Ngày 16/3, Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka thông báo chính phủ nước này đã nhất trí cho phép một đoàn xe quân sự của Mỹ đi qua lãnh thổ Séc.
Ông cũng nhấn mạnh rằng quyết định này sẽ thể hiện tình đoàn kết và xác nhận những cam kết của Séc đối với các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trả lời họp báo sau phiên họp nội các, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Martin Stropnicky cho biết đoàn xe trên bao gồm 118 xe và 516 người, sẽ đi qua CH Séc để tới căn cứ quân sự ở Bavaria Vilseck của Đức, cách biên giới Séc 65 km.
Theo ông Stropnicky, các lực lượng cảnh sát, quân cảnh và hải quan Séc sẽ hỗ trợ quá trình di chuyển của đoàn xe. Bộ Quốc phòng Séc đã lập một nhóm công tác để điều phối hoạt động này.
Ngày 16/3, hơn 45.000 binh lính Nga cùng máy bay chiến đấu và tàu ngầm của Nga bắt đầu cuộc diễn tập quân sự trên nhiều khu vực đất nước.
Cuộc diễn tập ngày 16/3 là một trong những đợt phô diễn lực lượng quân sự lớn nhất của Nga kể từ khi mối quan hệ với phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh.
Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin ngày 16/3, chỉ thị tiến hành kiểm tra đột xuất và toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Phương Bắc cùng các đơn vị thuộc Lực lượng đổ bộ đường không và Quân khu miền Tây của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, đợt kiểm tra đột xuất này nhằm đánh giá khả năng tác chiến của Hạm đội Phương Bắc trong việc đảm bảo an ninh quốc gia của Nga tại Bắc cực. Theo ông Shoigu, những thách thức và mối đe dọa mới đối với an ninh-quốc phòng Nga đòi hỏi lực lượng vũ trang Nga phải nâng cao hơn nữa khả năng tác chiến.
Ngoài ra, ông Shoigu một lần nữa nhấn mạnh đến việc thành lập các đơn vị chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của Nga từ hướng Bắc. Lệnh của Tổng thống Putin đưa ra khi nước láng giềng Na Uy-một thành viên của NATO, bắt đầu cuộc diễn tập “Joint Viking” với sự tham dự của 5.000 binh lính tại khu vực sát biên giới với Nga.
Trong khi đó, các cuộc tập trận qui mô lớn khác của Nga cũng diễn ra trên nhiều vùng lãnh thổ Liên bang, trong đó có bán đảo Crimea. Hơn 2.000 binh sĩ và 500 đơn vị vũ khí đã được huy động vào cuộc tập trận kéo dài hơn 1 tháng. Đáng chú ý, binh sĩ và khí tài quân sự thuộc các căn cứ của Nga ở Acmenia, Abkhazia và Nam Ossetia và đặc biệt là ở bán đảo Crimea cũng tham gia vào cuộc tập trận này.
Cũng tại Biển Đen, NATO đang tiếp tục cuộc tập trận hải quân chung qui mô lớn nhất, với sự tham gia của binh lính Bungary, Rumania và Thổ Nhĩ Kì, gần bán đảo Crimea. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua, Tổng thống Nga Putin cho biết, ông từng sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân nước này ở trong tình trạng báo động khi lên kế hoạch sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
Ông Putin nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng chiến đấu. Tôi đã có các cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác và khẳng định rõ rằng, Crimea là lãnh thổ lịch sử của Nga, người dân Nga sống ở đó, họ đang bị nguy hiểm và chúng tôi phải bảo vệ họ”.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. NATO đã đình chỉ các mối quan hệ với Nga, đồng thời thông báo trong năm 2015 sẽ đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh, gồm 5.000 quân triển khai ở các nước đồng minh phía Đông như Ba Lan và các nước Baltic.
Bất chấp việc tình hình miền đông Ukraine có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng việc NATO triển khai quân, vũ khí rầm rộ cùng hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn ở sát biên giới khiến Nga không thể ngồi yên.
Nga cho rằng, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường các cuộc tập trận gần biên giới với Nga chỉ làm cho tình hình khu vực Đông - Bắc châu Âu trở nên bất ổn và gia tăng căng thẳng./.
-----------------------
Mỹ lại muốn lật đổ chính quyền Syria?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại vừa đưa ra khả năng thay đổi chế độ của Tổng thống Syria al- Assad trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Syria với phương Tây đã bước sang năm thứ tư.
Ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Washington sẽ phải tiến đến một thỏa thuận với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để mở ra một cuộc chuyển đổi quyền lực chính trị và chấm dứt cuộc xung đột. “Chúng tôi đang tích cực làm việc với các bên liên hệ để xem chúng tôi có thể tái khởi động các hoạt động ngoại giao hay không. Tại sao? Vì mọi người đều đồng ý là không có giải pháp quân sự. Chỉ có giải pháp chính trị. Tuy nhiên để đưa Chính quyền al-Assad đến bàn thương thuyết, chúng ta phải làm cho ông ta biết rõ là tất cả mọi người đều có quyết tâm tìm kiếm một giải pháp chính trị và ông ta cần phải thay đổi những sự tính toán về vấn đề thương thuyết. Việc này hiện đang được tiến hành. Và tôi tin là với những nỗ lực của đồng minh chúng ta và những nước khác, sẽ có áp lực ngày càng tăng đối với ông Assad”- Ngoại trưởng Kerry phát biểu trên chương trình Face the Nation của đài CBS từ Ai Cập, nơi ông tham dự một hội nghị về đầu tư.
