Đề nghị kỷ luật Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên
Chiều 16-12, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết đã biểu quyết thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm đối với ông Lê Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phú Yên.
Ông Lê Thanh Phương (bên phải), Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên, đang bị đề nghị kỷ luật do nhiều sai phạm về tài chính (Ảnh tư liệu của Sở TT-TT Phú Yên)
Kết luận về kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Thanh Phương cho thấy với trách nhiệm là chủ tài khoản đơn vị, chủ đầu tư các dự án công nghệ thông tin, ông Phương đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng về nguyên tắc quản lý tài chính khi thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin năm 2012, 2013; nghiệm thu và thanh lý khống nhiều hợp đồng kinh tế để bên B chiếm đoạt, gây thất thoát số tiền lớn ngân sách của Nhà nước
Cũng theo kết luận này, ông Đoàn Hùng Thắng, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ thông tin, Sở TT-TT Phú Yên, đã cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính, cùng với ông Phương nghiệm thu, thanh lý khống nhiều hợp đồng kinh tế để bên B chiếm đoạt, gây thất thoát số tiền lớn của ngân sách tỉnh.
UBKT Tỉnh ủy Phú Yên nhận định vi phạm của ông Đoàn Hữu Thắng là rất nghiêm trọng, nên đã biểu quyết thi hành kỷ luật ông bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý về mặt chính quyền và pháp luật.
Nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động cho biết ông Phương có liên quan đến việc thực hiện các gói thầu thuộc dự án ứng dụng công nghệ thông tin do UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Trước đó, ngày 15-9, UBKT Tỉnh ủy Phú Yên đã thống nhất thông qua hình thức kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Lê Tiến Dĩnh - Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ, giám đốc - và bà Nguyễn Thị Hiếu, kế toán Trung tâm Tích hợp dữ liệu thuộc Sở TT-TT Phú Yên.
Ông Dĩnh và bà Hiếu đã cố ý làm trái nguyên tắc quản lý tài chính; chỉ đạo và cùng với kế toán đơn vị lập khống, nâng khống chứng từ của các gói thầu, gây thất thoát và chiếm đoạt hơn 869 triệu đồng. Ngoài ra, ông Dĩnh còn ký một số hợp đồng đào tạo, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và các chứng từ khác, tạo điều kiện cho một số cán bộ của Sở TT-TT lập khống chứng từ thanh toán, chiếm đoạt hơn 645 triệu đồng của nhà nước.
-------------------------
Bác tin máy bay Vietnam Airlines có dấu hiệu bị không tặc
Do khoang máy bay bị giảm áp, cơ trưởng người CH Séc điều khiển máy bay Vietnam Airlines từ TP HCM đi Vinh chiều tối 16-12 thay vì nhấn nút khẩn nguy Code 7700 lại nhấn nhầm sang nút khủng bố Code 7500 khiến toàn bộ mặt đất phải triển khai đối phó theo tình huống nghiêm trọng này.
Tối 16-12, nguồn tin đáng tin cậy của Báo Người Lao Động cho biết máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ TP HCM phải đáp khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Nội Bài là do sự cố kỹ thuật, hoàn toànkhông phải lý do bị không tặc.
Nhưng rất tiếc là thao tác của cả tổ lái và sự tiếp nhận thông tin của bộ phận kiểm soát viên không lưu đều có sai sót nên đã đặt chuyến bay vào tình huống phải đối phó khẩn nguy với không tặc.
Trước đó, chuyến bay VN 1266 được khai thác bằng máy bay A321, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đi Vinh (Nghệ An) lúc 16 giờ 59 phút ngày 16-12, chở theo 135 hành khách, trong đó có 2 hành khách hạng C.
Khi gần đến Vinh, máy bay gặp trục trặc kỹ thuật giảm áp buồng kín. Tổ lái phải thực hiện giảm độ cao từ 35.000 feet xuống 10.000 feet để đảm bảo oxy cho toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.
Theo đúng quy định, phi công phải thực hiện ấn nút khẩn nguy để thông báo cho cơ quan không lưu. Code khẩn nguy là 7700 nhưng cơ trưởng người CH Séc đã ấn nhầm sang nút khủng bố 7500. Khoảng 7 phút sau, cơ phó người Việt Nam phát hiện sai sót, điều chỉnh về tần số khẩn nguy.
Song khi trao đổi với không lưu lại có nhầm lẫn nên máy bay bị đặt vào tình huống khủng bố khiến toàn bộ mặt đất phải triển khai đối phó theo tình huống nghiêm trọng này. Thay vì đáp xuống sân bay Vinh, chuyến bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài lúc 19 giờ 10 phút.
