Việt Nam sẽ có 3 Đặc khu kinh tế
Theo Bộ KH&ĐT, trong chuyến công tác tại Singapore (từ ngày 3-5/11), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hiện bộ này đang soạn thảo luật về Đặc khu kinh tế. Theo đó, Luật Đặc khu kinh tế sẽ chủ yếu phục vụ cho Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Trong các buổi làm việc, Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) cho biết, sẽ triển khai Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thứ 6 tại tỉnh Nghệ An. Hiện Singapore là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam, với 1.330 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 32,6 tỷ USD.
-------------------------
Dệt may sẽ cán mốc xuất khẩu 25 tỷ USD
Bộ Công Thương vừa cho biết, hoạt động của ngành dệt may đạt kết quả rất khả quan. Các sản phẩm dệt may đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá ở các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thông tin từ các doanh nghiệp trong ngành cho thấy, đơn hàng của các doanh nghiệp đảm bảo đủ cho sản xuất đến hết năm. Với đà tăng trưởng xuất khẩu của 10 tháng, dự kiến năm 2014, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt từ 24,5 đến 25 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, vượt từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD so với mục tiêu kế hoạch.
Tính chung 10 tháng năm 2014 so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 17,62 tỷ USD (tăng 19,3%). Xuất khẩu các mặt hàng xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,1 tỷ USD (tăng 19,1%).
-------------------------
2 Tàu tên lửa tàng hình Việt Nam thăm 3 nước Đông Nam Á
Biên đội tàu Hải quân Việt Nam, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ hiện đại nhất đã rời Quân cảng Cam Ranh ngày 5-11, bắt đầu chuyến thăm lần đầu tiên tới Indonesia, Brunei và Philippines.
Chiều 5-11, Biên đội tàu Hải quân Việt Nam, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa HQ-011 mang tên Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 mang tên Lý Thái Tổ đã rời Quân cảng Cam Ranh (Vùng 4 Hải quân) để thực hiện chuyến thăm lần đầu tiên tới 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Brunei và Philippines.
Biên đội tàu gồm 228 sĩ quan và thủy thủ do Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Kiệm, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, làm trưởng đoàn. Đây cũng là lần đầu tiên tàu Hải quân Việt Nam thực hiện thăm nhiều nước trong một hải trình.
Chuyến thăm nhằm thực hiện các sáng kiến đã được đồng thuận, xây dựng lòng tin, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân 3 nước Indonesia, Brunei và Philippines. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng đáp lại các chuyến thăm Việt Nam của tàu Hải quân 3 nước nói trên.
Theo chương trình chuyến thăm, sĩ quan và thủy thủ của tàu hộ vệ tên lửa HQ-011 và HQ-012 sẽ giao hữu thể thao, chào đại diện hải quân, quân đội và chính quyền sở tại của các nước cùng một số hoạt động khác.
Được biết, 2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ là tàu lớp "Gepard-3.9" được Việt Nam đặt mua của Nga.
Sau khi nhận bàn giao và đưa vào trang bị năm 2011, lực lượng Hải quân Việt Nam hiện đã thực sự làm chủ 2 tàu hộ vệ tên lửa, cũng là 2 chiến hạm hiện đại nhất lúc này của hải quân Việt Nam có khả năng tàng hình, với các hoạt động như độc lập thử tên lửa chống hạm Uran-E (Kh35), tổ chức huấn luyện đường dài, huấn luyện hạ - cất cánh máy bay lên thẳng săn ngầm K28…
Chiến hạm lớp "Gepard-3.9" có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.
Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công tân tiến như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60-120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km; tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; ống phóng ngư lôi 533 mm…
Phía đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.
-------------------------
Sản phẩm nông nghiệp đối mặt nhiều rủi ro
Ngày 5-11, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL diễn ra tại Sóc Trăng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc huy động vốn của khu vực ĐBSCL trong các năm gần đây tăng trưởng cao, chiếm khoảng 6,5% tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng.
Đến cuối tháng 9-2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt khoảng 331.546 tỉ đồng, tăng 8,49% so với thời điểm 31-12-2013. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững trong nông nghiệp còn hạn chế; người dân có thói quen sản xuất tự phát, nhỏ lẻ; lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái là thế mạnh của ĐBSCL và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng luôn đối mặt với nhiều rủi ro về yếu tố môi trường, các nước nhập khẩu sử dụng hàng loạt hàng rào kỹ thuật để hạn chế sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam...
