Hai anh em nguy kịch nghi do bị mẹ tiêm thuốc độc
Đến bệnh viện trong tình trạng suy gan, suy hô hấp, hai bé trai được xác định dương tính với thuốc trừ sâu. Một bé kể lại trước đó bị mẹ tiêm thuốc vào người.
Hai bệnh nhân hiện nằm tại khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM trong tình trạng nguy kịch. Gan và phổi của các em bị tổn thương rất nặng.
Chiều 2/12, các bác sĩ cho biết, hai anh em được đưa đến từ một bệnh viện ở An Giang trong tình trạng vàng da. Bé lớn 7 tuổi có một vết tiêm ở tay sưng to, bé nhỏ 2 tuổi có một vết tiêm ở chân cũng trong tình trạng sưng tấy.
Trò chuyện với các bác sĩ, bé 7 tuổi cho biết trước đó mẹ bé đã dùng một ống thuốc tiêm cho hai anh em. Từ lời khai, xét nghiệm máu, các bác sĩ xác định cả hai đều dương tính với thuốc trừ sâu Paraquat. Thành phần thuốc hoàn toàn không thể tự có trong cơ thể người.
Người nhà cho biết, ba và mẹ của hai bé có mâu thuẫn nên sống xa nhau. Cả hai bé ở cùng mẹ. Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc.
-------------------------
Điện giật, một công nhân tử vong
Chiều 2-12, gia đình đã đưa thi thể công nhân Lê Văn Vũ (55 tuổi) từ Cơ sở đóng tàu Đồng Tâm về quê nhà ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang an táng.
Cơ sở đóng tàu Đồng Tâm (thuộc Hợp tác xã Rạch Gầm) có địa chỉ ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, vào khoảng 6g sáng cùng ngày, các công nhân cơ sở đóng tàu Đồng Tâm phát hiện ông Vũ nằm bất động bên cạnh chiếc xà lan đang sửa chữa. Đến nơi xem thì thấy ông Vũ đã tử vong, nên vội vàng báo cơ quan chức năng.
Nhận định ban đầu từ cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Vũ là do ông Vũ chạm tay vào dây điện của bóng đèn cao áp đã bị tróc lớp vỏ bên ngoài dẫn đến điện giật chết.
Sau khi xảy ra tai nạn, các ngành chức năng cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan đã đến khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cơ sở đóng tàu Đồng Tâm cho biết, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đầu tiên tại đây; cơ sở hỗ trợ chi phí để gia đình an táng chu đáo cho nạn nhân.
Gia đình ông Lê Văn Vũ rất khó khăn nên sau khi xảy ra sự cố, các công nhân tại cơ sở cũng gom góp tiền để hỗ trợ việc mai táng cho nạn nhân.
-------------------------
Tiêu huỷ gần 500 bình gas nguy hiểm ở thủ đô
Phần lớn bình gas giả mạo các thương hiệu, được cắt gọt và thay nhãn mác của Công ty gas Vạn Lộc, trôi nổi khắp địa bàn thủ đô, có nguy cơ cháy nổ bị cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu và tiêu huỷ.
Sáng 2/12, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46), tổ chức tiêu huỷ toàn bộ số bình gas trên.
Những bình gas không đủ tiêu chuẩn được đưa đến khu nhà máy chế biến rác ở Văn Lâm (Hưng Yên). Trước khi tiêu huỷ, những bình gas này được phun thuốc diệt côn trùng.
Trao đổi với VnExpress, Trung tá Vũ Công Chí, Phó đội 8 (PC 46 - Công an Hà Nội) cho biết, phần lớn những vỏ bình gas này đều hết hạn sử dụng, được mài lại, thay đổi nhãn mác. Tuy nhiên, dấu vết để lại cho thấy chúng đã được in nhãn mác của hơn 50 công ty khác nhau.
Việc những bình gas này trôi nổi ngoài thị trường rồi đến các hộ dân sự dụng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nguy cơ cháy nổ rất cao. Theo quan sát, phần lớn những bình gas bị phá huỷ, bên ngoài đều dán mác của Công ty Vạn Lộc. Tuy nhiên, để xử lý đơn vị này, theo trung tá Chí là rất khó vì Vạn Lộc không nhận đây là bình gas do mình sản xuất mà có thể bị giả mạo. Hơn nữa việc xử lý các đơn vị này, theo trung tá Chí là chưa mang tính răn đe cao vì chỉ xử phạt hành chính rồi thôi.
Theo đại diện của Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội, việc giả mạo và mài lại bình gas của các hãng khác rồi phân phối ra thị trường không những gây nguy hiểm mà còn là phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Đơn vị làm giả chỉ cần đi thu gom bình kém chất lượng và hết hạn sử dụng với giá thấp, sau đó mất thêm chi phí để đưa về cắt gọt, mài... là có thể bơm gas bán ra thị trường với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với hãng khác.
Dự kiến trong ngày 2/12, việc tiêu huỷ các loại bình gas này sẽ hoàn tất. Số phế liệu thu được sau tiêu hủy sẽ được bán với giá 7.000 đồng một bình và sung ngân sách nhà nước. Cũng theo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, đợt này đơn vị cũng tiêu huỷ hơn 30 khối hàng hoá vô thừa nhận, trong đó hơn 20 nghìn bao thuốc lá, bia rượu, điện thoại, mỹ phẩm...
-------------------------
Bộ Y tế lo ngại dịch hạch xâm nhập qua đường biển
Dù đã 12 năm không xuất hiện ca bệnh dịch hạch nào, nhưng ngành y tế đặc biệt lo ngại bệnh có thể quay trở lại qua đường tàu biển. Ca dịch hạch đầu tiên năm 1898 được ghi nhận ở Việt Nam là từ tàu Hong Kong xâm nhập vào.
Chiều 2/12, Bộ Y tế họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch hạch với sự tham gia của đại diện ngành giao thông, nông nghiệp, công an...
Đánh giá bệnh dịch hạch đang rất lo ngại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn ra câu hỏi của nhiều nhà khoa học là tại sao vắng bóng nhiều năm dịch lại quay trở lại ở một số nước. Việt Nam đã trải qua một số vụ dịch, 12 năm nay không có ca bệnh. “Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên đối phó, giám sát, điều trị như thế nào. 12 năm không gặp nên ngay các bác sĩ nhiều khi kiến thức về chuyên môn, xét nghiệm, điều trị không hẳn nhớ hết”, Thứ trưởng Long nói.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cũng cho rằng điều kiện sinh cảnh, môi trường, vật chủ tại Việt Nam rất thuận lợi cho bùng phát và lan truyền bệnh dịch hạch. Lý do vì Việt Nam từng có dịch tương đối nặng, từ những năm đầu thế kỷ 19 đến năm 2002.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có hơn 1.300 km đường biên giới với ta vẫn tồn tại các ổ dịch hạch trên động vật hoang dã. Tỉnh Vân Nam sát biên giới phía Bắc và có giao lưu rộng rãi về hàng hóa với nhiều tỉnh thành trên cả nước, từng ghi nhận ca bệnh vào các năm 1990-1999. Gần đây nhất ngày 7/7, tỉnh Cam Túc cũng xuất hiện một ca bệnh dịch hạch thể phổi trên người.
Theo ông Phu, dịch động vật có thể theo chuột và bọ chét mang vi khuẩn từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam như đã xâm nhập vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mở ra tiến trình 100 năm bệnh dịch hạch ở Việt Nam. Dịch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 ở Nha Trang do tàu, thuyền từ Hong Kong xâm nhập vào.
Đến nay sau 12 năm Việt Nam không phát hiện ca bệnh trên người cũng như mầm bệnh trên chuột và bọ chét. Tuy nhiên, mẫu giám sát trên động vật còn hạn chế, chưa thể kết luận dịch hạch hoàn toàn chấm dứt.
