Viện kiểm sát đề nghị điều tra thêm Huyền Như tội tham ô tài sản
Sáng 24.12, bước vào phần tranh luận, vị đại diện VKSND tối cao tại phiên tòa phúc thẩm đã đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huỳnh Thị Huyền Như thêm tội “Tham ô tài sản” và kiến nghị khởi tố vụ án và bị can đối với 2 người.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên hồi đầu năm 2014, Huyền Như nhận án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 6 năm tù tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân. Tuy bị cáo Huyền Như không kháng cáo, mà chỉ kháng cáo “đòi” biệt thự 43 tỉ đồng cho mẹ là bà Nguyễn Thị Lang và bà Lang cũng có đơn “đòi” biệt thự này.
VKSND tối cao cho rằng, số tiền mua biệt thự siêu sang ở tỉnh Quảng Nam là của Huyền Như, sau đó Như cầm cố biệt thự này để vay tiền. Bà Nguyễn Thị Lang (SN 1950), đã khai nhận với Cơ quan điều tra: “Con tôi có mua một biệt thự ở Quảng Nam, mọi giao dịch do con tôi thực hiện”.
Như vậy, bà Lang chỉ đứng tên giúp con mình. Bản án sơ thẩm tuyên kê biên biệt thự này là có cơ sở. Do vậy, kháng cáo của Huyền Như “đòi” biệt thự này là không có căn cứ. Đơn “đòi” biệt thự của bà Lang cũng không có cơ sở.
Đối với bị cáo Võ Anh Tuấn (sơ thẩm tuyên 20 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
VKS cũng đề nghị HĐXX tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho 5 bị cáo gồm: Huỳnh Mỹ Hạnh (nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Khải - chị Huyền Như, tại tòa sơ thẩm tuyên 14 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) xuống còn 13 năm tù.
Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank, sơ thẩm tuyên 15 năm tù tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”), xuống còn 11 năm tù.
Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank, sơ thẩm tuyên 15 năm tù tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”), xuống còn 11 năm tù.
Huỳnh Hữu Danh (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế chi nhánh TPHCM, sơ thẩm tuyên 17 năm tù tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”), xuống còn 11 năm tù.
Phạm Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, sơ thẩm tuyên 14 năm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”), xuống còn 11 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo có kháng cáo còn lại, đều không được VKSND tối cao chấp nhận kháng cáo, mà đề nghị giữ nguyên mức án mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Vị đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm cũng đã đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 5 đơn vị gồm: Cty chứng khoáng SBBS, Phương Đông, Cty An Lộc, Hưng Yên và Bảo hiểm Toàn Cầu gửi hơn 1.000 tỉ đồng và đã bị Huyền Như lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt, do vậy ngoài tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội danh “Tham ô tài sản”.
VKS cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của ACB và Navibank. Vị đại diện VKS cho rằng, bản án sơ thẩm có quá nhiều sai sót về tuyên số tiền mà các bị cáo nhóm “Cho vay lãi nặng”. Cụ thể là đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Lành phải nộp số tiền là hơn 1.000 tỉ đồng, đây là tiền thu lợi bất chính từ việc cho Huyền Như vay hơn 7.800 tỉ đồng (bản án sơ thẩm chỉ tuyên Lành nộp 150 tỉ đồng).
VKS cũng kiến nghị khởi tố bị can, khởi tố vụ án đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng là cấp trên của Huyền Như, 2 người này liên quan đến trách nhiệm để Huyền Như lợi dụng chức vụ quyền hạn “Tham ô tài sản”. Đồng thời, VKS cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Sẻ, là cấp trên của bà Hương, ông Hoàng.
(Lao Động)
-------------------------
Đề nghị VietinBank trả 1.085 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp
Sáng 24-12, phiên xét xử Huyền Như và đồng phạm bước vào phần tranh luận. VKS đề nghị trả hồ sơ điều tra lại hành vi tham ô của Như đối với 1.085 tỷ đồng.
