Hàng loạt học sinh nhập viện sau khi tiêm vacxin sởi
Nhiều học sinh trường tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn... sau khi tiêm phòng nên đã nhập viện cấp cứu.
Sự việc xảy ra khoảng 10h ngày 28/11 khi 6 học sinh được khẩn trương đưa vào bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ để chăm sóc và theo dõi, 3 em được chuyển đến bệnh biện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn và có em đã ói sau khi tiêm vacxin sởi, rubella.
Các bệnh nhi này cùng học chung lớp 4, trường tiểu học Ngô Quyền, TP Cần Thơ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Khoa Nhi bệnh viện Phụ sản - cho biết các bệnh nhi nhập viên trong tình trạng mệt mỏi và có thể là do tâm lý khi tiêm. Những học sinh này đã được cho thở oxy, uống nước đường và truyền dịch.
Hiện sức khỏe các em đã tạm ổn định, 3 học sinh đã xuất viện vào đầu giờ chiều cùng ngày.
-------------------------
Xe container 'trèo' lên vỉa hè cuốn nạn nhân vào gầm
Khoảng 9h ngày 28/11, tại ngã tư nông trường Đồng Giao (Thị xã Tam Điệp, Ninh Bình), một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra. Người thiệt mạng là một nhà giáo về hưu.
Theo các nhân chứng, thời điểm trên, khi người đàn ông trung niên đang ngồi trên xe máy trên vỉa hè dừng chờ đèn đỏ (do nhà nạn nhân ở gần đó), chiếc xe container từ dưới lòng đường bất ngờ liệng lên. Chiếc xe trọng tải lớn cuốn nhà giáo về hưu vào gầm, kéo lê gần 10 m khiến ông tử vong tại chỗ.
Vụ tai nạn xảy ra lúc đông phương tiện đi lại, hàng trăm vây kín hiện trương gây ách tắc giao thông cục bộ, đường phố hỗn loạn.
Sau khi gây tai nạn, tài xế dừng xe rồi rời khỏi hiện trường. CSGT Ninh Bình sau đó đã có mặt lập biên bản, điều tra vụ việc.
-------------------------
Hai bé gái bị chó tấn công
Đang xem hai con chó cắn nhau trước nhà, bé gái 2 tuổi ở quận Tân Phú, TPHCM, bất ngờ bị một con lao tới tấn công tới tấp vào mặt.
Bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Các bác sĩ phải khâu gần 200 mũi trên gương mặt cô bé, nghiêm trọng nhất là một vết suýt trúng mắt, 2 vết thương khác ở cằm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răm Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, đây là một trong những trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng nhất mà khoa từng tiếp nhận.
"Phải dùng đến 9 cuộn chỉ y khoa mới khâu kín được các vết cắn ngang dọc trên gương mặt bé", bác sĩ Hằng cho biết. Đến nay tình trạng sức khỏe của bé khá ổn định và xuất viện, song bé vẫn tiếp tục được theo dõi sau điều trị.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bé gái 8 tuổi ở Tây Ninh bị chó nhà tấn công khi đến gần xem chó ăn. Không nghiêm trọng bằng ca trên nhưng theo các bác sĩ, bệnh nhi bị cắn gần đứt tai phải, mặt và cằm có hơn chục vết cắn cào với độ sâu đáng kể. Bé được khâu vá các vết thương và xuất viện trong tình trạng ổn định. May mắn, cả hai ca đều không có dấu hiệu bị mắc bệnh dại.
Theo bác sĩ Hằng, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 trẻ bị chó tấn công, vết thương chủ yếu ở vùng đầu mặt. Trường hợp nghiêm trọng nhất, bệnh nhi bị chó cắn mất một bên má.
Các bác sĩ khuyến cáo, chó là vật nuôi gần gũi với con người nhưng bản năng hoang dã khiến nó có những phản ứng rất quyết liệt khi đang ăn, ngủ hoặc nuôi con.
Chó thường có chiều cao ngang với tầm mặt trẻ em nên vết thương chó cắn ở trẻ đa số gây tổn thương ở vùng mặt. Bộ răng chó cấu tạo thích hợp với việc ăn thịt nên vết cắn sẽ xé rách và gây thiếu nhiều da cơ, gây khó khăn cho việc phẫu thuật và tính thẩm mỹ vết thương khi lành.
Hơn nữa, động tác đi đôi với cắn là cào, móng vuốt của chó rất dơ nên khả năng nhiễm trùng cao, đặc biệt là vi khuẩn uốn ván. Do vậy, khi bị chó cắn, ngoài chích ngừa dại, phụ huynh nên chích ngừa thêm cho bé huyết tháng chống vi khuẩn uốn ván.
Để tránh tai nạn do chó cắn, người nuôi chó nên nhốt hoặc xích chúng lại, không thả chạy rong trong nhà hoặc đeo mõm chó trước khi cho tiếp xúc với người. Đặc biệt cần lưu ý là phải đưa chó đi chích ngừa dại định kỳ để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Trẻ nhỏ hiếu động nên tránh tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần.
-------------------------
Đang ngủ, rắn cạp nia bò vào giường cắn
Chị Nguyễn Mai H. (trú tại Mỹ Hào, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng bị sụp mí mắt sau khi bị con rắn cạp nia tấn công trong lúc ngủ. Hiện sức khỏe của chị vẫn đang được các bác sĩ theo dõi sát.
Chị Nguyễn Mai H. vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai sau khi bị rắn độc cắn. Con rắn cắn chị H. được xác định là rắn cạp nia.
Người nhà của chị H. cho biết khoảng tối ngày 25/11 vợ chồng chị đang ngủ trong nhà thì rắn bò vào giường cắn chị H. Người nhà đã bắt được con rắn và gọi xe đưa chị đi viện nhưng đến 7h ngày 26/11 chị H. mới tới bệnh viện Bạch Mai.
Khi nhập viện, chị H. có tổn thương là sụp mí mắt. Các bác sĩ đang theo dõi sát bệnh nhân H. để có biện pháp điều trị tích cực.
Các bác sĩ trong Trung tâm cho biết, Việt Nam không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên các bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng nhiễm độc của nọc rắn cạp nia. Vì vậy bệnh nhân cần theo dõi, nếu có triệu chứng gì sẽ có biện pháp điều trị cụ thể.
Nằm cạnh giường bệnh của chị H. là anh Mai Văn L. trú tại Tiền Hải, Thái Bình. Anh L. cho biết trưa ngày 12/11 sau khi đi làm về đến một đoạn mương, anh bị con rắn cạp nia cắn vào mắt cá chân.
Ngay sau đó, anh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình và được các bác sĩ đặt nội khí quản do bị liệt hô hấp vì nọc rắn cạp nia ngấm vào cơ thể.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang có 4 bệnh nhân điều trị do rắn độc cắn trong đó có 3 bệnh nhân điều trị do rắn cạp nia cắn, 1 trường hợp do rắn lục cắn.
Khi lên Bệnh viện Bạch Mai anh L. có triệu chứng liệt cơ, liệt hô hấp nên phải thở bằng máy thở. Sau 12 ngày sử dụng máy thở, đến nay sức khỏe của anh L. đang hồi phục dần, bệnh nhân đã tự thở và chờ rút ống nội khí quản.
Cháu Nguyễn Thị K. 16 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh cũng bị rắn lục núi cắn ở mắt cá chân. Giọng thều thào, K. cho biết em bị một con gì cắn ở chân vào buổi tối. Gia đình đưa em vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển. Tại đây, bác sĩ chưa biết con gì cắn nhưng nghi bị rắn độc cắn nên chuyển em lên Bệnh viện Bạch Mai.
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán cháu K. bị rắn lục núi cắn. Hiện nay sức khỏe của cháu đang khá dần.
Nọc độc của rắn ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó có đến 33 loài rắn có độc trong đó chia thành hai họ rắn: Họ rắn hổ (hổ mang chúa, hổ mang bành, cạp nong, cạp nia) và Họ rắn lục.
Trong đó, chỉ có rắn hổ mang bành và hổ mang chúa là tấn công người, còn lại các loại rắn khác chỉ cắn khi bị người dẫm phải hoặc trêu chọc nó. Nọc độc của rắn độc đi theo đường tĩnh mạch và bạch mạch đến các cơ quan trong cơ thể, không đi theo động mạch.
Đặc điểm của loài rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn không gây đau, vì thế người bệnh hầu như không biết bị cắn, hoặc có cảm giác chỉ như một vết xước. Tuy nhiên, nọc độc loài rắn này lại có thể gây liệt hô hấp, liệt cơ.
Nếu có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia thì bệnh nhân chỉ cần điều trị 3-4 ngày là khỏi, song ở Việt Nam hiện chưa có nên phải điều trị nạn nhân bị rắn cạp nia cắn bằng máy thở kéo dài đến 4-5 tuần, dễ gây biến chứng viêm phổi, loét da, suy thận, nhiễm trùng bệnh viện, …. Chi phí điều trị khá tốn kém.
Còn rắn hổ mang bành cắn gây đau đớn, chảy máu, phù nề, hoại tử ngay tại chỗ cắn, bệnh nhân thường có biến chứng suy thận, loét những mảng da lớn. Rắn hổ mang chúa cắn gây rất đau đớn, phù nề nhưng không hoại tử, có thể gây liệt. Rắn lục thường gây chảy máu, tan máu, tổn thương tiêu cơ vân gây suy thận.
Nếu phát hiện được người bị rắn độc cắn phải cần phải sơ cứu ngay, rồi mới vận chuyển đến bệnh viện. Không để nạn nhân tự đi lại, vì vận động làm tăng tốc độ lan tỏa của nọc độc. Cần bất động chi bị cắn bằng nẹp, băng ép vết cắn nếu do một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, hổ mang thường) để làm chậm triệu chứng liệt.
Tuyệt đối không băng ép, bất động khi biết là rắn lục cắn vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ. Cần phải chuyển nạn nhân bằng phương tiện nhanh nhất đến cơ sở y tế gần nhất mà ở đó có máy thở hoặc ít nhất có bóng ambu. Nếu nạn nhân bị liệt thì phải khai thông đường hô hấp như đặt nạn nhân ở tư thế dễ thở, hút đờm dãi, hô hấp nhân tạo...
Không can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu. Không làm ga rô; không chích, rạch, châm, chọc tại vết cắn; không đắp các loại thuốc y học dân tộc, hóa chất lên vết cắn...
Không sử dụng “hòn đá” chữa rắn cắn, không chườm lạnh hoặc đốt vết cắn. Ở cơ sở y tế cần khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để trung hòa nọc độc càng sớm càng tốt.
-------------------------