90% người cai nghiện ma túy bị tái nghiện
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy - PSD) cho biết ở VN có 90% người tái nghiện ma túy sau khi cai.
Bà Hà chia sẻ thông tin trên tại hội thảo “một số nghiên cứu mới phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy” do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) và tạp chí Trí thức & Phát triển tổ chức ngày 26-11.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, bà Hà cho biết, đến cuối tháng 9-2014 cả nước có 204.377 người nghiện ma túy.
Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 có 55.445 người), trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người nghiện.
Đại diện trung tâm này cũng khẳng định, hiện nay VN đang gặp thử thách trên cả ba mặt trận: giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại của ma túy.
Theo PSD, nguyên nhân của việc tái nghiện chính là con đường đấu tranh chống lại sự lệ thuộc ấy là không hề dễ dàng, ngay cả khi có một bộ phận không nhỏ người nghiện ma túy khi nhận ra tác hại của ma túy luôn khao khát muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nó.
Việc không thắng nổi sự cám dỗ của ma túy đẩy họ và tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, khiến họ vừa tự hủy hoại bản thân vừa gây tổn hại đến gia đình và xã hội bởi những hành vi thiếu lý trí.
“Tôi đã có 6 năm nghiện ma túy, đã cai thành công 14 năm nay. Mười bốn năm qua tôi đi tìm câu trả lời vì sao người nghiện vẫn tái nghiện. Câu trả lời là người nghiện chịu hai sự lệ thuộc rất rõ ràng, sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuốc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ” - ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch PSD nói.
Theo ông Tuấn, việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý. Quá trình căng thẳng tâm lý xuất hiện qua ba trạng thái. Thứ nhất, tiếp xúc, hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện.
“Bất kỳ người nghiện nào khi gặp lại bạn nghiện thì cảm xúc khoái cảm, kể cả chỉ là mùi mồ hôi lại hồi tưởng. Vì thế, có người nghiện khi vừa ra khỏi trung tâm cai mà gặp bạn đã nhảy xuống nghiện lại” - ông Tuấn chia sẻ.
Trạng thái thứ hai, theo ông Tuấn, căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm, nóng giận. Thứ ba, căng thẳng tâm lý dễ rơi vào những tình huống “nguy cơ” dẫn đến hành vi sử dụng ma túy.
“Muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng tâm lý. Đây là giai đoạn cần qua điều trị trợ giúp về tâm lý, tư vấn và giúp người nghiện hình thành những kỹ năng sống mới” - ông Tuấn chia sẻ.
-------------------------
Hà Nội: Loạn phí trông giữ xe
Theo quy định của Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội về việc thu phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện), xe máy, môtô và mức thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mức thu trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện), với 4 mức thu ban ngày, ban đêm, cả ngày và đêm, theo tháng tương ứng với 2.000đ, 3.000đ, 4.000đ/xe/lượt và theo tháng là 40.000đ/xe/tháng; phí trông xe máy là 3.000đ/xe/lượt ban ngày, 5.000đ/lượt ban đêm, 7.000đ/lượt cả ngày và đêm, nếu theo tháng là 70.000đ/xe. Quy định thì rõ là vậy, nhưng phần lớn tại các điểm trông giữ xe tại khu vực bệnh viện, vườn thú Thủ Lệ, các trung tâm thương mại, khu vực chợ đêm và cả bến xe Mỹ Đình dường như quy định về mức phí trông giữ xe của UBND TP.Hà Nội chưa đến nơi. Vì phần lớn các bãi trông giữ xe luôn thu tiền vé gấp 3 lần theo quy định.
