Thời gian gần đây, người dân ở một số tỉnh miền núi phía Bắc ồ ạt lên rừng “săn” lá cây khôi về bán cho thương lái Trung Quốc. “Vàng xanh” sẽ tiếp tục bị “chảy máu” đến kiệt cùng nếu chúng ta chậm chân trong việc lên phương án bảo tồn những cây thuốc quý.
Theo Đông y, cây khôi còn có tên khác là cây độc lực hoặc đơn tướng quân, người dân thường sắc uống chữa đau bụng và các bệnh liên quan đến dạ dày. Cây khôi mọc chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tuy nhiên sau một thời gian bị khai thác mạnh, hiện nay cây khôi chỉ còn nhiều ở một số xã thuộc huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).
Xuyên rừng tìm lá cây khôi
Theo thông tin ông Lưu Văn Thanh, Giám đốc dự án ADC thuộc Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cung cấp, xã Mai Lạp thuộc huyện Chợ Mới được mệnh danh là “thủ phủ” của giống cây khôi quý hiếm. Với đặc điểm khí hậu thuận lợi nên trước đây, cây khôi ở xã Mai Lạp nhiều như rau, mọc tràn ở bất cứ đâu, từ trên nương, đồi đến các thung lũng.
Nhắc đến chuyện đó, ông Thanh lại không khỏi ngậm ngùi: “Bây giờ thì cây khôi chỉ còn ở trên rừng hoặc trên núi cao. Khi các thương lái Trung Quốc sang tận thu với giá cao thì người dân đã khai thác gần như cạn kiệt. Theo tìm hiểu của tôi, ở những vùng gần khu dân cư hầu như cây khôi không còn tồn tại. Những người “săn vàng xanh” lại rủ nhau lên núi khai thác cây thuốc này về bán kiếm lời”.
Hôm chúng tôi có mặt tại xã Mai Lạp, dù mặt trời chưa ló qua ngọn núi đầu bản nhưng những người chuyên “săn” lá khôi đã í ới gọi nhau. Mỗi người trong nhóm cầm theo một con dao cán dài cùng bao tải, dây thừng để lên núi tìm thuốc. Anh Hà Văn Bính, một người trong nhóm “săn” cây khôi cho biết: “Muốn hái được lá khôi thì phải xuyên rừng, treo mình trên vách đá mới mong kiếm được vài cân. Bây giờ cây khôi rất hiếm, các nhóm tìm kiếm cũng nhiều nên tranh nhau từng tấc một”.
Theo anh Bính, ngày cao điểm, những người đi “săn” có thể lấy được hàng chục cân lá khôi tươi. Công việc tuy nguy hiểm, vất vả nhưng thu nhập cao hơn làm nương rẫy. Chưa ai làm giàu được bằng việc săn tìm lá cây thuốc quý hiếm này, nhưng ở miền núi, chẳng có việc gì kiếm tiền dễ hơn lên rừng hái thuốc.
Chủ tịch UBND xã Mai Lạp, ông Hà Văn Chín cho biết: “Việc bà con ồ ạt “săn” tìm lá cây khôi để bán cho thương lái đã diễn ra từ lâu. Chúng tôi cũng từng vận động bà con gieo trồng, bảo vệ loại cây này nhưng không thành công. Đời sống bà con còn khó khăn, việc họ lên rừng kiếm thuốc cũng là chính đáng”.
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Bà Trần Thị Phượng ở bản Khuẩy Đác tiết lộ cho chúng tôi: “Những năm 2010, thương lái Trung Quốc chỉ sang đây thu mua lá cây khôi. Lá tươi giá 60 nghìn/kg, lá khô 150 nghìn/kg. Nhưng thời gian gần đây, họ mua cả lá, thân, rễ của cây khôi. Trước đây, khi chúng tôi chỉ hái lá để bán thì cây khôi vẫn còn nhưng khi họ mua cả thân cả rễ thì cây khôi dần tuyệt chủng”.
Chỉ trông thấy cái lợi trước mắt, bà con địa phương “trốc tận rễ” cây khôi để bán. Đến nay, cả xã Mai Lạp hầu như rất hiếm loại cây thuốc này nếu không muốn nói là không thể tìm thấy.
