Tin thế giới chiều 23-03-2015: TT Indonesia: Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông - Quan hệ Mỹ - Trung qua nhãn quan của ông Lý Quang Diệu

  • Cập nhật : 23/03/2015
 TT Indonesia: Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông
 Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông “không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế”, tờ Yomiuri của Nhật Bản đưa tin.
 
Các bình luận trên của ông Widodo được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 22/3, ngay trước thăm của ông tới Nhật Bản và Trung Quốc trong tuần này. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Widodo, người nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái, đưa ra quan điểm về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
 
Indonesia, quốc gia lớn nhất trong khối Đông Nam Á, từ lâu đã trở thành bên trung gian hòa giải cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ dai dẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.
 
“Chúng ta cần hòa bình và sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều quan trọng là có sự ổn định về an ninh và chính trị để tăng cường phát triển kinh tế”, tờ Yomiuri dẫn lời ông Widodo trong bài phỏng vấn phiên bản tiếng Anh được đăng tải hôm nay 23/3.
 
“Vì vậy chúng tôi ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông cũng như đối thoại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN”, nhà lãnh đạo Indonesia nói thêm.
 
Tổng thống Widodo cũng xác nhận rằng ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác với quân đội Nhật Bản, các hoạt động cứu hộ và tìm kiếm, hỗ trợ nhân đạo và an ninh mạng, tờ Yomiuri đưa tin.
 
Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản cũng vướng vào tranh chấp lãnh thổ với trung Quốc ở Hoa Đông vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tổng thống Widodo cho hay ông hi vọng sẽ thảo luận hợp tác hàng hải với cảnh sát biển Nhật Bản “vì Nhật Bản có kinh nghiệm tốt trong việc quản lý vùng biển”, tờ Yomiuri cho biết thêm.
 
Ông Widodo hôm nay sẽ bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản. Sau đó, ông sẽ tới thăm Trung Quốc.
Indonesia và Trung Quốc có mối quan hệ quân sự phát triển hơn và Jakarta đã mua các tên lửa cũng như các thiết bị quân sự khác do Trung Quốc chế tạo.
------------------------
 Không thể thiếu nhau, sao Nga và EU vẫn đối đầu?
Dù thỏa thuận Minsk có mang hy vọng về việc lập lại hòa bình ở Ukraine, thì các biện pháp cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga vẫn được duy trì.
 
Tờ Russia Direct mới đây đã có buổi phỏng vấn với Walter Schwimmer, một nhà chính trị, ngoại giao kì cựu người Áo, người từng đảm trách cương vị Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu (EC) nhiệm kì 1999-2004 để làm rõ hơn thế kẹt của Nga và EU cũng như cách thức để hai bên thoát khỏi mớ bòng bong này.
 
Schwimmer phủ nhận quan điểm cho rằng Nga không thể là thành viên trong gia đình chung châu Âu vì không cùng chia sẻ các tiêu chuẩn giá trị. Ông dẫn chứng, thỏa thuận Minsk (12/2) cho thấy Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine đều cam kết về một tầm nhìn không gian kinh tế - nhân đạo từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. “Nga không thể tồn tại thiếu châu Âu và châu Âu cũng không thể thiếu Nga. Điều quan trọng là phải tìm ra những nền tảng chung thúc đẩy tiến trình này – ví như sự kết hợp giữa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga làm đầu tàu”, cựu Tổng thư ký EC nhìn nhận. Ông cũng nhấn mạnh, những đánh giá cho rằng chia rẽ giữa Nga - EU hiện nay là di sản của chiến tranh Lạnh và không thể vượt qua là không đúng, mâu thuẫn giữa hai bên thực ra không lớn như những lời đồn đoán.
 
Chuyên gia người Áo cũng giành phần lớn thời gian lý giải tại sao EU lại thuận theo Mỹ chống Nga trong khủng hoảng ở Ukraine. Đó là bởi sức ép lớn từ Mỹ trước châu Âu. Ngay từ đầu, EU phạm phải sai lầm khi không ý thức được rằng Ukraine có hai láng giềng lớn - EU và Nga và nếu muốn hòa bình và thịnh vượng thì phải duy trì quan hệ hữu hảo với cả hai. Tiếp đó, Brussells hầu như lặng thinh trước những tuyên bố “lấy được” của Ukraine coi thỏa thuận với Nga về căn cứ hải quân ở Sevastopol, Biển Đen là không hợp pháp - điều khiến Moskva lo ngại sẽ mất đi căn cứ này.
 
