Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm 0,55% sản lượng điện đang sản xuất. Do đó, giá dầu trên thế giới giảm nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện; trong khi các yếu tố khác lại tăng mạnh.
Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 diễn ra chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, những mặt hàng thiết yếu và có thể nói là nhạy cảm đều đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức rõ ràng thông qua rất nhiều văn bản.
Gần đây nhất, Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 3 bộ, trong đó có Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trong đó có EVN về điều hành giá gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến giá điện, qua báo cáo của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ đây là một trong những mặt hàng phải kiên quyết tiến dần đến giá thị trường.
Thứ trưởng Hải cho biết, trước Tết, mặc dù đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá điện nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng giá điện. Còn sau Tết, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền nếu tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ có xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Còn nếu trên 10% thì EVN trước tiên sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Ông Hải cũng thêm rằng, trong giá điện có rất nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có giá dầu. Vì thế, với việc giá dầu thế giới vừa qua sụt giảm mạnh, có nhiều thắc mắc đặt ra “liệu có giảm được giá điện hay không?”
Về câu hỏi này, người phát ngôn Bộ Công thương cho biết: “Có điều rất đáng tiếc, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện chúng ta đang sản xuất. Như vậy gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện”.
Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện, chẳng hạn giá than tăng đến 22% (tính đến 22/7/2014 so với 1/8/2013), trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%. Bên cạnh đó, giá khí tăng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tăng rất nhiều lần, 1/4/2014 tăng 1 lần, đến 1/7/2014 tăng lần 2, lần 3 là 1/10 và gần đây nhất là 1/1/2015.
“Những yếu tố cấu thành giá điện như vậy tăng, tỷ giá bình quân cũng tăng, kể cả thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, kể cả giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng” – Thứ trưởng Hải cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
Trước báo giới, Thứ trưởng Hải cũng giải đáp những ý kiến của dư luận liên quan đến việc, liệu giá điện Việt nam có đúng là dưới giá thành như những nhà tư vấn và kiểm toán quốc tế đã nêu hay không.
Ông Hải cho biết, nhiều ý kiến nhận định năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Hiện nay tỷ lệ hao tổn điện của Việt Nam rất lớn.
Chỉ so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam trước đây có mức giá khoảng 6,27 cent/1 kWh điện, hiện nay mới tăng lên được 7,7 cent/1 kWh điện, trong khi ở Philippines xấp xỉ gần gấp 3 lần với 21,72 cent/1 kWh điện, Singapore là 21,3 cent/1 kWh điện, gần với Việt Nam là Thái Lan cũng là 10,65 cent/1 kWh điện, Malaysia là 7,29 cent/1 kWh điện. Đó là điện sinh hoạt, còn điện thương mại ở các nước khác cũng là gấp đôi, gấp ba điện ở Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trong tháng 3, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện và sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ thông báo chi tiết hơn về vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp ngành điện, ông Hải đặt lại vấn đề: tại sao các nhà đầu tư không mặn mà với ngành điên ngành Điện? Theo ông Hải, khi đầu ra - giá điện thương phẩm không hấp dẫn thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thấy thu hút, kể cả doanh nhiệp trong nước và ngoài nước.
------------------------
Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả hợp tác với các nhà tài trợ ODA
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng Báo cáo chuyên sâu về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó tập trung xác định những mặt còn hạn chế, chỉ ra những ngành, lĩnh vực cần cải cách và phương án cải cách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để đạt tiêu chuẩn ASEAN 6.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chủ động, tích cực phối hợp với WB khẩn trương hoàn tất việc chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP, không để kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động phối hợp với WB sớm hoàn tất việc chuẩn bị Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp nhằm cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, có mở rộng phạm vi dự án bao gồm cấu phần trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động cung cấp các thông tin cần thiết cho WB về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 5 năm, 10 năm tới để WB tham khảo, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng Báo cáo Việt Nam năm 2035.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan chủ quản triệt để thực hành tiết kiệm trong sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, đặc biệt là đối với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; hạn chế tối đa việc tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát ở nước ngoài; ưu tiên nguồn vốn cho các cấu phần đầu tư của chương trình, dự án…
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, công tác vận động và thu hút nguồn ODA và vốn vay ưu đãi, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 đạt hơn 4,362 tỷ USD, gồm hơn 4,16 tỷ USD ODA vốn vay và vay ưu đãi, 202,05 triệu USD viện trợ không hoàn lại.
Theo đánh giá chung, sau những biện pháp đôn đốc kiên quyết, thường xuyên của Ban Chỉ đạo, giải ngân năm 2014 có những cải thiện đáng kể. Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1,773 tỷ USD, WB: 1,386 tỷ USD, ADB: 1,058 tỷ USD.
-----------------------
Hoa Kỳ hỗ trợ Quảng Trị 8 triệu USD rà phá bom mìn
Tại buổi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị sáng 2/3, bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Quảng Trị 8 triệu USD rà phá bom mìn trong năm 2015.
Từ năm 1996, Quảng Trị là địa phương được Chính phủ Việt Nam cho phép thực hiện thí điểm chương trình hợp tác quốc tế rà phá bom mìn nhân đạo.
Trong suốt chặng đường gần 20 năm hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh đã đem lại những kết quả rất thiết thực.
Các hoạt động rà phá bom mìn đã giải phóng làm sạch một số diện tích đất đai bị nhiễm bom mìn để người dân tái định cư và sản xuất.
Tỷ lệ tai nạn do bom mìn đã được giảm đáng kể từ 456 vụ giai đoạn 2001-2007 còn 127 vụ giai đoạn 2008-2014.
Tính đến năm 2014, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp Quảng Trị rà phá bom mìn với diện tích gần 10 ngàn ha, di dời, phá hủy an toàn 556.448 vật liệu nổ…
-----------------------
Trao tặng tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Ngày 2/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trao tặng bộ tư liệu bản đồ "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao tặng 180 tư liệu, bản đồ cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đây là một phần trong số các tư liệu thu thập được từ Việt Nam và các nước trên thế giới, có giá trị pháp lý và lịch sử mạnh mẽ trong việc khẳng định và chứng minh Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, nhiều tư liệu, bản đồ do Nhà nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố hàng trăm năm qua cho thấy, Trung Quốc không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
-----------------------