Lập danh sách lính nghĩa vụ "ảo" để moi tiền ngân sách
Ngày 6.11, Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cho biết đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng, đồng thời thực hiện lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Lại Xuân Đảm, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Gia An, Tánh Linh về hành vi tham ô.
Được biết, trong hai năm 2012 và 2013, lợi dụng chức vụ được giao, ông Đảm đã lập danh sách hơn 50 người là lính nghĩa vụ không có thật để điều động, tập trung huấn luyện “ảo” rồi quyết toán chiếm đoạt tiền của ngân sách hơn 70 triệu đồng. Ngoài hành vi tham ô này, cơ quan điều tra cũng tập trung điều tra mở rộng khi phát hiện ông Đảm đã móc nối, có dấu hiệu biển thủ thêm hàng trăm triệu đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 10.2014, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hàm Thuận Nam cũng đã truy tố Hồ Duy Thanh (SN 1987) trú tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, nguyên Chỉ huy trưởng Quân sự xã Hàm Kiệm về tội “Tham ô tài sản”. Theo đó, trong năm 2012, Thanh đã lập khống số dân quân và ngày công huấn luyện để chiếm đoạt tiền của nhà nước.
-------------------------
Phát hiện lò nội tạng bẩn
Chiều 6.11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.Đà Nẵng cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động một cơ sở chế biến sản phẩm động vật mất vệ sinh.
Trước đó, khoảng 5 giờ 45 phút cùng ngày (6.11), PC49 cùng Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng kiểm tra cơ sở chế biến sản phẩm động vật của bà Nguyễn Thị An Thuận (40 tuổi) tại 126 Nguyễn Đình Tứ, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.
Tại hiện trường, lực lượng liên ngành phát hiện hơn 200 kg nội tạng heo, bò các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch thú y.
Số nội tạng đang chế biến này được để bừa bãi dưới nền nhà. Người lao động, dụng cụ chế biến và cả nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Qua kiểm tra, bà Thuận cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở. Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
-------------------------
Đình chỉ một doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng trái phép
Ngày 6.11, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế kết hợp với UBND xã Phong Sơn (H. Phong Điền) đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ hoạt động bán thực phẩm chức năng sai quy định của Công ty CP Bách Gia (có trụ sở tỉnh Thanh Hóa) trên địa bàn xã Phong Sơn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua kiểm tra công ty này có 2 giấy phép gồm giấy phép về tư vấn dưỡng sinh cho người cao tuổi do Sở Y tế cấp vẫn còn thời hạn, nhưng giấy phép về tổ chức hội thảo về an toàn vệ sinh thực phẩm thì đã hết hạn từ ngày 20.10.
Tuy vậy, trong hai ngày 5 và 6.11, lợi dụng việc tư vấn dưỡng sinh, công ty này đã tiến hành tổ chức khám và tư vấn sức khỏe đế bán thực phẩm chức năng cho các cụ già mà không hề thông báo với các cơ quan chức năng.
Theo người dân phản ánh, loại thực phẩm chức năng mà công ty này đã tranh thủ quảng cáo và bán cho người dân là Hoạt huyết não và Can xi Bách Gia.
Ông Lê Xuân Dương, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phong Sơn cho biết: “Hiện nay đã có rất nhiều hội viên của 7 chi hội người cao tuổi trong xã mua các loại thực phẩm chức năng trên. “Mỗi gói có giá từ 100 đến 400 nghìn đồng và mỗi hội viên đã mua từ 3 đến 5 hộp”- ông Dương nói.
-------------------------
Đình chỉ thi công dự án Cát Linh - Hà Đông để điều tra tai nạn
Sau khi để xảy ra tai nạn làm chết một người và 2 người bị thương, chiều nay 6.11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Bộ GTVT đình chỉ ngay thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp Hà Nội tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương. Đặc biệt, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công đình chỉ ngay hoạt động thi công không bảo đảm an toàn lao động, rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi công, công tác giám sát, bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là tại khu vực tổ chức thi công trong phần không gian của các hoạt động giao thông trên toàn tuyến. Kiểm tra điều kiện an toàn của các trang, thiết bị phục vụ thi công trên công trường, bổ sung đầy đủ các trang, thiết bị phục vụ tổ chức giao thông cả thời gian ban ngày và ban đêm, bố trí người hướng dẫn giao thông tại khu vực đang triển khai thi công.
