Trung Quốc từ chối Tòa Trọng tài Quốc tế phán quyết vụ kiện Biển Đông
Chỉ còn một tuần nữa là đến thời hạn Trung Quốc phải trình ra Tòa Trọng tài Quốc tế các lập luận của họ về “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, đáp lại vụ kiện của Philippines, song Trung Quốc chính thức tuyên bố sẽ không tham gia vụ kiện.
Ngày 7.12, Trung Quốc đưa ra tài liệu tuyên bố gồm 93 điểm phản đối việc xét xử của Tòa Trọng tài ở The Hague, nơi Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước khác. Tuyên bố của Trung Quốc cũng một lần nữa khẳng định một cách vô lý rằng họ có chủ quyền duy nhất với khu vực “đường lưỡi bò nói trên”.
Trong tài liệu ngày 7.12, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và ngụy biện khi cho rằng việc Philippines kiện ra tòa không phải là cách thức để giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Thậm chí Trung Quốc còn cho rằng Philippines đang gây sức ép chính trị: “Bằng cách viện đến trọng tài, là gây sức ép chính trị với Trung Quốc, phủ nhận quyền hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông thông qua cái gọi là ‘diễn dịch hoặc áp dụng’ Công ước”.
Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế từ tháng 3.2014, với cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp. Tòa Trọng tài đề ra thời hạn 15.12 để Trung Quốc biện luận trả lời Philippines. Song Trung Quốc nhiều lần nói rằng tòa không đủ thẩm quyền giải quyết vụ kiện, và Trung Quốc sẽ giải quyết tay đôi với Philippines.
Trong khi ASEAN đã thống nhất Biển Đông là tuyến đường biển quốc tế quan trọng, cần giải quyết đa phương, thì Trung Quốc đòi “mặc cả” với từng nước trong vấn đề này.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc tham gia của Trung Quốc là không nhất thiết, bởi vì Tòa Trọng tài không nhằm giải quyết tranh chấp, mà sẽ tuyên bố tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra, cũng như phân loại các đảo và đá ở Biển Đông theo tinh thần Công ước Luật Biển của LHQ mà Trung Quốc là một bên ký kết.
Một phán quyết của tòa có lợi cho Philippines có thể làm suy yếu tuyên bố “lưỡi bò” của Trung Quốc, cái mà các nước và nhiều học giả xác định là không có cơ sở rõ ràng chiểu theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, Chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu tài liệu của Trung Quốc và có phản hồi sau đó.
-------------------------
Thủ đô Ý rung chuyển vì xìcăngđan chính trị gia cấu kết mafia
Ngày 6-12, thủ đô Ý tiếp tục rung chuyển khi có thêm một số chính trị gia bị phát hiện có dính líu tới các băng đảng mafia.
Theo hãng tin ANSA, nhà chức trách Rome đã mở cuộc điều tra bà Micaela Campana, nghị sĩ Đảng Dân chủ cầm quyền (PD).
Trong một số đoạn băng ghi âm do cảnh sát công bố, bà Campana nói chuyện rất thân mật với Salvatore Buzzi, kẻ trung gian giúp trùm mafia Massio Carminati hối lộ quan chức thành Rome để giành các hợp đồng thầu xây dựng.
Kẻ cầm đầu mạng lưới mafia này là Massio Carminati, người được mệnh danh là “hoàng đế cuối cùng của thành Rome”. Hắn đã bị bắt tuần trước cùng gã trung gian Buzzi. Cả hai bị buộc tội hối lộ các quan chức Rome và Lazio để giành những hợp đồng thầu trị giá hàng trăm triệu euro từ năm 2008 đến 2013, khi ông Alemanno còn giữ chức thị trưởng.
Theo Viện công tố Rome, Buzzi nhờ bà Campana giúp tìm hiểu về một gói thầu bị tòa án địa phương chặn lại. Trong một đoạn băng ghi âm khác, Buzzi nói với trùm mafia Carminati rằng hắn sẽ chuyển tiền cho một "nữ nghị sĩ". Cơ quan điều tra cho rằng “nữ nghị sĩ” đó chính là bà Campana.
Một ngày trước đó ba thành viên đảng PD đang giữ chức vụ cao trong chính quyền Rome phải từ chức do bị điều tra. Báo chí Ý đưa tin nhiều khả năng Thị trưởng Rome Ignazio Marino, cũng là đảng viên PD, sẽ cách chức một số quan chức khác của Rome.
Hôm 2-12, cả nước Ý chấn động khi Viện Công tố Rome bắt giữ 37 người tội cấu kết với mafia và tịch thu số tài sản trị giá 253 triệu USD. Nhà chức trách cũng điều tra 40 người khác, bao gồm nhiều quan chức đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu.
Các nghi can bị cáo buộc cấu kết với mafia, tham nhũng, rửa tiền, cho vay nặng lãi, biển thủ công quỹ… Các công tố viên Ý khám nhà cựu thị trưởng Rome Gianni Alemanno. Nhà chức trách khẳng định cuộc điều tra cho thấy mafia đã xâm nhập sâu vào nền kinh tế thành Rome, móc ngoặc với các chính trị gia và giám đốc các công ty nhà nước.
