ASEAN, Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ bảo đảm an ninh khu vực
Trong Hội thảo về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hàn Quốc: Hướng tới Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Hàn Quốc 2014 diễn ra hôm qua tại Hà Nội, các quan chức chính phủ, học giả và cộng đồng doanh nghiệp hai nước chia sẻ quan điểm, ý tưởng, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc nói chung, cũng như giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng trên tất cả các lĩnh vực ưu tiên. Về chính trị-an ninh, ASEAN và Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ ủng hộ lẫn nhau hơn nữa trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tiếp tục củng cố các tiến trình, khuôn khổ hợp tác trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm và dẫn dắt; cũng như góp phần ứng phó những bất ổn tiềm tàng trong khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề biển Đông. Đề cao sự cần thiết đảm bảo hòa bình, ổn định cho phát triển, sự cần thiết giải quyết hòa bình các mâu thuẫn/tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển, sự cần thiết yêu cầu tất cả các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động làm thay đổi nguyên trạng, làm gia tăng căng thẳng.
-------------------------
“Đức và EU có lợi ích sống còn với sự ổn định ở biển Đông”
Trong cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/11 ở TPHCM, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel nói rằng, những động thái ở biển Đông làm Đức lo ngại vì đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng với hơn 50% hàng hóa vận tải biển của thế giới; Đức cũng như châu Âu có lợi ích sống còn đối với sự ổn định ở khu vực này. “Quan điểm của Đức là phản đối việc sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng Gabriel phát biểu. Ông Gabriel sang Việt Nam dự Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14. Ông Gabriel nói rằng, việc Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU sớm được phê chuẩn cũng như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sớm được ký kết sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho hoạt động hợp tác kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam và các nước EU, trong đó có Đức.
-------------------------
Mỹ phản đối hành động của Trung Quốc ở biển Đông
Với sự đồng thuận tuyệt đối, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 20/11 thông qua nghị quyết phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Nghị quyết mang mã số H.Res-714 (được đăng trên trang web của Quốc hội Mỹ) nêu ra hàng loạt hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông, khiến Mỹ và các nước trong khu vực quan ngại, như cắt cáp hai tàu thăm dò của Việt Nam khi hai tàu đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2011. Ba tàu quân sự Trung Quốc năm 2011 dùng súng đe dọa ngư dân 4 tàu đánh cá Việt Nam khi họ đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa. Cũng trong năm đó, một tàu hải quân Trung Quốc cảnh cáo một tàu hải quân Ấn Độ khi tàu này đang cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý với lý do vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2012 cho thành lập thành phố Tam Sa để giám sát những khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Tổng Cty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ngày 1/5 đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu quân sự hộ tống vào vùng biển của Việt Nam…
Nghị quyết khẳng định, chính phủ Mỹ không ủng hộ những hành động đơn phương của bất kỳ bên liên quan nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách ép buộc, đe dọa hay sức mạnh quân sự. Chính phủ Mỹ cũng quan ngại sâu sắc trước bất kỳ hành động đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm ngăn cản nước triển khai thực hiện các quyền chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bằng cách đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực mà không dựa trên cơ sở rõ ràng của luật quốc tế; lập các khu vực hành chính và quân sự trong khu vực tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông; áp đặt lệnh cấm đánh bắt mới trong khu vực tranh chấp, khiến tình hình khu vực căng thẳng.
Cần thiết phải có Bộ quy tắc ứng xử
Vì thế, nghị quyết thúc giục ASEAN, các đồng minh và đối tác của Mỹ và tất cả các nước liên quan ở biển Đông và Hoa Đông giải quyết hòa bình và công bằng những tranh chấp này, trong đó có việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Nghị quyết cũng khuyến khích những nỗ lực liên tục của chính phủ Mỹ nhằm củng cố quan hệ với các đối tác trong khu vực, nhằm xây dựng năng lực nhận thức hàng hải để hỗ trợ quyền tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế.
