Thủ tướng Medvedev: đồng rúp đã mất hơn 40% giá trị!
"Tỉ giá đồng rúp suy yếu đang làm tổn thương Nga khiến nước này đã mất hàng chục tỉ USD do các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraine" - Thủ tướng Dmitry Medvedev phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga ngày 10-12.
Ông Medvedev cho biết Moscow sẽ giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Theo Thủ tướng Medvedev, nước này vẫn còn nhiều hướng đi chẳng hạn như các công ty và ngân hàng của Nga có thể chuyển hướng sang châu Á, thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Vị lãnh đạo này nhấn mạnh lịch sử đã chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không thể ở mãi trong một nước suốt thời gian dài.
“Sự suy yếu của đồng rúp có ảnh hưởng nhất định đến ngân sách và một số vấn đề khác nữa. Việc đó thực sự không thuận lợi cho đất nước và nền kinh tế” - ông Medvedev nói. Hiện đồng rúp đã mất hơn 40% giá trị của nó.
Khi được hỏi về tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Thủ tướng Medvedev thừa nhận: “Nền kinh tế có lẽ đã bị mất hàng chục tỉ USD”. Nhắc lại lời Tổng thống Vladimir Putin, ông Medvedev tái khẳng định biện pháp trừng phạt không chỉ làm tổn thương Nga mà cả những nước áp đặt chúng.
Về vấn đề Crimea, thủ tướng Medvedev tuyên bố rằng vùng này đã tách khỏi lãnh thổ Ukraine là “số phận của Nga” và cho rằng đây không thuộc phạm trù kinh tế.
-------------------------
Nga muốn là nhà cung cấp năng lượng cho châu Á
Nga và Ấn Độ dự kiến ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng hạt nhân, khoa học, hải quan, ngân hàng nhân chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Vladimir Putin trong ngày 10 và 11-12.
Trả lời phỏng vấn hãng tin PTI (Ấn Độ) trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Putin cho biết 2 bên tập trung trao đổi về các vấn đề nóng ở quốc tế và khu vực, thúc đẩy hợp tác chính sách đối ngoại nhằm tăng cường an ninh và ổn định khu vực Âu - Á lẫn trên toàn thế giới.
Quốc phòng và an ninh khu vực dự kiến là nội dung chính trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày 11-12 bởi Nga lâu nay là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng hàng đầu cho Ấn Độ. Theo nhà lãnh đạo Nga, 2 nước đã chuyển dần từ mô hình nhà sản xuất - người tiêu dùng sang hợp tác phát triển, sản xuất các hệ thống vũ khí tiên tiến, như tên lửa Brahmos và máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Hợp tác năng lượng cũng là vấn đề được quan tâm trong bối cảnh Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới và đang tìm cách tăng cường nhập khẩu năng lượng. Theo ông Putin, chuyến thăm Ấn Độ là dịp để Nga thiết lập vai trò là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho các thị trường châu Á. Moscow đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường khí đốt khi mà quan hệ với phương Tây căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra, ông Putin cho biết Nga có thể giúp Ấn Độ phát triển 20-24 đơn vị sản xuất năng lượng hạt nhân.
-------------------------
Binh lính Israel đánh chết quan chức Palestine?
Một quan chức cấp cao của Palestine thiệt mạng sau khi bị các binh lính Israel tấn công và xô đẩy trong một cuộc biểu tình tại làng Turmusiya ở khu Bờ Tây.
Theo Reuters, phóng viên ảnh của hãng này đã chứng kiến sự việc. Ông Ziad Abu Ein, bộ trưởng không bộ trong Chính quyền Palestine, chịu trách nhiệm xử lý vấn đề tái định cư của Israel, đưa ra khỏi hiện trường cuộc biểu tình ở làng Turmusiya, thuộc khu vực Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Sau khi bị tấn công, ông này tử vong khi đang trên đường tới bệnh viện TP Ramallah gần đó.
Giám đốc bệnh viện TP Ramallah Ahmed Bitawi cho biết ông Abu Ein thiệt mạng vì bị đánh vào ngực.
Một nguồn tin an ninh Palestine nói rằng các lực lượng Israel đã đánh ông Abu Ein bằng báng súng và mũ sắt trong cuộc biểu tình nói trên. Trong khi đó, một nhân chứng lại cho biết ông Ziad Abu Ein trúng phải một bình xịt hơi cay.
Theo ông Osama Najar, người phát ngôn của Bộ Y tế Palestine, các nhà chức trách sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu cái chết ông Abu Ein xuất phát từ “một hành động dã man mà chúng ta không thể im lặng hoặc chấp nhận”.
Tổng thống Palestine công bố để quốc tang 3 ngày đồng thời nhấn mạnh sẽ có “biện pháp cần thiết” sau khi mở một cuộc điều tra.
-------------------------
Triều Tiên đòi Liên Hiệp Quốc ‘xử’ Mỹ vi phạm nhân quyền
Triều Tiên chỉ trích Mỹ lấy cớ giải quyết vấn đề nhân quyền để âm mưu xâm lược quân sự, đồng thời Bình Nhưỡng đòi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “xử tội” Mỹ vi phạm quyền con người bằng việc sử dụng nhiều cách “tra tấn vô nhân đạo”, theo AFP ngày 10.12.
Phản ứng trước những tài liệu được Thượng viện Mỹ công bố mới đây về hoạt động giam giữ, thẩm vấn và tra tấn của cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đối với các nghi phạm al-Qaeda, Bình Nhưỡng cho rằng đây sẽ là “bài toán khó” thách thức sự công bằng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA), theo AFP.
Ngoài những tài liệu nêu trên, Triều tiên còn đề cập tới việc nhiều người da đen liên tục bị cảnh sát da trắng giết hại ở Mỹ thời gian gần đây, coi đó là một hành động “đê hèn, trái ngược với những tuyên bố nhân quyền của Washington”, theo AFP.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 9.12 đăng tải các tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên về vấn đề này. AFP nhận định các tuyên bố này nằm trong một loạt các nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm “đá quả bóng nhân quyền” về phía Mỹ.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng làm ngơ các vấn đề của Mỹ trong khi liên tục bàn luận về nhân quyền Triều Tiên sẽ là minh chứng cho thấy HĐBA chỉ là “công cụ khốn khổ cho âm mưu chuyên quyền của một thành viên thường trực”, theo AFP.
Phát ngôn viên này khẳng định, Mỹ đang một lần nữa lợi dụng HĐBA, vội vàng đưa vấn đề nhân quyền của Triều Tiên lên HĐBA, bỏ qua các thủ tục cần thiết tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Theo Bình Nhưỡng, Mỹ làm vậy vì lo sợ sự “gian lận chính trị” của mình sẽ phải đối mặt với sự phản đối và lên án của người dân trên toàn thế giới, theo KCNA.
Bình Nhưỡng cho rằng, vấn đề nhân quyền đã có Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức chuyên trách, nhưng Mỹ liên tục gây sức ép với âm mưu tạo ra cái cớ cho một cuộc xâm lược quân sự đối với Triều Tiên, theo KCNA.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên viện dẫn việc Washington dựa vào báo cáo sai lệch của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iraq, vượt mặt Liên Hiệp Quốc, đưa ra cái cơ rằng Iraq sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt để phát động cuộc chiến ở quốc gia Tây Nam Á này vào năm 2003.
Phát ngôn viên này cho biết, hồi tháng 7, Chính phủ Triều Tiên đã đề nghị HĐBA triệu tập họp khẩn về các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, yêu cầu chấm dứt các cuộc tập trận này, tuy nhiên HĐBA đã tránh né vấn đề và không hề phản hồi. Bình Nhưỡng cho rằng việc Mỹ - Hàn tập trận chung đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh quốc tế, vậy mà HĐBA lại không quan tâm, theo KCNA.
Lại bàn về vấn đề nhân quyền, Bình Nhưỡng cho rằng nếu HĐBA cố tình mang vấn đề nhân quyền của Triều Tiên ra thảo luận dưới áp lực của Mỹ và các đồng minh thì đó sẽ là biểu hiện rõ nhất của việc phân biệt đối xử.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định HĐBA thảo luận vấn đề nhân quyền Triều Tiên dựa trên các tài liệu giả mạo. Và báo cáo do Ủy ban điều tra về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên thì đầy rẫy những định kiến và dối trá, theo KCNA.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cân nhắc một giải pháp cho vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên do Nhật Bản và EU soạn thảo, trong đó yêu cầu đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra Tòa án hình sự Quốc tế (ICC), theo AFP.
Bình Nhưỡng đã ngay lập tức bác bỏ đòi hỏi này, cho rằng đây là âm mưu của Mỹ nhằm hạ bệ uy tín của Kim Jong-un. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc, 2 thành viên thường trực của HĐBA, đã lên tiếng bảo vệ Triều Tiên trong vấn đề nhân quyền.
Dự kiến, HĐBA sẽ tiếp tục có một cuộc họp vào tháng này để bàn về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên.
-------------------------