Theo khảo sát thì phần lớn các bãi trông giữ xe phá giá là của tư nhân tự phát. Nhưng cũng có nhiều điểm trông giữ xe của các Cty có đăng ký hoạt động như tại bãi trông xe trên phố Phủ Doãn trước cổng Bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) đề rõ Cty TNHH MTV khai thác điểm đỗ Hà Nội đã thẳng tay thu của khách 10.000đ/lượt xe máy; hay tại bãi trông giữ xe tại 1A Quang Trung của UBND TP.Hà Nội, Cty khai thác điểm đỗ xe cũng “chém” 10.000đ/xe máy/lượt. Đặc biệt tại bãi trông giữ xe trước cửa bến xe Mỹ Đình, gửi từ 8h sáng đến 14h cũng 10.000đ/xe. Nguyên nhân của tình trạng giá thu phí “trên giời” như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Giải thích vấn đề thu phí cao, bà Hương - chủ một bãi trông xe - cho biết, để được quyền trông xe ở địa điểm này, ngoài các điều kiện khác thì đều phải đấu thầu, do vậy để bù chi phí đành phải thu cao, chứ thực tình cũng không muốn. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền, chứ nếu chỉ một ngành, một lực lượng thì không giải quyết được vấn đề. Để quản lý, giám sát việc trông giữ xe nhiều điểm trông giữ như bến xe Nước Ngầm đã làm thẻ từ tính giờ vào - giờ ra của phương tiện, nhưng mức thu phí vẫn cao hơn so với quy định. Theo chị Phương ở Linh Đàm thì quan trọng người dân muốn thu đúng với mức quy định của UBND TP.Hà Nội.
-------------------------
Quảng Nam: Tiểu thương kéo đến phản ứng chính quyền vì chợ mới ế
Sáng 27.11, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ mới Tam Kỳ đã đến UBND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) kiến nghị lãnh đạo thành phố bố trí việc buôn bán hợp lý, tránh tình cảnh ế ẩm hiện nay.
Các tiểu thương (hầu hết là phụ nữ) phản ánh, sau khoảng 2 tháng từ chợ tạm An Sơn chuyển về buôn bán tại chợ mới Tam Kỳ, đã lâm vào tình trạng ế ẩm, khách hàng rất ít đến chợ. Số tiền bán hàng không đủ để trả nợ và nuôi sống gia đình.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân chợ mới Tam Kỳ bị ế là do BQL chợ
thay vì phải chuyển tất cả khoảng 1.000 hộ kinh doanh tất cả các mặt hàng từ chợ tạm An Sơn về chợ mới Tam Kỳ để tiện buôn bán, thì lại chỉ chuyển 50% số hộ.
Trong đó, 50% số tiểu thương chuyển về chợ mới Tam Kỳ chủ yếu buôn bán giày dép, áo quần… Số còn lại tại chợ tạm An Sơn là các sạp buôn bán ngoài trời như hàng ăn uống, rau, củ, quả…
“Vì chợ mới Tam Kỳ không bán đầy đủ các mặt hàng, nên khách hàng ít đến, chúng tôi biết bán cho ai? Chúng tôi đã 3 lần kiến nghị hoặc kéo trực tiếp đến UBND TP.Tam Kỳ để phản ánh nhưng sự việc chưa được giải quyết”-các tiểu thương phản ánh.
Ngay trong sáng 27.11, ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cùng lãnh đạo BQL chợ Tam Kỳ đã gặp và đối thoại với các tiểu thương.
Tại cuộc họp, các tiểu thương đã nêu kiến nghị UBND TP.Tam Kỳ cần nhanh chóng chuyển hết các hộ đang buôn bán tại chợ An Sơn về chợ mới Tam Kỳ để tạo điều kiện kinh doanh cho những hộ đang buôn bán tại chợ mới. Nếu không giải quyết được thì BQL chợ Tam Kỳ phải trả lại tiền thuê mặt bằng mà họ đã trả trước…
Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho biết, việc chậm chuyển số hộ kinh doanh chợ An Sơn về chợ mới có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân do chợ mới chưa đảm bảo về công tác PCCC.
Trước những đề nghị chính đáng của các tiểu thương, ông Nguyễn Văn Duyên, Phó BQL chợ Tam Kỳ cam kết đến ngày 5.12, sẽ chuyển xong toàn bộ các hộ về chợ Tam Kỳ.
