Mỹ tung “Kiếm sắc” đối phó Nga, Trung Quốc
Trong cuộc tập trận Mỹ - Nhật Keen Sword (Kiếm sắc), Washington đã triển khai chiến đấu cơ F-22A và F-35A thuộc thế hệ thứ 5 mới nhất của mình trong các bài tập không chiến.
Hãng tin CNS (Trung Quốc) cho biết cuộc tập trận hướng tới các tình huống chiến đấu và chiến lược trên không, bao gồm 2 mục tiêu chính là máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc.
Nhật báo Air Force Times (Mỹ) cũng xác nhận chiến đấu cơ F-22 đóng tại căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson thuộc bang Alaska – Mỹ đã có mặt trong cuộc tập trận Keen Sword ngày 18-11, nhằm làm cho Bắc Kinh “choáng váng”.
“Quân đội Mỹ tập trung vào các hoạt động chống tàu ngầm, tàu nổi, không đối không và phòng không, do một trong những đơn vị quân đội Mỹ mạnh nhất ở Tây Thái Bình Dương thực hiện” - Air Force Times tiết lộ.
Đầu năm 2013, cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc tại căn cứ không quân Osan, cách thủ đô Seoul hơn 60 km về phía Nam, không nằm ngoài mục đích "dằn mặt"Triều Tiên và phô trương sức mạnh quân sự đối với Trung Quốc.
Ngày 19-11 vừa qua, quân đội Mỹ cũng tổ chức tập trận tại căn cứ không quân Eglin ở bang Florida, với sự kết hợp của 2 thế hệ chiến đấu cơ hiện đại bậc nhất.
Ngoài ra, trong thời gian tiến hành cuộc tập trận Kiếm sắc, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công chiến đấu cơ F-35C, cất và hạ cánh trên tàu sân bay USS Nimitz trong điều kiện thời tiết cực kỳ bất lợi, thậm chí dưới mức hoạt động tiêu chuẩn.
Trong khi Bắc Kinh đang vật lộn để phát triển thế hệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, kế thừa 2 chiếc J-20 và J-31, thì Washington dường như đã đi trước một bước. Theo lực lượng Hải quân Mỹ, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của họ - gọi tắt là FAXX - sẽ thay thế cho phiên bản F/A-18E/F Super Hornet và EA-18G Growler hiện tại, dự kiến trình làng vào năm 2030.
Một số nguồn tin quân sự tiết lộ thế hệ chiến đấu cơ thứ 6 của Mỹ sẽ do tập đoàn Lockheed Martin và Boeing phát triển, được Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ ngân sách trong năm 2015.
Andrei Grigoryev, người đứng đầu Quỹ Nghiên cứu Quân sự triển vọng của Nga cho biết gần đây Moscow cũng lên kế hoạch phát triển thế hệ chiến đấu cơ tiếp theo.
Dù vậy, chưa có nhiều thông tin về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Hầu hết mọi người đều cho rằng chúng sẽ được trang bị vũ khí laser hoặc súng điện từ.
-------------------------
Đồng tiền Nga sụt giá xuống mức thấp kỷ lục
Đêm qua 1-12, giá đồng rúp của Nga sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục do giá dầu tụt dốc, khiến mối lo ngại về nền kinh tế Nga leo thang.
TTO - Theo Reuters, trong phiên giao dịch hôm qua giá đồng rúp giảm tới 4% so với đồng USD, hiện ở mức 1 USD đổi được 52 rúp và một euro đổi được 65 rúp. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ năm 1998. Một số nguồn tin cho biết Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp để ngăn đồng rúp giảm sâu hơn.
Các quan chức ngân hàng Nga thừa nhận tình hình kinh tế nước này đang “vô cùng phức tạp”. Nền kinh tế Nga phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu, do đó giá dầu giảm đã đẩy đồng rúp vào cảnh lao đao. Hôm qua giá dầu thô tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 66,34 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 7-2009.
Trước đó Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng cho biết giá dầu giảm và cấm vận của phương Tây khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 140 tỷ USD mỗi năm. Chuyên gia Konstantin Sonin thuộc Trường Kinh tế cấp cao Matxcơva chỉ trích việc điện Kremlin cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
“Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây hoàn toàn vô nghĩa và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Nga nhiều hơn là các nhà sản xuất phương Tây” - chuyên gia Sonin nhấn mạnh. Khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược tại Matxcơva cho thấy lệnh cấm này khiến người tiêu dùng Nga thiệt hại 1 tỷ USD vì dẫn tới tình trạng giá thực phẩm ở Nga tăng vọt.
Nhà kinh tế Mikhail Delyagin thuộc Viện Vấn đề toàn cầu ở Matxcơva cảnh báo nếu chính phủ Nga không cải thiện được tình trạng hiện nay, các ngân hàng Nga sẽ rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân bởi người tiêu dùng Nga gửi tiền USD trong các ngân hàng sẽ rút tiền ồ ạt vì lo sợ.
