Từ Brisbane, Úc, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay đã phát đi những cảnh báo mạnh mẽ đối với Trung Quốc, chỉ vài ngày sau chuyến thăm chính thức Bắc Kinh hồi giữa tuần này.
Ông Obama đã cảnh báo các hiểm họa xung đột tại châu Á, trong bối cảnh Trung Quốc mâu thuẫn với một loạt quốc gia vì các tranh chấp chủ quyền, nhưng cam kết rằng Washington sẽ vẫn hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.
Trong một bài phát biểu tại Đại học Queensland ở Brisbane, Úc ngày 15/11 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định rằng chính sách "xoay trục" của Mỹ sang châu Á là có thực và vẫn đang được tiến hành.
Trong bài phát biểu, ông Obama đã nhắc lại sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của khu vực Đông Á kể từ Thế chiến II.
"Nhưng cùng với sự phát triển năng động đó, có những hiểm họa thực sự có thể phá hoại sự tiến bộ này", ông Obama nói, nhắc tới Triều Tiên và nói thêm: "Các tranh chấp lãnh thổ - những hòn đảo hẻo lánh và các bãi đá - có nguy cơ bùng phát thành xung đột".
Trung Quốc đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở Hoa Đông.
Ông Obama đã nhắc lại sự nhấn mạnh quan điểm đã đưa ra tại Bắc Kinh hồi tuần này, sau các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng Mỹ hoan nghênh sự lớn mạnh của Trung Quốc, miễn là nước này là một người chơi có trách nhiệm và hòa bình trên chính trường thế giới.
Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh tại Brisbane rằng Trung Quốc "phải tuân thủ các luật lệ giống như các nước khác, dù là trong thương mại hay trên biển".
Và Mỹ sẽ tiếp tục thẳng thắn về những bất đồng với Bắc Kinh, ông Obama nhấn mạnh.
Một trật tự an ninh hiệu quả cho châu Á phải dựa trên "không chỉ các phạm vi ảnh hưởng, hay sự ép buộc hoặc hăm dọa, nơi các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ" mà dựa trên các liên minh được xây dựng trên sự tôn trọng, ông Obama thẳng thắn nói.
4 quốc gia ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, một tuyến đường biển quan trọng của thế giới.
Nhưng Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố hầu hết Biển Đông là của mình, trong đó có vùng biển gần bờ các quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
"Đừng nghi ngờ quyết tâm của Mỹ"
Một loạt các vụ việc xảy ra hồi đầu năm nay đã khiến các láng giềng lên án mạnh mẽ các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển.
Cả Trung Quốc và ASEAN đều cần "sự ổn định và hòa bình", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar ngày 13/11, vốn có sự tham gia của các lãnh đạo ASEAN và cả ông Obama.
Trong một nỗ lực dường như nhằm giảm các căng thẳng trong khu vực, ông Lý đã gợi ý cho vay 20 tỷ USD và lập một đường dây nóng, và đề xuất "hiệp ước hữu nghị" với các quốc gia ASEAN.
Đường dây nóng nằm trong số các đề xuất trong các cuộc hội đàm cấp thấp giữa ASEAN và giới chức Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử có tính rằng buộc pháp lý giảm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Các quốc gia Đông Nam Á, vốn yếu hơn Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự, mong muốn một bộ quy tắc ứng đa phương nhưng cáo buộc Bắc Kinh cố tình trì hoãn, và cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ.
Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị của Mỹ trong các cuộc đàm phán song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền.
Và trong một dấu hiệu cho thấy những thách thức dai dẳng ở phía trước, ông Lý đã cảnh báo rằng "quyết tâm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là rõ ràng".
Còn Tổng thống Mỹ cũng thẳng thắn nói về các lợi ích lâu dài của Mỹ.
"Các thế hệ người Mỹ đã phục vụ và chết ở đây để người dân châu Á-Thái Bình Dương có thể sống tự do. Vì vậy, không ai có thể nghi ngờ quyết tâm hay cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh trong khu vực", Tổng thống Obama nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Brisbane.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm các cam kết của mình mỗi ngày, sử dụng mọi phương thức - ngoại giao, quân sự, kinh tế, sự phát triển, và sức mạnh các giá trị của chúng tôi", ông Obama tuyên bố.
