Tin thế giới trưa 14-03-2015: Ai đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Hy Lạp đang ngả theo Nga?

  • Cập nhật : 14/03/2015

 Ai đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời thách thức trật tự an ninh ở châu Âu, đặc biệt là tại hầu hết các quốc gia Đông Âu. 
 
Khi thúc đẩy áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva và hỗ trợ Kiev, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có vẻ như đã ít nghĩ đến những tác động địa chính trị lâu dài của sự rạn nứt này trong mối quan hệ với Trung Quốc.
 
Và nếu không có giải pháp khả thi cho cuộc xung đột ở Ukraine, kẻ chiến thắng cuối cùng trong cuộc đối đầu phương Tây - Nga này không phải là Washington hay Moskva, mà chính là Trung Quốc. Hãy xem, quốc gia tưởng chừng như không hề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine này đã “đắc lợi” như thế nào qua phân tích của bà Gabriela Marin Thornton là phó giáo sư giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Trường đại học Texas A&M.
 
Trung Quốc đang lên
 
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới được đo bằng sức mua tương đương. Bắc Kinh cũng đang mạnh dạn đầu tư cho quân sự để tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này với ngân sách dành cho quốc phòng tăng ở mức hai con số liên tiếp trong gần 2 thập niên qua. Không ít người đã ví sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay được ví với sự nổi lên của Mỹ ở cuối thế kỷ XIX và nghi ngờ Bắc Kinh đang tìm cách trở thành một cường quốc chi phối trong khu vực riêng của mình.
 
Trong sự trỗi dậy đó của Trung Quốc, Nga có vai trò hỗ trợ không hề nhỏ. Nếu Mỹ và châu Âu không cải thiện được mối quan hệ đối thủ với Moskva, Trung Quốc sẽ ngày một mạnh hơn và đứng vào thế đối đầu với Mỹ trong tương lai sớm hơn những gì mà người ta đã dự đoán.
 
Nền kinh tế Nga đang rơi vào tình thế rất khó khăn và có nguy cơ lâm vào suy thoái do tác động kép từ việc giá dầu giảm mạnh cùng các biện pháp trừng phạt ngày càng siết chặt của phương Tây. Đồng rúp Nga đã mất giá 50%, lượng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi nền kinh tế Nga lên đến 150 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) hiện đang dự báo rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 2,9% trong năm 2015. Còn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu thì ước tính nền kinh tế của đất nước Bạch Dương sẽ bị thu hẹp lại khoảng gần 5% trong năm nay.
 
Khi phải đối mặt với suy thoái và sự cô lập chính trị từ phương Tây, xu hướng chuyển dịch kinh tế từ Tây Âu sang châu Á của Nga là tất yếu. Moskva trong thời gian gần đây đã liên tục ký với Trung Quốc một loạt thỏa thuận bán dầu mỏ và khí đốt trị giá hàng tỉ USD, cùng các khoản vay nợ và tạo dựng các mối quan hệ quân sự mới. Có thể kể đến thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỉ USD mà Moskva và Bắc Kinh đã ký hồi tháng 5-2014 mà theo đó Nga sẽ bán tới 38 tỉ m3 khí/năm cho Trung Quốc; hay một thỏa thuận cung cấp tới 30 tỉ m3 khí đốt/năm nữa qua đường ống Tây Siberia dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Vào tháng 9-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Chuck Hagel đã chỉ ra rằng Trung Quốc và Nga đang cùng nhau phát triển những hệ thống vũ khí mới. Trao đổi thương mại của Nga với Trung Quốc theo dự đoán sẽ tăng lên đến 100 tỉ USD trong năm nay từ 90 tỉ USD trong năm 2014.
 
Hợp tác tình thế
 
Logic kép của việc xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh và Moskva rất đơn giản: Trung Quốc cần tài nguyên, thứ mà Nga rất dồi dào. Nga cần thị trường, đầu tư và ngoại tệ còn Trung Quốc thì có sẵn.
 