Trong lúc trả lời CBS, Ngoại trưởng Mỹ không nhắc lại lập trường cố hữu của Chính phủ Obama là Tổng thống al-Assad đã mất tính chính đáng và nhà lãnh đạo này phải ra đi. Ông Kerry cũng không nói rõ là một thỏa thuận sắp tới có thể đạt được với Chính quyền al-Assad sẽ bao gồm những điều kiện cụ thể nào.
Ngày 15/3/2015 là tròn bốn năm xảy ra cuộc xung đột tại Syria. Các báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy, cuộc nội chiến này đã gây ra những thiệt hại nhân mạng và hậu quả xã hội chưa từng thấy: 215.500 chết và hơn 4 triệu người trên 18 triệu dân phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Trong nước, 7 triệu người phải bỏ nhà tìm nơi yên ổn tạm cư.
Hôm 13/3, Liên Hiệp Quốc ra thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên có liên quan tới cuộc xung đột ở Syria chấm dứt ngay mọi hành động đàn áp, bạo lực nhằm vào dân thường, dỡ bỏ rào cản đối với các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên toàn lãnh thổ Syria.
Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15/3/2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng "Mùa xuân Arập" ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa chính phủ và các lực lượng chống đối.
Từ đó đến nay, đã có hai Thông cáo chung Geneva được đưa ra về vấn đề Syria. Năm 2012, Mỹ vận động Liên Hiệp Quốc đưa đến Thông cáo chung Geneva 1, một văn kiện về kế hoạch 6 điểm để chấm dứt bạo động và thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Kế hoạch này đã bị chính phủ Syria bác bỏ. Hội nghị kế tiếp là Hội nghị Geneva 2 vào năm 2014 đã kết thúc trong bế tắc. Nỗ lực thương thuyết gần đây nhất được Nga bảo trợ vào tháng 1 năm nay, nhưng Liên minh Quốc gia Syria, tổ chức đối lập chính từ chối tham dự.
Giữa lúc đó lại xuất hiện Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đóng ở Syria. Washington và Damas đã riêng rẽ mở các cuộc hành quân chống IS. Mỹ đã thực hiện các cuộc oanh kích dường như mỗi ngày nhắm vào các mục tiêu của nhóm cực đoan này ở miền bắc và miền đông Syria. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông ở châu Âu hồi cuối năm ngoái, ông Assad nói rằng các cuộc không kích không giúp gì được cho cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến IS, mà lực lượng bộ binh mới là thiết thực để đập tan nhóm Hồi giáo cực đoan này. Còn ông Kerry thì nói rằng các cuộc không kích đã gây "ảnh hưởng đáng kể" đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Trong cuộc chiến chống IS, Mỹ chủ tâm viện trợ cho lực lượng đối lập ở Syria để xây dựng lực lượng này như một lực lượng bộ binh của Mỹ, trước là nhằm giúp đẩy lui IS tại Syria sau là mục tiêu lật đổ chế độ Assad. Hôm 13/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói Chính quyền Obama đang yêu cầu Quốc hội cấp thêm 70 triệu USD viện trợ cho phe đối lập Syria, nâng số viện trợ của Mỹ lên đến gần 400 triệu USD kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Theo giới phân tích, việc Mỹ nêu lại vấn đề Syria vào lúc này nhằm mục đích khác chứ không phải vì sinh mạng và cuộc sống của người dân Syria. Trong bối cảnh Nga, một đồng minh của chính quyền Assad, đang bị phương Tây “bủa vây”, việc thay đổi chế độ ở Syria vào lúc này là có nhiều cơ hội.
Năm ngoái khi mà phương Tây do Mỹ dẫn đầu dọa sử dụng biện pháp quân sự lật đổ chính quyền Assad thì Nga đã đứng ra làm trọng tài, dàn xếp mọi chuyện và Tổng thống Assad nhờ thế mà tại vị, nay Nga đang bị phương Tây phong tỏa cấm vận, lại đúng lúc giá dầu mất giá khiến kinh tế Nga điêu đứng. Việc trợ giúp chính quyền Syria vào lúc này đối với Nga mà nói sẽ rất hạn chế, không thể như một năm trước.
Tuy nhiên, chính Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan ngày 13/3 nói rằng nếu chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ trong hỗn loạn, điều này có thể mở đường cho các phần tử cực đoan Hồi giáo tiếm quyền. Phát biểu tại một sự kiện ở Hội đồng Đối ngoại, Giám đốc CIA cho hay Mỹ có lý do để lo ngại về đối tượng có thể thay nếu chính phủ Assad sụp đổ, qua đó trao cơ hội cho nhóm IS và các phần tử thánh chiến khác ở Syria.
---------------------