------------------------
Yêu cầu khởi tố vụ xe khách va xe đầu kéo làm 6 người chết
Chiều 16-12, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào lúc 12 giờ 10 phút ngày 16-12 tại Km 219+600 trên Quốc lộ 18 thuộc địa bàn xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; đến thời điểm này đã có 6 người chết và 8 người bị thương.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng đã đã phân công ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách, xuống hiện trường phối hợp với UBND, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Ninh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; khởi tố vụ án, bị can đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh phải kiểm tra toàn diện về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp vận tải Ka Long và xử lý nghiêm các vi phạm.
Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng kiểm tra toàn diện về điều kiện kinh doanh vận tải và thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 1-3 tháng đối với Công ty CP Đầu tư thương mại và vận tải Đông Bắc(địa chỉ 78 Chiến Lược, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) theo đúng các quy định tại Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 12 giờ 10 phút trưa nay 16-12, xe khách 47 chỗ BKS 14N-9315 do lái xe Trần Văn Hùng (SN 1980, trú tại xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) điều khiển chạy hướng Móng Cái - Hạ Long, trên xe có khoảng 20 người (cả lái và phụ xe) đã va chạm với xe sơmi rơmoóc BKS 15C-08907, 15R-03619 chạy hướng ngược chiều tại km219+600 Quốc lộ 18, thuộc địa phận thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Hậu quả, vụ tai nạn làm 2 người chết tại chỗ là anh Ma Văn Cương (SN 1992, quê quán huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) và ông Bùi Văn Quyền (SN 1966, quê quán tại thôn Ngọc Đường, xã Đồng Chu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc), nhiều người bị thương rất nặng, 2 phương tiện hư hỏng.
Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, theo thông tin ban đầu, có thêm 4 nạn nhân tử vong, 8 người bị thương khác đang tiếp tục được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Tiên Yên và Đầm Hà (Quảng Ninh).
Được biết, nguyên nhân ban đầu do xe sơmi rơmoóc vào cua nhanh, mất lái va vào bên sườn trái xe khách.
-------------------------
Quảng Ninh: Thu giữ hàng tấn mắm tôm không có nhãn mác
Ngày 15.12, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa phát hiện và tịch thu một lô sản phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, hồi 17h ngày 8.12, tại khu 9A, phường Bãi Cháy, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Hạ Long đã kiểm tra và phát hiện chị Trần Thị Thanh (trú tại huyện Cát Hải, Hải Phòng) đang bàn giao 38 bao tải chứa 3.040 kg mắm tôm từ xe ô tô biển kiểm soát 16K – 8612 cho cửa hàng Bình Hải do bà Phạm Thị Canh làm chủ. Số mắm tôm trên không có nhãn mác, hạn sử dụng.
Ngay sau đó, cơ quan Công an tiến hành kiểm tra và phát hiện tại cửa hàng trên có chứa 1.900 chai nước mắm; 552 chai dấm dung tích 500ml mang nhãn hiệu Phương Hải; 225 chai dung tích 500ml chứa mắm tôm và 2.640 kg mắm tôm không không nhãn mác. Toàn bộ số sản phẩm trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Căn cứ địa chỉ ghi trên bao bao bì sản phẩm nước mắm Phương Hải tại tổ 9, phường Lĩnh Nam, Hà Nội, Công an thành phố Hạ Long đã tiến hành xác minh nhưng không có cơ sở sản xuất nước mắm nào tại địa chỉ trên.
Bà Phạm Thị Canh khai nhận, trước đó đã mua số nước mắm và dấm trên tại khu vực thi trấn Trới, huyện Hoành Bồ để bán kiếm lời. Ngoài ra, bà Canh cũng thừa nhận, số mắm tôm trên cơ sở tự về, sau đó tự đóng chai để bán mà không có nhãn mác, hạn sử dụng.
Hiện Công an thành phố Hạ Long đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số sản phẩm trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
-------------------------
Sẽ rút phép hai cơ sở bò bơm nước ở Đồng Nai
Hai cán bộ thú y thuộc Trạm Thú y huyện Trảng Bom bị tạm đình chỉ công tác.
Hai cơ sở giết mổ nằm trong “danh sách đen” của cơ quan chức năng vì nhiều lần bị lập biên bản không đảm bảo về vệ sinh trong giết mổ của ngành thú y. Cơ quan thú y tỉnh sẽ xem xét rút giấy phép của hai cơ sở này… Chiều 12/12, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai thông tin về hai cơ sở bơm nước vào trâu, bò trước khi giết mổ mà chúng tôi đã phản ánh như trên.
Nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện!
Ông Quang cho biết, ngay sau khi hai cơ sở giết mổ bơm nước trâu, bò tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom do ông Nguyễn Văn Hiển làm chủ và lò mổ Doanh (thường gọi là Danh do ông Nguyễn Công Doanh làm chủ) bị báo chí phản ánh, Chi cục Thú y tỉnh đã làm việc với trạm trưởng Trạm Thú y huyện Trảng Bom.