--------------------------
Động đất 7,3 độ richter tại Indonesia, gây cảnh báo sóng thần
Một trận động đất mạnh 7,3 độ richter xảy ra sáng 15/11 ngoài khơi Indonesia đã gây ra cảnh báo sóng thần đối với các vùng bờ biển trong bán kính 300km.
Trận động đất xảy ra ở độ sâu 46km, được ghi nhận lúc 10 giờ 31 phút sáng giờ địa phương, tức 9 giờ 31 phút giờ Việt Nam, cách bờ biển thành phố Kota Ternate, tỉnh Maluku Bắc 154km, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết.
“Sóng thần có khả năng ập vào các bờ biển nằm trong phạm vi bán kính 300 km”, Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết.
Trung tâm này khẳng định sóng thần có thể ập vào một phần của Indonesia, cũng như Philippines, Nhật Bản, Đài Loan và các đảo tại Nam Thái Bình Dương.
Sóng thần có độ cao từ 30 cm tới 1m có thể ập vào một số khu vực tại Indonesia, trong khi các con sóng dưới 30 cm được dự báo sẽ ập vào bờ biển Philippines.
“Chúng tôi đã phát đi cảnh báo sóng thần sớm”, một quan chức của Cơ quan khí tượng Indonesia khẳng định với hãng tin AFP.
Indonesia nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, nơi các vỏ lục địa va chạm, thường xuyên gây ra những hoạt động địa chất và núi lửa
Năm 2004, một trận động đất rất lớn đã gây ra sóng thần khiến hơn 170.000 người thiệt mạng tại tỉnh Aceh, phía Tây đảo Sumatra, và hàng chục nghìn người tại các quốc gia khác bên bờ Ấn Độ Dương.
Tháng 5 và tháng 9 năm nay, những trận động đất mạnh 6,2 độ richer đã xảy ra ngoài khởi đảo Sumatra và Sulawesi của Indonesia. Hai vụ việc khiến nhiều người dân hoảng loạn rời bỏ nhà cửa dù không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra.
----------------------------
Hội nghị G20: Cơ hội hóa giải bất đồng Đông-Tây
Những căng thẳng Đông-Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đang đe dọa phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra hai ngày cuối tuần ở thành phố Brisbane của Úc. Tuy nhiên, hội nghị cũng được coi là cơ hội để các bên thực sự hóa giải bất đồng.
Đây là hội nghị lớn thứ 3 liên tiếp chỉ trong một tuần trở lại đây, sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 ở Trung Quốc và Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25 ở Myanmar.
Diễn ra trong bối cảnh đời sống chính trị và kinh tế thế giới tồn tại nhiều khó khăn, nên mục đích của G20 lần này là tập trung tìm kiếm các biện pháp “cải thiện tương lai kinh tế toàn cầu” với mục tiêu đưa kinh tế thế giới cất cánh trở lại sau nhiều nằm phục hồi ì ạch và thiếu bền vững do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, do những tranh cãi ngày càng nóng liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nên nhiều khả năng vấn đề quan hệ căng thẳng Đông - Tây mới là chủ đề gây được sự chú ý nhất tại hội nghị.
Những lời đồn đoán này được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định tình hình Ukraine sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết bà sẽ tìm kiếm các cuộc gặp “thực chất” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine, một quốc gia đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu Đông-Tây.
Những tuyên bố của bà Merkel đã gây chú ý lớn ở cả “hai đầu chiến tuyến” khi bà được đánh giá là nhà lãnh đạo duy nhất có cơ hội và khả năng trở thành "chuyên gia hòa giải" trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, bà Merkel là nguyên thủ châu Âu duy nhất có thể thường xuyên liên hệ với cả Nhà Trắng lẫn điện Kremlin.
Nhận định về cơ hội hòa giải của bà Merkel tại G20, giới phân tích nhìn chung đều có cái nhìn khá lạc quan sau khi sâu chuỗi những nỗ lực và quan điểm tiếp cận dung hòa của nhà lãnh đạo Đức.
Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, nhưng bà Merkel luôn cố gắng tiếp cận vấn đề một cách cân bằng nhất để tránh làm phức tạp thêm tình hình. Theo bà, “việc đánh giá tình hình một cách thận trọng, hay thận trọng khi đưa ra những cáo buộc nóirằng vũ khí vẫn được tuồn vào Ukraine qua biên giới với Nga là hết sức quan trọng”. Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với Nga và cần gia tăng tối đa các nỗ lực để hạn chế những kênh đối thoại làm rối rắm tình hình, ám chỉ những nỗ lực vận động gần đây của Thủ tướng Anh David Cameron trong việc thắt chặt các lệnh trừng phạt Nga và nâng cao quan điểm chống Mátxcơva.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ mối quan hệ Đông - Tây lại căng thẳng như hiện nay. Cuộc khủng hoảng ủy nhiệm ở Ukraine - một quốc gia nằm trên “đường biên giới tự nhiên” giữa Nga và phương Tây - đang tạo cơ hội hồi sinh bóng ma Chiến tranh Lạnh đúng như dự báo của các cựu lãnh đạo nổi tiếng thế giới như Mikhail Gorbachev (Liên Xô), Hans-Dietrich Genscher (Đức), Helmut Kohl (Đức), Henry Kissinger (Mỹ), Helmut Schmidt (Đức) và nhiều chính trị gia nổi tiếng khác.
Đáng lo ngại là bóng ma này đang ngày càng được các bên, vô tình hay hữu ý, thổi lớn với những cáo buộc nhằm vào nhau khiến cho cuộc đối đầu ngày càng thêm căng thẳng, thậm chí có thể đẩy Ukraine rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện do những cáo buộc điều quân ở biên giới chung Nga/Ukraine và các động thái gia tăng hiện diện quân sự của NATO gần biên giới Nga thời gian qua.
Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh G20, nơi quy tụ những quốc gia mạnh nhất trên thế giới, sẽ là “cơ hội vàng” để các bên tìm kiếm lập trường chung chấm dứt đối đầu và từng bước xích lại gần nhau vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.
---------------------------
Trung Quốc: Lập án điều tra nguyên Phó Thị trưởng Quý Dương
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 14/11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã chỉ định Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Tuân Nghĩa lập án điều tra và áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với ông Ngô Quân, nguyên Phó Thị trưởng thành phố Quý Dương, do liên quan đến các hành vi nhận hối lộ.
Ông Ngô Quân, sinh năm 1972, dân tộc Hán. Trước khi được bầu làm Phó Thị trưởng Quý Dương (4/2013), ông từng làm Tổng Giám đốc một công ty xây dựng lớn ở Quý Dương và là Phó Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xây dựng nhà ở và thành phố, nông thôn thành phố Quý Dương.
Trong một diễn biến khác, Ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Quảng Đông đã tiến hành lập án điều tra đối với Lại Ích Thành - nguyên Chủ tịch Chính hiệp thành phố Sán Đầu, do liên quan đến vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Theo kết quả điều tra, do liên quan đến tội danh cố ý giết người đã được cơ quan công an làm rõ, ông Lại Ích Thành đã bị khai trừ khỏi Đảng và tước bỏ mọi chế độ hưu trí.
Trước đó, theo báo chí Trung Quốc, tháng Bảy vừa qua, ông Lại Ích Thành đã ra tay sát hại nhân tình của mình.
Ông Lại Ích Thành, sinh năm 1945, làm Chủ tịch Chính hiệp thành phố Sán Đầu từ tháng 6/2003 đến năm 2007 nghỉ hưu.
Trước đó, ông từng làm Cục Phó Cục Công Thương thành phố Sán Đầu; Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Sán Đầu; Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp thành phố Sán Đầu từ tháng 8/1998-5/2003./.
--------------------------
Giới chức Pháp muối mặt khi "hổ sổng chuồng" chỉ là mèo nhà
Sau những chiến dịch rầm rộ để săn “hổ sổng chuồng” tại ngoại ô Paris, giới chức Pháp ngày 14/11 đã phải muối mặt thừa nhận mối đe dọa này thực chất chỉ là một con mèo nhà béo mập.
