Kiểm ngư Việt Nam có thêm 2 tàu mới
Sau một thời gian thử nghiệm đạt kết quả tốt, Nhà máy X51 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vừa bàn giao 2 tàu kiểm ngư KN-806 và KN-807 cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.
Đây là loại tàu cá vỏ thép được thiết kế theo Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép - quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Phần mũi, đuôi, mạn tàu được gia cường chắc chắn chịu được đâm, va, húc, ủi. Với chiều dài gần 40 m, rộng gần 8 m, cao mạn 3,75 m; tàu được trang bị 3 máy chính diesel với tổng công suất 4650 HP, cho phép chạy với vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ, tầm hoạt động 5.000 hải lý và thời gian hoạt động liên tục 50 ngày đêm trên biển.
Ngoài các tiện nghi sinh hoạt, tàu được trang bị một máy lọc nước ngọt từ nước biển công suất 3m3/ngày đảm bảo điều kiện làm việc và cuộc sống của thuyền viên trong quá trình đi biển. Tàu có thể dùng để đánh cá đồng thời làm nhiệm vụ kiểm ngư, cũng như bảo vệ an ninh trên mọi vùng biển Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, làm chỗ dựa và cung ứng một phần dầu, nước cho ngư dân.
Đại tá Hoàng Sỹ Chung, Giám đốc Nhà máy X51 cho biết, trong quá trình chạy thử nghiệm, hai tàu KN-806 và KN-807 đã đạt hoàn toàn các thông số theo đúng cấu hình, tính năng yêu cầu. Tàu được kiểm tra thỏa mãn mọi yêu cầu quy phạm đối với tàu đánh cá.
Việc bàn giao 2 tàu KN 806 và KN 807 sẽ cùng với hệ thống các tàu kiểm ngư khác giúp ngư dân an tâm bám biển; lực lượng kiểm ngư tăng cường sự hiện diện dài ngày để kiểm tra, kiểm soát duy trì thực thi pháp luật, phòng chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản; cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân hiệu quả trên các vùng biển Việt Nam.
-----------------------
Hàng ngàn lao động Trung Quốc làm việc ở Vũng Áng vẫn chưa có phép
Tình trạng lao động Trung Quốc chưa có phép tại các công trường ở Formosa (Vũng Áng) vẫn đang là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh. Cho đến nay mới chỉ có khoảng 800/4.000 lao động được cấp phép.
Trong tháng 7/2014, từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đang thi công tại công trường Formosa (KCN Vũng Áng), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho cho phép hơn 30 nhà thầu đang thi công tại đây được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài.
Đồng ý cho các doanh nghiệp tăng số lượng lao động nước ngoài nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo nghiêm cấm doanh nghiệp cho lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động và bảo hiểm làm việc trên công trường. Trong trường hợp vi phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh một mặt sẽ trục xuất lao động chui về nước, mặt khác sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra tình hình mất an ninh, trật tự và xảy ra tai nạn lao động.
Mặc dù vậy tình trạng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc chưa có phép tại các công trường ở Formosa vẫn đang là một thực trạng nhức nhối. Theo thông tin PV Dân trí có được, tính đến đầu tháng 10/2014, trong số gần 40.000 lao động làm việc tại Formosa, số lao động nước ngoài đạt xấp xỉ 6.000 người. Trong số này, lao động Trung Quốc có trên 4.300 người.
Đáng chú ý số lao động Trung Quốc được cấp phép chỉ trên 800 người, gần 500 hồ sơ xin cấp phép đang xử lý. Như vậy, số lao động Trung Quốc đã được cấp phép chỉ bằng khoảng 1/4 số lao động thực tế trên các công trường.
Một lãnh đạo của BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, hiện không thể khẳng định 100% lao động ở công trường Formosa đều được cấp phép.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vẫn chưa giải được “bài toán” buộc chủ đầu tư và các nhà thầu thi công nghiêm túc chấp hành luật pháp Việt Nam về quản lý, xin cấp phép cho lao động.
Theo một báo cáo thì hiện Công ty Fomosa chỉ quan tâm đến việc bố trí đủ nhân lực, tích cực đôn đốc yêu cầu các cơ quan quản lý (phía Việt Nam) đáp ứng các yêu cầu; nhưng lại lơ là, né tránh, thậm chí là phó mặc cho Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý lao động. Công ty Formosa cũng chưa thực sự hợp tác với các cơ quản lý trong việc cung cấp thông tin nhà thầu.
Ngoài ra, mặc dù thủ tục cấp phép đã thuận lợi tối đa nhưng việc quản lý và cấp phép lao động cho người nước ngoài không được các nhà thầu nước ngoài (đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc) quan tâm.
-----------------------
Xe quá tải chiếm hơn 16%
Bộ GTVT ngày 7.10 cho biết số lượng xe vi phạm chở quá tải chiếm 16,24% trong tổng số 259.585 xe đã kiểm tra, tính từ ngày 1.4 - 20.9.
Cơ quan chức năng đã buộc hạ tải 16.921 xe vi phạm, với khối lượng 62.250 tấn, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 177,9 tỉ đồng. Từ ngày 1.8 - 26.9, Bộ GTVT đã triển khai 9 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 14 địa phương, trực tiếp kiểm tra 556 doanh nghiệp với 3.223 xe, trong đó có 775 xe vi phạm.
-----------------------
Thành lập Sở Du lịch TP.HCM
Sở Du lịch TP.HCM được thành lập dựa trên cơ sở tách chức năng quản lý du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Sở Du lịch TP trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quyết định thành lập Sở du lịch có hiệu lực từ ngày 16-10.
Đây là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch.
Sở chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sở có tên giao dịch, đối ngoại là “DEPARTMENT OF TOURISM OF HO CHI MINH CITY”; trụ sở đặt tại số 140 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3.
Theo quyết định trên, sở có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực du lịch: đảm đương việc tổ chức thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; thẩm định, tái thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, 2 sao, tiêu chuẩn tối thiểu…
Theo đề án kèm tờ trình trước đó của UBND TP (đã được HĐND TP thông qua ngày 11-9), Sở Du lịch TP xác định chỉ tiêu biên chế hành chính cần thiết để hoạt động là 75 người.
Số nhân sự trên bao gồm Ban giám đốc (dự kiến 4 người), Văn phòng sở (dự kiến 20 người), Thanh tra sở (dự kiến 10 người)…
-----------------------
Thị trưởng Khu tài chính London thăm TPHCM
Chiều tối 6.10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã có buổi tiếp xã giao bà Alderman Fiona Woolf - Thị trưởng Khu tài chính London (Anh).
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Vương quốc Anh cũng như giữa hai thành phố London và TPHCM trên các phương diện kinh tế, giáo dục... TPHCM đang từng bước xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một khu tài chính, rất cần những sự hỗ trợ của một thành phố nhiều kinh nghiệm như Khu tài chính London.
Bà Alderman Fiona Woolf cho biết, đoàn kinh tế của London lần này sang thăm TPHCM rất quan tâm đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của người dân London trong việc tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế đi xe gắn máy và xe oto trong thành phố.
Hai bên đã trao đổi về tiến trình xây dựng tuyến metro đầu tiên của TPHCM và bà Thị trưởng khẳng định, London sẽ có những hỗ trợ TPHCM trong việc phát triển hạ tầng cho tuyến metro số 5.
-----------------------
Bộ Ngoại giao gửi công hàm tìm kiếm tàu Sunrise 689
Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm tới Đại sứ quán các nước Singapore, Malaysia, Brunei và Indonesia nhằm hỗ trợ xác minh, tìm kiếm tàu Sunrise 689, tàu bị mất tích từ ngày 2/10 vừa qua.
Liên quan đến thông tin tàu Sunrise 689 của Công ty Cổ phần đóng tàu Thủy sản Hải Phòng mất liên lạc với Công ty sau khi rời cảng Singapore ngày 2/10/2014, Trung tâm An ninh Hàng hải và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết:
Tàu Sunrise 689, số hiệu 3WIP9, IMO 9624196, trọng tải 5928,9 tấn với 18 thuyền viên do ông Nguyễn Quyết Thắng làm thuyền trưởng đã hoàn tất thủ tục và rời cảng Singapore vào 17h40 (giờ Singapore) ngày 02/10/2014 để về Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tàu rời Singapore đến nay, Công ty Cổ phần đóng tàu Thủy sản Hải Phòng, chủ sở hữu của tàu, đã không nhận được điện của tàu gửi báo hàng ngày và hiện tại đã mất liên lạc hoàn toàn với tàu.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán các nước liên quan tại Hà Nội (Singapore, Malaysia, Brunei, Indonesia), đồng thời cũng đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước trên khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng sở tại nhằm xác minh, tìm kiếm thông tin về tàu Sunrise 689 trong thời gian sớm nhất.