Những lợi ích địa chính trị của hai bên cũng trùng nhau. Trung Quốc không muốn Biển Đông bị người Mỹ chi phối. Thậm chí, Bắc Kinh còn muốn cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đánh lạc hướng càng lâu càng tốt sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang bị các nước láng giềng và một số cường quốc như Mỹ, Nhật lên án vì hành vi đòi hỏi và củng cố chủ quyền quá đáng. Trong khi đó, Nga không muốn phương Tây - Mỹ và châu Âu - xâm phạm vào những nơi mà Moskva coi là thuộc “tầm ảnh hưởng” của mình. Nói ngắn gọn là cả Nga và Trung Quốc đều không muốn thế giới bị Mỹ thống trị. Điều đó rất rõ ràng.
 
Thế nhưng, thực tế Trung Quốc và Nga lại cũng là những đối thủ địa chính trị, tranh giành ảnh hưởng ở nhiều khu vực, mà rõ nhất là ở Trung Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Trong ngắn hạn, Nga được lợi bằng cách bán dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyền thiên nhiên khác cho Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, hậu quả của việc này là sẽ củng cố hơn nữa sự xuất hiện của một Trung Quốc mà dường như là đối thủ định mệnh, cạnh tranh dài hạn với Nga.
 
Moskva đang giúp Trung Quốc tăng trưởng về mặt kinh tế và trở nên hùng mạnh hơn trong khi bản thân Nga đang trở nên yếu đi. Còn Trung Quốc có phải là người bạn thực sự của Nga hay không thì vẫn là quá sớm để kết luận. Chỉ cần lưu ý rằng, Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine và đã ký kết thành công nhiều hợp đồng vốn đã bị bê trễ mấy năm qua với Nga do nhiều bất đồng. Bắc Kinh cũng đã tranh thủ thời gian khó khăn này của Nga để thách thức ảnh hưởng của Moskva tại các nước Trung Á bằng cách tăng cường đầu tư và lập các liên doanh tại khu vực này, thúc đẩy việc xây dựng Vành đại kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI của mình.
 
Phương Tây phải làm gì?
 
Có rất nhiều cuộc thảo luận, đặc biệt ở Washington, về “không gian hậu Xôviết” - những nước cộng hòa thành viên Liên Xô cũ (như Ukraine) đã giành được độc lập sau khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa châu Âu này sụp đổ vào năm 1990. Nhưng có một điều mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây cần phải nhớ rằng, trong không gian hậu Xôviết đó, nước Nga đã và đang là cường quốc chi phối, có quyền lợi đặc biệt, bởi những mối liên hệ lịch sử và văn hóa đặc biệt. Đó là một thực tế rất khó lật ngược cho dù phương Tây có không muốn chấp nhận khi mưu toan “vẽ lại” bản đồ châu Âu, giành giật “miếng mồi” Ukraine, cũng như xâm nhập vào “không gian hậu
Xôviết”.
 
Do đó, viễn cảnh về sự trỗi dậy không thể nào ngăn cản được của Trung Quốc, cùng những cảnh báo đúng đắn về tình hình ở Ukraine: Những con số thương vong đang tăng lên và một nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ, buộc phương Tây phải có những tính toán thận trọng với Nga và không được phép bỏ qua giải pháp ngoại giao, đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Trong tương lai xa hơn, Mỹ cần phải tính đến một “thế chân vạc” về quyền lực thế giới với Nga và Trung Quốc. Hầu hết các bộ óc chiến lược của Mỹ đều đồng ý rằng, chính Trung Quốc chứ không phải Nga mới là nước tạo ra thử thách địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI đối với Mỹ và Nga sẽ là một đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
 
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ và châu Âu hiện nay lại đang đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc. Do đó, đây là một sai lầm địa chính trị và nếu như mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Nga không được hàn gắn thì Trung Quốc sẽ chính là bên thắng cuộc.
--------------------
Thêm bất đồng vì dự thảo hiến pháp mới?
Bất đồng trên chính trường Thái Lan ngày càng tăng khi Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) nước này bắt đầu tiến trình bỏ phiếu bãi nhiệm với từng cá nhân trong tổng số 38 cựu thượng nghị sĩ. 
 
