Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo nguy cơ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ tấn công nhằm vào cây cầu Memphis và Arkansas bắc qua sông Mississippi ở Mỹ, Reuters dẫn lời người phát ngôn FBI.
Người phát ngôn FBI Chris Allen ngày 23.12 cho biết cơ quan này đã gửi cảnh báo về nguy cơ tấn công của IS tới các nhà chức trách và cảnh sát địa phương. Cây cầu Memphis và Arkansas mà IS có nguy cơ nhắm vào là tuyến đường chính nối 2 tiểu bang Tennessee và Arkansas của Mỹ, theo Reuters.
Ông Chris Allen nói rằng lời đe dọa về vụ tấn công nói trên là nặc danh và ông cũng không nêu rõ FBI nhận được nó lúc nào và như thế nào.
Cảnh báo này cũng được kênh Fox 13 đưa tin. Theo đó, một lời đe dọa nặc danh cho biết IS đã chỉ thị cho một phần tử thánh chiến ở Memphis “thổi tung cây cầu Memphis-Arkansas nhằm kích động các phần tử IS tại Mỹ. Lời đe dọa này không nêu ra ngày thực hiện tấn công, theo Reuters.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện là mối đe dọa an ninh nguy hiểm ở các nước Iraq, Syria. Cộng đồng thế giới đã liên tục lên án các động thái của IS. Đáng nguy hiểm hơn, ngày càng có nhiều thông tin về những người nước ngoài ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ gia nhập lực lượng này, điều này làm gia tăng mối nguy hại từ những hành động cực đoan.
Mỹ và các đồng minh hiện đang tiếp tục mở rộng chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria. Mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố không chỉ làm suy yếu mà sẽ tiêu diệt lực lượng này.
Những cuộc tấn công, đánh cắp dữ liệu của các lò phản ứng hạt nhân tại Hàn Quốc do một nghi phạm dùng IP Trung Quốc thực hiện, Yonhap dẫn lời cơ quan điều tra hôm 24.12.
Cuộc điều tra với sự phối hợp giữa chính phủ Hàn Quốc và các quan chức về pháp lý đã cho thấy, nghi phạm đánh cắp thông tin về các lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc sử dụng hàng loạt địa chỉ IP có nguồn gốc từ một thành phố tại Trung Quốc, theo Yonhap.
Hacker nêu trên, người tự nhận là chủ tịch của một nhóm phản đối phát triển hạt nhân ở Hawaii, đã đánh cắp, sau đó tiết lộ nhiều thông tin về 2 nhà máy điện hạt nhân Gori và Wolsong, cách thủ đô Seoul 400 km về hướng nam.
Người này yêu cầu chính phủ Hàn Quốc phải đóng của các lò phản ứng hạt nhân Gori-1,3 và Wolsong-3 trong vòng 3 tháng kể từ giáng sinh, đồng thời đe dọa: “Nếu đề nghị này không được chấp thuận, cư dân quanh đó nên di tản”. Tuy nhiên, cả Seoul và quan chức vận hành hệ thống nhà máy hạt nhân cam kết không hacker nào có thể gây ra thiệt hại trực tiếp, theo RT.
Đây là lần thứ 5 Hàn Quốc bị rỏ rỉ thông tin hạt nhân chỉ trong vòng 1 tuần qua. Trước đó, vào hôm 22.12, hacker đã công khai lên Twitter nhiều tài liệu, bao gồm bản thiết kế hệ thống máy móc, thiết bị, báo cáo phân tích an ninh từ các lò phản ứng hạt nhân và thông tin mới về công nghệ hạt nhân.
Không dừng lại ở đó, người này còn đăng thông tin cá nhân của khoảng 10.000 nhân viên đang làm việc tại các lò phản ứng hạt nhân thuộc nhà nước, Yonhap dẫn nguồn từ Công ty Thủy điện và Năng lượng hạt nhân Hàn Quốc (KHNP).