Về vấn đề điều trị, ông Đoàn Văn Chung, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lo ngại: “Hầu như các bác sĩ đều quên về biểu hiện lâm sàng. Bản thân chúng tôi từng chống dịch nhưng giờ đọc lại như mới. Về lý thuyết các bác sĩ vẫn được học về bệnh dịch hạch nhưng chỉ là "dạy cho có lệ, không có ca lâm sàng nên cũng có tính lý thuyết". Vì thế, ông đề nghị Bộ Y tế xây dựng phác đồ điều trị mới, cập nhật thuốc điều trị, tập huấn lại cho nhân viên y tế.
"Chúng ta cần nêu cao cảnh giác với dịch hạch, đừng nghĩ dịch bùng phát ở Madagascar thì khó xâm nhập vào. Nếu dịch xâm nhập vào quần thể cảm nhiễm lớn như nước ta là điều rất nguy hiểm", Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng đề nghị hệ thống giám sát tập trung làm quyết liệt, đặc biệt là các tỉnh thành có nguy cơ xâm nhập, có cảng biển như Đà Nẵng, Hải Phòng...; có sân bay; cửa khẩu đường bộ; trọng tâm lưu ý vào đường thủy. Các tỉnh thành cần tăng cường giám sát dịch hạch trên chuột, bọt chét, người; tập trung vào khu vực Tây Nguyên - ổ dịch hạch cuối cùng. Nếu có hiện tượng chuột tự nhiên chết nhiều thì cần phải giám sát ngay xem chết vì nguyên nhân gì.
Đánh giá cao vai trò ngăn chặn dịch của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Long đề nghị Bộ phối hợp với đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế có hướng dẫn chi tiết về việc xông hơi diệt chuột tại cảng biến, bến tàu; hướng dẫn diệt chuột trước khi nhập cảng, nhất là các tàu từ và qua vùng có dịch.
"Cần lưu ý kiến thức, kỹ năng hiểu biết của cán bộ y tế; bác sĩ trẻ sau này không có ca bệnh trên lâm sàng nên không biết về bệnh. Vì thế, các đơn vị khẩn trương tiến hành đào tạo, tập huấn lại cho nhân viên y tế về giám sát, xét nghiệm, cũng như phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh; rà soát lại trang thiết bị, thuốc men", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Ca dịch hạch đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là tại Nha Trang vào năm 1898 do tàu thuyền từ Hong Kong xâm nhập. Năm 1911 từng xảy ra vụ dịch lớn tại Châu Đốc, Long Xuyên, Thủ Dầu Một với nhiều bệnh nhân dịch hạch thể phối và 886 người tử vong.
Từ những năm 1991, dịch có chiều hướng giảm về số mắc và tử vong; phạm vi dịch thu hẹp tập trung chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên. Từ 2002 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc nào.
-------------------------
Xe biển xanh lao xuống ruộng, nhiều người may mắn thoát chết
Khoảng 11h trưa 2/12, trên QL1A đoạn qua thôn Bồ Mưng 1, xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn, Quảng Nam), một vụ tai nạn khiến xe 29 chỗ BKS 80B – 4005 (của Bộ Y tế) ngập dưới ruộng.
Thời điểm trên, xe chạy hướng Đà Nẵng - Quảng Nam, đến đoạn qua thôn Bồ Mưng 1, bất ngờ bị lạc tay lái và lao thẳng xuống ruộng nước bên đường.
Phần đầu xe bị ngập hoàn toàn, tài xế và những người trong xe đã mở cửa thoát hiểm trèo ra ngoài. Rất may không có người thương vong, tuy nhiên đầu xe bị hư hỏng nặng.
Đến chiều cùng ngày, xe đã được trục vớt. Lực lượng chức năng tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
-------------------------