Sự hợp tác của Nhật Bản với hai nước phù hợp với chính sách “tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á...
Bảy mươi năm sau khi lực lượng hải quân Nhật bị đẩy ra khỏi biển Đông, Nhật Bản đang lặng lẽ trở lại vùng biển này, bằng cách tăng cường hợp tác an ninh với Philippines và Việt Nam, trong bối cảnh cả hai quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực đương đầu với những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.
Hợp tác quân sự của Tokyo rất rộng: Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra trên biển cho hai nước, cùng lúc Nhật dự kiến tổ chức tập trận hải quân chung với Philippines vào các tháng tới.
Ngoài ra, bác sĩ quân y Nhật tư vấn cho các sĩ quan trên tàu ngầm của Việt Nam cách ứng phó với trạng thái mệt mỏi do giảm áp suất. Nhật còn hỗ trợ hai nước trong nhiều hoạt động khác, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ Nhật cho biết.
Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền với bất kỳ đảo hay vùng biển nào tại biển Đông, song nguy cơ bị cô lập một khi Trung Quốc độc chiếm tuyến hàng hải vốn có vai trò rất quan trọng với vận chuyển đường biển của Nhật khiến Tokyo lo ngại. Hiện Nhật cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại phía bắc biển Hoa Đông.
Sự hỗ trợ của Nhật Bản với Việt Nam và Philippines là động thái tiếp nối tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng năm, trong đó ông nói Nhật sẽ giúp đỡ Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Sự hợp tác này cũng phù hợp với chính sách an ninh có phần cứng rắn hơn trước do ông Abe khởi xướng cũng như chính sách “tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á.
“Xu hướng đang trở nên rõ ràng và tôi cho rằng Nhật Bản sẽ không lùi bước, bất chấp lo ngại từ phía Trung Quốc”, ông Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia tin rằng các đảo này sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng và kiểm soát một vùng nhận diện phòng không (ADIZ), trong đó các máy bay phải báo cáo với chính quyền Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh vẫn phủ nhận dự đoán này của các chuyên gia.
Việc Trung Quốc xây dựng vùng nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông cuối năm 2013 đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản. Lực lượng quân sự của cả hai nước đều lờ vùng nhận diện này, tức không báo cáo như Trung Quốc đòi hỏi.
Song các chuyên gia cho rằng các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á có thể sẽ không dễ dàng bỏ qua vùng nhận diện của Trung Quốc nếu nước này thực sự thiết lập tại biển Đông.
“Một vùng nhận diện phòng không thực sự sẽ là một thảm hoạ. Nó sẽ hạn chế hoạt động hàng không và hàng hải một cách nghiêm trọng,” một nhà lập pháp cấp cao của Nhật bình luận.
Kế hoạch Nhật Bản tập trận chung với Philippines là một phần của thoả thuận an ninh hai bên ký hồi tháng một năm nay. Trong đó, hai bên cũng thoả thuận tổ chức hội đàm cấp thứ trưởng quốc phòng một cách thường xuyên và trao đổi sĩ quan cao cấp.
Nhật Bản cũng dự kiến bàn giao cho Philippines tàu cảnh sát biển đầu tiên trước cuối năm nay. Nước này đang đóng tổng cộng 10 chiếc cho Philippines.
Nhật Bản có thể cũng sẽ hỗ trợ tài chính để Philippines nâng cấp hạ tầng của một căn cứ quân sự của nước này tại đảo Palawan.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla, nói “sẽ là tự nhiên khi Nhật Bản và Philippines hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo an ninh tại các tuyến đường biển này”.
------------------------
Lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ thăm 3 nước Ấn Độ Dương
Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ có chuyến thăm gia quốc gia Nam Á trong tuần này. Theo một số nguồn tin, chuyến công du lần này của ông Modi sẽ giúp thúc đẩy hợp tác các vấn đề về dân sự và quân sự giữa Ấn Độ với Seychelles, Mauritius và Sri Lanka, qua đó gia tăng ảnh hưởng của New Delhi.
Chuyến thăm của Thủ tướng Narenda Modi tới các quốc gia láng giềng nêu trên được đánh giá là kế hoạch của Ấn Độ nhằm gia tăng sự hiện diện của New Delhi tại Ấn Độ Dương, khu vực từng được coi là “sân sau” của Ấn Độ song trên thực tế, ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực này đang bị ảnh hưởng mạnh những năm qua.
Sự xuất hiện của Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao và các chương trình hỗ trợ tài chính với các quốc đảo Ấn Độ Dương đã giúp Bắc Kinh gia tăng hiện diện tại khu vực thời gia qua.
Năm 2012, Seychelles, quốc đảo có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, từng đề nghị hỗ trợ Trung Quốc xây dựng một căn cứ tại đây để hỗ trợ các hoạt động của hải quân Trung Quốc khi tham gia các chiến dịch quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Bắc Kinh bác bỏ vì lo ngại có thể tác động tới cán cân sức mạnh ở khu vực Nam Á.
Trước đây, Ấn Độ là quốc gia hỗ trợ quân sự chính cho Seychelles, chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các trang thiết bị và huấn luyện quân đội của Seychelles. Năm 2012, Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 triệu USD tín dụng và 25 triệu USD tiền mặt để củng cố mối quan hệ song phương. Ngoài ra, hải quân Ấn Độ cũng thường xuyên tổ chức các chuyến viếng thăm tới các cảng của Seychelles.
Dự kiến, trong chuyến thăm tới Seychelles của Thủ tướng Modi, hai bên sẽ ký thỏa thuận về việc vẽ lại các vùng lãnh hải giữa hai nước và tiếp đó là thúc đẩy quan hệ quân sự. Còn tại Mauritius, Thủ tướng Modi sẽ là khách mời danh dự trong ngày Quốc khánh và sẽ dự lễ hạ thủy tàu tuần tra Barracuda, vốn là loại tàu do Ấn Độ sản xuất và lần đầu tiên được xuất khẩu. Hiện New Delhi có kế hoạch hỗ trợ tài chính để Mauritius sở hữu 13 chiếc tàu Barracuda trong thời gian tới.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến công du của Thủ tướng Modi sẽ là Sri Lanka. Đây sẽ là sự kiện đánh dấu 28 năm một vị Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Sri Lanka. Chưa kể, sự kiện này diễn ra trong thời điểm quan hệ Sri Lanka và Trung Quốc đang gặp trở ngại sau thất bại của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ mới của Tổng thống Maithripala Sirisena đã có những thay đổi về chính sách đối ngoại, thay vì thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, nước này đang tập trung phát triển mối quan hệ với Ấn Độ.
Cụ thể, Tổng thống Sirisena đã chọn New Delhi là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nuóc ngoài kể từ sau khi nhậm chức. Cùng với tuyên bố có “cách tiếp cận khác” với chính sách trước đó về việc cho phép tàu ngầm Trung Quốc cập cảng ở Colombo, Sri Lanka cũng tạm ngừng dự án bất động sản trị giá 1,5 tỷ USD của một tập đoàn Trung Quốc tại nước này. Dự kiến trong thời gian ở thăm Sri Lanka, Thủ tướng Modi sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội và tới thăm một số thành phố, gồm cả thành phố Jaffna, nơi từng được coi là thành trì của lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil trước đây.
Chuyến công du lần này của Thủ tướng Modi được giới quan sát đánh giá là chiến lược giành lại ảnh hưởng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Nam Á thông qua con đường ngoại giao và hợp tác quốc phòng. Có thể “cuộc chơi” lớn nhất của thế kỷ 21 sẽ diễn ra trên các vùng biển ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã công bố một phần kế hoạch xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” trị giá tới 40 tỷ USD với mục tiêu kết nối nước này với các điểm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Ấn Độ được cho là sẽ không “ngồi yên” để Trung Quốc dễ dàng tiến vào Ấn Độ Dương. Hiện chính phủ của Thủ tướng Modi không chỉ tăng cường hợp tác với các quốc gia ở khu vực Đông Á mà còn tận dụng thời cơ hiện nay để giành lại ảnh hưởng ở “sân sau” Nam Á. Dù còn quá sớm để nói bên nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này nhưng chí ít, chuyến thăm các quốc đảo của Thủ tướng Modi trong tuần này sẽ mang tới những bước ngoặt mới trong cuộc đua.
------------------------
Trung Quốc đối phó với tình trạng rò rỉ bí mật quân sự
Trong một cuộc điều tra mới đây, Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông vì tội rao bán 500 bức ảnh chụp tàu sân bay Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Vụ việc cho thấy, cùng với nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ liên quan đến tình trạng lộ bí mật quân sự do tác động của internet.
Theo AFP, đối tượng nói trên mang họ Zhang, đã bắt đầu chụp các bức ảnh về tàu sân bay Liêu Ninh trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8-2014 sau khi liên hệ trực tuyến với một cá nhân tự nhận là "biên tập viên của một tạp chí". Cũng trong thời gian này, giới chức địa phương đã phát hiện ông Zhang sở hữu và cung cấp cho “đối tác” khoảng 500 bức ảnh về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Các nhà chức trách cho rằng, hành động của ông Zhang đã “gây ra mối hiểm họa nghiêm trọng cho an ninh quân sự nước nhà".
Đây không phải là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, Trung Quốc bắt giữ các đối tượng bị cáo buộc bán bí mật quân sự cho nước ngoài vì mục đích tư lợi. Trước đó, một người đàn ông khác mang họ Han đã nhận 14.400USD từ một người tự xưng là "phóng viên" để chụp ảnh các thiết bị quân sự của Trung Quốc. Được biết, “phóng viên" này đã liên lạc trực tuyến với ông Han sau khi ông đăng tải lý lịch xin việc lên mạng. Theo truyền thông Trung Quốc, “phóng viên” này thực chất là một gián điệp nước ngoài đang bị các cơ quan tình báo giám sát.
Còn nhớ tháng 5-2014, Trung Quốc đã tuyên án 10 năm tù đối với một người làm rò rỉ các tài liệu và hình ảnh quân sự tuyệt mật cho các điệp viên nước ngoài.
Hầu hết các vụ để lộ tài liệu hoặc bí mật quân sự của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ những mối liên hệ trên mạng. Theo lời một quan chức giấu tên trong ngành tình báo Trung Quốc, những năm gần đây, không ít thanh niên Trung Quốc khi sử dụng internet để kiếm việc làm đã bị lực lượng tình báo nước ngoài tuyển mộ, nhằm thu thập thông tin về các mục tiêu quân sự của Trung Quốc.
Không những vậy, theo Tân Hoa xã, tháng 8-2014, một sinh viên mới tốt nghiệp ngành hàng không ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị cảnh sát bắt giữ, sau khi phát hiện sinh viên này bán thông tin tình báo cho người nước ngoài trong gần 2 năm để thu về tổng số tiền khoảng 32.000USD. Trước đó, tờ Global Times cho biết, các cơ quan an ninh của Trung Quốc đã phát hiện ít nhất 30 trường hợp học sinh, sinh viên tại các trường trung học và đại học hàng đầu ở nước này làm việc cho các gián điệp nước ngoài, nhằm kiếm thêm thu nhập cho bản thân.
Có thông tin cho hay: tại Trung Quốc, trong những trường hợp nghiêm trọng, những người thực hiện hành vi trộm cắp, làm rò rỉ thông tin tình báo hay bán bí mật quốc gia cho nước ngoài có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều người sử dụng internet vẫn bị gián điệp nước ngoài dụ dỗ để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin trái phép.
Theo trang channelnewsasia.com, để đối phó với vấn đề này, theo truyền thông Trung Quốc, sau khi thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia vào năm 2013, nước này cũng đã thông qua “đạo luật chống gián điệp mới” nhằm bảo đảm an ninh quốc gia một cách toàn diện hơn.
Có thể thấy, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Giải quyết vấn đề này quả thật không dễ dàng, bởi nó liên quan mật thiết đến một vấn đề “nóng” khác, đó là quản lý và sử dụng internet, đặc biệt trong giới trẻ.
----------------------------