Các cựu thượng nghị sĩ bị bỏ phiếu bãi nhiệm đa số là thành viên đảng Puea Thai (Vì nước Thái) của nữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra với cáo buộc vi phạm pháp luật khi tham gia sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2007.
 
Mặc cho nhiều cựu thượng nghị sĩ bị đưa vào "danh sách đen" khẳng định việc làm này thiếu cơ sở pháp lý, đại diện lãnh đạo NLA cho biết sẽ không thay đổi quyết định trên. Theo quy định của luật pháp Thái Lan, nếu một thượng nghị sĩ bị 60% thành viên NLA bỏ phiếu bãi nhiệm thì sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Động thái này khiến thành viên đảng Puea Thai hết sức quan ngại khi các chính đảng tích cực chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Một số chuyên gia pháp luật Thái Lan nhận định rằng, hệ thống tư pháp của đất nước đã và đang bị "lạm dụng" nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị, để chính quyền đương nhiệm chiếm lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
 
Một loạt thông tin bất lợi dồn dập đến với đảng Puea Thai trong bối cảnh Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) mới đây cũng buộc tội 250 cựu nghị sĩ - trong đó phần lớn thuộc đảng Puea Thai - đã hành động trái với Hiến pháp cũng như không trung thực khi đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp và mở rộng Thượng viện theo hướng áp dụng thể thức bầu cử hoàn toàn năm 2013. Trong đó, không thể không kể đến sự kiện nữ cựu Thủ tướng Yingluck vừa bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vì lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá mua gạo của chính phủ. Theo đó, bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm tới. Dù nữ cựu Thủ tướng đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan song Tòa án Tối cao Thái Lan vẫn xem xét việc khởi tố vào ngày 19-3 tới. Bà Yingluck có thể bị kết án tới 10 năm tù nếu có đủ bằng chứng luận tội.
 
Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014 và trở thành Thủ tướng của nội các lâm thời Thái Lan được thành lập tháng 8-2014, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử và cải cách đất nước sau nhiều năm bất ổn chính trị với các cuộc biểu tình đường phố. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) gồm 36 thành viên đã bắt đầu soạn thảo Hiến pháp mới từ tháng 11-2014 và theo quy định, CDC có 4 tháng để hoàn tất dự thảo Hiến pháp mới trước khi trình lên Hội đồng cải cách quốc gia (NRC) và chính quyền quân sự phê duyệt.
 
Thế nhưng, việc sửa đổi Hiến pháp bảo đảm đáp ứng mong đợi của phần lớn người dân không hề đơn giản, dễ dàng. Mới đây, một số tổ chức phụ nữ ở Thái Lan đã tổ chức diễu hành phản đối CDC dự kiến đưa điều khoản "Thủ tướng có thể là nhân vật không qua bầu cử" vào Hiến pháp mới. Sở dĩ vậy là việc Thủ tướng nắm quyền không qua bầu cử là một trong những nội dung của dự thảo Hiến pháp mới đang gây nhiều tranh cãi nhất trong dư luận và chính giới Thái Lan. Không dừng lại ở đó, dư luận còn bất đồng về dự thảo Hiến pháp mới quy định 200 thượng nghị sĩ không phải qua bầu cử trực tiếp. Theo một cuộc thăm dò mới đây của Đại học Bangkok, đa số người được hỏi ủng hộ việc Thủ tướng Thái Lan có thể không qua bầu cử trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị nhưng với yêu cầu quy định rõ thời gian tại vị. Thế nhưng, đa số ý kiến cũng phản đối tuyển cử toàn bộ 200 thượng nghị sĩ vì cho rằng Thượng viện phải bao gồm cả số thượng nghị sĩ qua bầu cử và số thượng nghị sĩ tuyển cử theo tỷ lệ thích hợp. Trước sự phản biện của dư luận, CDC cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và có thể điều chỉnh nội dung của dự thảo Hiến pháp theo hướng dân chủ và được đa số người dân Thái Lan chấp nhận.
 