-------------------------
Nga hủy dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu
Tổng thống Putin tuyên bố hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt qua miền nam châu Âu có tên "South Stream" nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của EU trong cuộc họp bàn hợp tác thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.
Hủy bỏ đường ống dẫn khí đốt South Stream mà Nga và EU đã thỏa thuận trước đó được xem là đòn đáp trả mạnh tay của Putin đối với lệnh trừng phạt mà EU và các nước phương Tây áp đặt lên Moscow.
Sau tuyên bố hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt qua miền nam châu Âu, Tổng thống Putin không quên khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đối tác lớn thứ hai của Moscow, chỉ sau Đức. Và Putin cũng hứa hẹn giá khí đốt bán cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giảm đặc biệt 6% và tăng thêm 3 tỉ mét khối khí trong năm tới, theo Reuters ngày 1.12.
Đường ống South Stream do Tập đoàn dầu khí Gazprom và Tập đoàn năng lượng ENI của Ý cùng khởi xướng, triển khai hồi tháng 6 nhằm giảm sự phụ thuộc trung chuyển khí đốt sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Kiev.
Việc hủy bỏ dự án đường ống dài 900 km, vốn 40 tỷ USD cũng đồng nghĩa với việc Moscow đang từ bỏ nguồn lợi từ việc bán 63 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm sang miền nam châu Âu, gấp 4 lần so với nguồn lợi từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ đường ống của Tổng thống Putin là vết nứt rõ ràng cho thấy mối quan hệ căng thẳng leo thang giữa Moscow và EU, khi ngay chính EU cũng đang muốn hạn chế sự phụ thuộc khí đốt từ Nga.
Trước đó, Nga đã kêu gọi EU bãi bỏ lệnh trừng phạt lên Moscow và cam kết từ bỏ các biện pháp trả đũa đối với phương Tây vào ngày 30.11, chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng và năng lượng, theo Reuters. Nhưng cho đến nay, EU và các nước phương Tây vẫn phớt lờ thiện chí của Nga.
Thực tế, Nga vốn là đối tác lớn của EU khi cung cấp 30% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng “việc sáp nhập Crimea, Nga đã tự tạo mối rào cản lớn cho dự án đường ống South Stream”.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong vòng xoáy lợi ích kinh tế bất chấp những bất đồng chính trị ở Syria và Ukraine. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin cho thấy những khởi sắc từ Istanbul trong việc tìm đồng minh kinh tế của Moscow.
-------------------------
Căn cứ không quân Mỹ ở Hàn Quốc bất ngờ đóng cửa
Căn cứ Không quân Mỹ ở thành phố Osan (Hàn Quốc) được đặt trong tình trạng đóng cửa hôm nay 1.12 sau khi nhận thông tin cho rằng một tay súng đang có mặt tại trường học nằm bên trong căn cứ này.
“Chúng tôi nhận được báo cáo cho rằng có khả năng một tay súng có mặt bên trong căn cứ. Một hành lang phong tỏa được thiết lập và lực lượng an ninh đang rà soát khu vực”, AFP ngày 1.12 dẫn thông cáo từ Không đoàn Chiến đấu cơ 51 - của Không lực 7 thuộc Không quân Mỹ đồn trú tại Osan - đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook.
Một binh sĩ tên Stacy Foster tại Osan cho biết mọi người trong căn cứ được lệnh giữ nguyên vị trí cho đến khi có thông báo tiếp theo, theo hãng tin AP (Mỹ).
Trường Trung học Mỹ nằm bên trong căn cứ không quân này cũng bị đóng cửa. Hiệu trưởng Morgan Nugent cho biết lệnh đóng cửa được đưa ra như một biện pháp đề phòng trước một cuộc gọi điện thoại được cho là giả mạo, thông báo về một cuộc diễn tập ứng phó với một kẻ xả súng.
“Một trong số giáo viên của chúng tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại nói có một cuộc diễn tập ứng phó với xả súng. Nhưng không hề có cuộc diễn tập nào được lên kế hoạch nên chúng tôi quyết định đóng cửa toàn bộ trường học để đảm bảo an toàn”, ông Nugent.
Không đoàn chiến đấu cơ 51 cho biết một cuộc rà soát an ninh toàn căn cứ sẽ được tiến hành. “Một khi chúng tôi nhận được thông tin cho biết rằng mối nguy hiểm không còn nữa chúng tôi sẽ mở cửa tiếp tục dạy học bình thường”, ông Nugent cho biết thêm.
Căn cứ Không quân Osan là tổng hành dinh của Không lực 7 thuộc Không quân Mỹ, theo AP.
-------------------------