-------------------------
Bất động sản ở Phú Quốc tăng giá gấp 2, 3 lần
Trong mấy tháng qua, thị trường bất động sản ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có dấu hiệu đột biến. Giá đất tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với hồi đầu năm. Giá cao, giao dịch khá nhộn nhịp. Khách mua chủ yếu đến từ Hà Nội và TP HCM
Nóng từ… “Phố Tây”
Khu vực Bà Kèo, thị trấn Dương Đông là một con đường nhựa rộng lớn, uốn quanh, giữa một bên là biển Tây, một bên là núi, chạy dài hơn 5km nối với Bãi Trường và đường ra Sân bay Quốc tế. Nơi đây có hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ đủ các loại, trong đó loại 4 sao có tới 7 cái.
Người nước ngoài đổ xô về ở khu vực này, nên dân trên đảo gọi đây là khu “Phố Tây”. Giá đất ở khu vực này luôn cao nhất tỉnh Kiên Giang trong vòng 15 năm qua. Và trong cơn sốt đất hiện nay, khu Bà Kèo vẫn đang dẫn đầu.
Trong một cuộc đấu giá đất vào trung tuần tháng 10 vừa qua tại khu vực đồi Hiệp Thoại (Bà Kèo), giá khởi điểm ban đầu của lô đất 105m2 (6mx18m) chỉ 1,1 tỉ đồng, nhưng sau đó người chiến thắng đã phải bỏ ra tới 3,4 tỉ đồng. Giá đất đã được đẩy lên đến mức “khủng” nhất từ trước tới nay trên đảo Phú Quốc với trên 32 triệu đồng/m2. Trước Tết, tại khu vực nói trên, lô đất có diện tích tương tự chỉ vào khoảng 800 triệu đồng.
Một cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường cho biết: có một lô đất 10mx42m trên đường Trần Hưng Đạo, trước Tết kêu bán 12 tỉ đồng không có người mua, nay bán 25 tỷ đồng. Một lô đất khác có diện tích hơn 800m2, nằm cạnh lối đi nhỏ xuống biển, chưa chuyển mục đích sử dụng, đầu năm kêu giá 10 tỉ không bán được, nay bán đúng 20 tỉ.
Giá đất tiếp tục tăng
Một điểm nóng về đất đai khác trên đảo Phú Quốc đó là khu vực xã Cửa Cạn Vinpearl Resort Phú Quốc tại Bãi Dài - một thiên đường mới về du lịch và nghỉ dưỡng trên đảo Phú Quốc. Chính sự có mặt của đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup này từ hồi đầu năm 2014 đã góp phần thổi một luồng gió mới về đầu tư bất động sản trên đảo.
Đất dọc hai bên đường lên Bãi Dài từ khoảng 300 triệu mỗi công đất hồi đầu năm, nay đã lên từ 700 triệu đến 800 triệu mỗi công (công đất = 1.000m2). Một số vị trí tốt có giá từ 1,2-1,5 tỉ mỗi công. Bà Phù Thị Điệp có 3 công đất gần bãi biển ấp Ông Lang, hồi đầu năm kêu 800 triệu một công không ai mua, đến cuối tháng 7 vừa qua bà bán được cho một khách hàng đến từ Hà Nội, giá 1,8 tỉ mỗi công. Và ông chủ mới của lô đất này tuyên bố ai muốn mua lại phải chi ít nhất 3 tỉ đồng một công.
Giá đất lên vùn vụt, giao dịch nhộn nhịp, có nhiều trường hợp mua bán cả ban đêm. Ông Đặng Văn Tuân, một người thạo đất ở thị trấn Dương Đông cho biết: “Đất đầu hôm hỏi còn đó, sáng mai qua hỏi thì họ đã bán xong đêm qua. Có những lô đất chỉ vừa đặt cọc xong đã có người hỏi mua lại với giá chênh lệch 1,5 tỉ đồng mỗi công”.
Giá đất ở đảo Phú Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
-------------------------