Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, được sự hỗ trợ tích cực của Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, Đại sứ quán đã xác minh được danh tính của hai nạn nhân người Việt trong vụ tai nạn đâm xe liên hoàn xảy ra tại Incheon, Hàn Quốc ngày 11/2.
Theo hãng tin AP, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9h40. Hơn 100 xe ôtô đã húc nhau do sương mù dày đặc làm hạn chế tầm nhìn của các tài xế. Hai người đã thiệt mạng và hơn 65 người bị thương.
Theo Đại sứ quán, hai nạn nhân người Việt là chị Nguyễn Thị An, sinh năm 1987, quê Hải Dương và chị Nguyễn Thanh Hương, sinh năm 1984, đều lấy chồng Hàn Quốc. Đại sứ quán liên hệ trực tiếp với chị Nguyễn Thị An và được biết chị An đã nhập quốc tịch Hàn Quốc và bị nạn khi trên đường từ sân bay Incheon về thủ đô Seoul. Nạn nhân thứ hai là chị Nguyễn Thanh Hương đang làm thủ tục nhập quốc tịch Hàn Quốc và vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Đại sứ quán đã liên hệ để tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên số điện thoại của chị đang bị khóa theo yêu cầu của chủ thuê bao.
Đại sứ quán cho biết thêm, tối 11/2, Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã liên lạc lại với Đại sứ quán và cải chính rằng hai nạn nhân người Việt trên chỉ bị thương nhẹ không gây nguy hiểm đến tính mạng như truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin trong ngày 11/2. Hiện cả hai nạn nhân trên đều đã xuất viện về với gia đình.
Bé trai khoảng 3 tuổi đi lạc trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM được người dân phát hiện vào chiều nay (12/2). Hiện cháu bé đang được một cán bộ khu phố chăm sóc và đã báo đến UBND và công an phường…
Vào khoảng 16 giờ chiều nay (12/2), anh Trần Hữu Quang, Phó Bí thư Khu phố 11, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM phát hiện bé trai mặc áo sọc ngang, máu tím và trắng, quần đùi màu vàng có in hình con gấu, chân mang dép đi lạc tại hẻm số 618 đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM.
Anh Quang cho biết: “Thấy bé đi lạc, hỏi cháu không biết xưng tên, chỉ biết nói bi bô, hỏi tên mẹ, ba thì cháu không nói được. Bé có nói là bà tên là Tí. Do cháu đi lạc, lang thang ngoài đường, sợ xe cộ qua lại nguy hiểm, với lại cháu còn quá nhỏ, tôi ở khu phố này biết cháu là từ nơi khác đến, do vậy đã chở bé đến UBND phường 11 và Công an phường 11, quận Gò Vấp trình báo vụ việc”.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về cháu bé, cơ quan chức năng tiến hành các bước thông báo để tìm cha mẹ và người thân của bé trai này. Tuy nhiên, do vào cuối buổi chiều, không có ai trông giữ và chăm sóc cháu, anh Quang cùng với anh Thanh bảo vệ dân phố khu phố 11 đã đưa cháu về nhà cho ăn uống và chăm sóc bé.
Ai biết thông tin về bé trai này, xin liên hệ Công an phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM (ĐT 08.35899744, địa chỉ 133 đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp), hoặc anh Quang, theo số điện thoại 0908361898.
-----------------------
Bộ Quốc phòng lập đội cứu trợ thiên tai và trạm cứu nạn trên biển
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020. Năm nay, Bộ Quốc phòng bắt đầu xây dựng các Đội cứu trợ thiên tai và 5 trạm tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án; kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các tình huống cơ bản; đầu tư xây dựng cơ bản; sản xuất, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng bảo đảm hoạt động thường xuyên cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm; sản xuất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu, thông dụng đưa vào dự trữ tại các khu vực bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả.
Cụ thể, từ năm 2015 - 2020, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các Đội hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; các đơn vị kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn, cứu sập đổ công trình; các Trạm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa).
Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2016, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia về: tai nạn tàu, thuyền trên biển; sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản; Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân và tán phát hóa chất độc hại; Sự cố động đất, sóng thần; Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; sự cố vỡ đê, hồ, đập...
Từ năm 2019 - 2020, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ chủ trì xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình Chính phủ phê duyệt...
--------------------