Tham vọng của hải quân Ấn Độ bị cản trở
Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hải quân trở thành lực lượng có sức mạnh toàn cầu nhưng nhưng tình trạng quan liêu và thiếu sót về kỹ thuật khiến nhiều dự án đóng tàu bị hoãn hoặc chậm tiến độ.
Ngày 15.12, tờ Times of India đưa tin trong vài ngày tới tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Arihant sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển.
INS Arihant có độ choán nước 6.000 tấn và được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân K-15 với tầm bắn 750 km. Đây là chiếc đầu tiên trong số 5 hoặc 6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSNB) lớp Arihant mà Ấn Độ dự kiến đóng. Hồi tháng 10, New Dehi cũng đã thông qua đề xuất đóng 6 tàu ngầm hạt nhân không mang tên lửa đạn đạo.
Phát triển lực lượng nước xanh
Những dự án trên được cho là nằm trong tham vọng của Ấn Độ phát triển hải quân thành lực lượng nước xanh, tức có năng lực hoạt động ở các vùng biển xa, đủ sức bao quát Ấn Độ Dương và bảo vệ lợi ích của nước này ở những vùng biển khác như Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân.
Ngoài tàu ngầm, theo chuyên san quốc phòng châu Á DRA (Singapore), Ấn Độ đang thực hiện nhiều dự án đóng tàu hiện đại khác như đóng 2 tàu sân bay nội địa đầu tiên lớp Vikrant. Chiếc thứ nhất mang tên INS Vikrant có độ choán nước hơn 40.000 tấn, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Chiếc thứ hai INS Vishal dự kiến có độ choán nước 65.000 tấn sẽ được đưa vào biên chế hải quân năm 2025.
Xây dựng căn cứ tương tự như ở Hải Nam
Hải quân Ấn Độ sẽ có căn cứ mới mang tên Varsha trên vịnh Bengal vào năm 2021 hoặc 2022. Đây sẽ là căn cứ của tàu sân bay INS Vikrant, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSNB) lớp Arihant và nhiều tàu chiến hiện đại khác. Căn cứ Varsha sẽ có chức năng tương tự căn cứ Du Lâm dành cho SSNB của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, theo chuyên san DRA.
Ngoài ra, còn phải kể đến những tàu chiến lợi hại khác sắp được hoàn thành như tàu hộ tống tàng hình đa nhiệm lớp Shivalik 5.300 tấn hay 4 khu trục hạm 8.000 tấn, được trang bị tên lửa hành trình Nirbhay, tên lửa chống tàu siêu thanh BrahMos-2 và tên lửa đất đối không Barak 8. Theo DRA, các xưởng ở Ấn Độ đang gấp rút đóng tổng cộng 41 tàu chiến và trong thập niên tới, hạm đội của hải quân nước này sẽ tăng từ 140 lên 200 chiếc.
Những thách thức
Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ gặp không ít sự cố chết người lẫn nhiều vấn đề khác. Gần đây nhất, ít nhất 1 thủy thủ thiệt mạng và 4 người mất tích trong khi một tàu trục vớt thủy lôi chìm khi đang diễn tập ngày 23.11. Hồi tháng 3.2014, một sĩ quan thiệt mạng và 2 công nhân bị thương do sự cố trên khu trục hạm INS Kolkata, chỉ một tuần sau khi tàu ngầm lớp Kilo INS Sindhuratna gặp nạn lúc đang chạy thử làm 2 người chết và 7 người bị thương. Đó là sự cố chết người thứ 11 của hải quân Ấn Độ kể từ tháng 8.2013, khiến Tham mưu trưởng D.K.Joshi phải từ chức.
Bên cạnh đó, theo DRA, tình trạng quan liêu và thiếu sót về kỹ thuật cũng khiến nhiều dự án đóng tàu bị hoãn hoặc chậm tiến độ. Tàu ngầm INS Arihant đáng lẽ đã chính thức hoạt động năm 2011 nhưng đến tận bây giờ mới bắt đầu chạy thử sau nhiều lần bị trì hoãn. Ngay cả dự án đóng 2 tàu sân bay nội địa lớp Vikrant cũng bị tạm ngưng một thời gian trong năm nay do thiếu nguồn vay.
Trong bài bình luận đăng trên tờ Japan Times, nhà phân tích Harsh V.Pant tại Trường King’s College London (Anh) cho rằng việc sản xuất khí tài quân sự nội địa của Ấn Độ bị cản trở bởi những vấn đề về kỹ thuật và tổ chức, dẫn đến chậm trễ nghiêm trọng trong việc phát triển công nghệ quốc phòng và các chương trình vũ khí chủ lực cho hải quân nước này. (Thanh Niên)
-------------------------
Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng 557 tỷ USD năm 2015
Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 557 tỷ USD cho năm 2015, trong đó bao gồm các khoản chi cho chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) đã được thông qua ngày 12.12 (giờ Mỹ) với 89 phiếu ủng hộ, 11 phiếu chống tại Thượng viện vào thời điểm 1 tuần sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua. Thượng viện Mỹ đã trình lên Tổng thống Barack Obama để ký thành luật.