Tuy nhiên, KHNP cho biết, đa số thông tin bị công khai cho tới thời điểm này là thông tin chưa được phân loại. Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hàn Quốc Lee Kwan-sup cho rằng những thông tin đó “hoàn toàn có thể Google được”, theo RT.
Cơ quan điều tra Hàn Quốc đã yêu cầu sự trợ giúp từ Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI), do mạng xã hội Twitter, nơi hacker đăng tải hầu hết thông tin đánh cắp được, hiện đặt máy chủ tại Mỹ, theo Yonhap.
KHNP, kiểm soát 23 lò phản ứng hạt nhân, sản xuất khoảng 30% lượng điện năng tại Hàn Quốc, đang tiến hành một cuộc tập huấn 2 ngày cho nhân viên nhằm chuẩn bị đối phó với những cuộc tấn công mạng sau này, theo RT.
------------------------
Tổng thống Hàn giận dữ vì rò rỉ dữ liệu hạt nhân
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khẳng định việc rò rỉ dữ liệu từ công ty điều hành các nhà máy điện hạt nhân của nước này là vấn đề an ninh quốc gia, nghiêm trọng và không thể chấp nhận được, theo Reuters.
Ngay sau khi xảy ra việc rò rỉ dữ liệu của công ty thủy điện và điện hạt nhân (KHNP), hãng điều hành 23 nhà máy điện hạt nhân tại Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye đã yêu cầu điều tra về an ninh toàn bộ các cơ sở hạ tầng của nước này, bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân để chống lại “khủng bố mạng”.
“An ninh tại nhà máy điện hạt nhân phải được thiết lập ở mức cao nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người”, Reuters dẫn lời bà Park tại cuộc họp nội các Hàn Quốc ngày 23.12.
“Đây là một tình huống rất nghiêm trọng và không thể để tiếp tục diễn ra mà không bị ngăn chặn vì đây là vấn đề an ninh quốc gia”, bà Park nhấn mạnh.
Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố, các nhà chức trách nước này cũng đã nâng mức cảnh báo về khủng hoảng an ninh mạng đối với các tập đoàn nhà nước từ mức “phải cẩn trọng” sang mức “tập trung theo dõi”.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc và KHNP cho biết họ chỉ mất những thông tin không quan trọng và hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân không hề bị nguy hiểm, theo Yonhap.
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Park đưa ra tuyên bố nói trên, một người chưa rõ danh tính đã lên trang mạng xã hội Twitter nhận trách nhiệm vụ tấn công và đòi chính phủ Hàn Quốc đóng cửa 3 lò phản ứng hạt nhân cũ vào ngày 25.12. Người này cũng yêu cầu tiền chuộc để lấy lại các thông tin bị mất.
Nhân vật nặc danh này tự nhận là chủ tịch một tổ chức chống hạt nhân ở Hawaii, đồng thời khẳng định sẽ tung các thông tin lấy được từ KHNP nếu yêu cầu không được đáp ứng.
Một quan chức làm việc tại nhà máy điện hạt nhân cho biết, họ đang xem xét xem liệu dữ liệu mà kẻ tấn công đăng tải trên trang Twitter cá nhân có phải là dữ liệu được lấy từ các máy tính của nhà máy điện hạt nhân hay không.
Trước đó, một nhóm điều tra của Hàn Quốc đã tuyên bố, không loại trừ khả năng Triều Tiên có liên quan đến vụ tấn công mạng này. Vụ việc diễn ra ngay sau khi Mỹ vừa lên tiếng cáo buộc Bình Nhưỡng tấn công mạng tập đoàn Sony. Nguồn tin từ Hàn Quốc của Reuters cũng cho biết thêm rằng Seoul đã nhờ phía Mỹ giúp điều tra vụ tấn công mạng này.
KHNP đang điều hành 23 lò phản ứng điện hạt nhân, cung cấp 30% tổng sản lượng điện cho Hàn Quốc.
--------------------------