Trung Quốc hung hăng khiến Mỹ bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam
Hành vi hung hăng của Trung Quốc với Việt Nam trên biển Đông khiến Mỹ xem xét và bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, giúp Hà Nội gia tang phòng thủ hàng hải, theo tạp chí The Week (Anh).
Theo tạp chí này, việc Mỹ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng nằm trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Mỹ, nhằm kiềm chế Trung Quốc và bảo vệ các đồng minh và nước bạn. Tạp chí The Week nhận định rằng dù có đường biên giới chung trên bộ, nhưng các tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự diễn ra trên biển.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các nước được quyền công bố vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ), cách bờ 200 hải lý (370 km). Tàu bè và máy bay các nước có quyền đi ngang EEZ, nhưng việc khai thác tài nguyên ở EEZ này như đánh cá, khai thác dầu, khoan dầu là do nước có EEZ đó quản lý.
Tháng 5.2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong EEZ của Việt Nam cùng đưa các tàu thuyền đến uy hiếp, đâm tàu Việt Nam đã gây căng thẳng giữa hai nước, mãi đến hơn 2 tháng sau giàn khoan mới rút đi.
Với tỉ lệ chênh lệch về chi tiêu quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam là 56:1, Việt Nam khó khăn trong đối phó với Trung Quốc. Nhưng những lợi ích chiến lược chung giữa Mỹ và Việt Nam đã khiến Mỹ quyết định gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí, sẵn sàng bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để tự vệ và phòng thủ trên biển.
Vũ khí Mỹ rất đắt tiền, chẳng hạn một chiếc tiêm kích tàng hình F-35 giá gần 100 triệu USD, và Mỹ chưa sẵn sàng bán các vũ khí sát thương như bom hoặc tên lửa cho Việt Nam. Thay vào đó, Mỹ đang thương thảo với Việt Nam về việc cung cấp các máy bay trinh sát tân trang, như loại P-3 Orion.
Được hãng Lockheed Martin sản xuất từ những năm 1950, P-3 Orion nổi tiếng là máy bay tuần biển và săn ngầm, chống tàu mặt nước, được hải quân nhiều nước sử dụng. Nay Hải quân Mỹ đang thay thế P-3 bằng loại P-8 Poseidon hiện đại hơn của hãng Boeing (cải tiến từ máy bay Boeing 737).
Tuy cũ nhưng máy bay P-3 Orion với 11 thành viên phi hành cùng các thiết bị radar, sonar dò tìm tàu nổi, tàu ngầm là phương tiện đáng tin cậy có khả năng giám sát khoảng cách rất lớn trên biển.
Lâu nay người ta nghĩ Việt Nam là cường quốc trên bộ, trải qua các cuộc chiến đấu với Pháp, Mỹ, Trung Quốc, nhưng thực sự Việt Nam chính là một cường quốc biển. Việt Nam có bờ biển dài bằng bờ biển phía đông nước Mỹ, và với diện tích EEZ đến gần 1,4 triệu km2.
Với diện tích chủ quyền biển rộng lớn như vậy, dù các tàu hải quân rất thích hợp để thực hiện tuần tra giám sát tàu bè nước ngoài đi qua EEZ này, nhưng một máy bay tuần biển cỡ P-3 Orion là tốt nhất để giám sát một khu vực rộng lớn trên đại dương.
Máy bay P-3 Orion thường được trang bị vũ khí kèm theo như tên lửa diệt hạm, ngư lôi chống tàu ngầm, nhưng nhiều thông tin cho biết P-3 bán cho Việt Nam sẽ không có các vũ khí này. Điều này không có nghĩa là máy bay P-3 mà Việt Nam mua sẽ không có vũ khí, Việt Nam thay vào đó có thể mua vũ khí trang bị cho máy bay này từ các nước khác sẵn sàng cung cấp như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp.
Những vũ khí và trang thiết bị khác mà Mỹ có thể bán cho Việt Nam có radar, thiết bị thông tin liên lạc, tàu tuần duyên.
Tuy nhiên bài báo cũng nhận định rằng việc Mỹ bán cho Việt Nam các vũ khí tối tân cỡ nào là phụ thuộc vào thái độ và hành động của Trung Quốc đối với khu vực, chẳng hạn đưa thêm các giàn khoan dầu khí vào các vùng biển tranh chấp.
-------------------------
Mỹ trình làng tàu ngầm tấn công nước nông tối tân
USS North Dakota, mẫu tàu ngầm tấn công mới nhất của Mỹ với thiết kế cho phép tàu hoạt động ngay trong vùng nước nông, sẽ được ra mắt vào ngày 25.10, Lầu Năm Góc thông báo hôm 24.10.
“USS North Dakota và thủy thủ đoàn trên tàu đại diện cho những thành phần ưu tú nhất mà chúng ta phải cống hiến cho lực lượng hoạt động dưới nước của Hải quân Mỹ”, đài RT (Nga) dẫn lời Đô đốc Jonathan W. Greenert, Tư lệnh Hải quân Mỹ, cho biết.
