Putin: Nga sẽ không tham gia vào các mưu đồ chính trị và xung đột
Nga không đe dọa ai và sẽ lánh xa mọi mưu đồ chính trị, dù đối tượng đó có quyền lực mạnh đến đâu cũng không thể lôi kéo đất nước chúng tôi đứng về phía họ - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong một cuộc họp về sự phát triển của các lực lượng vũ trang Nga
"Chúng tôi không đe dọa bất cứ ai và không có kế hoạch tham gia vào bất kỳ trò chơi, mưu đồ chính trị nào, đặc biệt là các cuộc xung đột dù người muốn lôi kéo đó là ai"- ông Putin cho hay tại một cuộc họp với các lãnh đạo quân sự tại khu nghỉ dưỡng Sochi trên bờ Biển Đen vào hôm qua (26.11).
Tổng thống Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga cùng các đồng minh của mình. Ông Putin cũng nói rằng "cách tiếp cận hội nhập và thống nhất của tất cả các cơ quan công quyền là cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng".
Ông Putin lưu ý rằng trong những năm gần đây, Nga đã hoàn tất sắp xếp hệ thống hội nhập trong kế hoạch quân sự, cập nhật vấn đề quản lý quân sự; và vào tháng Giêng năm ngoái, một kế hoạch quốc phòng mới đã được phê duyệt.
"Đối với chúng tôi, một trong những ưu tiên trong việc xây dựng quân sự là vẫn duy trì việc phát triển các vũ khí cá nhân và lực lượng vũ trang", ông Putin cho biết thêm trong một cuộc họp hôm 24.11 với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu.
Trong cuộc họp hôm 24.11, các quan chức quốc phòng hàng đầu bàn bạc về sự hình thành các đơn vị quân đội ở Crưm và một đơn vị chỉ huy chiến lược mới ở Bắc Cực dựa trên mô hình hạm đội phương Bắc của Nga từ ngày 1.12.
Hồi tháng trước, ông Shoigu tiết lộ rằng quân đội Nga đang xây dựng lại hai căn cứ quân sự ở phía bắc đảo Novosibirsk và trên quần đảo Franz Josef. Trong năm tới. Nga sẽ hoàn thành một mạng lưới các trạm radar ở Bắc Cực.
Ngoài hiện đai hóa quân sự trong nước, Nga cũng sẽ tiếp tục nâng cấp căn cứ quân sự của mình tại Kyrgyzstan, Tajikistan, và Armenia. Năm nay, Nga đã triển khai thêm một phi đội chiến đấu cơ ở Belarus, ông Shoigu cho biết thêm.
-------------------------
Người biểu tình Hồng Kông muốn tái chiếm đường phố
Những người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông một lần nữa lại đụng độ tại khu vực quận Mongkok vào tối 26.11, sau khi chính quyền dẹp khu lều trại và các chướng ngại vật người biểu tình dựng lên thời gian dài vừa qua và những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ muốn tái chiếm đường phố.
Tính đến giữa chiều qua, một con đường bị người biểu tình chiếm đóng dưới nhiều mức độ khác nhau kể từ khi cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra gần hai tháng trước đã được khai thông trở lại.
Tuy nhiên, đến buổi tối, khu thương mại nhộn nhịp ở quận Mongkok lại chứng kiến hàng nghìn người tụ tập, một số là người biểu tình và một số người tò mò xem chuyện gì đang xảy ra.
Một số người biểu tình kêu lên: “Chúng tôi muốn chiếm lại các đường phố” khi họ đối mặt với cảnh sát và khuấy động đám đông.
Trong khi đó, một số lượng lớn nhân viên cảnh sát cố gắng kiềm chế đám đông trên vỉa hè tràn xuống đường phố, dự báo một nhiệm vụ khó khăn khi màn đêm dần bao trùm.
Khi tình hình nóng lên, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh kêu gọi những người biểu tình ủng hộ dân chủ không tái chiếm lại các khu vực biểu tình trước đó, theo Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông (RTHK).
RTHK cũng cho hay, ông Lương thúc giục người biểu tình không phá vỡ luật lệ lần nữa và nói thêm rằng, các hoạt động thương mại ở những khu vực này chỉ vừa mới bắt đầu trở lại.
Cảnh sát cho biết, 148 người đã bị bắt vì các tội khác nhau tại các địa điểm biểu tình ở Mong Kok kể từ hôm 25.11.
-------------------------
Bầu cử Thái Lan có thể bị hoãn đến 2016
Tổng tuyển cử ở Thái Lan có thể sẽ bị trì hoãn đến giữ năm 2016, AFP ngày 27.11 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Sommai Phasee.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trước đó tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử vào khoảng tháng 10.2015. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sommai nói với BBC rằng cuộc bầu cử có thể phải mất ít nhất 18 tháng nữa mới tổ chức được.
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa thủ tướng Prayuth với nội các vào tuần trước. “Theo tuyên bố của thủ tướng, cuộc bầu cử có thể tổ chức sau 1 năm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có thể mất 1 năm rưỡi nữa mới tổ chức”, ông Sommai nói.
Ông Prayuth, người tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5, từng tuyên bố cuộc đảo chính là cần thiết để chấm dứt tình trạng bất ổn và thiết lập an ninh. Các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng trời đã khiến gần 30 người chết và đẩy Thái Lan đến nguy cơ nội chiến.
Cộng đồng quốc tế nhiều lần kêu gọi chính quyền quân sự nhanh chóng trả lại nền dân chủ cho Thái Lan. Chính quyền quân sự do ông Prayuth lãnh đạo hứa sẽ chuyển giao quyền lực sau cuộc tổng tuyển cử mà ban đầu dự kiến tổ chức vào tháng 10.2015.
-------------------------
Động đất 7 độ Richter ở Indonesia
Trận động đất mạnh 7,0 độ richter đã xảy ra ngoài khơi biển Molucca, Indonesia, CNN dẫn thông tin từ Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
USGS cho biết tâm chấn của trận động đất vào 22 giờ 33 tối ngày 26.11 nằm ở độ sâu 65 km, trong vùng biển giữa đảo Sulawesi và quần đảo Maluku của Indonesia.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương không đưa ra cảnh báo sóng thần nào. Hiện chưa có báo cáo về thương vong và thiệt hại do trận động đất gây ra.
Indonesia thường xuyên hứng chịu những trận động đất lớn. Vào ngày 26.12. 2004, một trận động đất 8,7 độ richter xảy ra ngoài khơi quần đảo Sumatra gây ra sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 230.000 người. Đây là một trong 6 trận động đất lớn nhất trên thế giới từ năm 1900.
Trận động đất gần đây nhất ở Indonesia xảy ra ngày 15.11 ở quần đảo Maluki có mạnh 7,3 độ richter
-------------------------