Thạc sĩ Phan Thị Thu Hiền, Vụ Y học Cổ truyền – Bộ Y tế cho biết: “Tình trạng khai thác thuốc theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” là có và rất phổ biến, là do nhận thức của người dân còn thấp, mà thương lái đẩy mạnh gom hàng. Trong khi đó, thời gian một cây thuốc từ khi đâm mầm đến khi thu hoạch được không phải là ngắn. Bộ Y tế rất khó quản lý vấn đề này, còn kiểm lâm các địa phương cũng không trông nom xuể. Người dân họ phải sống, dựa vào rừng để sống”.
Trong khi đó, ông Hà Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Mai Lạp cũng phải thừa nhận: “Không thể cấm bà con vào rừng khai thác thuốc vì có thể họ hái thuốc để bán, có thể để dùng. Không có bất cứ văn bản nào cấm dân vào rừng tìm thuốc cả”.
Cách thức tận thu của thương lái Trung Quốc rất tinh vi. Theo bà Phượng: “Ở mỗi xã hoặc huyện, họ thuê một hai người làm đầu mối thu mua. Chúng tôi chỉ việc lên rừng lấy thuốc rồi bán cho họ. Cứ mỗi tuần hoặc hàng tháng, họ cho xe tải về gom hàng rồi chở về nước”.
Bà Phượng thừa nhận, thời gian trước bà và tất cả bà con trong bản trong xã đều cố gắng khai thác thật nhiều thuốc bán cho thương lái. Chỉ khi con trai bà Phượng, anh Trần Đình Hiệp từng là quân nhân lại hiểu rõ tác dụng của lá cây khôi nên khi xuất ngũ, anh vận động bà con không lên rừng hái thuốc bán ồ ạt. Đồng thời, anh và gia đình trồng cây khôi ngay trong nương đồi để bảo tồn loài thuốc quý này.
Nguy cơ nhãn tiền
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Dũng - Hội Khoa học – Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết, tình trạng “vàng xanh” của nước ta bị thương lái nước ngoài tận thu đã trở thành nỗi lo lớn của ngành y. Mỗi ngày, có hàng trăm tấn thuốc theo đường tiểu ngạch “chạy” sang nước ngoài. Cứ tình trạng như hiện nay, không lâu nữa cây thuốc nam của chúng ta sẽ kiệt quệ.
Theo khảo sát của chúng tôi, Tây Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng từng là vựa thuốc nam lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đó cũng là miếng mồi ngon của thương lái Trung Quốc. Họ bằng mọi cách tận thu cây thuốc của chúng ta, trong khi Bộ Y tế không hoặc ít có phương cách ngăn chặn tình trạng đau lòng này.
Tại cửa khẩu các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn…, nhìn hàng đoàn dài xe tải chở dược liệu sang phía bên kia mà hải quan đành bất lực. TS Trần Văn Ơn - Đại học Dược Hà Nội phải thốt lên: “Trung Quốc thu gom dược liệu của chúng ta với ý đồ gì? Tôi nghĩ, một phần lỗi ở các nhà khoa học do chậm nghiên cứu hoặc nghiên cứu không đến nơi đến chốn. Tất nhiên, cũng phải nhìn lại cuộc sống còn nhiều khó khăn của người bản địa vùng núi, họ cần phải sống và chỉ có thể sống bằng cách lên rừng hái thuốc”.
Để ngăn chặn tình trạng “vàng xanh” bị bán ra nước ngoài, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã vào cuộc vận động bà con ngừng khai thác, đồng thời, cung cấp giống cây khôi giúp bà con vùng núi bảo tồn cây thuốc. Tuy nhiên, cây khôi vừa ra lá đã bị những người chuyên khai thác thuốc… vặt trộm.
“Thương lái Trung Quốc dồn dập thu mua thuốc của chúng ta với giá rất cao và tất nhiên, với cái lợi trước mắt thì người dân đã khai thác tràn lan. Tính trên địa bàn cả nước hiện nay, số lượng loài thuốc tuy nhiều nhưng khối lượng đang giảm dần bởi mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở thuốc của chúng ta qua biên giới”.
PGS.TSKH Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền)
-------------------------
Lý Quang Diệu và hành trình đưa làng chài thành Trung tâm tài chính thế giới
Từ làng chài nhỏ, “huyền thoại Châu Á” thế kỉ 20 và 21 - Lý Quang Diệu đã đưa Singapore đã trở thành trung tâm tài chính thứ 4 thế giới mà ít ai ngờ đến.
