Bộ nhập cư Úc đã vô tình làm rò rỉ thông tin cá nhân của 31 lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại thành phố Brisbane cuối năm ngoái. Dường như các vị lãnh đạo nước ngoài đã không hay biết về sự cố này.
Theo tờ Guardian, một nữ nhân viên thuộc Bộ nhập cư và Bảo vệ biên giới Úc ngày 7/11/2014 đã vô tình gửi ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, thị thực và những chi tiết nhận diện của tất cả các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tới một đơn vị tổ chức giải vô địch bóng đá châu Á AFC 2015.
Giám đốc Cục cấp thị thực thuộc Bộ trên đã nhanh chóng liên lạc với Ủy ban Bảo mật nước này để thông báo về vụ rò rỉ này và xin hướng giải quyết.
"Nguyên nhân do người viết thư đã không kiểm tra chức năng tự động điền trong chương trình Microsoft Outlook khi nhập thông tin người nhận vào mục "gửi đến", làm bức thư tới sai địa chỉ", quan chức trên viết trong thư liên hệ.
Trong số những người bị tiết lộ thông tin có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Anh David Cameron.
Theo thông cáo của Bộ nhập cư Úc, người nhận các email trên đã ngay lập tức thông báo sự cố nhầm lẫn cho phía người gửi đồng thời tiến hành xóa bỏ và không sao chép thư vào hệ thống sao lưu.
Theo Guardian, các lãnh đạo thế giới đã không được thông báo về sự rò rỉ thông tin này. Hiện các chính trị gia đối lập tại Úc đang yêu cầu Thủ tướng Tony Abbott giải thích lý do không thông báo về sự cố rò rỉ thông tin này.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bộ nhập cư Úc gặp sai sót. Hồi tháng 2/2014, Bộ này cũng vô tình công bố thông tin cá nhân chi tiết của khoảng 10.000 người bị tạm giữ, trong đó nhiều người xin tị nạn, trong một thư mục công cộng trên website.
Thông tin từ giới chức Mỹ cho biết, cảnh sát đã tìm thấy vũ khí và ma túy trên chiếc xe được hai nam giới giả gái điều khiển xâm nhập khu vực trụ sở Cơ quan an ninh quốc gia (NSA). Tuy vậy, có vẻ những người này không biết mình đang vào khu vực cấm.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng ngày 30/3 giờ địa phương, khi ít nhất hai người trên một chiếc xe SUV lao vào khu vực đặt trụ sở của NSA gần Washington.
Lực lượng an ninh tại đây đã ra lệnh cho xe dừng lại nhưng hai người này không chấp hành, buộc cảnh sát phải nổ súng, làm một người thiệt mạng và một người bị thương.
Một quan chức NSA khẳng định với hãng tin AP cả hai người này mặc trang phục giả gái.
Dù vậy, theo một quan chức lực lượng thực thi pháp luật, có vẻ như hai thanh niên này không biết mình đang vào khu vực cấm. “Vẫn còn nhiều chi tiết cần điều tra. Nhưng có vẻ như rất có khả năng họ không có ý định đi về phía NSA”, nguồn tin của tờ New York Times cho hay.
Cảnh sát cũng xác định, chiếc Ford Escape S.U.V mà hai thanh niên này sử dụng là xe bị đánh cắp. Trên xe có cocaine và ít nhất một khẩu súng.
Danh tính của người bị thương được xác định là Kevin Fleming, 20 tuổi, đến từ khu vực Baltimore. Danh tính của lái xe, người tử vong sau khi trúng đạn tại hiện trường, vẫn chưa được công bố.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của NSA Jonathan Freed cho biết “tài xế đã không tuân thủ chỉ dẫn của một cảnh sát NSA yêu cầu rời khỏi khu vực cấm”.
“Chiếc xe đã không dừng lại và rào chắn được hạ xuống”, ông Freed nói. Sau đó “xe tăng tốc lao về phía một xe của cảnh sát NSA đang chặn đường. Cảnh sát NSA đã nổ súng khi xe không chịu dừng lại”.
Chiếc Ford Escape tiếp đó lao vào xe cảnh sát, làm một sỹ quan bị thương phải nhập viện.
Một quan chức thực thi pháp luật giấu tên cho biết, chiếc xe là của một người đàn ông khoảng 60 tuổi, người đã dùng xe đón hai thanh niên trên tới một nhà nghỉ gần đó trong tối Chủ nhật. Sáng thứ Hai, lợi dụng khi ông này đang trong nhà tắm, hai thanh niên đã đánh cắp chiếc xe.
Bà Amy J. Thoreson, một người phát ngôn của FBI cho biết “chúng tôi không tin rằng vụ việc có liên quan đến khủng bố.”
