Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tình hình người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do và phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc về Việt Nam thăm thân sau đó xuất cảnh trái phép trở lại biến phức tạp.
Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý biên giới, chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê.
Mới đây, Công an huyện Đầm Hà kịp thời phát hiện, ngăn chặn 2 vụ 4 đối tượng có hành vi tổ chức đưa gần 90 người trốn sang Trung Quốc với mục đích lao động, làm thuê.
Cụ thể, ngày 6/3/2015, Công an huyện Đầm Hà tổ chức kiểm tra, phát hiện 75 người (Hải Hà 38, Đầm Hà 25, Tiên Yên 12) trên 2 xe ô tô BKS 12H-8789 và 14B-014.95 đang trên đường đi Lạng Sơn để tìm cách trốn sang Trung Quốc lao động, làm thuê.
Qua điều tra, xác định 3 đối tượng lôi kéo, tổ chức cho số người trên trốn sang Trung Quốc là: Làu Ửng Cảu (Làu A Lửng), SN 1992, trú tại xã Quảng Lâm; Tằng A Sám, SN 1997 và Dường A Si, SN 1988, đều trú tại xã Đường Hoa, huyện Hải Hà.
Tại Công an huyện Đầm Hà, 3 đối tượng trên khai nhận hành vi phạm tội. Công an huyện Đầm Hà ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Làu Ửng Cảu, Tằng A Sám, Dường A Si về hành vi "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Tiếp đó, hồi 5h30, ngày 8/3/2015, Công an huyện Đầm Hà kiểm tra 2 xe ô tô BKS 14N-5351 và 14B-003.36, phát hiện 15 người, gồm 14 người ở huyện Đầm Hà và 1 đối tượng quốc tịch Trung Quốc đang trên đường đi với mục đích trốn sang Trung Quốc.
Qua đấu tranh, xác định đối tượng quốc tịch Trung Quốc là Vũ Thị Bốn, SN 1955, chỗ ở hiện nay: Hăm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc (Bốn lấy chồng người Trung Quốc và sinh sống tại Trung Quốc từ năm 1978, nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu từ ngày 5/2/2014).
Bước đầu, Vũ Thị Bốn khai nhận lôi kéo, tổ chức cho số người trên trốn sang Trung Quốc để lao động, làm thuê. Công an huyện Đầm Hà tạm giữ Vũ Thị Bốn điều tra, làm rõ.
Trước đó, khoảng 4h45, ngày 2/3/2015, tại khu vực vành đai biên giới thuộc khu 4 phường Hải Hòa (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Đồn biên phòng Hải Hòa phối hợp với đội cơ động, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ 16 người đi vào khu vực biên giới có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Tại đồn biên phòng Hải Hòa, 16 người đến từ Hải Phòng, Yên Bái, Nghệ An và Nam Định cho biết: do không có việc làm, điều kiện kinh tế khó khăn, thông qua môi giới của một số đối tượng, nhóm người này có ý định lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng lén lút xuất cảnh trái phép để tìm việc làm ở bên kia biên giới.
Cán bộ Đồn biên phòng Hải Hòa tuyên truyền giải thích rõ hành vi sai trái của người dân và những rủi ro khi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài, đồng thời xử lý vụ việc theo quy định.
Riêng, tại tuyến Móng Cái, từ 27/2 - 2/3, Đội cơ động BĐBP tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị bắt giữ 5 vụ gồm 58 đối tượng có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm.
---------------------
Cách chức Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp
Ngày 12/3, tin từ Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông Nguyễn Văn Cống – Giám đốc Sở vừa ký quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cách chức Chánh thanh tra đối với ông Đỗ Anh Tài và Phó chánh thanh tra Sở đối với ông Nguyễn Ngọc Ẩn.
Trong quá trình công tác, ông Tài để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính và chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của Chánh Thanh tra sở.
Riêng đối với ông Ẩn đã không làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên về lĩnh vực quản lý được giao.
Khi xác minh vụ việc không làm theo quy trình, thủ tục, biên bản gây bức xức cho cá nhân cá có liên quan.
----------------------
Đào đất phát hiện hũ sành cổ niên đại hơn 300 năm
Trong lúc đào đất, một nông dân ở tỉnh Phú Yên vô tình phát hiện một hũ sành có niên đại trên 300 năm, tức khoảng cuối thế kỷ XVI.
Người phát hiện hũ sành cổ là ông Trương Phước Dũng (50 tuổi) ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hoà, Phú Yên). Ông Dũng cho biết, trong lúc đào xúc đất ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hoà) thì phát hiện một hũ sành, cao khoảng 35cm, hình thù như ché rượu, nhưng nhỏ chỉ bằng hũ đựng mắm. Ngoài ra, ông Dũng còn phát hiện thêm một đĩa bằng đồng thau, nhìn giống như chiếc cồng người đồng bào dân tộc thiểu số như nhỏ. Quan sát kĩ, cả 2 cổ vật đều không có hoa văn.
Theo một chuyên gia gốm cổ, hũ sành này giống với hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên thì hũ sành (còn gọi là ghè) thuộc dòng gốm cổ Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An), có lịch sử trên 300 năm, ra đời khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.
Còn đĩa bằng đồng thau đang được Phòng Di sản của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên tra cứu, xác định niên đại của chiếc đĩa này.
---------------------