Truy tố nguyên Tổng Giám đốc Công ty Intimex Hà Nội
Ngày 1/12, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thăng Long, 54 tuổi, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần và sản xuất thương mại Intimex Hà Nội (Công ty Intimex Hà Nội) về 2 tội danh gồm "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự và "Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự; Nguyễn Trọng Hải, 50 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, nguyên Phó Giám đốc Công ty Intimex Hà Nội về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Thăng Long và Nguyễn Trọng Hải: Từ ngày 19/12/2007 đến ngày 19/5/2008, ông Long đã chỉ đạo ông Hải lập khống hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa việc chuyển 10,7 tỉ đồng cho ông Lương Quang Thi, Giám đốc Công ty Phú Mỹ, tỉnh Hòa Bình và Công ty Toàn Năng, tỉnh Phú Thọ với nội dung góp vốn sản xuất kinh doanh tinh bột sắn. Tuy nhiên, sản xuất ra bột sắn không bán được sản phẩm.
Việc làm nêu trên của Nguyễn Thăng Long và Nguyễn Trọng Hải đã vi phạm luật kinh doanh năm 2005 và điều lệ tổ chức hoạt động năm 2008 của Công ty Intimex Hà Nội về trách nhiệm quản lý tài sản của Tổng Giám đốc công ty. Hành vi của 2 bị can Long và Hải đã gây thiệt hại về tải sản cho Công ty Intimex Hà Nội cho đến năm 2013, khi khởi tố vụ án hình sự là 13,4 tỉ đồng, gồm 5,6 tỉ đồng tiền gốc và hơn 7,8 tỉ đồng trả lãi vay ngân hàng do chuyển tiền đầu tư trái pháp luật.
Cũng theo cáo trạng, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với Nguyễn Thăng Long thể hiện từ ngày 17/1 đến ngày 28/1/2008, Công ty Intimex Hà Nội do ông Long làm Tổng Giám đốc là khách hàng thường xuyên mua cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ở tỉnh Gia Lai. Qua đó đã được bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp gợi ý và giới thiệu với ông Long với bà Ngô Thị Thu Hoa, chuyên kinh doanh bất động sản tại thành phố Pleiku.
Sau khi bàn bạc thống nhất giữa 3 người, ông Long đã đồng ý góp vốn kinh doanh bất động sản chung, đồng thời chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm giả nhiều hợp đồng mua bán cà phê với các doanh nghiệp để tín chấp vay tiền của 3 ngân hàng và chuyển hơn 15 tỉ đồng góp vốn cá nhân với bà Lan Anh và bà Thu Hoa. Quá trình kinh doanh bất động sản bị thua lỗ, không thu hồi được vốn góp để trả cho Công ty Intimex Hà Nội số tiền 8,3 tỉ đồng lãi vay trả ngân hàng.
Qua vụ án này cho thấy sự sơ hở trong việc lập phương án kinh doanh, quản lý vốn tại Công ty Cổ phần Intimex Hà Nội.
-------------------------
Vì sao taxi Uber mới xuất hiện ở Việt Nam đã bị 'sờ gáy'?
Xe không đăng ký dịch vụ cung cấp taxi, nhưng tài xế thu tiền của khách sử dụng dịch vụ và trả 20% cho nhà cung cấp dịch vụ Uber. Loại hình vận chuyển này đang nở rộ ở Việt Nam.
Trảm ngọn ở gần
Thông tin mới nhất từ Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP.HCM cho hay, hôm 1/12, 'đội đặc nhiệm' của đơn vị này vẫn đang tiếp tục 'lùng và xử lý' taxi Uber.
"Ra quân hôm 28/11, đội này vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ được giao. Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng chắc chắn số lượng taxi Uber được phát hiện và xử lý gia tăng", một cán bộ Thanh tra giao thông cho biết.
Cũng theo vị cán bộ này, trước khi Thanh tra giao thông nhận chỉ thị ‘ra quân’, Sở GTVT với sự tham mưu của Phòng quản lý vận tải đường bộ đã có cuộc làm việc cùng nhiều sở-ngành liên quan trước đòi hỏi thực thi nhiệm vụ quản lý đối với loại hình taxi Uber.
Sau cuộc làm việc này, Sở GTVT TP.HCM đã chỉ thị lực lượng Thanh tra giao thông lập tức phối hợp cùng Cảnh sát giao thông vào cuộc. Ngay trong ngày đầu tiên 'ra quân', đội 1 thuộc Thanh tra giao thông TP.HCM đã phát hiện và xử lý 5 taxi Uber.