Vào năm 1965, nếu ai cho rằng Singapore có thể trở thành trung tâm tài chính thế giới thì hẳn người đó sẽ bị coi là điên rồ. Tuy nhiên, vào những năm thập kỷ 90, cả thế giới đã sững sờ trước sự thay đổi chóng mặt của Singapore.
Từ làng chài phải mua nước uống
Những năm 1965 trở về trước, Singapore có nền kinh tế xã hội khó khăn và nghèo nàn do nằm dưới sự cai trị của Anh và phụ thuộc Malaysia. Với 2 triệu dân tồn tại trên 1 hòn đảo rộng chỉ 640 km2, không có thị trường nội địa, nước ngọt phải mua Singapore vẫn là vùng đất nghèo nàn, cằn cỗi.
Tuy nhiên, từ khi tách khỏi Malaysia và tuyên bố độc lập, đến những năm thuộc thập kỷ 90, đất nước này đã lột xác nhanh chóng nhờ vào tài năng kiến tạo của Lý Quang Diệu và cộng sự. Singapore của những năm 1990 là nước duy nhất nằm trong thế giới thứ 3 nhưng có mức thu nhập của các nước thế giới thứ nhất, các nước G7, thậm chí nhiều tiêu chí còn hơn thế.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 1959 khi Lý Quang Diệu nhậm chức chỉ có 400 USD, sau khi ông từ nhiệm năm 1990 là 12.000 USD/người/năm và năm 1999 là 22.000 người năm. Hiện nay, theo con số mới nhất, thu nhập bình quân/người của Singapore xếp trên Mỹ với 55.000 USD.
Singapore là đất nước an ninh, đất lành của hơn 3 triệu người dân. Chỉ một chính sách thôi, cũng cho thấy Singapore xây dựng xã hội sạch như thế nào. Vào năm 1992, Chính phủ Singapore ra lệnh cấm ăn kẹo cao su trên toàn quốc. Mới đầu, chính sách này được người phương Tây nhìn nhận khá phiến diện, cho là khôi hài. Tuy nhiên, với người dân Singapore, họ hoàn toàn hài lòng bởi sau đó, những nhà ga, tàu điện hay các nút bấm của thang máy công cộng đã không bị nhét kẹo cao su gây bẩn thỉu nữa.
Từ một luật sư, Lý Quang Diệu (1923 - 2015) đã trở thành nhà lập quốc vĩ đại của Singapore. Ông đã để lại cho đất nước, người dân quốc đảo này một di sản lớn lao: 1 đất nước xanh - sạch - đẹp, một xã hội hài hòa, công bằng, một môi trường sống, kinh doanh tốt nhất thế giới và một thế hệ tương lai hoàn tự lập.
Đến Trung tâm tài chính thế giới
Theo cuốn “From Third world to first –The Singapore Story: 1965 -2000” tạm dịch là: (Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, lịch sử Singapore năm 1965 -2000) của mình, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã viết: “Hãy nhìn xem, thế giới tài chính bắt đầu ở Zurich (Thụy Sỹ). Các Ngân hàng Zurich mở cửa 9 giờ sáng, sau đó đến Frankfurt (Đức) rồi đến London (Anh). Buổi chiều, Zurich đóng cửa, kế đến là Frankfurt rồi là London.
Trong lúc ấy, New York (Mỹ) mở cửa, London chuyển giao dịch tài chính cho New York. Buổi chiều, khi New York đóng cửa, giao dịch lại được chuyển sang San Francisco (Mỹ). Khi San Francisco đóng cửa, thế giới chìm trong màn đêm, không có gì xảy ra đến mãi 9h sáng hôm sau (giờ Thụy Sỹ), khi đó Ngân hàng Zurich mở cửa, bắt đầu chi kỳ tài chính tiếp theo. Nếu chúng tôi đặt Singapore vào giữa, trước lúc San Francisco đóng cửa thì Singapore sẽ nắm quyền kiểm soát. Và khi Singapore đóng cửa, nó sẽ chuyển quyền giao dịch tài chính thế giới cho Zurich. Vậy là lần đầu tiên, kể từ khi hoạt động, chúng ta sẽ có một dịch vụ vòng quanh thế giới về tiền tệ, ngân hàng trong suốt 24 giờ một ngày”.