Mới đây Thủ tướng Ý Matteo Renzi tuyên bố ông “bị sốc nặng” vì vụ bê bối quy mô lớn này. Thị trưởng Rome Marino tuyên bố sẽ cho rà soát lại hàng loạt hợp đồng thầu của thành phố để phát hiện dấu vết tham nhũng và tội phạm.
-------------------------
Syria tố Israel ném bom gần thủ đô
Quân đội Syria ngày 7-12 tố cáo máy bay chiến đấu Israel ném bom 2 khu vực gần thủ đô Damascus của nước này nhằm vào phong trào Hezbollah, kẻ thù của Tel Aviv.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Syria bắt đầu tháng 3-2011, làm chết hơn 200.000 người, Israel đã thực hiện nhiều cuộc không kích tại đây, mục tiêu là các hệ thống vũ khí tối tân bao gồm tên lửa phòng không do Nga và Iran sản xuất.
2 cuộc không kích “trái phép” hôm 7-12 được Israel tiến hành gần sân bay quốc tế Damascus và bên ngoài thị trấn Dimas gần biên giới Lebanon.
Tư lệnh lực lượng vũ trang Syria cho biết “các cuộc tấn công trắng trợn” đã gây ra thiệt hại vật chất nhưng không tiết lộ cụ thể.
Hãng tin nhà nước SANA (Syria) dẫn lời quân đội nước này khẳng định: “Israel hỗ trợ trực tiếp quân khủng bố Syria cùng với các nước trong khu vực Trung Đông và phương Tây để cổ vũ tinh thần cho các phong trào khủng bố, đặc biệt là Mặt trận al-Nusra”.
Theo Giám đốc Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdurrahman, vụ không kích gần sân bay quốc tế Damascus nhằm vào một kho vũ khí mới được chuyển đến căn cứ quân sự đặt tại khu vực này.
Tương tự, kho vũ khí bên ngoài thị trấn Dimas cũng bị dội bom nhưng hiện chưa rõ số vũ khí kể trên thuộc về chính phủ Syria hay phong trào Hezbollah.
Israel chưa bao giờ xác nhận các cuộc không kích và như thường lệ, đã bác bỏ cáo buộc của Damascus hôm 7-12. Syria hiện cũng chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy Israel hỗ trợ nhóm Mặt trận al-Nusra liên kết tổ chức khủng bố al-Qaeda bên trong lãnh thổ của mình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần đe dọa sẽ có hành động quân sự để ngăn chặn Syria chuyển vũ khí cho đồng minh Hezbollah – kẻ thù truyền kiếp của Tel Aviv sau cuộc xung đột dữ dội vào năm 2006.
Tháng 5-2013, Israel thực hiện một loạt cuộc không kích gần Damascus nhắm lục tiêu vào lô hàng tên lửa Fateh-110 do Iran sản xuất, được Syria cung cấp cho Hezbollah, theo lời giới chức Israel.
Cùng ngày 7-12, máy bay chiến đấu Syria 11 lần dội bom vào 4 khu vực gần căn cứ không quân trọng điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Đông. Một quan chức quân đội Syria nói với hãng tin AP rằng lực lượng chính phủ đã hoàn toàn kiểm soát căn cứ này.
“IS cố gắng phản công nhưng thất bại. Hàng chục người thiệt mạng và một lượng lớn vũ khí bị thu giữ” – vị quan chức tiết lộ.
-------------------------
Triều Tiên thay tư lệnh không quân
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 8-12 đưa tin nước này đã thay tư lệnh không quân khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một đơn vị không quân quan trọng.
Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) đã xác định Trung tướng Choe Yong-ho là người chỉ huy lực lượng không quân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), trong khi gọi người tiền nhiệm - Thượng tướng Ri Pyong-chol - là một “thành viên có trách nhiệm” của Đảng Lao động Triều Tiên.
Tướng Ri đã chỉ huy lực lượng không quân cho đến tháng trước, theo các bản tin trước đó của KCNA. Lý do cụ thể của sự thay đổi này không được tiết lộ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thay đổi giới chức quân sự khá thường xuyên kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm củng cố quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang của quốc gia “kín kẽ” bậc nhất thế giới.
“Ông ấy nhấn mạnh rằng các phi công cần phải nghiên cứu sâu những kế hoạch cất cánh và hạ cánh, không chỉ tại sân bay của đơn vị mà cả những sân bay không quen thuộc khác cũng như đặc điểm địa lý của chúng” - KCNA viết.
Không quân Triều Tiên là nhánh lớn thứ hai của KPA, với khoảng 110.000 binh sĩ và 1.600 - 1.700 máy bay các loại.
Trong một diễn biến khác, KCNA hôm 7-12 bác bỏ Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào công ty Sony. "Vụ tấn công có thể là hành động thấu tình đạt lý của những người ủng hộ Triều Tiên" - KCNA viết.
Bài viết cũng chỉ trích Hàn Quốc "tuyên truyền các tin đồn sai sự thật về Triều Tiên" liên quan đến vụ việc, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng "có rất nhiều người ủng hộ Triều Tiên trên toàn thế giới".
Theo KCNA, "Guardians of Peace" (Người bảo vệ hòa bình) - nhóm tin tặc nhận trách nhiệm vụ tấn công Sony - chỉ là một nhóm trong số những người cảm thông với Triều Tiên.
-------------------------