Cơ quan điều tra chưa làm rõ động cơ nhận tiền của ông Tâm khi nhà thầu đưa 200 triệu đồng. Vì vậy, bản án từng tuyên nguyên cán bộ Sở LĐ-TB&XH Cà Mau này nhận hối lộ đã bị hủy.
Ngày 23/3, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau, trả hồ sơ để điều tra lại vụ Vu khống và Nhận hối lộ xảy ra tại Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Cà Mau (LĐ-TB&XH).
Hai bị cáo Lê Thanh Phương (34 tuổi, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Phương Nam) và Nguyễn Trung Tâm (44 tuổi, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính Sở LĐ-TB&XH) tiếp tục bị tạm giam để phục vụ điều tra.
Nửa năm trước, ông Tâm bị TAND tỉnh Cà Mau tuyên 17 năm tù về tội Nhận hối lộ; Phương lĩnh 15 năm 3 tháng tù, trong đó, tội Vu khống 3 tháng, tội Đưa hối lộ 15 năm.
Theo hồ sơ vụ án, 3 năm trước công ty của Phương trúng thầu gói số 2 công trình nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ huyện Năm Căn (Cà Mau). Theo hợp đồng, chủ đầu tư giao mặt bằng cho nhà thầu vào cuối năm 2011, nhưng nhiều lý do khác nhau khiến thời gian kéo dài đến đầu năm 2012.
Trong lúc chờ đấu thầu và giao mặt bằng, Phương được cho là gọi điện đến bà Bùi Lệ Oanh (Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em Sở LĐ-TB-XH Cà Mau) hỏi vay 300 triệu đồng. Vị giám đốc công ty xây dựng nói dùng tiền này chi cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH là bà Chung Ngọc Nhãn 575 triệu đồng, nhưng thực tế Phương dùng đóng tiền bảo lãnh hợp đồng cho dự án.
Trong những lần uống nước trong quán gần Sở, Phương tiếp tục nói với bà Oanh việc chi tiền cho bà Nhãn 5% giá trị gói thầu, tương đương hơn nửa tỷ đồng. Tết Nguyên đán 2012, Phương đến nhà bà Oanh chơi và tiếp tục nói đã chi cho Tâm 200 triệu, bà Nhãn 600 triệu.
Không chỉ vậy, khi vào phòng làm việc của Phó giám đốc Sở này là ông Đặng Văn Mỹ, vào 30/1/2012, Phương cũng nói chi 700 triệu đồng cho bà Nhãn, ông Tâm. Hai tuần sau, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau mời Phương làm việc, nhà thầu này thừa nhận có nói chuyện đưa tiền cho 2 cán bộ Sở, nhưng thực sự là chưa đưa, mới chỉ "dự kiến".
Ngày 17/2/2013, bà Oanh có đơn tố giác nghi vấn tiêu cực kèm băng ghi âm giọng nói của Phương, gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau. Bà Nhãn sau đó không thừa nhận chuyện nhận tiền, đồng thời tố cáo bị nhà thầu vu khống.
Vào cuộc điều tra, công an xác định Tâm gửi vào một ngân hàng có chi nhánh tại Cà Mau, số tiền 200 triệu đồng vào 7/12/2011 và rút ra sau đó 2 tháng. Thời điểm này khớp với giai đoạn Phương ứng tiền công trình trên 3,4 tỷ đồng vào cuối tháng 11/2011.
Từ đó, giữa tháng 3/2013, ông Tâm bị bắt về hành vi Nhận hối lộ và Phương bị khởi tố bổ sung tội Đưa hối lộ. Đối với bà Nhãn, nhà chức trách tiếp tục xác định bị Phương vu khống.
Tại tòa hôm nay, đại diện cơ quan công tố cho rằng, cơ quan điều tra có nhiều sơ xuất trong việc thu thập chứng cứ của vụ án. Cụ thể, tuy có cơ sở chứng minh Tâm nhận của Phương 200 triệu đồng, nhưng động cơ, mục đích nhận tiền của bị cáo chưa được làm rõ.
VKS lập luận, pháp luật quy định tội đưa và nhận hối lộ được gắn liền với chức vụ, quyền hạn. Tức là phải chứng minh được Tâm đã làm hoặc không làm việc gì đó trái với nhiệm vụ của mình, mang lại lợi ích cho Phương để nhận của nhà thầu này 200 triệu đồng.
Đối với tội vu khống của Phương, VKS đề nghị cần xác định thực sự Phương có đưa cho bà Nhãn 575 triệu đồng như nhà thầu này đã từng nói hay không. Nếu không đưa mà nói có thì lúc đó mới được xem là Phương vu khống bà Nhãn.
Từ đó, đại diện cơ quan công tố đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại và đã được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.
----------------------
UBKT Tỉnh Thanh Hóa vào cuộc vụ bán đất cho dân xây nhà trong hành lang thoát lũ
Liên quan đến vụ việc UBND thành phố Thanh Hóa quy hoạch khu dân cư rồi bán đất cho người dân xây nhà ngay trong hành lang thoát lũ và bảo vệ đê, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vào cuộc làm rõ sự việc trên.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, ngày 18/3, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có buổi làm việc với UBND thành phố Thanh Hóa liên quan đến sự việc quy hoạch khu dân cư tại xã Hoằng Anh.
Lý giải về sự việc tại sao UBND thành phố Thanh Hóa lại phê duyệt quy hoạch khu dân cư ngay trong hành lang thoát lũ và bảo vệ đê, ông Quy thừa nhận việc quy hoạch khu dân cư này là không đúng và ông cũng không ngờ mặt bằng quy hoạch lại nằm trong hành lang bảo vệ đê?