Những chủ xe bị Thanh tra giao thông phát hiện đều thừa nhận tại biên bản vi phạm sự hợp tác với Uber cung cấp dịch vụ taxi. Đáng nói hơn, chủ xe vi phạm cũng thừa nhận phương tiện dùng vận chuyển khách đi xe không hề đăng ký kinh doanh mà chỉ là xe cá nhân, gia đình sử dụng.
Cả chủ xe lẫn khách đi xe đều thừa nhận giao dịch thu- chi tiền phí dịch vụ taxi với Uber. Cụ thể, khách đi xe thanh toán tiền với Uber qua thẻ, còn chủ xe được nhận từ Uber 80% số tiền khách đi xe trả, cũng thanh toán qua thẻ.
Điều này đồng nghĩa với việc Uber thu lợi 20% tổng số tiền phí dịch vụ taxi mà khách đi xe trả, dù Uber đang hiện diện tại TP.HCM và Việt Nam nói chung theo cách ‘chui’ hoàn toàn.
Nói cách khác, toàn bộ mô hình taxi Uber tại TP.HCM và đang manh nha xuất hiện tại Hà Nội, chiếu theo các quy định hiện hành của Pháp luật Việt Nam, từ quy định vận tải đến quy định kinh doanh, đều bất hợp pháp.
Nhìn gốc ở xa
Đến thời điểm này, hầu như Uber ‘vô hình’ với cơ quan chức năng tại TP.HCM bởi công ty đang điều khiển cả mô hình taxi nằm tận Singapore. Tại TP.HCM, Sở KH-ĐT khẳng định Uber chưa hề thiết lập vưn phòng đại diện hay doanh nghiệp theo bất cứ mô hình nào đúng quy định của quốc gia sở tại.
Hồi cuối tháng 10, ông Mike Brown, Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á (trụ sở tại Singapore), được báo Thanh Niên dẫn lời, nói rằng Uber “chỉ đặt văn phòng đại diện nhỏ tại Việt Nam từ tháng 6/2014”. Tuy nhiên, địa chỉ ‘văn phòng’ lại thuộc diện ‘bảo mật’(?).
Điều tra tiếp theo của ký giả báo này cho thấy tại Việt Nam có một ‘nhân vật’ tên Đặng Việt Dũng tự xưng là Giám đốc Uber Việt Nam. Tuy nhiên, vị giám đốc này chỉ hé lộ vai trò ‘tiếp thị’ mà thôi, mọi vấn đề khác không liên quan.
Trong khi đó, hôm 29/11, báo điện tử Dân Trí dẫn lời ông Karun Arya-Giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á & Ấn Độ, khẳng định Uber đã ký hợp đồng với gần 200 ‘đối tác’ tại Việt Nam. Điều này phản ánh thực tế Uber phát sinh giao dịch lẫn thu-chi trên lãnh thổ Việt Nam mà không hề có đại diện theo quy định của nước sở tại.
Câu hỏi đặt ra là Uber đang kinh doanh ‘chui’? Và các hợp đồng hợp tác mà ông Karun Arya đề cập có giá trị pháp lý tại Việt Nam?
Ông Karun Arya còn nói rằng Uber không sở hữu hay vận hành bất kỳ phương tiện vận chuyển nào tại Việt Nam, nên mọi trách nhiệm và nghĩa vụ, nếu phát sinh với người đi xe và quốc gia sở tại đều do ‘đối tác’ chịu trách nhiệm thực hiện.
Nếu Uber không ‘vận hành’ thì mô hình taxi Uber hoạt động nhờ đâu? Ai thu tiền của khách đi xe và ai trả tiền cho chủ xe tham gia mô hình này? Phát ngôn từ Uber vừa thiếu trách nhiệm vừa khiến người nghe lấy làm khó hiểu?
Cơ quan chức năng đang rất rõ ‘chủ xị’ hay gốc của mô hình taxi Uber chính là Uber chứ không ai khác, song đến thời điểm này chỉ có thể ‘nhìn gốc từ xa’ mà chưa có cách chi chạm đến. Mặt khác, theo ý kiến từ một cán bộ Thanh tra giao thông thì “đây là chuyện lớn mà cấp sở hay địa phương khó lòng xử lý rốt ráo”.
Trước mắt tại TP.HCM, cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý những chủ xe tham gia mô hình taxi Uber nhưng không đăng ký kinh doanh cho phương tiện cũng như vi phạm một số vấn đề khác theo quy định hiện hành.
Vậy là những ‘đối tác’ của Uber lâm cảnh ‘giơ đầu chịu báng’, còn Uber thì thu lợi và bình chân như vại. Trong kinh doanh, để mô hình phát triển bền vững, có lẽ Uber phải hiện diện hợp pháp hơn và trách nhiệm hơn, nếu muốn giữ chân ‘đối tác’ của mình.
Uber nói rằng từ khi ra đời đến nay đã hiện diện trên 200 quốc gia. Tuy nhiên với cách hiện diện ‘lụi’ như tại Việt Nam, Uber đang vấp phải làn sóng ‘tẩy chay’ từ nhiều quốc gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan vừa chính thức ban bố lệnh cấm Uber hoạt động hôm 28/11. Trước đó, cả Singapore là nơi Uber đặt trụ sở cấp khu vực cũng ban lệnh kiểm soát mô hình taxi này. Indonesia cũng đã có lệnh tương tự.
-----------------------------
Thu hồi nhà của ông Trần Văn Truyền tại TP.HCM
UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi nhà, đất số 105 đường Nguyễn Trọng Tuyển (P.15 Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trước đây đã giải quyết bán cho con gái ông Trần Văn Truyền.
Theo quyết định được ký vào ngày 1/12, lý do phải thu hồi được nêu rõ: việc giải quyết cho ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ) thuê căn nhà nói trên trong khi ông Truyền đã được hưởng chính sách về nhà ở, đất ở tại Bến Tre (đã được mua căn nhà số 6 Lê Quý Đôn, P.1, thị xã Bến Tre - diện tích đất hơn 176 m2, diện tích nhà hơn 266 m2 theo nghị định 61 của Chính phủ) là chưa phù hợp.
Đồng thời, căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển (TP.HCM) được bố trí cho ông Truyền sử dụng, sau đó được giải quyết cho bà Trần Thị Ngọc Huệ (con ông Truyền) được thuê căn nhà này thay cho cha, nhưng khi bán nhà lại bán cho bà Huệ và cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bà Huệ là không đúng đối tượng.
Cũng theo quyết định của UBND TP, trường hợp nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển được bố trí cho ông Truyền thuê sử dụng ngày 16/6/2004 (sau ngày quyết định 118 ngày 27/11/1992 của Thủ tướng), phải tạm dừng bán nhà trong thời gian chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Do vậy, việc bán nhà trong thời điểm Chính phủ chưa có chủ trương bán nhà là chưa phù hợp.
Ngoài ra, tại thời điểm giải quyết bán căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển, TP.HCM đã căn cứ dự thảo nghị định của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà đất ở thuộc sở hữu nhà nước để làm căn cứ xác định giá bán nhà, giải quyết bán căn nhà này là chưa chặt chẽ về mặt pháp lý.
Quyết định trên đây của UBND TP cũng hủy bỏ công văn 1640/UBND-ĐTMT ngày 6/6/2011 của UBND TP chỉ đạo việc bán căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển cho bà Trần Thị Ngọc Huệ.
Sở Xây dựng TP được giao thu hồi, hủy bỏ quyết định về duyệt giá bán căn nhà; UBND quận Phú Nhuận (TP.HCM) được giao thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận nhà đất đã cấp, đứng tên bà Huệ và ông Bùi Thanh Phương.
Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP được giao khẩn trương lập thủ tục thu hồi căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển và lập thủ tục hoàn trả tiền nhà cho gia đình bà Trần Thị Ngọc Huệ.
UBND TP cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng TP thực hiện quyết định nêu trên, hoàn tất việc thu hồi căn nhà, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP trước 10/12.
--------------------------
Công an sẽ vào cuộc vụ 'phí bôi trơn sổ đỏ 8 triệu'
UBND TP Hà Nội vừa thông báo về kết quả thanh tra công tác cấp sổ đỏ tại một số dự án trên địa bàn thành phố cho thấy có dấu hiệu thu tiền để "làm sổ đỏ nhanh".
UBND TP Hà Nội vừa thông báo kết quả thanh tra công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm và dự án khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp HAPULICO quận Thanh Xuân.