Trước đó, VKS nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại tòa đã cho rằng, số tiền của 5 doanh nghiệp gồm Phương Đông, An Lộc, Toàn Cầu, SBBS, Hưng Yên đã được chuyển vào tài khoản của VietinBank và được ngân hàng này hạch toán.
Việc để Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ số tiền này là do VietinBank không quản lý sát sao về tài khoản của khách hàng khiến Như dễ dàng chiếm được 1085 tỷ. VKS đề nghị VietinBank hoàn trả toàn bộ số tiền này cho 5 doanh nghiệp.
Ngoài ra, VKS cũng căn cứ trên các dấu hiệu chứng cứ của vụ án cho rằng VietinBank buông lỏng quản lý. Việc Như lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là phạm tội tham ô tài sản.
VKS cũng nhận định bản án sơ thẩm đã sơ sót nghiêm trọng khi xác định sai tư cách tố tụng của các doanh nghiệp này làm thiệt hại cho họ. Trong việc tham ô của Huyền Như, các đơn vị này không có lỗi.
Cụ thể, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã phân tích như sau:
Toàn bộ số tiền (Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank-Berjayan 210 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bảo Hiểm Toàn Cầu 124 tỷ đồng; Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông 380 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc 170 tỷ đồng, Công ty Hưng Yên 200 tỷ đồng) đều được mở tài khoản tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và các tài khoản này được mở hợp pháp, hợp lệ. Tiền này đã được chuyển vào tài khoản của VietinBank. VKS cho rằng đây là quan hệ gửi giữ tài sản, đúng bản chất ngân hàng và khách hàng.
Thông qua hồ sơ vụ án và việc xét hỏi, toàn bộ số tiền này được gửi vào các tài khoản của VietinBank đều có sự dẫn dụ của Như, nhưng mục đích của các doanh nghiệp là gửi tiền vào VietinBank, Như chỉ chiếm đoạt sau khi tiền được gửi hợp pháp vào ngân hàng này. Khách hàng không có lỗi trong việc gửi tiền. Họ không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nghĩa vụ quản lý này là của VietinBank.
Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền, việc này là lỗi của VietinBank. Theo quy định của pháp luật thì VietinBank phải kiểm soát các tài khoản này. Do buông lỏng quản lý nên VietinBank không phát hiện ra hành vi gian dối của Như.
Như là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch, quyền hạn của Như được quy định: chỉ đạo huy động vốn, cấp tín dụng cho vay theo hạn mức, cung cấp dịch vụ ngân hàng…
Như được giao trách nhiệm là kiểm soát viên, chịu trách nhiệm thanh toán, hạch toán vào tài khoản thích hợp, yêu cầu cấp mã khóa bảo mật.
Tuy nhiên, Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt toàn bộ số tiền với mỗi lệnh chi không vượt qua 50 tỷ.
Hành vi gian dối của Như, giả chữ ký con dấu đều được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của mình.
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiềm đoạt tài sản chỉ được thực hiện sau khi tiền đã vào tài khoản và được VietinBank theo dõi đầy đủ. VietinBank là doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước. Theo VKS, việc Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng từ tài khoản của VietinBank là hành vi có dấu hiệu của tội tham ô tài sản.
VKS cho rằng năm đơn vị trên gửi tiền vào VietinBank, và ngân hàng này phải trả tiền khi làm mất tiền của khách hàng. Năm doanh nghiệp trên chỉ có quyền và nghĩa vụ liên quan. Như là người chiếm đoạt tiền của VietinBank, VietinBank là nguyên đơn dân sự từ hành vi tham ô của Như.
Bản án sơ thẩm đã xác định sai tội danh của Như, sai tư cách tố tụng của năm đơn vị làm thiệt hại quyền và lợi ích của họ.
Về khoản tiền bị chiếm đoạt của ACB và Navibank, bản án sơ thẩm kết luận là đúng, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của 2 ngân hàng này.
Theo đó, VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm cho tội chiếm đoạt tài sản, trả hồ sơ điều tra lại hành vi tham ô của Như đối với 1.085 tỷ đồng.
Ngoài ra VKS cũng kiến nghị khởi tố hai Phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM là bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------