Hải quân Mỹ cho biết USS North Dakota có thể tấn công các mục tiêu gần bờ và có khả năng do thám các khu vực trên đất liền từ những vùng nước nông hoặc “ven biển”, chẳng hạn như vùng biển tại Vịnh Ba Tư, trong một thời gian dài.
Tàu ngầm mới chở theo 14 sĩ quan, 120 thủy thủ và được trang bị 2 ống phóng tên lửa có thể chứa 6 tên lửa hành trình Tomahawk ở mỗi ống, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Hải quân Mỹ đã yêu cầu tập đoàn General Dynamics Electric Boat, nhà thầu đóng tàu USS North Dakota, thiết kế lại nhiều phần của con tàu để giúp nó vận chuyển binh sĩ đặc nhiệm hiệu quả hơn
USS North Dakota là tàu ngầm thuộc lớp Virginia hiện đang được thay thế cho các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles cũ.
Lẽ ra tàu ngầm mới này đã được đưa vào sử dụng hồi tháng 5, nhưng một số thành phần của tàu gặp vấn đề cần sửa chữa, theo RT.
-------------------------
Một công, đôi ba việc
Sáng kiến của Trung Quốc được 20 quốc gia khác ủng hộ và họ đã cùng nhau ký ghi nhớ về thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
Trước sự kiện này, trên thế giới nói chung và cho châu Á nói riêng đã có một số thể chế tài chính và ngân hàng quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...
Sự ra đời của AIIB vì thế có nguyên cớ ở thái độ không hài lòng của nhiều nước châu Á về chính sách và hiệu quả hoạt động của các thể chế tài chính quốc tế tồn tại lâu nay. Chẳng hạn như thủ tục tiếp cận nguồn tài chính của IMF, WB hay ADB rất rườm rà, các đối tác bị áp đặt điều kiện chính trị... Cũng chính vì thế mà thành lập AIIB chẳng khác gì bỏ một công mà được đôi ba việc.
Ngân hàng này sẽ vừa bổ sung lại vừa cạnh tranh với những thể chế nói trên. Hợp tác là rất cần thiết đối với AIIB vì sẽ mang lại hiệu ứng cộng hưởng và vì một mình AIIB cũng chẳng thể thực hiện được thành công những dự định lớn lao chung cũng như riêng của từng thành viên.
Tuy nhiên, ganh đua cũng quan trọng không kém. AIIB sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của IMF, WB và ADB, sẽ giúp các thành viên có thêm lựa chọn nguồn vốn đầu tư mới, giảm bớt lệ thuộc và như thế sẽ tác động trực tiếp vào vai trò, vị thế và ảnh hưởng của IMF, WB và ADB ở châu Á.
Ngân hàng mới sẽ buộc các “ông lớn” này thúc đẩy quá trình cải cách đã được khởi động nhưng rất trì trệ. Đương nhiên là thành viên khởi xướng cũng được lợi không ít từ AIIB.
-------------------------
Tai nạn mỏ than tại Tân Cương, hơn 20 người mắc kẹt dưới lòng đất
Một vụ tai nạn mỏ than đã diễn ra tại Khu Tự trị Tân Cương (Trung Quốc) vào tối 24.10 (giờ địa phương), vẫn chưa xác định được con số thương vong, quan chức địa phương cho biết.
Hơn 20 công nhân hiện vẫn đang bị mắc kẹt dưới lòng đất sau khi tai nạn xảy ra tại mỏ than ở thị trấn Tiechanggou, thuộc quận Mễ Đông, đài CRI (Trung Quốc) dẫn lời một người phát ngôn của chính quyền địa phương cho biết ngày 25.10.
Người bị thương trong vụ tai nạn đã được đưa đi cấp cứu và hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ đang được triển khai, theo phát ngôn viên chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông này không nói rõ vụ tai nạn là gì và cho biết số người chết và bị thương hiện đang được thống kê.
-------------------------
Iran treo cổ cô gái giết chết "yêu râu xanh"
Reyhaneh Jabbari, 26 tuổi, bị treo cổ ở nhà tù tại Tehran sáng 25-10 vì tội giết hại Morteza Abdolali Sarbandi – một cựu nhân viên Bộ Tình báo Iran.
Jabbari bị bắt năm 2007 và bị kết án treo cổ 2 năm sau đó dù cô một mực khẳng định cô chỉ kháng cự do bị Sarbandi tìm cách cưỡng hiếp.
Phán quyết này đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên thế giới. Một chiến dịch kêu gọi hủy bỏ án treo cổ đối với Jabbari được thiết lập trên mạng xã hội Facebook và Twitter hồi tháng trước khiến vụ việc ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Tasnim của chính quyền Iran cho biết Jabbari đã thụ án sau khi gia đình Sarbandi từ chối lời thỉnh cầu từ thân nhân của cô.
Tổ chức Ân xá quốc tế gọi quyết định hành quyết nói trên là hành động đáng thất vọng. Theo tổ chức này, mặc dù Jabbari thừa nhận đã đâm Sarbandi, nhưng cô chỉ đâm vào vai kẻ tìm cách tấn công tình dục mình và cái chết của anh ta là do một người đàn ông khác cũng có mặt tại đó gây ra. Tuy nhiên, những lời kháng cáo của cô không được tòa án xem xét thích đáng.
-------------------------