Khu trại Fort Meade, cách Washington chừng 30 phút chạy xe, là nơi làm việc của khoảng 40.000 quân nhân và nhân viên dân sự, cùng nhiều gia đình của các nhân viên này. Đây là nơi đặt trụ sở của NSA cùng nhiều cơ quan khác, như Bộ chỉ huy an ninh mạng, trường thông tin quốc phòng.
-----------------------
Niềm tin đã mất!
Không nằm ngoài dự đoán, đảng Xã hội (PS) của Tổng thống Francois Hollande đã không thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương ở Pháp - vốn được coi như phép thử đối với uy tín của chính phủ cầm quyền.
Hai vòng bỏ phiếu đã kết thúc với chiến thắng vang dội của cánh hữu, nhiều tỉnh trước đây thuộc quyền kiểm soát của PS, nay quay sang ủng hộ liên minh cánh hữu đối lập.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính đến cuối ngày 30-3 cho thấy, phe trung hữu gồm đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và Liên minh Dân chủ - Độc lập (UDI) đã thắng áp đảo, nắm quyền kiểm soát 65-71/101 tỉnh của nước Pháp. Cánh tả, mà đại diện là PS, đã thất bại nặng nề khi mất gần một nửa số tỉnh đang nắm giữ, tức là chỉ còn khoảng 28-35 tỉnh có số cử tri ủng hộ so với 61 tỉnh trước đây. Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) tuy không giành quyền lãnh đạo tại tỉnh nào nhưng lại có nhiều ứng cử viên lọt vào vòng 2 và xu hướng ủng hộ quan điểm của đảng FN đang gia tăng tại nhiều địa phương ở Pháp.
Kết quả nêu trên thể hiện thông điệp của cử tri gửi tới đảng cầm quyền với những thành tích nghèo nàn trong thời gian qua. Sau gần 3 năm giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc bầu cử được trông đợi là sẽ thay đổi nước Pháp, đến thời điểm hiện nay, có thể nói, những cam kết của Tổng thống F.Hollande và Chính phủ cánh tả đang hết sức xa vời. Nước Pháp vẫn đang chật vật tìm lối thoát sau những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Mọi phương thức nhằm đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn chưa đem lại kết quả. Kinh tế ảm đạm đã dẫn đến những hệ lụy về chính trị và xã hội, khiến nước Pháp hai lần phải thay đổi nội các. Nội bộ đảng Xã hội chia rẽ, các đảng đối lập chỉ trích Chính phủ gay gắt, người dân ngày càng mất niềm tin vào Tổng thống và bộ máy hành pháp.
Hiện tại, nước Pháp giống như một thành viên "ốm yếu" của Liên minh Châu Âu (EU) với những con số thống kê đáng thất vọng. Thậm chí, một số cơ quan truyền thông đã gọi năm 2014 là "Năm đen tối" trên mặt trận việc làm khi tình trạng thất nghiệp tiếp tục leo thang trong những tháng gần đây (lên tới gần 3,5 triệu người). Trong khi đó, thâm hụt ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp và được dự báo ở mức 4,3% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với con số quy định 3% của EU.
Về phương diện đối ngoại, nước Pháp tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại Châu Phi; đồng thời đi đầu trong việc tham gia chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng ảnh hưởng quốc tế của đất nước hình lục lăng đang suy giảm mạnh. Pháp cũng mất dần ảnh hưởng ở Châu Âu khi không phát huy được vai trò trong trục Đức - Pháp, vốn là "xương sống" của cả EU.
Với những thành tích đối nội và đối ngoại như vậy, dễ hiểu vì sao tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Francois Hollande xuống mức thấp kỷ lục. Ông F.Hollande đã trở thành tổng thống mất lòng dân nhất trong nền Đệ ngũ cộng hòa với tỷ lệ ủng hộ "chạm đáy" là 13%. Tương tự, chỉ có 13% người Pháp cho rằng kết quả đến giữa nhiệm kỳ của ông là tích cực và cứ 10 người Pháp thì có đến 8 người không muốn ông F.Hollande ra tái tranh cử năm 2017.
Công bằng mà nói, khó khăn của Tổng thống F.Hollande là phải lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chuyển đổi, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ kéo dài, với thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại tích tụ từ nhiều chính phủ tiền nhiệm. Trong bối cảnh như vậy thì bất kỳ ai ngồi vào ghế tổng thống cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, dù khách quan hay chủ quan thì tất cả đều cảm nhận được những dồn nén trong xã hội Pháp. Điều này đã tạo áp lực lên Chính phủ với đòi hỏi nhanh chóng cải thiện tình hình. Trong khi đó, các chính sách cải cách kinh tế mà nước Pháp đã triển khai lại cần thời gian để phát huy hiệu quả. Đây quả là một bài toán nan giải!
-----------------------