Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 826/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc công bố công khai Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Theo kết luận thanh tra, tiến hành kiểm tra 1.120 gói thầu xây lắp tại 402 dự án cấp huyện, sở được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao làm chủ đầu tư, đã phát hiện có tới 664 gói thầu (gần 60%) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu sai với quy định Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.
Mặt khác, trong số 404 gói thầu được lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế lại có tới hơn 60% chậm tiến độ và đã phải thực hiện bù giá vật liệu nhân công với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Trong 260 gói thầu chỉ định có hơn 33% gói chậm tiến độ, phải thực hiện bù giá hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều nhà thầu có năng lực tài chính lẫn tổ chức thi công rất yếu. Một số gói thầu do điều kiện địa chất thi công khó khăn nhưng không được chỉ ra từ khâu khảo sát, lập phương án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không sát thực tế. Việc chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, tăng giá trị quyết toán mà còn gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, tại Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện có hiện tượng chỉ định thầu bất thường.
Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1200 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chọn chủ đầu tư là đơn vị không có chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Mặc dù công trình có sử dụng vốn ngân sách nhưng chủ đầu tư đã thực hiện chỉ định thầu (trong đó chỉ định cả cổ đông của chủ đầu tư làm nhà thầu) khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, vi phạm Luật Đấu thầu.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện những dấu hiệu buông lỏng quản lý trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra trong thời gian dài; đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khiếu nại, tranh chấp, thậm chí có nơi còn phát sinh phức tạp, gay gắt.
Trong đó, đáng chú ý nhất là công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tại huyện Kỳ Anh để lấy đất cho dự án Formosa đã để xảy ra một số khuyết điểm lớn, gây thất thoát cho Nhà nước và tiềm ẩn khiếu kiện phức tạp.
Cụ thể, kết luận thanh tra chỉ rõ: UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự toán bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án Formosa đối với hơn 90 ha đất được ghi là “đất tranh chấp” với số tiền bồi thường gần 33 tỷ đồng. Hội đồng giải phóng mặt bằng đã chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân mà không kiểm tra, làm rõ về việc tranh chấp. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra trên hồ sơ địa chính cho thấy các diện tích này là đất công do UBND đang quản lý. Cơ quan thanh tra nhận định đây là biểu hiện sự thiếu minh bạch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh thống kê, lập phương án bồi thường gần 42ha đất công ích do UBND xã đang quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 15,5 tỷ đồng. Kết luận thanh tra khẳng định việc bồi thường đất công ích trong trường hợp này là không đúng với Luật Đất đai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 493,6 tỷ đồng và đến thời điểm gần đây, các đơn vị liên quan đã khắc phục số tiền hơn 300 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét các vấn đề liên quan đến việc cấp phép đầu tư cho dự án Formosa cũng như việc đảm bảo an ninh quốc phòng.
-----------------------
Điều tra một người Pháp dùng thẻ ATM giả để rút tiền
Khám xét người Nguyen Nicolas, công an thu giữ nhiều thẻ tín dụng được làm giả tinh vi.
Tin từ công an tỉnh Ninh Thuận cho hay, đang tạm giữ Nguyen Nicolas (31 tuổi, quốc tịch Pháp) để điều tra về việc sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền ở nhiều buồng máy ATM thuộc các ngân hàng khác nhau trên địa bàn.
Nguồn tin cho biết, 18h30 ngày 27/2 nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận (BIDV Ninh Thuận) phát hiện các giao dịch nghi vấn và phối hợp cùng Công an phường Đài Sơn, TP Phan Rang – Tháp Chàm, kiểm tra, bắt giữ nghi phạm Nguyen Nicolas. Tại thời điểm bị bắt, Nguyen Nicolas đang thực hiện các giao dịch rút tiền tại buồng máy ATM của ngân hàng BIDV đặt tại góc ngã tư đường Ngô Gia Tự - đường 16/4, phường Đài Sơn, TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Nguyen Nicolas khai nhận, anh ta nhập cảnh vào Việt Nam từ chiều 11/2 qua Sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Nghi phạm này thừa nhận đã sử dụng thẻ tín dụng được làm giả để rút tiền tại nhiều buồng máy ATM của các ngân hàng đặt tại TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Chiều 27/2, Nicolas dùng thẻ tín dụng giả 7 lần rút tiền, được tổng cộng 21 triệu đồng tại buồng máy ATM của ngân hàng BIDV nói trên thì bị bắt. Ngoài ra Nguyên Nicola khai báo, trước đó ngày 25/2 đã rút thành công 11 triệu đồng từ các buồng máy ATM của Ngân hàng BIDV và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (tức Vietinbank), đặt tại TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Khám xét người Nguyen Nicolas, công an có thu giữ nhiều thẻ tín dụng được làm giả tinh vi. Hiện Công an tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác để điều tra.
Theo thông tin từ Bộ Công an, thời gian vài năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những quốc gia mà tội phạm quốc tế trong lĩnh vực dùng thẻ ATM giả để rút tiền, chọn làm mục tiêu gây án. Thủ đoạn của những băng nhóm này là nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch, rồi di chuyển đến nhiều tỉnh thành để sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền.
Máy móc và thẻ giả do nhóm phạm tội mang từ nước ngoài vào. Chúng sử dụng trình độ công nghệ cao để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân của người nước ngoài, rồi dùng công nghệ để dập thông tin vào thẻ giả, sử dụng để rút tiền tại Việt Nam.
-----------------------
Bắt giữ vụ vận chuyển pháo nổ sau Tết
Vào lúc 0h15’, ngày 2/3, tại km 159 + 500 thuộc địa phận thôn Giao Lâm, xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn, Đội CSGT số 2 Công an tỉnh phối hợp với Đội CSĐTP về TTQLKT và Chức vụ Công an thị xã Bắc Kạn tiến hành dừng và kiểm tra xe ô tô BKS 29B – 048.49 phát hiện 2 túi hàng hóa chứa pháo nổ do Trung Quốc sản xuất.
Tại thời điểm kiểm tra, không ai nhận số hàng hóa trên nên lực lượng Công an đã yêu cầu lái xe Nông Hà Thanh (34 tuổi) đưa xe về Công an thị xã Bắc Kạn để tiếp tục làm rõ, qua đó đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Công (47 tuổi) trú tại xóm 12, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là chủ nhân của số hàng hóa chứa pháo nổ trên.
Công khai nhận 2 túi hành lý chứa 10 hộp pháo nổ có trọng lượng 16,5kg trên là do Công mua của một người Trung Quốc với giá 150 nghìn đồng/ hộp để đem về Nghệ An tiêu thụ.
Hiện vụ việc đang được Công an thị xã Bắc Kạn tiến hành điều tra làm rõ.
---------------------