Nga tố cáo Mỹ cố tình ‘hạ bệ’ Tổng thống Putin
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích gay gắt chính phủ Mỹ, tố cáo nước này lợi dụng vấn đề Ukraine để “hạ bệ” Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Reuters dẫn ngày 8.12.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định rằng, phải mất nhiều năm thì các mâu thuẫn ở Ukraine mới có thể được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt về tài chính, quốc phòng và năng lượng nhằm vào Nga.
Ông Sergei Ryabkov còn tố cáo Mỹ âm mưu chia rẽ các thành viên Liên bang Xô Viết cũ, mà ví dụ điển hình nhất là những động thái mang tính công kích của Washington trong vấn đề Ukraine.
“Rõ ràng, những lệnh cấm vận của phương Tây đều nhằm mục đích tạo áp lực lên các điều kiện xã hội, kinh tế để dẫn đến một cuộc thay đổi quyền lực có thể diễn ra ở Nga”, hãng tin ITAR-TASS (Nga) dẫn phát biểu của ông Ryabkov tại Hạ viện.
Moscow cho rằng, tuy các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây không có cơ sở pháp lý, nhưng nước này không mong đợi nhiều thay đổi trong tương lai gần, và quan hệ Nga – Mỹ lúc này đang rất lạnh nhạt, theo Reuters.
Ông Ryabkov nhận xét, khó có thể tìm ra một phương pháp giải quyết các vấn đề nêu trên một cách nhanh chóng trong hoàn cảnh hiện nay, đồng thời quả quyết sẽ phải mất hàng thập kỷ nữa thì phương Tây mới công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.
-------------------------
Tướng Trung Quốc ‘mê vàng’ tham nhũng 5 tỉ USD
Trung tướng Cốc Tuấn Sơn của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bị ám ảnh bởi vàng và bị phát hiện tham nhũng số tiền lên đến 5 tỉ USD, Reuters dẫn nguồn chuyên san Hồng Kông Phoenix Weekly hôm nay 8.12.
Phoenix Weekly, chuyên san Hồng Kông là ấn bản của Đài truyền hình Phoenix vốn có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, nói rằng tổng số nguồn lợi bất chính trong vụ án Cốc Tuấn Sơn lên đến 30 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 5 tỉ USD bao gồm 600 triệu Nhân dân tệ tiền hối lộ mà ông Cốc đã nhận.
Tướng Cốc rất yêu vàng, đặc biệt là tượng Phật vàng. Ông ta thích nhận những món quà bằng vàng hơn là vàng thỏi. “Ông Cốc luôn có đúng những gì ông ta muốn”, một người thân cận giấu tên cho biết trên chuyên san.
Vụ án tham nhũng của Cốc Tuấn Sơn liên quan đến tướng Từ Tài Hậu - người đã nghỉ hưu ở Quân ủy Trung ương năm ngoái và rời khỏi Bộ Chính trị năm 2012 - một trong những quan chức quân đội cấp cao nhất bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Dù không trực tiếp nêu tên, nhưng chuyên san cho biết ông Cốc nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, và người này có tên “T”. Kết quả điều tra vụ hối lộ của Cốc Tuấn Sơn được công bố vào tháng 6.2014.
Chủ tịch Tập Cận Bình công bố chiến dịch truy quét tham nhũng, hay còn được biết đến với chiến dịch “Săn Cáo”, từ khi làm tổng Bí thư Trung Quốc vào năm 2012. Đây là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong thời điểm này, tờ chuyên san nêu.
Vào tháng 3, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã bị tòa án quân sự khởi tố với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và mua quan bán chức. Vụ việc gây chấn động dư luận Trung Quốc thời điểm đó do khối tài sản tịch thu từ nhà riêng của ông rất lớn.
-------------------------
Mỹ lo ngại tác động của chính phủ Trung Quốc đến trao đổi văn hóa
Tuần trước, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã điều trần về tính minh bạch và tác động của chương trình Viện Khổng Tử của Trung Quốc đối với tự do học thuật ở Mỹ.
Tại buổi điều trần hôm 4.12 ở Washington, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã xem xét gần 100 Viện Khổng Tử hoạt động ở các trường đại học Mỹ. Viện Khổng Tử có mục đích truyền bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc, cung cấp các giảng viên để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại các đại học Mỹ.
Song nhiều trường đại học đã lo ngại về ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc đến các Viện Khổng Tử, cho rằng các viện này đe dọa đến tự do học thuật, giám sát sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài và thúc đẩy các mục đích chính trị của Trung Quốc.