Trước đó, giới chức Pháp đã huy động cả lực lượng hiến binh, cảnh sát, binh sỹ quân đội cùng một chú chó nghiệp vụ được huấn luyện chuyên để lần tìm những con gấu. Thậm chí một máy bay trực thăng được trang bị máy quét thân nhiệt cũng được điều động để lần tìm “con hổ” đang đe dọa ngôi làng Montévrain, gần công viên giải trí Disneyland Paris.
Vậy ra nhưng sau 36 giờ tìm kiếm tích cực với sự chú ý sát sao của truyền thông thế giới, con thú dữ đang lẩn trốn, lần đầu được nhìn thấy ở bãi đậu xe một siêu thị, được giới chức Pháp tin rằng thực chất chỉ là một con mèo nhà rất to.
Con vật bí ẩn này lần đầu được chụp ảnh trong sáng thứ Năm vừa qua bởi vợ của nhà quản lý siêu thị trong làng. Bức ảnh cho thấy đầu và vai của một con vật có vẻ thuộc họ mèo trên một khu vực cỏ rậm rạp gần bãi đậu xe. Ngay sau đó một dấu chân đầy khả nghi được phát hiện gần đó.
Chỉ dựa trên những bằng chứng này, giới chức địa phương khẳng định đó là một con hổ nhỏ, có trọng lượng khoảng 70kg đang đi lại tự do ở phía Đông ngoại ô Paris, và phát động một chiến dịch săn lùng lớn với 200 cảnh sát và binh sỹ quân đội.
“Không có gì phải nghi ngờ, đó là một con hổ”, Robert Picaud lãnh đạo một nhóm tại địa phương chịu trách nhiệm quản lý vật nuôi cho biết hôm thứ Năm sau khi xem các bằng chứng. “Những dấu chân đó là thật và không phải do con người tạo ra. Những dấu chân này cùng các bức ảnh khiến không còn gì để nghi ngờ”.
Nhiều cảnh sát đã được điều động để bảo vệ các ngôi trường trong khu vực, còn người dân địa phương được khuyến cáo không nên ra đường. Câu chuyện về cuộc săn “hổ sổng chuồng” nhanh chóng được hàng loạt tờ báo và kênh truyền hình Pháp cũng như thế giới đăng tải.
Tờ Le Parisien còn đăng bức ảnh về con vật trên ngay trang nhất kèm dòng tít “Bàng hoàng cảnh báo hổ dữ” trong số ra ngày thứ Năm. Sang ngày thứ Sáu, vẫn tờ báo này chạy dòng tít lớn “Cơn sốt hổ”, khi có vẻ con thú dữ đã xuất hiện và băng ngang một tuyến đường cao tốc cách làng Montévrain chừng 10km.
Một số người đi đường khẳng định đã nhìn thấy “con hổ”, cùng thông tin về những loạt dấu chân mới được phát hiện trên nền của một trạm xăng bên đường được lan truyền.
Tình hình khiến giới chức địa phương phải phát đi thêm những cảnh báo, còn các chuyên gia về động vật xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh để hướng dẫn cách ứng phó khi bất chợt gặp “hổ”. Một trong những lời khuyên được đưa ra đó là hãy hét lớn và đừng bỏ chạy.
Gilbert Edelstein, một người dạy thú tại rạp xiếc Pinder còn khuyến khích hãy hét lớn bằng tiếng Đức nếu có thể. “Âm thanh trầm từ yết hầu sẽ khiến nó sợ mà bỏ đi”, Edelstein nói.
Dù vậy tới chiều thứ Sáu, khi các chuyên gia của văn phòng thiên nhiên và săn bắn quốc gia ONCFS vào cuộc và nghiên cứu các bằng chứng, họ lập tức kết luận “hổ sổng chuồng” chỉ là một con mèo nhà béo mập.
“Chúng tôi có thể loại trừ khả năng có sự hiện diện của một con vật thuộc loài hổ”, Eric Hansen, đại diện ONCFS nói. “Nó chỉ có khả năng là một con mèo nhà hoặc một con vật họ mèo cỡ lớn”.
-------------------------------