Tuy nhiên, giữa ý tưởng và thực tế, biến Singapore trở thành trung tâm tài chính là một thách thức bởi những năm độc lập, Singapore vẫn là thành phần của khu vực đồng Bảng của Anh, nên bị quyền kiểm soát hối đoái trong luân chuyển tiền tệ. Vì thế, việc đầu tiên Lý Quang Diệu làm là ra khỏi khu vực đồng Bảng Anh vào những năm đầu 1970.
Tiếp đó, Lý Quang Diệu trao mọi quyền giám sát tài chính cho cơ quan gọi là Ủy ban Tiền tệ và Cơ quan giám sát tiền tệ Singapore (MAS). Đây là tổ chức hoạt động chuyên nghiệp trong giám sát tài chính, làm việc dựa trên những điều luật, điều lệ khắt khe của mình.
Khi mọi thiết chế được xây dựng, Lý Quang Diệu cho lập ra thị trường ngoại hối ngoài châu Âu tại Singapore có tên là “Thị trường đồng đô la châu Á”. Hoạt động của thị trường này chủ yếu là nắm giữ các quỹ ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài rồi cho các ngân hàng trong khu vực vay và ngược lại.
Sau đó, “Thị trường đồng đô la châu Á” tiến tới mua bán ngoại hối, những phát sinh tài chính bằng ngoại tệ, cho vay, phát hành trái phiếu và quản lý vốn… Năm 1997, “Thị trường đồng đô la châu Á” đã có quy mô vượt 500 tỉ USD.
Từ những năm 1968 – 1985, bằng hàng loạt các chính sách thu hút các nhà đầu tư tài chính quốc tế như bãi bỏ thuế giao dịch đối với khách hàng cùng với chính sách sự kiểm soát và áp dụng rất chặt chẽ của luật lệ đối với các hoạt động tài chính, chứng khoán và lưu chuyển tiền tệ, Singapore đã trở thành miền đất hứa của các nhà tài chính quốc tế. Đến năm 1990, Singapore đã trở thành một trong 4 trung tâm tài chính thế giới với thị trường ngoại hối đứng thứ 4 thế giới chỉ sau London, New York và Tokyo.
Cùng với gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư tài chính thế giới, giới ngân hàng Singapore cũng được Lý Quang Diệu thổi luồng gió mới. Nhón “Big Four” của trong ngành Tài chính của Singapore tập chung chủ yếu là 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng Quốc gia DBS, Ngân hàng Oversea Chinese Banking Corporation, United Over Sean Bank và Overseas Union Bank. Các ngân hàng này đều không muốn hướng ra nước ngoài làm ăn, đa số những nhân sự cấp cao của họ đều là người Singapore. Để đảm bảo sức mạnh cho hệ thống ngân hàng Singapore, Lý Quang Diệu đã xóa bỏ chế độ bảo hộ các ngân hàng trong nước năm 1997.
Chính quyết tâm này, không lâu sau, rất nhiều nhân tài đã được chiêu mộ để điều hành hoạt động của các ngân hàng Singapore cùng với các chiến lược mở rộng vốn ra ngoài Singapore tại các thị trường châu Âu, Đông Á. Quyết định của Lý Quang Diệu đưa ra khi đó, dù đã rời cương vị thủ tướng, ở vai trò là Bộ trưởng cao cấp nhưng ông đã kịp nhìn ra và hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại đối với nền tài chính, ngân hàng của Singapore trước cơn khủng hoảng tài chính tồi tệ của Châu Á năm 1997.
-------------------------
Tập đoàn Trung Quốc chi 7,1 tỷ euro thâu tóm hãng lốp xe Ý
Reuters đưa tin, Tập đoàn Hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) thỏa thuận mua lại hãng sản xuất lốp xe danh tiếng Pirelli của Ý, lớn thứ 5 trên thế giới với giá 7,1 tỷ euro.
Hãng lốp xe 143 năm tuổi Pirelli - biểu tượng của ngành công nghiệp Ý sẽ sắp về tay Trung Quốc. Thỏa thuận giữa hai bên đạt được hôm 22/3 vừa qua với giá 7,1 tỷ euro.