“Cách mạng Maidan” đã đẩy Nga vào EU rơi vào bẫy: Nga không còn đường thoái lui trong vấn đề Crimea còn EU lại không thể công nhận việc bán đảo này sáp nhập vào Nga. Căng thẳng đưa đến các đòn trừng phạt leo thang trả đũa lẫn nhau – điều chẳng đi tới đâu. Vậy đâu là lối thoát của cả hai? Theo phân tích của ông Schwimmer, mấu chốt vẫn là Ukraine.
 
Thỏa thuận Minsk đã định ra các trách nhiệm khá rõ ràng: Nga tác động để lực lượng đòi độc lập công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, còn EU sẽ hối thúc Kiev đối thoại với miền Đông trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu về bảo vệ và phát huy quyền của các dân tộc thiểu số; cùng với đó là kế hoạch khôi phục kinh tế cho vùng Donbass. Thực hiện nghiêm, cả Nga và EU cuối cùng cũng sẽ có được cơ hội ngồi lại với nhau, thống nhất quan điểm Ukraine cho thấy họ hoàn toàn có thể tự giải quyết cuộc xung đột nội bộ.
 
Theo ông, chiến lược của châu Âu với Nga hầu như không thay đổi, kể từ khi chiến tranh Lạnh chấm dứt. EU thậm chí còn không định ra được mục tiêu trước Nga. Ngược lại, mục đích của Mỹ thì luôn rõ ràng và nhất quán – làm suy yếu Nga hết mức có thể. Khủng hoảng Ukraine là ví dụ: Mỹ không muốn chiến tranh trực tiếp với Nga và đẩy châu Âu vào cuộc chiến kinh tế với Moskva. Cấm vận gây thiệt hại cho cả Nga và châu Âu, nhưng tại sao EU vẫn quyết theo cùng Mỹ? Đó là bởi họ muốn chứng tỏ sự đoàn kết, một sự đoàn kết phải trả giá bằng các tổn thất kinh tế với từng nước thành viên và cộng đồng doanh nghiệp. Một lần nữa, đó lại là “thế kẹt” của Nga và EU. Trừng phạt, cấm vận lẫn nhau sẽ còn tiếp diễn, đến trừng nào mà các bên liên quan ở Ukraine đi đến được một giải pháp chung.
-----------------------
 Cháy lớn tại tòa nhà Quốc hội Ấn Độ
Một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tòa nhà Quốc hội Ấn Độ ở trung tâm thủ đô New Delhi vào chiều 22/3 (giờ địa phương). Các nhân viên chữa cháy sau nhiều nỗ lực đã khống chế được ngọn lửa, may mắn không có ai bị thương.
 
Kênh truyền hình NDTV cho biết đám cháy phát ra từ trạm điện trong khu vực tòa nhà Quốc hội, nơi đang được bảo trì, vào lúc 14h21 chiều 22/3. 
 
Khoảng 30 lính cứu hỏa và 11 xe chữa cháy đã dập tắt được đám cháy sau nhiều nỗ lực. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, tòa nhà Quốc hội đang đóng cửa và chỉ có vài nhân viên làm việc bên trong. Nhà chức trách Ấn Độ cho hay không ai bị thương và toà nhà chính không bị ảnh hưởng. 
 
Sự cố xảy ra khi các kỹ thuật viên đang tiến hành kiểm tra bảo dưỡng trạm cung cấp điện cho hệ thống điều hòa của tòa nhà Quốc hội trước khi mùa hè đến. Hiện cảnh sát đang thẩm vấn các kỹ thuật viên có mặt tại hiện trường để tìm ra nguyên nhân gây ra đám cháy.
 
Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ do một kiến trúc sư người Anh thiết kế và được khánh thành vào năm 1927.
-------------------
Quan hệ Mỹ - Trung qua nhãn quan của ông Lý Quang Diệu
Trong cuốn sách "Lý Quang Diệu: Hiểu biết bậc thầy về Trung Quốc, Mỹ và Thế giới", cựu Thủ tướng Singapore đã đưa ra các kiến giải về vấn đề địa chính trị nổi bật của thế giới vào lúc này: đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc. 
 
Ông Lý cho rằng thay vì tìm cách cản trở sự vươn lên của Trung Quốc trở thành siêu cường toàn cầu, Mỹ nên tìm cách làm việc một cách tích cực với Trung Quốc để định hình nên một trận tự thế giới mới.
Dưới đây là trích lược bài phỏng vấn của nhiều chuyên gia với cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
 
- Ông hình dung thế nào về mâu thuẫn chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc?
 
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu: Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không tránh khỏi, nhưng xung đột thì không. Đây không phải là Chiến tranh Lạnh. Liên Xô cạnh tranh với Mỹ vì vị thế tối ưu toàn cầu. Còn Trung Quốc chỉ hành động đơn thuần vì lợi ích của nước họ. Họ không quan tâm tới việc thay đổi thế giới.
 
Sẽ có một cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng [giữa Mỹ và Trung Quốc]. Tôi nghĩ nó sẽ dịu dần vì Trung Quốc cần Mỹ, cần các thị trường của Mỹ, công nghệ Mỹ và sinh viên của họ cần tới Mỹ để học các cách thức và phương tiện để học kinh doanh, từ đó cải thiện vận mệnh của mình. (…)
 
Không như quan hệ Mỹ - Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh, ở đây không có xung đột về mặt ý thức hệ đến mức không thể nhân nhượng giữa Mỹ và một nước Trung Quốc nhiệt tình theo đuỏi thị trường. Quan hệ Trung – Mỹ bao gồm cả hợp tác và cạnh tranh. Cạnh tranh giữa họ là không thể tránh khỏi, nhưng xung đột thì không. (…)
 
Nguy cơ xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ rất thấp. Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng vị thế độc tôn của Mỹ là áp đảo và sẽ còn như vậy trong vài thập kỷ tới. Họ sẽ hiện đại hóa lực lượng của mình không phải để thách thức với Mỹ mà là nếu cần, thì có thể gây sức ép với Đài Loan bằng cách phong tỏa hoặc cách khác là gây bất ổn kinh tế.
 
Việc Trung Quốc tăng cường quân sự đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ rằng Trung Quốc rất nghiêm túc về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, họ không muốn đụng độ với bất kỳ ai – ít nhất là trong 15-20 năm tới.
 
Trung Quốc tự tin rằng trong 30 năm tới thì quân đội của họ sẽ chủ yếu bắt kịp với quân đội Mỹ về mức độ tinh vi. Còn về lâu dài, họ không coi mình bất lợi trong cuộc chiến này.
 
Trung Quốc sẽ không để cho phiên tòa quốc tế nào phân xử tranh cãi biển đảo ở biển Đông, nên sự hiện diện của hỏa lực Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương là cần thiết nếu như Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc không chiếm ưu thế.
 
- (Cựu) Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố về tư tưởng cân bằng quyền lực lỗi thời trong thế kỷ 21 như sau: “Cả hai [Mỹ và Trung Quốc] đều không thể tiếp tục nhìn thế giới bằng lăng kính cũ nữa, cho dù đó là di sản của chủ nghĩa đế quốc, Chiến tranh Lạnh, hay là thuyết cân bằng quyền lực. Lối nghĩ một mất một còn sẽ chỉ dẫn đến các kết cục tiêu cực”. Vậy theo ông thì việc cân bằng quyền lực sẽ đóng vai trò gì trong chiến lược của Mỹ đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?
 
Lối nghĩ thận trọng cho thấy nên có một sự cân bằng về quyền lực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này phản ánh trong một sự đồng thuận rộng rãi rằng nên duy trì sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.
 
Hiện diện quân sự không phải lúc nào cũng hữu ích. Sự hiện diện của Mỹ mang lại một điều khác biệt và vì hòa bình, ổn định của khu vực. Còn sự ổn định này lại vì lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả của Trung Quốc. (…)
 
Thế giới phát triển chính vì sự ổn định mà Mỹ thiết lập. Nếu như sự ổn định đó bị lung lay, chúng ta sẽ có một bối cảnh khác.
 
Trong vòng 20-30 năm tới thì phần còn lại của châu Á - kể cả Nhật và Ấn Độ - cũng không thể sánh ngang Trung Quốc về trách nhiệm cũng như công suất. Do đó chúng ta cần Mỹ để tạo ra thế cân bằng.
 
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể tiếp tục vai trò là người chơi then chốt về mặt an ninh và kinh tế tại Thái Bình Dương hay không. Nếu có, tương lai của Đông Á sáng lạn. Nhưng nếu kinh tế Mỹ không khôi phục khả năng cạnh tranh thì đó sẽ là rắc rối.
 
Tổng thống Nixon là một nhà chiến lược thực dụng. Ông chủ trương làm việc với Trung Quốc chứ không kiềm chế, nhưng ông cũng có thể lặng lẽ tạo dựng cho mình một thế cờ nếu như Trung Quốc không chơi theo luật như một công dân toàn cầu tử tế.
 
Trong bối cảnh đó, với các quốc gia sẽ buộc phải lựa chọn về phe một nào đó, ông sẽ thu xếp để lôi kéo Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga về phe của mình.
 
- Theo ông, các lãnh đạo Trung Quốc có suy nghĩ nghiêm túc về việc thay thế Mỹ để trở thành cường quốc số một tại châu Á và trên thế giới không?
 
Tất nhiên rồi. Tại sao lại không chứ? Bằng phép thần kỳ kinh tế, họ đã chuyển biến một xã hội nghèo nàn giờ đây thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – mà như Goldman Sachs đã dự đoán, họ sẽ còn trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 
Họ đã theo chân Mỹ đưa người vào không gian, và bắn hạ các vệ tinh bằng tên lửa. Những gì họ có là một nền văn hóa hơn 4000 năm cùng với 1,3 tỉ dân và với nguồn vốn khổng lồ và rất nhiều tài năng để sử dụng. Vậy thì làm sao họ lại không mong muốn trở thành số một ở châu Á và cả thế giới?
 
Ngày nay, Trung Quốc đang tăng trưởng với tỉ lệ mà 50 năm trước không thể tưởng tượng ra, một sự chuyển mình mạnh mẽ tới mức không ai dự đoán nổi. Người dân Trung Quốc cũng nâng cao các kỳ vọng và tham vọng của mình. Mỗi người Trung Quốc đều muốn có một nước Trung Quốc giàu và mạnh, một quốc gia thịnh vượng, tân tiến và công nghệ cao như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự thức tỉnh về vận mệnh chính là một sức mạnh không thể cưỡng lại được.
 
Không giống như các quốc gia đang nổi khác, Trung Quốc muốn trở thành chính Trung Quốc và được chấp nhận với tư cách như vậy chứ không phải là thành viên danh dự của phương Tây. Trung Quốc sẽ muốn chia sẻ thế kỷ này với Mỹ một cách ngang bằng.
 
- Vậy Mỹ cần điều chỉnh chính sách và hành động như thế nào để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc?
 
Đối với Mỹ, về mặt cảm xúc thì họ không thể nào chấp nhận việc để cho một người châu Á hất cẳng mình khỏi tây Thái Bình Dương, chứ không phải toàn thế giới, nhất là khi người đó từ lâu đã coi thường và xua đuổi họ với một sự miệt thị như là kẻ suy đồi, bạc nhược, bê tha và lạc lõng.
 
Ý thức về tính siêu việt của văn hóa của Mỹ sẽ khiến cho sự điều chỉnh này trở nên khó khăn nhất. Người Mỹ tin rằng các tư tưởng của họ là phổ quát – tính siêu việt của việc thể hiện cá nhân, tự do và giải phóng. Nhưng thực tế thì họ không phải và cũng chưa bao giờ như vậy.
 