Đến nay lực lượng biểu tình "áo đỏ" thân cựu Thủ tướng Yingluck vẫn chưa có động thái nào sau một loạt cáo buộc nhằm vào các thành viên đảng này. Song, sự kiện một loạt cáo buộc mới nhằm vào nữ cựu Thủ tướng Yingluck cũng như các thành viên đảng Puea Thai nổi tiếng một thời giữa lúc đất nước Chùa vàng đẩy mạnh tiến trình tổ chức tổng tuyển cử dân chủ dự kiến diễn ra vào cuối năm nay khiến dư luận xứ Thái không khỏi quan ngại bất ổn xã hội lại có thể tái phát.
---------------------
Hy Lạp đang ngả theo Nga?
Quan hệ giữa Chính phủ Hy Lạp và Nga ngày càng gắn bó, giữa lúc giới chức Athens vẫn bất hòa với các chủ nợ quốc tế về những cải cách cần thực hiện để tránh phá sản.
 
Theo BBC, dù Hy Lạp có thể đang để mắt đến Moscow như một lá bài mặc cả, song một số người lo ngại nước này sẽ rời khỏi châu Âu, hướng tới một đồng minh "tốt bụng" hơn, một nhà đầu tư và một chủ nợ tiềm năng.
 
Một loạt các thành viên Nội các Hy Lạp sắp tới Moscow. Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ được Tổng thống Vladimir Putin tiếp đón trong tháng 5. Đi cùng ông có đối tác liên minh Panos Kammenos, Bộ trưởng Quốc phòng và là lãnh đạo Đảng Hy Lạp Độc lập cánh hữu.
 
Thời hạn cứu trợ Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp sẽ kết thúc vào cuối tháng 6, và Athens sẽ cần thêm các khoản vay mới để tiếp tục vận hành. Và một khoản vay từ Nga, hay từ Trung Quốc, dường như là một lựa chọn ưa thích hơn so với bất kỳ khoản cứu trợ nào của khu vực đồng Euro, vốn đi kèm nhiều biện pháp và yêu cầu cải cách khắt khe.
 
Hy Lạp có thể trông chờ ở giá khí đốt rẻ hơn dành cho các hộ gia đình, lượng đầu tư và du lịch từ Nga tăng cao để tạo ra một cú huých kinh tế cần thiết.
 
Đổi lại, Moscow sẽ được coi là một đồng minh thân thiết với một nước có quyền phủ quyết bên trong EU, giữa lúc căng thẳng giữa hai bên đang gia tăng quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
 
Ý định của tân chính phủ Hy Lạp muốn củng cố quan hệ với Moscow đã hiện rõ ngay khi đảng Syriza cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25/1. Chỉ trong vòng 24 giờ, quan chức đầu tiên tới thăm thủ tướng vừa trúng cử của Hy Lạp là Đại sứ Nga, nhưng mãi hai ngày sau Thủ tướng Đức Angela Merkel mới gửi điện tín chúc mừng.
 
Ngay khi trở thành Ngoại trưởng, ông Nikos Kotzias đã đặt câu hỏi về cơ sở hợp lý và tính hiệu quả của các lệnh cấm vận mà EU áp lên Nga về vấn đề Ukraina. Và vị Bộ trưởng Quốc phòng cũng tán đồng chủ chương thắt chặt quan hệ với Moscow.
 
Giống như hầu hết các thành viên của Syriza, hai ông Tsipras và Mr Kotzias khởi nguồn chính trị từ Đảng Cộng sản Hy Lạp thân Nga. Còn ông Kammenos, cùng với nhiều chính trị gia khác có mối quan hệ từ lâu với Nga.
 
"Tôi cảm giác Chính phủ Hy Lạp đang dùng "lá bài Nga" để cải thiện vị thế mặc cả của mình trong các cuộc thương lượng hiện nay", BBC dẫn lời bình của Manos Karagiannis, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga thuộc Đại học King, London. "Nhưng sẽ rất khó cho Athens tự tách mình ra khỏi EU và NATO".
 
Hiện còn quá sớm để khẳng định liệu chính phủ mới ở Hy Lạp có đi ngược lại châm ngôn của chính khách Constantinos Karamanlis nổi tiếng, người từng tuyên bố năm 1976 rằng "Hy Lạp thuộc về phương Tây" hay không.
 
Tuy nhiên, trụ cột của chính sách đối ngoại Hy Lạp hiện nay đang lung lay do những rạn nứt sâu xa bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã 6 năm và ngốn của Hy Lạp 1/4 GDP, một triệu việc làm, và đối với nhiều người nước này là phẩm giá của cả một dân tộc đầy tự hào.
 
Một số người không xem đường hướng mới chỉ là sự hội tụ lợi ích thoáng qua cho Hy Lạp, đặc biệt khi mà một chính sách thân Nga đang làm hài lòng người dân nước này.
 
Một cuộc khảo sát toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ tháng 9/2013 cho thấy, 63% người Hy Lạp có cái nhìn thiện cảm với nước Nga. Còn vào mùa thu năm ngoái, chỉ 23% số người tham gia trả lời tỏ quan điểm tích cực với EU trong cuộc khảo sát của Eurobarometer.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hy Lạp Constantinos Koutras thẳng thắn nói rằng không có gì đáng báo động. "Theo đuổi một chính sách ngoại giao đa chiều không phải là điều cấm kỵ, cũng chẳng phải là một tội ác hay tội lỗi".
 
Nhưng người chỉ trích cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu Hy Lạp đặt quá nhiều kỳ vọng vào Nga. Họ viện dẫn trường hợp của Đảo Síp, sau tất cả thì Nga cũng không ra tay cứu giúp khi nền kinh tế nhỏ bé của nước này bên bờ vực sụp đổ vào năm 2013.
-----------------------
Ấn Độ Dương là đấu trường Trung-Ấn
Tờ "Le Monde" của Pháp số ra ngày 12/3 đã có bài báo tựa đề "Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh trên Ấn Độ Dương". 
 
Theo tờ báo, sau một thời gian dài lơ là các đảo quốc láng giềng, Ấn Độ giật mình thức tỉnh nhận ra rằng từ nhiều thập niên nay, Trung Quốc đang ngấm ngầm xâm nhập vào cái gọi là "sân nhà" của New Dehli. Nhằm duy trì tầm ảnh hưởng lên khu vực đang bị sự bành trướng Trung Quốc đe dọa, Thủ tướng Ấn Độ hôm 10/3 đã bắt đầu chuyến công du năm ngày tại các đảo quốc Seychelles, Maurice và Sri Lanka.
 
Một nhà ngoại giao Ấn Độ cho biết từ nhiều năm qua, Ấn Độ đã bỏ lửng các hàng xóm đảo quốc và Trung Quốc đã biết tận dụng thời cơ mở rộng tầm ảnh hưởng. Bắc Kinh đã hào phóng chi những khoản tín dụng cho các đảo quốc nhỏ đó để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng rải rác xung quanh bán đảo Ấn Độ các cơ sở cảng dân sự từ Gwadar (Pakistan) cho đến Kyaukpyu (Myamar), đi ngang qua Chittagong (Bangladesh). Thậm chí vào cuối năm 2013, Bắc Kinh còn hứa rằng sẵn sàng "chia sẻ thịnh vượng" cho mọi quốc gia nào tham gia vào việc thành lập "con đường tơ lụa hàng hải" với gói đầu tư quan trọng 40 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, lời hứa "chia sẻ thịnh vượng" đó không xóa tan được mối nghi ngờ của New Dehli khi mà song song với việc gia tăng trợ giúp kinh tế, Bắc Kinh còn tăng cường hiện diện quân sự như neo đậu tàu ngầm tại Sri Lanka (10/2014), dùng đảo Seychelles như cảng tiếp liệu cho các tàu chiến tham gia chống hải tặc.
 
Khó khăn cho Ấn Độ là không thể chiếm lại tầm ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương như cách làm của Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ chỉ có thể cam kết hỗ trợ các đảo quốc trên phương diện hợp tác quốc phòng như cung cấp rađa và ký kết thỏa thuận quốc phòng với Seychelles, cấp tàu chiến Barracuda và ký kết các thỏa thuận thương mại với đảo Maurice.
-----------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo