Trình Thị Ngọc Hậu (nhân viên y tế Trường THCS xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) một năm sáu tháng tù, Phạm Thị Xuân Mai (nhân viên y tế Trường Tiểu học số 2 xã Phước Hiệp) một năm tù cùng tội làm giả con dấu, tài liệu... Trước đó, hai người đã mua 27 bằng trung cấp điều dưỡng giả, năm bằng tốt nghiệp THPT về bán lại, hưởng lợi gần 40 triệu đồng.
-----------------------------------
Bí thư Đà Nẵng 'truy' cán bộ không xin lỗi dân
"Lâu nay anh đã xin lỗi người dân nào chưa?", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nhiều lần đặt câu hỏi với các giám đốc sở và thẳng thắn: "Làm sai thì xin lỗi là văn hóa công chức".
Hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, chiều 8/10 với những chất vấn gay gắt của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Trần Thọ với hàng loạt giám đốc sở. Trước báo cáo của Sở Nội vụ về việc 6 tháng đầu năm 2014, số hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 423/44.170, trong đó chủ yếu là thủ tục đất đai, ông Trần Thọ yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu giải trình.
Theo ông Điểu, số hồ sơ trễ hẹn chủ yếu rơi vào quận Cẩm Lệ và Hòa Vang do tranh chấp quyền thừa kế, vướng quy định về pháp luật... và do nhiều cơ quan đầu mối nên thủ tục kéo dài. "Bất cứ thủ tục hành chính nào liên quan đến nhiều ngành thì cần giao cho một ngành chủ trì để thực hiện", ông Điểu kiến nghị và cho biết tới đây phía Sở sẽ trực tiếp nhận hồ sơ của dân từ đầu đến cuối.
Chưa hài lòng với phần giải trình của ngành tài nguyên môi trường, ông Trần Thọ nói 2-3 năm nay Đà Nẵng đứng nhất nước về cải cách thủ tục hành chính, là niềm tự hào của cả thành phố. "Cái này không phải mình phong mà Chính phủ, Bộ Nội vụ phong, khen mình đứng nhất trong 63 tỉnh thành, nhưng dân đã hài lòng, yên tâm chưa? Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường và Sở Nội vụ nên nói rõ nếu làm chậm trễ nhiều thì có dám xin lỗi với người dân không, nói cho dân nghe luôn đi?".
Bị "truy" trong hội nghị đang được truyền hình trực tiếp trên sóng địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Công Chánh cho biết, qua kiểm tra 7 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì đến nay chưa có cơ quan nào xin lỗi dân trong việc chậm trễ thủ tục đất đai, mà chỉ có văn bản hướng dẫn, giải thích cho công dân bổ sung hồ sơ. Sở Tài Nguyên Môi trường đã kỷ luật cán bộ, khiển trách một phó giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, khiển trách hai cán bộ do xử lý hồ sơ chậm trễ.
Việc ngành tài nguyên môi trường thành phố kỷ luật cán bộ chậm trễ hồ sơ được người đứng đầu thành phố hoan nghênh, tuy nhiên ông Thọ ngắt lời Giám đốc Sở Nội vụ và tiếp tục quay lại câu hỏi: "Có dám xin lỗi dân nếu trễ hẹn không?". Tiếp tục được mời lên chất vấn trong khi mọi ánh mắt ở hội trường 42 Bạch Đằng đổ dồn về phía mình, ông Nguyễn Điểu nói nếu có lỗi với dân thì phải xin lỗi, nhưng cũng thừa nhận "lâu nay mới xử lý nội bộ".
Bí thư Đà Nẵng khép lại phần chất vấn bằng việc đọc từng tên người dân trong danh sách bị trễ hẹn thủ tục đất đai, trong đó có người trễ đến 91 ngày và cho biết không chỉ ở các quận, huyện xa mà ngay trong nội thành Đà Nẵng người dân vẫn bị chậm thủ tục này. "Chậm lắm anh Chánh, anh Điểu ơi. Làm sai thì xin lỗi là văn hóa công chức. Tôi sẽ trực tiếp giám sát, xem anh chậm bao nhiêu lần và có xin lỗi hay không. Mình nói Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà để dân đi lên đi xuống, trễ hẹn kéo dài như thế là không được", ông Thọ chỉ đạo.
Cũng tại hội nghị, ông Trần Thọ kể câu chuyện cách đây ít ngày, 3h sáng ông nhận được tin nhắn điện thoại của một gia đình liệt sĩ với nội dung: "Mong chủ tịch suy nghĩ sâu hơn, xa hơn, tôi rất là khốn khổ". Đọc tin nhắn trong đêm, vị Bí thư không hiểu chuyện gì. Đến sáng hôm sau thì biết gia đình liệt sĩ này đã 6 lần nộp đơn xin thuê chung cư nhưng chưa được giải quyết. "Đến sáng 8/10, hồ sơ đã duyệt xong. Điều này cho thấy có nhiều trường hợp thành phố chưa thực sự lưu ý", ông Thọ nói về chính sách "3 có" - có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng.
Phát biểu bế mạc, ông Trần Thọ kết luận hội nghị lần này là dịp để thành phố nhận diện một số việc chưa làm xong, một số việc đã hứa với dân mà chưa làm được. Ông chỉ đạo thực hiện tốt việc bố trí đất tái định cư cho dân, có phương án phòng chống lụt bão sát với thực tế, đảm bảo cảnh quan môi trường thành phố để không phụ lòng những người công nhân vất vả lâu nay cũng như công sức của người dân Đà Nẵng. "Còn tình trạng đá bóng trách nhiệm từ ngành này sang ngành khác là không được. Một triệu cử tri thành phố đang giám sát chúng ta, những gì đã hứa với dân thì phải làm hết sức mình", ông nói.
-----------------------------------