Qua làm việc, chúng tôi nhận thấy tình trạng bơm nước vào trâu, bò ở hai cơ sở này là rất nghiêm trọng. Chi cục Thú y đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác hai cán bộ Nguyễn Hữu Phúc và Trần Trung Hòa thuộc Trạm Thú y huyện Trảng Bom để làm rõ.
“Chi cục Thú y chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương liên tục kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh giết mổ gia súc bơm nước. Vì vậy, thú y địa phương đã để cơ sở giết mổ bơm nước vào trâu, bò là chưa thực hiện sát sao chỉ đạo. Bước đầu hai cán bộ thú y đã làm tường trình và bản kiểm điểm. Chúng tôi sẽ làm việc với trạm trưởng để làm rõ trách nhiệm”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng trạm Thú y huyện Trảng Bom cho biết: Đã nhiều lần đi kiểm tra nhưng chưa phát hiện cơ sở giết mổ gia súc nào bơm nước.
“Thời gian vừa qua chúng tôi tập trung kiểm tra những cơ sở giết mổ không phép. Việc kiểm tra giám sát hai cơ sở giết mổ Hiển và Doanh của cán bộ thú y địa phương chưa được chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng trâu, bò bị bơm nước”, ông Thành nói.
Trần tình của chủ cơ sở bò bơm nước
Sáng 15/12, lực lượng chức năng đã xuống hai cơ sở giết mổ Hiển và Doanh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Hiển chỉ có 3 con bò đang nhốt trong cũi, còn lò mổ Doanh có sáu con bò. Điều đặc biệt là cả hai cơ sở kịp vệ sinh sạch sẽ trong khi trong tối 14/12 (trước khi báo phát hành), chúng tôi ghi nhận hai cơ sở này vẫn tiếp tục có chuyện bơm nước vào bò.
Làm việc với cơ quan chức năng, hai chủ cơ sở giết mổ Hiển và Doanh đều nói: “Không hề biết các lái bò bơm nước. Nếu phát hiện lái bò bơm nước sẽ không cho làm ở đây nữa vì làm như vậy là trái với quy định của pháp luật. Các thương lái bơm nước vào trâu, bò, chúng tôi chẳng được lợi gì mà còn bị khách mua ép giá, mất uy tín. Nếu bò bơm ít nước thì nhìn thịt khó phát hiện nhưng bơm nhiều sẽ nhận ra, thịt thường rỉ nước và màu không còn đỏ tươi”.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng hỏi về hai ống nhựa dài hơn 1m còn nằm ngay bồn nước, ông Hiển thừa nhận “cái đó dùng để bơm nước trâu, bò nhưng không phải của tôi mà là do lái bò mang tới. Các lái bò thường bơm vào buổi chiều và khi trời bắt đầu tối. Họ bơm nước vào bò ngay ở nhà hoặc trên đường vận chuyển”.
Còn ông Doanh cho biết: “Hình ảnh mà báo đăng là đúng trong lò mổ của tôi nhưng hôm đó tôi không có ở nhà. Các lái bò đã bơm nước và tôi đã không cho lái bò này giết mổ ở đây nữa”.
Theo hai chủ cơ sở, nguồn gốc của trâu, bò được các thương lái mua ở nhiều tỉnh khác nhau như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sau khi giết mổ, lái bò sẽ bán lượng thịt cho chủ lò mổ. Sau đó số thịt sẽ được vận chuyển bằng ô tô mang tiêu thụ chủ yếu ở các đầu mối tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Như chúng tôi đã thông tin, sau nhiều ngày thâm nhập vào hai cơ sở giết mổ Hiển, Doanh, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh các lái bò thản nhiên bơm nước vào trâu, bò tới khi có con ộc máu mới thôi. Sau khi bơm nước, mỗi con bò tăng trọng trên dưới 10 kg tùy trọng lượng từng con. Khi giết mổ xong, chủ lò sẽ tính tiền trả cho lái buôn để nhận thịt. Số lượng thịt bò này hầu hết được tiêu thụ ở các đầu mối tại TP.HCM và Đồng Nai.
Lập hồ sơ để rút giấy phép kinh doanh
Ngày 16/12, lực lượng chức năng sẽ lập hồ sơ xử phạt và sẽ lập hồ sơ rút giấy phép kinh doanh hai cơ sở bò bơm nước Hiển, Doanh. Đây là hai trong 65 cơ sở giết mổ gia súc nằm trong danh sách “đen” của Chi cục Thú y về việc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Những cơ sở này đã nhiều lần bị lập biên bản, xử lý nhưng vẫn tái phạm về việc không đạt tiêu chuẩn vệ sinh về việc giết mổ theo quy định của ngành thú y.
Ông Trần Văn Quang (Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai).
--------------------------