Bộ GTVT phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến vụ việc, đặc biệt là cán bộ, người đứng đầu của đơn vị đại diện chủ đầu tư nếu để xảy ra tai nạn do không thực hiện đúng quy định về tổ chức thi công và đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trên công trường.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1, công ty mẹ của nhà thầu phụ thi công là Xí nghiệp cầu 17 cho biết, theo báo cáo từ công nhân, kỹ sư trên công trường xác định nguyên nhân ban đầu do 3 thanh thép là vật liệu phục vụ thi công được hàn với nhau thành một bó để đưa lên cẩu. Tuy nhiên do lái cẩu không cẩn thận làm va bó thép vào xà mố cầu, làm gãy mối hàn khiến bó thép rời ra, 3 trên tổng số 8 thanh thép lao nghiêng ra khỏi khu vực rào chắn rơi xuống đường, va vào người đi trên đường.
Trước đó, lúc 9 giờ 15 phút sáng nay, tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, 3 thanh thép lao xuống đường đã làm 1 nạn nhân tử vong tại chỗ và 2 người khác bị thương. Nạn nhân là Nguyễn Như Ngọc, học viên Học viện An ninh nhân dân, hai nạn nhân khác là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Nhân bị thương.
-------------------------
Tổng rà soát việc mua sắm thiết bị y tế từ Công ty Bio - Rad
Sau khi báo chí đưa tin về nghi án Công ty Bio - Rad hối lộ quan chức Việt 2,2 triệu USD, ngày 6.11, Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, các bệnh viện, các viện trực thuộc Bộ yêu cầu báo cáo việc đầu tư, mua sắm và sử dụng thiết bị, hóa chất và vật tư tiêu hao y tế do Bio - Rad sản xuất, báo cáo kết quả trước ngày 12.11.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế cho biết, các đơn vị được yêu cầu lên danh sách các mặt hàng của Bio - Rad đã và đang sử dụng (nếu có) từ năm 2005 đến nay, trong đó nêu rõ: tên thiết bị, chủng loại, model, năm sản xuất.
Ông Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị này cung cấp đầy đủ thông tin và gửi kèm bản sao các tài liệu về nguồn gốc mặt hàng trên được đấu thầu mua sắm, liên doanh liên kết hay nhận viện trợ.
Trong ngày, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị nhập khẩu trang thiết bị y tế cung cấp danh mục các sản phẩm do hãng Bio - Rad sản xuất mà đơn vị được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất cho phép nhập khẩu và phân phối trên thị trường VN. Các thông tin cần nêu rõ: tên thiết bị, chủng loại, hãng sản xuất, các đơn vị được ủy quyền phân phối, đơn vị chịu trách nhiệm về dịch vụ kỹ thuật, bảo hành.
Các công ty này cũng phải cung cấp toàn bộ số liệu các trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế do hãng Bio - Rad sản xuất đã được đơn vị nhập khẩu, phân phối lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Theo ông Tuấn, việc tổng rà soát mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất của Bio - Rad trong toàn ngành y tế phải “hồi cứu” từ thời điểm năm 2005 đến nay, mặc dù Bio - Rad đã rút khỏi thị trường VN từ hơn một năm trước (2013).
Ông Tuấn cho rằng, có thể xảy ra tình trạng thiết bị y tế bị đẩy giá lên cao qua “đường đi" lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian. Để kiểm soát được giá, khi đấu thầu mua sắm thiết bị, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà sản xuất phải có Giấy ủy quyền phân phối duy nhất của hãng cho nhà phân phối, cung cấp thiết bị tham gia đấu thầu.
Theo ông Tuấn, ngoài việc cung cấp trang thiết bị cho các đơn vị y tế, không ngoại trừ việc công ty này còn cung cấp trang thiết bị cho các đơn vị nghiên cứu ngoài ngành y.
-------------------------