NDAA cho phép chi một khoản ngân sách cơ bản cho Lầu Năm Góc trị giá 496 tỷ USD, theo như đề xuất của ông Obama, cộng với gần 64 tỷ USD cho các cuộc chiến ở nước ngoài. Khoản ngân sách còn lại 17,9 tỷ USD được chi cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng, theo Reuters.
Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục huấn luyện và trang bị cho lực lượng ôn hòa của Syria chống lại IS trong vòng 2 năm, đồng thời thúc đẩy các điều kiện để chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia này. Ngoài ra, kế hoạch đào tạo và hỗ trợ cho Iraq và người Kurd chống lại lực lượng Hồi giáo cũng được cấp phép.
Bên cạnh đó, theo NDAA, Lầu Năm Góc phải tiếp tục duy trì hoạt động của một số hệ thống vũ khí cũ mà trước đó cơ quan này từng đề nghị cho “đắp chiếu” với lý do ngân sách bị cắt giảm.
-------------------------
Palestine trình dự thảo buộc Israel chấm dứt chiếm đóng lãnh thổ
Palestine dự kiến sẽ trình một dự thảo nghị quyết lên Liên Hiệp Quốc vào 17-12 tới nhằm buộc Israel chấm dứt việc chiếm đóng lãnh thổ Palestine.
AFP dẫn lời ông Wassel Abu Yussef, thuộc Tổ chức Giải phóng Palestine, cho biết dự thảo nghị quyết sẽ đặt ra thời hạn hai năm để Israel ngưng các hành động chiếm đóng.
Israel ngay sau đó bác bỏ việc thảo luận về vấn đề rút khỏi đông Jerusalem và Bờ Tây. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết việc Israel rút khỏi khu vực này sẽ giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến sát Tel Aviv và trung tâm Jerusalem.
Israel cũng hy vọng Mỹ sẽ phủ quyết dự thảo của Palestine. Tuy nhiên một số quan chức Mỹ cho biết Washington vẫn chưa đưa ra quyết định, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ gặp ông Netanyahu hôm nay tại Rome. Sau đó, ông sẽ bay đến London (Anh) để gặp đàm phán viên của Palestine Saeb Erakat và lãnh đạo Liên đoàn Ả-rập Nabil al-Arabi
Ông Kerry đã có mặt tại Ý từ 14-12 để tham khảo quan điểm của châu Âu về vấn đề thừa nhận nhà nước Palestine.
Sau khi ông Netanyahu kêu gọi bầu cử sớm vào tháng ba năm sau, châu Âu đã hy vọng có thể thúc đẩy LHQ thông qua nghị quyết của Palestine.
Tháng trước Jordan đã trình bản dự thảo về vấn đề Palestine lên Hội đồng bảo an LHQ, trong đó đặt ra thời hạn cho Israel ngưng việc chiếm đóng lãnh thổ của Palestine vào 11-2016, nhưng vấp phải sự phản đối của Mỹ.
-------------------------
Chìm phà tại Congo, ít nhất 129 người chết
Cộng hòa dân chủ Congo trục vớt ít nhất 129 thi thể các nạn nhân vụ chìm phà tại Hồ Tanganyika, việc cứu hộ, tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp tục.
BBC ngày 14-12 đưa tin cơ quan chức năng Cộng hòa dân chủ Congo đã trục vớt ít nhất 129 thi thể các nạn nhân vụ chìm phà tại Hồ Tanganyika trong khi công tác cứu hộ và tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp tục.
AFP đưa tin cho đến nay con số người sống sót sau vụ chìm phà là 232 người, hầu hết là đàn ông.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Katanga, ông Laurent Sumba Kahozi thông tin thêm rằng các nhân viên cứu hộ tìm thấy một số hành khách nổi trên mặt hồ hôm 14-12 nhờ bám vào các thùng xăng và các vật thể nhẹ khác.
Những người này hiện đang trong tình trạng sức khỏe yếu sau hơn 48 giờ trôi nổi trên nước.
Các quan chức địa phương thông tin gió lớn và quá tải là nguyên nhân khiến phà chở hàng hóa và hành khách M/V Mutambala lật.
AFP cho biết khu vực Great Lakes của vùng Trung Phi, đặc biệt là các Hồ Victoria, Hồ Tanganyika và Hồ Malawi có thể trở nên nguy hiểm cho tàu bè trong tình trạng thời tiết xấu.
-------------------------