Bắt hai đại gia thủy sản chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng
Ngày 19-11-2014, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Cà Mau triển khai quyết định khởi tố bị can, bắt giam bà Đặng Thị Ngợi - Giám đốc Xí nghiệp (XN) chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản Ngọc Sinh (trụ sở đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Phan Minh Nhật - Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Minh Châu (ở ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) về hành vi trên nhưng đối tượng đã bỏ trốn. Hai doanh nghiệp này chiếm đoạt của Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) hơn 700 tỷ đồng.
Sau khi mua lại một cơ sở đông lạnh, bà Ngợi xây dựng XN Ngọc Sinh. Tuy không hoạt động nhưng từ ngày 3-7 đến 23-9-2009, XN này vẫn được VDB Minh Hải giải ngân 18 lần với gần 300 tỷ đồng. Điều đáng nói là dù không có khả năng chi trả, VDB Minh Hải vẫn tiếp tục hào phóng cho vay tiếp gần 12 tỷ đồng, đến nay tiền lãi gần 130 tỷ. VDB Cà Mau kiểm tra lại tài sản của Ngọc Sinh chỉ được 90 tỷ, XN này đã gây thất thoát ngân sách gần 600 tỷ. Tương tự, Công ty Minh Châu được VDB Minh Hải cho vay không có khả năng thanh toán hơn 170 tỷ đồng. Qua kiểm tra hợp đồng xuất khẩu tín chấp phát hiện hai doanh nghiệp trên và một số công ty thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau làm khống hồ sơ để thế chấp ngân hàng. Hậu quả, VDB Minh Hải thất thoát hơn 1.200 tỷ đồng chưa thu hồi được.
Trước đó, như thông tin Báo CATP phản ánh, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng đã tạm giam ông Trần Tấn Mẫn, nguyên Giám đốc VDB Minh Hải cùng hai cán bộ thuộc quyền là Huỳnh Quang Xuân, Trần Kiều Oanh; các đối tượng: Vũ Văn Hoan - nguyên Phó giám đốc, Phan Văn Toàn, Phan Thành Hải bị cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi "vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng".
-------------------------
Nhóm trấn lột tiền của doanh nghiệp được giảm án
TAND Tối cao tại Đà Nẵng ngày 18.11 đã mở phiên phúc thẩm xét xử băng nhóm bảo kê trấn lột tiền của các chủ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, gồm: Lê Văn Thừa, Lương Văn Linh, Đào Văn Anh, Nguyễn Hữu Việt, Trần Hòa, Nguyễn Anh Sơn.
Theo hồ sơ điều tra, từ tháng 7.2011 - 5.2013, nhóm đối tượng trên đã thực hiện hành vi uy hiếp 10 chủ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn và chiếm đoạt với tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Trước đó, TAND tỉnh Quảng Trị xử sơ thẩm vụ án hình sự “Cưỡng đoạt tài sản” đối với nhóm đối tượng trên và tuyên phạt Lê Văn Thừa, Lương Văn Linh mỗi bị cáo 3 năm tù; Trần Hòa 2 năm tù; Đào Văn Anh, Nguyễn Hữu Việt và Nguyễn Anh Sơn mỗi bị cáo 18 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. HĐXX phúc thẩm đã tuyên giảm hình phạt cho các bị cáo Lê Văn Thừa, Lương Văn Linh còn 2 năm tù, bị cáo Trần Hòa được giảm xuống còn 18 tháng tù.
-------------------------
Vây bắt xe tải chở gỗ lậu
Sau nhiều đêm theo dõi, mật phục, lúc 2h30 ngày 19.11, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ một xe tải chở gỗ lậu.
Thời điểm nói trên, khi đang mật phục trên quốc lộ 8A (đoạn qua địa bàn xã Sơn Long, huyện Hương Sơn), các chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải BKS 37N - 0234 do Phan Anh Tuấn (42 tuổi, trú xóm 10, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn) điều khiển chở gần 5m3 gỗ lậu các loại (từ nhóm V đến nhóm VIII).
Khi kiểm tra, tài xế đã không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của số gỗ nói trên.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai nhận số gỗ trên được một đầu nậu buôn gỗ (không rõ danh tính) thuê chở từ xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) về huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) để tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ tang vật và phương tiện để tiếp tục điều tra.