Hạ nghị sĩ Chris Smith nói rằng, ông sẽ đề nghị xem lại thỏa thuận học thuật của các trường đại học Mỹ với Trung Quốc. “Các trường đại học Mỹ không nên để mất đi sự kiểm soát học thuật, việc giám sát sinh viên và các ngành học cũng như chương trình học vào tay một chính phủ nước ngoài” – ông phát biểu.
Tại buổi điều trần, Giáo sư danh dư Đại học Chicago Marshall Sahlins cáo buộc các Viện Khổng Tử là “chi nhánh ở nước ngoài” của chính phủ Trung Quốc. Giáo sư Perry Link của Đại học California nói rằng không nên trao những người trẻ của Mỹ cho một chính phủ khác chỉ vì chính phủ đó cung cấp ngân quỹ. Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ và đối tác của họ ở Canada đã thúc giục các trường đại học chấm dứt trao đổi đối tác với Viện Khổng Tử, trừ phi việc kiểm soát học thuật được trao cho trường chủ nhà. Hội đồng Trường học Toronto ở Canada và Đại học Bang Pennsylvania đều đã hủy các kế hoạch hợp tác với Viện Khổng Tử. Tháng 9 vừa qua, Đại học Chicago cho biết, họ sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian hoạt động của Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường.
Xia Yeliang, một giáo sư Trung Quốc bị sa thải khỏi Đại học Bắc Kinh năm ngoái, cảnh báo rằng các chương trình trao đổi học thuật với Trung Quốc mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn, chẳng hạn các học giả thăm viếng có thể đóng vai trò là gián điệp.
Đáp lại các lo ngại của phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới được thành lập bởi các trường đại học một cách tự nguyện, và các viện này thúc đẩy việc học tiếng Trung, cũng như thúc đẩy trao đổi học thuật, văn hóa giữa các nước với Trung Quốc. Bà gọi những cáo buộc của phía Mỹ là những “định kiến” với chương trình Viện Khổng Tử.
“Mọi lớp học và hoạt động văn hóa đều cởi mở và minh bạch. Phía Trung Quốc cung cấp giáo viên và hỗ trợ tư liệu giảng dạy theo yêu cầu của phía Mỹ. Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào tự do học thuật” – bà Hoa phát biểu.
-------------------------
Mỹ để lại hơn một vạn quân ở Afghanistan
Mặc dù NATO đã chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan nhưng Mỹ vẫn sẽ duy trì khoảng 10.800 binh sĩ ở lại quốc gia này trong 3 tháng đầu năm 2015.
Ngày 8/12, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Afghanistan sau 13 năm thực hiện chiến dịch lật đổ chế độ Taliban nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001.
Theo AP, liên minh NATO và lực lượng quân đội Afghanistan đã đánh dấu sự kiện kể trên bằng một buổi lễ hạ cờ ở thủ đô Kabul.
Phát biểu trong buổi lễ, tướng Mỹ John F.Campbell, chỉ huy lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế của NATO (ISAF) cho biết, nhiệm vụ của ISAF sẽ chuyển sang vai trò huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan trong cuộc chiến chống lại các phần tử Taliban, bắt đầu từ ngày 1/1 năm sau.
Bến cạnh đó, tướng John Campbell cũng vinh danh kết quả mà liên quân đã đạt được trong chiến dịch lật đổ chế độ Taliban, đồng thời khẳng định lực lượng Afghanistan hiện đã đủ khả năng tự đảm nhận trọng trách giữ gìn an ninh cho đất nước và thực tế đã lãnh đạo cuộc chiến chống Taliban từ giữa năm 2013.
"Afghanistan đã trở nên an toàn và thịnh vượng hơn bao giờ hết. Các phần tử Taliban đã bị đẩy lùi và lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan sẽ tiếp tục đảm trách nhiệm vụ chiến đấu với kẻ thù", tướng John F.Campbell cho biết.
Kể từ ngày 1/1/2015, ISAF sẽ duy trì 13.000 binh sĩ ở Afghanistan. Tính đến ngày 1/12 năm nay, có khoảng 13.300 binh sĩ của liên quân đồn trú tại quốc gia Tây Nam Á này.
Một quan chức quân đội Mỹ cho biết, khoảng 10.800 binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Afghanistan trong ba tháng đầu năm 2015, nhiều hơn 1.000 quân so với kế hoạch trước đây. Tuy nhiên, vào cuối năm 2015, tổng số binh lính Mỹ sẽ giảm xuống còn 5.500 quân và sẽ rút toàn bộ quân vào cuối năm 2016.
-------------------------