Sự việc trên đã được thanh tra trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về tiêu cực trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân mua nhà tại hai dự án trên và sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Với nội dung phản ánh các hộ dân phải nộp phí "bôi trơn" mới được cấp sổ đỏ, Thanh tra thành phố đã gặp mặt một số hộ dân, đồng thời lập 85 phiếu lấy ý kiến phản ánh của các hộ dân nhà CT5B dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) và lập 150 phiếu lấy ý kiến của các hộ dân tại dự án HAPULICO (quận Thanh Xuân).
Kết quả có 9/85 hộ dân (tại khu CT5B) và 12/150 hộ (khu HAPULICO) gửi phiếu phản ánh nhân viên của chủ đầu tư có phổ biến cho các hộ dân phải nộp tiền (8 triệu đồng tại khu Mễ Trì và 5 triệu đồng dự án HAPULICO) để "làm sổ đỏ nhanh".
Khi đoàn thanh tra tổ chức đối thoại, có sự chứng kiến của các chủ đầu tư, phần lớn các hộ dân có ý kiến phản ánh đã khẳng định nhân viên của chủ đầu tư đã thu tiền của các hộ dân để "làm sổ đỏ nhanh". Nhưng, nhân viên của hai công ty không thừa nhận việc đã phổ biến và thu tiền. Từ kết quả xác minh, thanh tra kết luận là có dấu hiệu thu tiền để "làm sổ đỏ nhanh".
Về ý kiến nghi ngờ có "đường dây làm sổ đỏ từ cơ sở lên Sở Tài nguyên và Môi trường", trong quá trình thanh tra thu thập tài liệu và đối thoại với các hộ dân, Thanh tra thành phố chưa có tài liệu làm căn cứ để kết luận việc có đường dây làm sổ đỏ. Vì thế, Đoàn Thanh tra sẽ chuyển toàn bộ vụ việc sang cơ quan công an điều tra sâu hơn.
Chiều nay (2/12), thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thông tin cho báo chí về việc này với sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra thành phố.
----------------------------
Đề xuất đưa cước vận tải vào danh mục bình ổn giá
Hôm 1/12, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá.
Dù giá cước vận tải hàng hóa bằng ôtô không nằm trong danh mục bình ổn giá, nhưng để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ôtô, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 177.
Cụ thể, sửa đổi điều 3 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần.
Sửa đổi, bổ sung điểm 1 khoản 2 điều 15 hiện nay đang quy định chỉ giá cước vận tải tuyến cố định, taxi là danh mục bắt buộc phải kê khai, đề nghị sửa thành tất cả các loại giá cước vận tải bằng ô tô đều bắt buộc kê khai.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, giá cước vận tải bằng ôtô đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải lại không giảm giá cước vận tải, gây bức xúc cho dư luận.
Nghị định 177 ban hành năm 2013 đã quy định, bắt buộc kê khai giá cước taxi và tuyến cố định, các hình thức vận tải khác do Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét bổ sung vào danh mục kê khai.
Khảo sát tại các tỉnh cho thấy, hầu hết các địa phương chưa thực hiện quản lý giá cước vận tải hàng hóa, hợp đồng, du lịch trong khi giá cước hàng hóa ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa.
Trước đó đầu tháng 11, Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát lại giá cước vận tải cho phù hợp vì xăng dầu liên tục giảm giá.
Ý kiến của ngành tài chính cho rằng, trường hợp biến động của chi phí xăng dầu tác động làm giảm giá thành vận tải thì doanh nghiệp phải tính toán, kê khai lại giá cước đặc biệt là những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng, dầu tăng giá trong năm nay.
-------------------------
Sẽ xử lý trách nhiệm vụ dự án triệu đô trên đèo Hải Vân
Là khẳng định của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong buổi tiếp xúc cử tri 5 quận của TP.Đà Nẵng ngày 1/12.
Ngày 1/12, tại buổi tiếp xúc cử tri của 5 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng), Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, sẽ xử lý, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan dự án khu du lịch World Shine trên đèo Hải Vân.
“Xây dựng kinh tế và quốc phòng - an ninh là hai nhiệm vụ chiến lược luôn phải song song với nhau. Không vì bất kỳ lý do gì để bất chấp xây dựng kinh tế mà bỏ qua quốc phòng - an ninh. Xin bà con cử tri cứ yên tâm”, ông Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định.
Như tin đã đưa, dự án 250 triệu USD của nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) trên đèo Hải Vân đã được tỉnh TT-Huế tạm dừng, chờ quyết định của Thủ tướng.
-----------------------