-------------------------
Lời khai của người tạo IC giả giúp cây xăng gian lận
Khi muốn ăn bớt sản phẩm của khách hàng, nhân viên bơm xăng chỉ cần một thao tác rất đơn giản trên bảng điện tử là có thể thực hiện được nhờ cài hệ thống IC giả.
Ngày 18/11, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an Nghệ An) cho biết đang tạm giữ Trần Lê Đức (35 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra, mở rộng chuyên án "Sản xuất chíp điện tử nhằm gian lận xăng dầu".
Bước đầu, PC 46 cùng Sở Khoa học và Công nghệ phát hiện 11 cây xăng trên địa bàn có gắn IC giả để ăn bớt tiền của khách hàng. Chủ các cửa hàng vi phạm cho biết đã lắp đặt sản phẩm này khoảng 3 tháng trở lại đây.
Lực lượng chức năng đã thu hơn 200 IC khi sản phẩm này chưa kịp tung ra thị trường cùng 2 máy sản xuất IC giả.
Từ lời khai của những người mua IC giả, cảnh sát đã lần ra nghi can chế tạo sản phẩm này.
Trần Lê Đức cho biết anh ta có 3 năm theo học ngành công nghệ. Năm 2008, sau thời gian tìm hiểu, nam thanh niên bắt tay sản xuất chip điện tử IC giả. Sau khi mua những chiếc IC thật, Đức thuê người giỏi công nghệ lập chương trình giả rồi cài vào các IC có sẵn để cho chạy song song hai chương trình thật - giả. Mỗi IC này được quy định một mật mã riêng theo từng kí hiệu trên bảng điện tử sẵn có ở các cây xăng.
Nếu cửa hàng nào muốn lắp đặt, thợ sẽ mở bàn phím ở cột xăng thay thế IC thật bằng IC giả. Khi muốn ăn bớt sản phẩm của khách hàng, nhân viên bơm xăng chỉ cần một thao tác rất đơn giản trên bảng điện tử là có thể bớt được từ 4-11,6% (100 lít bớt được 4-11,6 lít ) trong tổng số xăng cần bơm. Khách hàng nếu quan sát bằng mắt thường thì rất khó để phát hiện vì trên màn hình cột xăng vẫn thể hiện các chỉ số đơn giá, số lượng xăng dầu bơm cho khách.
Trong trường hợp nếu bị khách phát hiện thì chỉ cần bấm một số ngầm định sẵn nào đó hoặc ngắt nguồn điện cung cấp cho cột bơm rồi bật lại thì bảng điện tử lại chạy chương trình đúng.
Nhà chức trách nhận định việc mua bán, lắp đặt IC giả này không chỉ có trên địa bàn Nghệ An mà nó còn diễn ra trên nhiều cây xăng tại các tỉnh thành khác. Với mỗi IC được lắp đặt hoàn chỉnh có giá 5 triệu đồng.
Ban chuyên án cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng, phối hợp với công an các tỉnh khác để phát hiện những cơ sở kinh doanh ăn cắp xăng dầu khách hàng bằng hình thức tinh vi này. 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu bị phát hiện sử dụng IC giả để gian lan theo Nghị định sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng.
------------------------
Làm thuê cho cây xăng, bị hành hạ đến tiều tụy?
Sau khi được gia đình giải thoát, Trần Văn Tuân (20 tuổi, quê Bắc Giang) tố đã bị ông chủ cây xăng ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) và vợ giam cầm, đánh đập, không trả lương.
Ngày 17/11, gia đình đã đưa Trần Văn Tuân đến công an huyện Thống Nhất để tố cáo vụ việc.
Liên tục bị hành hạ
Ông Trần Văn Thành (anh họ của Tuân) cho biết khi nghe Tuân điện thoại báo về bị người quản lý ở cây xăng Đặng Văn Bích (đóng trên quốc lộ 1, thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) là ông Phạm Ngọc Bản và vợ đánh đập nên đã tìm cách giải cứu, báo công an.
Tuy nhiên, đến lần thứ tư ông và gia đình mới giải cứu được Tuân. Ông Thành cũng cho hay những lần giải cứu trước, khi ông đưa ra khỏi cây xăng để về công an xã Bàu Hàm 2 thì Tuân không thừa nhận ông là người nhà.