Đây là vụ thâu tóm mới nhất trong một loạt các vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc ở Ý. Đồng thời, thương vụ này cũng đánh dấu sự quay trở lại của doanh nghiệp nước này trong các thương vụ mua bán quốc tế sau thời gián đoạn do 'cuộc chiến' chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thành công trong thương vụ này sẽ giúp tập đoàn ChemChina có thể tiếp cận công nghệ sản xuất lốp ô tô cao cấp trong khi hãng Pirelli có thể chiếm lĩnh thị phần lớn hơn tại thị trường khổng lồ Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, ban đầu, tập đoàn ChemChina sẽ mua 26,2% cổ phần công ty Camfin, sở hữu hãng lốp Pirelli rồi sau đó thâu tóm nốt phần còn lại.
Mức giá của thỏa thuận là 15 euro/cổ phiếu. Sau khi thông tin về vụ thương vụ này được tung ra, ngày 23/3, mức cổ phiếu của Pirelli đã tăng khoảng 3,5% lên mức 17,76 euro.
Trước Pirelli, các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện nhiều vụ thâu tóm ở nền kinh tế lớn thứ 3 thuộc khu vực Eurozone như: công ty điện lưới Terna và Snam, nhà sản xuất turbine Ansaldo và hãng sản xuất du thuyền sang trọng Ferretti.
------------------------
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chưa cần thiết điều chỉnh tỷ giá USD/VND!
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các điều kiện kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện tại chưa ủng hộ việc điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, các nhà chính sách vẫn cần theo dõi biến động thị trường ngoại hối quốc tế, để nếu cần vẫn có thể điều chỉnh với dư địa 1% còn lại.
Liên quan đến tình hình giá USD tăng mạnh trong thời gian gần đây, PV Dân trí đã cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính ngân hàng -TS Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
Thưa ông, trong bối cảnh giá USD liên tục tăng trong thời gian gần đây, ông nhận định như thế nào khi có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên điều chỉnh tỷ giá USD/VND?
Đây là lúc mà nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt và trên 20 quốc gia đã hạ tỷ giá đồng nội tệ so với USD để khuyến khích xuất khẩu. Một số quốc gia, ngay cả Nhật và Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại so với trước, chính vì muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đó có vấn đề khuyến khích xuất khẩu, họ đẩy giá trị đồng nội tệ xuống.
Việt Nam chưa điều chỉnh tỷ giá kể từ khi nới thêm 1% hồi tháng 1 vừa rồi. Hiện tại có nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên điều chỉnh tỷ giá, song theo tôi nghĩ thì chưa nên, vì các yếu tố thị trường hiện tại không hỗ trợ cho việc điều chỉnh: cán cân vãng lai vẫn thặng dư, nhu cầu nhập khẩu chưa đột biến mặc dù Việt Nam đang đi vào tình trạng nhập siêu trở lại, thêm vào đó dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương vẫn đang trong khoảng 30 tỷ-40 tỷ USD…
Nếu không điều chỉnh tỷ giá, với tình trạng USD tăng giá trên thị trường thế giới nhưng giá trị VND so với USD vẫn được giữ tương đối cao như hiện nay chắc chắn sẽ bất lợi cho xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu xuất hàng đi để nhận vào một lượng USD, nếu đổi ra tiền VND sẽ được một khoản thấp hơn so với khi điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, về mặt nhập khẩu lại có lợi. Người nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng USD hay bằng ngoại tệ khác và họ phải mua ngoại tệ bằng VND, khi tỷ giá USD so với các đồng tiền khác cao lên họ sẽ phải sử dụng lượng VND lớn hơn, còn nếu không điều chỉnh tỷ giá thì họ sẽ có lợi.
Như vậy, khi không điều chỉnh tỷ giá thì bên nhập khẩu sẽ có lợi và không tác động đến lạm phát, còn nếu điều chỉnh thì dĩ nhiên nhập khẩu bất lợi, từ đó giá thành hàng nhập khẩu cũng như hàng sản xuất sẽ tăng và có thể tác động tiêu cực lên lạm phát.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn lưu ý rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lúc này sẽ dễ làm lung lay lòng tin của người dân đối với VND giữa bối cảnh hai “mặt trận” vàng hóa và đô la hóa lâu nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN- PV) đã thực hiện tốt và đã giảm được hai hiện tượng này trong nền kinh tế. Với những thành quả đạt được, tôi cho rằng, NHNN nên giữ tỷ giá ổn định trong lúc này.