Nghị quyết ủng hộ Mỹ tiếp tục các hoạt động ủng hộ quyền tự do hàng hải trong các vùng biển và không phận quốc tế trên biển Đông và Hoa Đông, đồng thời thúc giục Trung Quốc kiềm chế triển khai Vùng nhận dạng phòng không mà họ đã tuyên bố ở Hoa Đông đi ngược lại quyền tự do bay trên không phận quốc tế. Nghị quyết cũng thúc giục Trung Quốc kiềm chế để không có những hành động gây hấn tương tự ở các khu vực khác thuộc châu Á - Thái Bình Dương.
-------------------------
Trên 100.000 phụ nữ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục
Khoảng 100.000 đến 140.000 phụ nữ trên toàn thế giới bị cắt bỏ bộ phận sinh dục và 70 triệu trẻ em gái phải kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, AFP trích dẫn một loạt nghiên cứu vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 21.11.
WHO cho rằng những nỗ lực bảo vệ phụ nữ hiện nay vẫn chưa đủ. Thậm chí ở những nơi có luật pháp nghiêm khắc, tiến bộ, phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử, bị bạo hành và không được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế, pháp lý.
Tình trạng bạo lực trở nên nghiêm trọng hơn khi xảy ra các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo, WHO đánh giá, và kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới nên thay đổi những điều luật phân biệt đối xử với phụ nữ, áp dụng các giải pháp đã được chứng minh là có hiệu quả nhằm đối phó với tình trạng bạo hành phụ nữ.
Năm 2013, WHO đã công bố một báo cáo dựa trên các nghiên cứu từ 1983 đến 2010. Theo đó, 60 % phụ nữ trên thế giới đang sống tại các nước mà nạn bạo lực gia đình không phải là tội ác và khoảng 30 % thường xuyên bị chồng bạo hành.
-------------------------
Con trai phụ tá của Jang Song-thaek nghi bị bắt cóc
Các công tố viên Paris, Pháp, đang điều tra sự biến mất của một sinh viên là con trai một phụ tá của ông Jang Song-thaek, người bị tòa án quân đội Triều Tiên xử tử cuối năm ngoái.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn giấu tên cho biết một sinh viên họ Han bị các mật vụ Triều Tiên bắt cóc ở Paris nhưng đã bỏ trốn khi bị đưa tới sân bay để về Bình Nhưỡng. Anh này biến mất kể từ đó và nhà chức trách chưa xác nhận được anh có trốn thoát hay không.
Nguồn tin khác từ tòa án của Paris xác nhận rằng họ đang điều tra vụ việc. Một số người nghi ngại sinh viên Han có thể đã bị đưa về Triều Tiên.
Han là con trai của một phụ tá của Jang Song-thaek, chú rể dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng được coi là người có quyền lực số hai trong chế độ, bị xử tử cuối năm ngoái do các cáo buộc đảo chính. Bố của Han cũng mới bị thanh trừng, trong kế hoạch "quét sạch tàn dư" liên quan đến ông Jang.
"Tôi hỏi các sinh viên khác và các thành viên trong khoa về tung tích Han nhưng không ai thấy anh ta ít nhất trong 15 ngày qua", một quan chức cấp cao của trường nơi Han theo học nói. Han cùng 9 sinh viên Triều Tiên khác theo học trường kiến trúc danh tiếng tại Paris từ năm 2011 sau khi nhận được hỗ trợ của chính phủ Pháp.
Tờ Le Parisien hôm nay cho biết 9 sinh viên khác cũng biến mất cùng thời điểm với Han nhưng sau đó xuất hiện trở lại.
Một giáo viên tại trường kiến trúc tiết lộ các sinh viên Triều Tiên bị theo dõi sát sao khi ở Paris. "Thường có một người đàn ông châu Á mặc complet đến các lớp học", người này nói.
Sự kiện ông Jang bị Triều Tiên hành quyết tháng 12 năm ngoái gây chấn động dư luận thế giới. Nhiều người thân cận và toàn bộ thành viên gia đình ông, gồm cả trẻ em, cũng bị xử tử.
-------------------------