Cán bộ trung tâm quỹ đất bán chung cư ‘ảo’
Ngày 25.10, Cơ quan CSĐT Công an TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Ngô Ngọc Văn (43 tuổi, trú TP.Huế), là cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) TP.Huế để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 5 - 9.2014, lợi dụng sơ hở trong quản lý hồ sơ các khu chung cư ở P.Hương Sơ (TP.Huế), ông Văn đã lập hồ sơ giả bán cho 5 hộ dân, chiếm đoạt gần 400 triệu đồng.
Theo ông Lê Việt Cường, Giám đốc TTPTQĐ TP.Huế, ông Văn là cán bộ bộ phận quản lý nhà, trực tiếp quản lý khu chung cư, nhưng không được quyền làm hợp đồng mua bán, cho thuê nhà. Nếu TTPTQĐ TP.Huế có chủ trương cho thuê, bán nhà thì tiền phải được chuyển vào kho bạc, không phải giao tiền mặt như ông Văn làm.
-------------------------
Cán bộ chi cục thú y nhiều lần bị dọa giết
Thông tin này được ông Huỳnh Tấn Phát, chi cục phó Chi cục Thú Y TP đưa ra tại hội thảo An toàn vệ sinh thực phẩm và những vấn đề người tiêu dùng quan tâm, do Viện tâm lý và giáo dục pháp luật phối hợp với Hội Luật gia TP.HCM tổ chức, sáng 25-10.
Ông Phát cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 6-8 vụ cán bộ của chi cục bị hành hung. “Các đối tượng này tìm đến cả trường học của con chúng tôi, theo dõi thói quen sinh hoạt rồi dàn cảnh tấn công trên đường. Đó thực sự là một áp lực rất lớn đối với cán bộ thú y trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình”, ông Phát trăn trở.
Ông Phát cũng cho biết thêm, từ đầu năm tới nay, chi cục đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy hơn 600 tấn thực phẩm bẩn, số vụ có giảm nhưng tang vật thì tăng hơn so với cùng kỳ năm trước 10%.
“Có một cơ sở sản xuất mỡ bẩn ở H.Bình Chánh đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng sau đó lại đổi tên, tiếp tục hoạt động. Ba bốn lần như vậy, mình biết bản chất là cùng một cơ sở thôi, nhưng không có chế tài nào để coi đây là một tình tiết tăng nặng để xử lý. Mà cũng chỉ xử lý phạt hành chính, phạt hết khung thì thôi, không xử lý hình sự được”, ông Phát cho biết.
Bác sỹ Huỳnh Mai, Chi cục Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP, thông tin trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn TP xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 418 người mắc. Số vụ việc có giảm nhưng những vụ việc vi phạm bị phát hiện có tính chất ngày càng nghiêm trọng: cơm sinh viên trộn hóa chất, dùng hàn the chế biến thực phẩm, thịt thối thành đặc sản...
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết: “Tôi vừa dự một hội thảo về an toàn vệ sinh thực phẩm do Viện Hóa học tổ chức, nhiều chuyên gia nói rằng, có những hóa chất được sử dụng để bảo quản thực phẩm Trung Quốc còn chưa có trong danh mục hóa chất của Việt Nam, chúng ta còn chưa định danh được nó là chất gì”.
Bà Thu cũng cho rằng: người tiêu dùng là lực lượng đông đảo, nhưng là người yếu thế, bị động.
-------------------------
Ngân hàng để ATM hết tiền sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng
Từ ngày 12/12, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng.
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 202 và 95.
Ngoài ra, mức tiền phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các hành vi như: để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật cũng sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền, Chính phủ quy định mức phạt 100 triệu đến 150 triệu được áp dụng với việc thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác…
Trong hoạt động kinh doanh vàng, mức phạt tiền từ 30 triệu đến 60 triệu đồng áp dụng cho hành vi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; khối lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch; hoặc có niêm yết giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng nội dung không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Nếu kinh doanh mua, bán vàng hoặc mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định bị phạt đến 120 triệu đồng. Kinh doanh vàng miếng trái phép bị phạt đến 500 triệu đồng.
-------------------------
Nhiều mẫu thực phẩm chay chế biến sẵn bị nhiễm vi sinh
Ngày 25.10, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong tháng 10.2014, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh thức ăn chay chế biến sẵn và kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, đồng thời lấy 23 mẫu thực phẩm chay, gồm 5 mẫu kiểm tra nhanh hàn the và 18 mẫu gửi cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm để giám sát các mối nguy an toàn thực phẩm.
Kết quả, có 3/5 mẫu kiểm tra bằng test nhanh dương tính với hàn the, 4/8 mẫu thực phẩm chay chế biến sẵn ăn ngay bị nhiễm vi sinh. Trong đó, nguy hiểm nhất có 2 mẫu bị nhiễm tụ cầu vàng (staphylocosus aureus), tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến tử vong.
-------------------------
Nghệ An và Quảng Nam hủy công văn “phân biệt đối xử”
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Quảng Nam đã ra văn bản thay thế các công văn kêu gọi uống bia sản xuất trong tỉnh và sử dụng xi măng của công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 5290 ngày 28-7-2014 về việc chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Nội dung công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh phải “ưu tiên” dùng, giới thiệu, “quan tâm”, “tạo điều kiện thuận lợi về địa điềm kinh doanh”, “hỗ trợ thị trường” cho nhà sản xuất tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trong tỉnh.
Nội dung này bị dư luận phản ứng. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản “tuýt còi” vì những nội dung chỉ đạo trên là không có căn cứ, tạo ra sự “phân biệt đối xử”, “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp sản xuất bia ở Việt Nam.
Sau khi bị “tuýt còi”, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản thay thế cho văn bản 5290, không còn nội dung kêu gọi sử dụng sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành công văn số 4358 thay thế công văn số 1747.
Công văn 1747 của UBND tỉnh Quảng Nam từng bị dư luận phản ứng và bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì có nội dung kêu gọi các sở, ban, ngành… phải ký hợp đồng mua xi măng với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2, yêu cầu Xi măng Xuân Thành 2 cung cấp kịp thời thông tin giá sản phẩm xi măng cho UBND các huyện, thành phố…
-------------------------