Mặc dù vậy, không có nghĩa là chúng ta cứ khăng khăng neo cứng tỷ giá như thế, mà vẫn phải theo dõi các diễn biến trên thị trường ngoại hối trong vòng vài tuần tới, để nếu cần cũng có thể điều chỉnh tỷ giá được, vì vẫn còn “room” (dư địa) là 1%.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Ông có cho rằng liệu đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi việc neo tỷ giá từ 1 đồng tiền là USD sang một rổ tiền tệ để tránh tác động bất lợi khi giá USD biến động mạnh như hiện nay?
Đúng là Việt Nam trong mậu dịch quốc tế không chỉ sử dụng mỗi USD mà còn nhiều đồng tiền khác. Về nguyên tắc thì khi các loại tiền tệ khác so với USD sụt giá và các quốc gia hỗ trợ bằng cách điều chỉnh giảm tỷ giá đồng nồi tệ của họ so với USD để có lợi cho xuất khẩu, trong khi Việt Nam vẫn neo giá trị VND theo USD thì sẽ bị thiệt thòi. Giá trị VND so với các đồng tiền khác sẽ cao hơn và đồng nghĩa với giá cả hàng hóa các nước trở nên rẻ hơn, gây bất lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước này, nhất là châu Âu.
Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá khiến giá trị VND không chỉ với USD mà với nhiều đồng tiền khác trở nên rẻ hơn so với hiện tại sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Thế nhưng, thực tế thì tỷ trọng USD được sử dụng trong mậu dịch của Việt Nam vẫn chủ yếu là USD chứ không phải các ngoại tệ khác, ngay cả EUR, Yên Nhật, Nhân dân tệ... Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi xuất hàng sang các nước vẫn chủ yếu là thanh toán bằng USD.
Với áp lực tăng giá từ USD như hiện tại, theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các khoản nợ công của Việt Nam?
Trong trường hợp Việt Nam điều chỉnh tỷ giá VND/USD khiến VND mất giá so với USD, chắc chắn nợ công tính ra tiền Đồng Việt Nam sẽ tăng lên. Với đồng USD thì không thay đổi về giá trị danh nghĩa nhưng khi tính ra bằng VND thì khoản nợ đó sẽ tăng lên tương đương với sự mất giá của tiền đồng, từ đó ảnh hưởng xấu đến quản lý nợ công.
Tất nhiên một số doanh nghiệp có các khoản nợ lớn bằng EUR như các doanh nghiệp xi măng thì sẽ được lợi. Ông nhìn nhận sao về điều này?
Theo tôi số lượng doanh nghiệp này không nhiều, khối lượng nợ của các doanh nghiệp bằng EUR chắc chắn sẽ không nhiều bằng nợ USD, kể cả các doanh nghiệp Nhà nước.
Tất nhiên các doanh nghiệp vay bằng EUR, trong khi tỷ giá VND/USD được neo cứng nhưng USD/EUR cao hơn, về nguyên tắc các doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi bởi các khoản nợ của họ tính theo VND sẽ giảm đi.
Vậy theo nhận định chung của ông, quyết sách như thế nào sẽ có lợi nhất cho nền kinh tế chung của Việt Nam sau khi đã tính toán tác động về cả xuất nhập khẩu, lạm phát, tăng trưởng và ngân sách nhà nước?
Tôi vẫn giữ quan điểm: việc giữ tỷ giá ổn định trong lúc này là hợp lý. Dĩ nhiên, với tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng được giữ ổn định 21.458 đồng như hiện nay thì sẽ không có lợi cho các nhà xuất khẩu nhưng sẽ giữ được niềm tin vào tiền đồng, đóng góp vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, không làm tăng giá nhập khẩu và không tác động đến tỷ lệ lạm phát. Về mặt kinh tế, khi giữ được sự ổn định vĩ mô và lòng tin của dân chúng thì việc giữ tỷ giá là hợp lý.
Tuy nhiên, khi 20 quốc gia đã thực hiện phá giá đồng nội tệ của họ, ngay cả Nhật Bản và Trung Quốc, thì để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, chúng ta vẫn cần phải quan sát chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối thế giới sẽ đi về đâu, để nếu cần vẫn có sự điều chỉnh nhất định. Nhưng tại thời điểm bây giờ, theo tôi là chưa cần thiết.
- Xin cảm ơn ông!
-------------------------