“Mặt bằng tại xã Hoằng Anh được lập trước khi chuyển từ huyện Hoằng Hóa về thành phố (tháng 2/2012). Khi chuyển về thành phố thì mới lập hồ sơ rồi quyết định phê duyệt, các Sở liên quan và cả tỉnh cũng cho ý kiến đồng ý để lập khu dân cư nên thành phố mới triển khai làm”, ông Quy nói.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngay cạnh tuyến đê hữu sông Lạch Trường (QL 10) đoạn K1+100 - K1+380 xã Hoằng Anh, thành phố Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch khu dân cư tại đây và phân lô bán đất cho người dân. Theo đó, trong tổng số 9.753,7m2 đất tại đây, UBND thành phố và xã Hoằng Anh đã chia thành 56 lô đất rồi tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Có 19/56 lô đất đã được đấu giá thành công với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Trong số 19 hộ đấu giá mua đất thì có 4 hộ đang tiến hành xây dựng nhà ở. Việc này đã vi phạm vào Luật đê điều và Luật phòng chống thiên tai ở Khoản 5, khoản 10 Điều 7 Luật đê điều và Khoản 2, Điều 12 - Luật phòng chống thiên tai.
Hạt quản lý đê điều thành phố Thanh Hóa đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ xây dựng và đề nghị UBND xã Hoằng Anh xử lý và có báo cáo lên Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão, Sở NN&PTNT Thanh Hóa. Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND thành phố Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa về sự việc trên. Tuy nhiên, việc xây dựng trái phép và vi phạm luật của các hộ dân ở đây vẫn chưa được dừng lại.
Sau khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa vào cuộc để làm rõ vụ việc này, về hướng xử lý sự việc, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho hay: “Sẽ có hai hướng xử lý, một là thành phố sẽ báo cáo UBND tỉnh, đề nghị tỉnh xem xét nếu được thì tiếp tục triển khai. Thứ hai là nếu không được tỉnh đồng ý thì mặt bằng khu dân cư xã Hoằng Anh sẽ dừng lại, trả lại tiền cho người dân đã mua đất và tháo dỡ các công trình người dân xây dựng”.
----------------------
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Tại hội thảo “Một số định hướng cơ bản của dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi)” do UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức hôm qua (24/3), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, dự án luật sẽ có những đổi mới theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Cụ thể, dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt từ hình đối với 7 tội danh gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy; các tội danh khác có hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ông Nguyễn Tất Viễn - Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành có 22 tội danh quy định xử hình phạt tử hình, nếu bỏ đi 7 tội thì vẫn còn là quá cao.
“Tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người nên việc kết án tử hình cũng đồng thời tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện, loại trừ khả năng khắc phục oan sai có thể xảy ra trên thực tế”- ông Viễn nói và cho rằng việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là hết sức cần thiết.
Đồng tình với ông Viễn, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết trong quá trình thảo luận, góp ý cho dự thảo bộ luật này đã có nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ tử hình ở một số tội danh khác nữa.
“Tội hiếp dâm trẻ em có thể xem xét vì khi áp dụng hình phạt tử hình thì phải kèm theo những hành vi đặc biệt nghiêm trọng như giết người. Tuy nhiên trường hợp này ít khi xảy ra. Còn với tội tham nhũng thì vẫn nên tiếp tục giữ án tử hình bởi đây là loại tội phạm gây bất ổn trong xã hội, nếu không trừng trị nghiêm sẽ mất lòng tin của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng”- ông Sơn bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - băn khoăn về việc giảm hình phạt án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển ma túy bởi việc buôn bán, vận chuyển chất ma túy vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao bày tỏ, nếu cho rằng phải trấn áp, xử phạt thật mạnh, thật nặng thì tội phạm mới giảm thì đó là quan điểm sai lầm.
Điều quan trọng nhất trong chính sách hình sự cần hướng, theo ông Độ, chính là hướng đến tính hướng thiện. Ông Độ ví dụ về vụ án buôn bán ma túy tại Quảng Ninh mới được đưa ra xét xử mới đây. “Nếu đúng theo quy định của pháp luật thì có thể 60 trường hợp bị áp dụng án tử hình, nhưng qua cân nhắc, tòa đã chỉ tuyên án tử đối với 30 trường hợp”- ông Độ nói.
Đề xuất áp dụng trở lại hình phạt tử hình với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ông Trương Việt Toàn - Phó chánh tòa hình sự, TAND Hà Nội - đề xuất áp dụng trở lại hình phạt tử hình đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là hình phạt trước đây đã từng áp dụng nhưng sau đó bãi bỏ.
Theo ông Toàn, thời gian qua lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phức tạp. “Chúng tôi đã xét xử những trường hợp lừa đảo 20 tỉ đồng nhưng do bị can nuôi con nhỏ nên được tại ngoại và lại tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo” - ông Toàn dẫn ví dụ
Trong khi đó, một giảng viên Đại học Luật Hà Nội nêu lại vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hơn 4.000 tỉ đồng mà không thể tuyên án tử hình. Vị này đặt câu hỏi, có thể vì đối tượng này biết có lừa 10 tỷ, 20 tỷ hay hàng trăm tỷ thì cũng không bị tử hình? “Nếu biết có thể bị tử hình, chắc là Huỳnh Thị Huyền Như sẽ không dám lừa đảo lớn như thế”- ông này nói.
------------------------