Ông Trần Nam Hưng, phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ yêu cầu BQL chợ Tam Kỳ cần thực hiện đúng cam kết trên, nếu hết ngày 5.12, BQL chợ Tam Kỳ không giải quyết xong việc này, UBND TP.Tam Kỳ sẽ tiến hành kỉ luật. Ông Hưng cũng giao nhiệm vụ Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ có cam kết bằng văn bản với các hộ tiểu thương.
Được biết, chợ mới Tam Kỳ được đầu tư với tổng mức hơn 79 tỉ đồng, tổng diện tích sàn hơn 10.000 m2, công trình gồm 3 tầng và 2 khu dịch vụ ngoài trời tại tầng 3.
-------------------------
Đề nghị khởi tố đường dây sát hại rùa biển
Ngày 26-11, bà Nguyễn Thị Phương Dung - phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV - thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN) - cho biết đã gửi văn bản đến hai bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa và Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị điều tra, xử lý đường dây mua bán rùa biển tại TP Nha Trang.
Bà Dung cho hay vừa qua ENV đã hợp tác cùng lực lượng trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an điều tra, phát hiện cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang) lưu giữ trái phép hơn 4 tấn rùa biển (ước tính 1.000 con) nhằm phục vụ mục đích chế tác và buôn bán.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng mới chỉ ghi nhận đối tượng Hoàng Tuấn Hải là chủ cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ nói trên. Trong khi đó, theo điều tra của ENV, người thật sự cầm đầu đường dây buôn lậu, chế tác và tiêu thụ trái phép rùa biển quý hiếm lớn nhất nước này vẫn chưa được đề cập tới.
Đại tá Đào Văn Toản - trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa (PC49) - cho biết: “Công an đã bàn giao tang vật cho Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa để trưng cầu giám định xem đây là những động vật gì, mức độ nguy cấp, quý, hiếm đến đâu. Xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự đối với vụ việc này cần phải chờ kết quả giám định”.
Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 26-11, ông Lê Văn Dũng - chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản trưng cầu giám định gửi Viện Hải dương học. Với khối lượng gần 4,4 tấn rùa biển, yêu cầu là phải giám định từng con một để xác định đúng chủng loại, mức độ nguy cấp, quý hiếm nên không thể có kết quả một sớm một chiều mà chắc phải kéo dài hàng tháng.
Sau khi có kết quả giám định sẽ thành lập hội đồng xem xét xử lý, nếu thấy có yếu tố hình sự thì Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra thụ lý”.
-------------------------
Mang 4 vé số giả đổi 120 triệu đồng
Ngày 26/11, Công an huyện Chơn Thành (Bình Phước) cho biết đã tạm hình sự Phạm Đình Giang (29 tuổi, ngụ thị xã Đồng Xoài), Nguyễn Cao Kỳ (30 tuổi) và Điểu Krum (29 tuổi, cả hai cùng ngụ huyện Lộc Ninh, Bình Phước) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, sáng 23/11, anh Nguyễn Văn Phong (25 tuổi, chủ đại lý vé số ở thị trấn Chơn Thành, Bình Phước) đang ngồi bán hàng thì Kỳ và Điểu Krum mang 4 tờ vé số trúng giải nhất trị giá 30 triệu đồng mỗi tờ đến đổi.
Kiểm tra kỹ, anh Phong phát hiện số vé số trên là giả nên đã báo công an bắt giữ cả hai. Mở rộng điều tra, công an bắt thêm Giang và thu thêm một tờ vé số giả cùng mệnh giá trúng thưởng.
Giang khai 5 tờ vé số giả mua lại của một người đàn ông không rõ lai lịch với giá 2 triệu đồng mỗi tờ vào ngày 22/11. Sau đó, Giang rủ Kỳ và Krum mang đi đổi để lấy tiền tiêu xài.
-------------------------