Tuân cũng khai với công an không bị đánh, trong khi anh này rất tiều tụy, thân thể bị nhiều sẹo, tai có vết cắt. Đến ngày 12/11, cha của Tuân cùng người thân ở Bắc Giang thuê xe vào Đồng Nai tìm đến cây xăng mới đưa con thoát khỏi cảnh bị đày đọa.
Tìm đến một căn nhà trọ ở quận 9, TP.HCM chúng tôi thấy Tuân có nhiều vết sẹo trên đầu và khắp thân thể có nhiều vết cắt. Tay chân anh cũng bị nhiều vết nứt nẻ, phỏng được Tuân cho là do người quản lý cây xăng tức giận tạt nước tẩy.
Tuân kể: “Tôi bị ông Bản ở cây xăng và vợ ông ấy dùng ổ khóa, cây đánh vào đầu vào tai gây thương tích. Có lúc tôi quỳ lạy xin tha nhưng họ khó chịu, không hài lòng việc gì đó là kêu tôi vào phòng đánh hoặc ném ly vào đầu...”.
Theo lời thanh niên, năm 2011 nhờ người quen ở quê anh xin vào làm ở cây xăng Đặng Văn Bích và được ký hợp đồng hai năm rưỡi (25 triệu đồng/năm) để bán xăng và làm việc nhà. Gần cuối tháng 9/2013, người quản lý cây xăng đưa Tuân ra bưu điện chuyển tiền về nhà 35 triệu đồng.
Sau đó, tiền lương còn lại họ lập sổ tiết kiệm cho Tuân nhưng giữ lấy. Tuân nói: “Bà vợ ông Bản ký hợp đồng tiếp với tôi 15 tháng để dọn cỏ, quét nhà với giá 100 triệu đồng nhưng sau đó tôi bị hành hạ thân xác chịu không nổi phải tìm cách bỏ trốn”.
Không dám khai thật vì sợ mất lương
Ngày 17/11, chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Ngọc Bản - người bị tố đã đánh đập Tuân. Ông Bản xác nhận ông và vợ được người bác giao quản lý cây xăng.
“Trần Văn Tuân từng làm việc tại cây xăng Đặng Văn Bích được vài năm và đã nghỉ việc”, ông Bản nói. Tuy nhiên, ông nói thông tin chi tiết về tiền lương, hợp đồng của Tuân do vợ ông nắm. Còn về việc đánh đập Tuân thì ông nói: “Tôi không biết vì hay đi đi về về. Có gì tôi hỏi lại vợ rồi thông tin lại sau”.
Đề cập vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Tùng - trưởng Công an xã Bàu Hàm 2 - cho hay công an xã từng mời đại diện cây xăng, gia đình và Tuân về làm việc.
Tuy nhiên, khi hỏi trực tiếp về sự việc trên thì Tuân nói không có. Gia đình kêu con về nhà, nghỉ việc luôn nhưng Tuân cũng không về. “Vì bị hại không thừa nhận bị đánh nên công an không thể tiếp tục xử lý”, ông Tùng giải thích.
Còn ông Luân - công an viên xã Bàu Hàm 2, người tiếp nhận vụ việc - cho biết: “Công an xã đã tách Tuân ra để hỏi riêng nhưng người này vẫn khăng khăng là không có chuyện gì xảy ra... và nguyện vọng được tiếp tục làm tại cây xăng Đặng Văn Bích. Kể cả khi gia đình hỏi về hay làm ở đó, Tuân vẫn đòi làm ở cây xăng chứ không về nhà”.
Nói lý do không khai thật với công an, Tuân giải thích: “Khi ra công an tôi bị người ở cây xăng hăm dọa giết, không trả lương. Họ nói “mày khai là mất hết tất cả” nên tôi không dám nhận người thân của mình và nói không bị ai đánh. Tôi phải cam chịu vì tiếc tiền lương đã làm thuê bao nhiêu năm”.
Cũng theo Tuân, sau khi ở công an trở về, anh tiếp tục bị đánh đập.
Chiều cùng ngày, gia đình Tuân cho hay đã được công an huyện Thống Nhất mời lấy lời khai và ghi nhận vụ việc. Gặp điều tra viên, Tuân đã khai rành mạch từng người ở cây xăng đã đánh đập anh...
--------------------------