Xã hội Mỹ quá thành công trong một thời gian dài như vậy không phải nhờ các tư tưởng và nguyên tắc trên, mà bởi vì một số may mắn về mặt địa chính trị: một nguồn tài nguyên dồi dào và năng lượng từ người nhập cư, dòng vốn và công nghệ rất lớn đổ về từ châu Âu, và hai đại dương rộng lớn ngăn các xung đột trên thế giới không lan tới đất Mỹ.
 
Mỹ không ngăn được Trung Quốc trỗi dậy. Họ buộc phải chung sống với một Trung Quốc lớn hơn và điều này hoàn toàn lạ lẫm đối với Mỹ vì chưa từng có quốc gia nào đủ lớn để thách thức vị thế của Mỹ. Trung Quốc sẽ có thể làm được điều này trong vòng 20-30 năm tới. Rốt cuộc, Mỹ buộc phải chia sẻ vị thế vượt trội của mình với Trung Quốc.
 
Trong cán cân thế giới, Trung Quốc sẽ chiếm một quy mô rất lớn, đến mức thế giới buộc phải tìm ra một cán cân mới. Không thể nào giả bộ rằng đây chỉ là một người chơi lớn khác. Đây thực sự là người chơi lớn nhất trong lịch sử thế giới.
 
Quốc hội Mỹ đang phản đối bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mới nào. Nếu như Quốc hội mới tiếp tục phản đối FTA, họ sẽ lãng phí thời gian quý báu và có thể sẽ là quá muộn để làm lại. Quốc hội Mỹ phải nhận thức được mức độ rủi ro tới mức nào, và viễn cảnh cho một mối quan hệ cân bằng và vô tư giữa Mỹ và các thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên ngặt nghèo.
 
Mỗi năm, Trung Quốc thu hút xuất nhập khẩu từ các nước láng giềng nhiều hơn những gì Mỹ làm từ cả khu vực này. Nếu không có FTA, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các quốc gia ASEAN sẽ hòa nhập vào với nền kinh tế Trung Quốc – đó là một kết cục không thể tránh khỏi.
 
- Theo ông Mỹ nên tránh các chính sách và hành động gì khi đương đầu với sự vươn lên của Trung Quốc?
 
Đừng coi Trung Quốc là kẻ thù. Nếu không họ sẽ phát triển một chiến lược chống đối để đánh đổ Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế, họ cũng đang thảo luận về một chiến lược như vậy. Đua tranh giữa hai quốc gia để tìm thế độc tôn ở tây Thái Bình Dương là điều không tránh khỏi, nhưng không nhất thiết dẫn tới xung đột.
 
Các nhóm nhân quyền Mỹ moi móc Trung Quốc mà phớt lờ các khác biệt về văn hóa, giá trị và lịch sử, coi các cân nhắc chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung còn không quan trọng bằng một nghị trình đối nội của Mỹ. Cách tiếp cận bừa bãi này có nguy cơ biến Trung Quốc trở thành kẻ thù truyền kiếp của Mỹ. Hiểu thực tế văn hóa Trung Quốc hơn sẽ có thể tạo ra mối quan hệ ít đối đầu hơn. (…)
 
Chính Mỹ chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác có thể khiến Trung Quốc hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Nhưng việc Mỹ bày tỏ mong muốn khiến Trung Quốc dân chủ hơn đã khiến khó khăn nảy sinh. Trung Quốc bực bội và phản kháng, coi điều này là một sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ.
 
Các cường quốc bên ngoài không thể nhào nặn lại Trung Quốc theo đúng hình ảnh của họ. Xã hội Mỹ quá đa nguyên, lợi ích của họ quá đa dạng để có thể có một quan điểm duy nhất hoặc đồng nhất về Trung Quốc. Đôi khi, câu chữ trong lối nói ở Mỹ khiến cho Trung Quốc ngờ ngợ rằng khi Mỹ nói ‘tham gia’ thì đó không phải là tham gia vào một cuộc chiến. Trung Quốc cần phải tin rằng Mỹ không muốn cắt đứt với Trung Quốc trước khi họ sẵn sàng thảo luận các vấn đề về an ninh và ổn định của thế giới.
-------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo