Trưởng phòng Y tế huyện bị đánh nứt sọ não tại nhà riêng
Ngày 20.10, ông Võ Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) cho biết Công an huyện đang điều tra, làm rõ việc bà Dương Thị Duyên (48 tuổi), Trưởng phòng Y tế huyện bị hành hung.
Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 19.10, một người đàn ông đến nhà bà Duyên ở tổ dân phố 2, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo để hỏi thăm bà rồi dùng gậy đánh liên tiếp vào đầu, mặt khiến bà Duyên ngã xuống bất tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ea H’leo, cho biết bà Duyên được người nhà đưa vào cấp cứu lúc 19 giờ 15 phút ngày 19.10.
Qua chẩn đoán, bệnh viện xác định bà Duyên bị một vết thương dài 10 cm trên đỉnh đầu làm nứt sọ não, gãy 2 răng cửa hàm trên, toạc môi dưới. Hiện bà Duyên đã qua cơn nguy kịch, đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Cũng theo ông Võ Văn Tập, việc bà Duyên bị hành hung nhiều khả năng liên quan đến việc gần đây Phòng Y tế huyện Ea H'leo tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân vi phạm, các cơ sở ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
-------------------------
Tin thêm về vụ nổ tại chi nhánh của Công ty Đặng Huỳnh
Theo nguồn tin từ một điều tra viên, vụ nổ xảy ra tại chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại Đặng Huỳnh (66/2 Lê Thị Riêng, Q.12, TP.HCM, gọi tắt là Công ty Đặng Huỳnh) là vụ nổ hóa chất.
Khi xảy ra vụ nổ, những loại hóa chất nào có thể nổ thì đã nổ hết. Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường chỉ tìm được một số hóa chất không có khả năng nổ.
Chưa đủ cơ sở để khẳng định nguyên nhân của vụ nổ là do các công nhân trong xưởng sử dụng bình gas đun nước nóng lên rồi nhúng màng co (bằng nilông) vào để làm mềm trước khi bịt lên miệng các loại chai, lọ.
Một nguồn tin từ công an khẳng định việc chi nhánh Công ty Đặng Huỳnh dùng hóa chất sản xuất phân bón và gây nổ là phạm luật, doanh nghiệp này không được phép sử dụng hóa chất sản xuất phân bón tại chỗ.
Báo cáo ngày 18-10 của UBND Q.12 có nêu chi nhánh xảy ra vụ nổ thuộc Công ty Đặng Huỳnh (có trụ sở chính đặt tại số 305/20/10/8 đường TA19, khu phố 5, P.Thới An, Q.12), do ông Huỳnh Văn Hải (44 tuổi) làm giám đốc.
Công ty Đặng Huỳnh được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp phép hoạt động với ngành nghề: sản xuất và mua bán giống cây trồng, mua bán vật tư nông nghiệp (trừ thuốc bảo vệ thực vật), tư vấn kỹ thuật về cây trồng, chế biến và mua bán nông sản (trừ chế biến thực phẩm tươi sống tại trụ sở), sản xuất phân bón (không sản xuất tại trụ sở).
Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng - đội trưởng Đội quản lý thị trường 12B (Q.12), Công ty Đặng Huỳnh từng mướn một lô đất kế bên (không địa chỉ) để làm xưởng sản xuất phân bón lá. Ngày 21-9-2004, lực lượng quản lý thị trường phát hiện xưởng này không có giấy phép hoạt động nên đình chỉ hoạt động, sau đó xử phạt 11.750.000 đồng về hành vi “kinh doanh phân bón lá không phép, không nhãn hàng hóa và không công bố chất lượng”.
-----------------------
Cử tri phản ánh bệnh viện Việt Đức thu tiền không biên lai
Một số ý kiến cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội (QH) nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức QH theo hướng tăng số lượng đại biểu QH hoạt động chuyên trách nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của QH. QH nghiên cứu, sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội nhân dân theo hướng hạn chế phong quân hàm cấp tướng...
Về y tế, đáng lưu ý có ý kiến cử tri huyện Mỹ Đức phản ánh: tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội xảy ra hiện tượng thu tiền không biên lai. Theo đó, ngoài các khoản phải nộp theo quy định, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế trước khi mổ ở bệnh viện này, phải nộp 4 triệu đồng. Trong đó, 2 triệu đồng có phiếu thu kèm theo bản cam kết bệnh nhân không được kiện bệnh viện về khoản thu này. Khoản 2 triệu đồng còn lại bệnh viện không có biên lai giấy tờ chứng nhận bệnh nhân đã nộp tiền.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý cho cử tri được biết.
Cử tri cũng tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu điều chỉnh các quy định về quy trình khám, chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm Y tế nhằm khắc phục tình trạng người bệnh nặng vẫn phải điều trị theo tuyến. Khi lên được tuyến trên thì bệnh đã quá nặng, gây khó khăn trong việc khám, chữa bệnh và tốn kém cho gia đình bệnh nhân.
Về kinh tế, cử tri cho rằng, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cử tri tiếp tục cho rằng, cơ chế thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy hiện nay là bất hợp lý. Nhiều tỉnh, thành phố chưa triển khai thu phí này, chưa có quy định để đảm bảo quyền lợi của người thực hiện nhiệm vụ thu ở địa phương, chế tài xử lý các trường hợp không nộp phí chưa đủ mạnh, biên lai thu phí quá mỏng... Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu không thu phí bảo trì đường bộ hoặc có cơ chế thu khoản phí này phù hợp hơn, đảm bảo công bằng.
-------------------------
Vợ TTGT nhảy lầu tự tử nêu nghi vấn: Công an Đăk Nông nói gì?
Gia đình nêu hàng loạt nghi vấn về cái chết của nạn nhân và đề nghị Cục Điều tra VKSND Tối cao vào cuộc.
Ngày 17-10, bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Nguyễn Tấn Mẫn, Đội trưởng thanh tra giao thông, trạm phó trạm cân 56 (Sở GTVT tỉnh Đắk Nông), đã gửi đơn lên Cục Điều tra VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng kêu cứu về cái chết của chồng. Bà cho rằng Công an tỉnh Đắk Nông thông tin việc ông Mẫn chết là do nhảy lầu tự tử vào chiều 9-10 là không đúng và cái chết của ông Mẫn có dấu hiệu bất thường.
Trong đơn, bà Tuyết cho biết lúc 16 giờ 8 phút ngày 9-10, em ông Mẫn gọi điện thoại hỏi thăm và ông Mẫn trả lời rất bình thường: “Anh đang làm việc với công an, lát nữa xong việc anh gọi lại”. Nếu thật sự ông Mẫn được ra ngoài đi vệ sinh, sao ông không gọi điện thoại lại cho người em?
“Khoảng 16 giờ 20 ngày 9-10, tôi gọi điện thoại, anh Mẫn trả lời: “Em đi đón con rồi về nấu ăn đi, lát nữa anh về”, như vậy nạn nhân chưa chuẩn bị cho việc tự tử” - bà Tuyết nêu.
Bà Tuyết nêu: Sự việc xảy ra tại cơ quan công an tỉnh vào cuối giờ hành chính, trong không gian là dãy nhà ba tầng hình chữ U có rất nhiều người. Lúc đó sắp đến giờ nghỉ mà không có một ai nhìn thấy là hoàn toàn vô lý? Nạn nhân đi vệ sinh hơn 10 phút, đi từ tầng 2 lên tầng 3 mà không gặp bất kỳ ai. Chỗ lan can có đôi giày được cho là nơi nạn nhân nhảy xuống là cửa ra vào của một phòng làm việc, không lẽ người trong phòng nhìn ra mà không thấy gì?
“Về hiện trường, sân nơi được cho là vị trí nằm của nạn nhân khi rơi xuống có ba vết máu ở ba viên gạch liền kề có thể là đầu - mình - chân, nằm song song với bờ tường. Một người nhảy lầu tự tử thì không thể xoay người song song với bờ tường được…
Ở tầng 2 (lầu 1), nơi được cho là có phòng làm việc của cán bộ điều tra với ông Mẫn thì hành lang, phòng làm việc, nhà vệ sinh và cầu thang đều rất bẩn, lâu ngày không được lau rửa. Lúc khám nghiệm hiện trường, điều tra viên tên T. giải thích với chú của tôi là không có tạp vụ nên lâu lâu anh mới lau một lần. Tuy nhiên, khi bước lên tầng 3 (lầu 2) thì hành lang và nhà vệ sinh rất sạch, không có hạt bụi nào bám vào chứng tỏ nhà vừa mới được lau rửa và anh T. công nhận điều này. Từ đó chúng tôi dự đoán có thể xảy ra xô xát ở tầng 3, có chảy máu ở đây nên đã được lau sạch trước khi khám nghiệm?” - đơn bà Tuyết nêu.
“Vì sao nạn nhân để lại giày trước khi nhảy lầu?... Từ những dấu hiệu ghi nhận được tại hiện trường, chúng tôi suy đoán là ông Mẫn đã chết hoặc bị thương nặng tại tầng 3 (lầu 2) máu chảy ra nhiều tại đây nên tầng 3 đã được lau rửa sạch sẽ trước khi gia đình chúng tôi có mặt…
Nạn nhân đã chết trước khi được đưa đến bệnh viện, chân không đi vớ. Bác sĩ và sau đó là người nhà nạn nhân tìm khắp nơi mà không thấy. Nhưng khoảng 7 giờ 30 sáng 10-10, khi chuẩn bị khám nghiệm tử thi thì công an đưa ra một đôi vớ, bảo là của nạn nhân rồi yêu cầu đưa vào biên bản khám nghiệm” - bà Tuyết nêu trong đơn.
Theo bà Tuyết, ông Mẫn mới nhận chức đội trưởng và trạm phó khoảng vài tháng thì số tiền nhận hối lộ (nếu có) cũng chưa nhiều và chưa thể gây ra sự hoang mang cao độ để có thể tự tử. Mẫn là con trai cả trong gia đình, có cha và mẹ đang bệnh nặng (hai ông bà bị tai biến nặng từ năm năm nay), vợ và hai con còn thơ dại lại ở xa ông bà, cha mẹ. Vì vậy không thể có chuyện bồng bột nhảy lầu tự tử được. “Chồng tôi từ trước đến nay tâm lý bình thường, điềm đạm và rất vững vàng với các sự cố đặc biệt, vì vậy không thể vì nghi án nhận hối lộ mà tự tử”.
Từ hàng loạt nghi vấn, bà Tuyết yêu cầu Cục Điều tra VKSND Tối cao vào cuộc điều tra vì cho rằng con của một lãnh đạo công an tỉnh tham gia điều tra, lấy lời khai nhưng vụ việc để công an tỉnh điều tra, kết luận là không khách quan.
---------------------------
Nguy cơ mất an toàn tại điểm xuất phát đường sắt trên cao
Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng vừa có ý kiến về chất lượng phiến dầm số 1 dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).
Theo Hội đồng, phiến dầm số 1, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) được đúc đầu tiên, công nghệ đúc chưa thực hiện tốt, tổng thầu chưa lường trước được thời gian để bê tông kéo dài.
Trong quá trình thi công, đã xảy ra hiện tượng bê tông giảm độ xụt nhanh, mất độ linh động và nhanh đông cứng. Sau khi tháo ván khuôn, bề mặt bê tông bị rỗ nhiều. Tại một số vị trí góc cạnh tiếp giáp với ván khuôn bê tông không được lấp đầy và không đặc chắc, đặc biệt, ở các mặt bên trong dầm hộp.
Trước tình trạng này, tổng thầu đã tự ý dùng vữa xi măng để trám vá tại những vị trí bị khiếm khuyết trước khi Hội đồng đến kiểm tra. Theo Hội đồng, chất lượng phiến dầm sau khi đúc không đáp ứng các quy định của tiêu chuẩn về nghiệm thu kết cấu xây dựng của dự án.
Với những khiếm khuyết về chất lượng, nếu đưa phiến dầm này vào khai thác, thì sức chịu tải của dầm sẽ bị suy giảm theo thời gian do tác động của hoạt tải liên tục, kết cấu giầm sẽ không đảm bảo tuổi thọ theo thiết kế, nguy cơ xảy ra mất an toàn chịu lực trong quá trình khai thác. Đây là hạng mục có yêu cầu rất cao về an toàn, nên Hội đồng yêu cầu không sử dụng phiến dầm này cho dự án.
------------------------